Kể chuyện chấm thi cho thí sinh khiếm thị
10:48', 20/8/ 2006 (GMT+7)

Làm nghề dạy học đã nhiều năm, tưởng chẳng có gì trong môi trường giáo dục có thể làm mình ngạc nhiên, ít ra là trong thi cử chẳng hạn. Nhưng gần đây (27.7.2006), khi được phân công, được chấm những “bài thi” của các thí sinh khiếm thị tôi lại cứ bần thần. Đây là lần đầu tiên trên cả nước, Đại học Huế tổ chức thi đại học cho những người khiếm thị. Những người đó học hành ra sao? Vì sao họ có thể công nhiên đứng cùng đẳng cấp với những người mắt sáng, tai tinh?

 

Giờ Tin học của học sinh khuyết tật ở Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga. Ảnh: Đ.T.Đ

 

1.

Ông Lê Tài Thuận, Phó Ban Đào tạo của Đại học Huế động viên chúng tôi: “Họ chỉ ao ước được gia nhập và hoà chung với cộng đồng. Họ muốn “kiểm tra” khả năng, kiểm tra cái năng lực biết sống và có thể sống như một người bình thường”. Tôi thắc mắc: “ Phải thi đề thi chung, phải làm bài và được chấm như quy chế của Bộ GD&ĐT; như thế có bất công và tàn nhẫn lắm không?” “Họ tự hào về điều đó”.

Câu trả lời ngắn và thật gọn của một người có trách nhiệm càng làm cho tôi háo hức. Ông Lê Tài Thuận còn cho biết thêm là trước đó, khi khảo sát để quyết định cho thi, chính ông đã đến tận chỗ ở của Hội Người mù Thừa Thiên Huế kiểm tra. Ông hỏi và những thí sinh sẽ dự thi đã trả lời bằng cách viết chữ Braille. Họ viết còn nhanh hơn cách ông đọc những câu thơ  nhiều hàm ý: Tiếng suối trong như tiếng hát xa. Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa. Cảnh xưa như vẽ người chưa ngủ. Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Trước khi chấm, Phó Trưởng Tiểu ban, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh đe tôi: “Ông nhớ chấm cẩn thận. Không được cộng thêm, không được ưu ái cho bất kỳ một sự khuyết tật nào. Đây là quy chế”. Tôi cười méo, nói với xếp là ổng cứ yên tâm. Hơn ai hết, tôi muốn biết năng lực thật của những người khuyết tật như thế nào. 20 năm trong “nghề” luyện thi đại học, tôi tin mình đủ năng lực để cảm nhận và đánh giá chính xác bài thi của một thí sinh.

Năm nay, Đại học Huế có 5 thí sinh khiếm thị dự thi. Một người thi vào khối B, ngành Y tế Cộng đồng. 4 người còn lại là Nguyễn Thị Thuý Quyên, Lê Thị Bảo Thành, Nguyễn Đăng Cảnh Cường và Nguyễn Văn Duy thi vào ngành Công tác Xã hội, khối C. Địa chỉ của người và ngành được chọn làm cho cái thân tôi đã từng chai lỳ giữa cuộc đời không thể không bất giác giật mình. Ít nhất, tôi hiểu, đó là những người thiết tha yêu, thiết tha muốn cống hiến cho cuộc đời.

Trong khi ấy, một người như tôi, sáng mắt lành môi đã bao giờ có được ý thức rõ ràng mình sống vì cộng đồng chưa? Tôi còn được biết rằng, Bộ chấp nhận cho tuyển thẳng những người khiếm thị vào học nhưng chính họ - lại là những người kiên quyết không muốn được ưu tiên (!)

Chuyện đời, nghĩ cũng thật lắm điều xa điều xót. Bao nhiêu tiêu cực của ngành giáo dục trong thời gian qua đều do những người lành lặn về thể chất nhưng thiểu năng về nhân cách gây ra. Xét về trí tuệ và ý chí, họ còn thiểu năng hơn nữa về khả năng sống. Xem ra, chất lượng cuộc sống luôn nằm ở đâu đó trong cái góc khuất.

2.

Hội đồng chấm thi chuyển về cho chúng tôi 4 cái băng cassett. Hôm thi, nghe đâu tổ chức công phu lắm. Giám thị đọc đề thi cho thí sinh. Thí sinh viết chữ braille soạn bài thi. Tất nhiên chẳng có giáo viên nào biết cách để đọc những chữ đó. Do vậy, làm bài xong, chính những thí sinh ấy phải giảng giải lại những điều đã viết qua máy ghi âm.

4 cuộn băng được đặt trên trên bàn cô độc và gần như “lạc đề” bên cạnh những túi bài thi. Đó là 4 bài thi trong tổng số hơn 11.000 bài thi khối C của Đại học Huế.

Đến hôm nay, sau 10 ngày chấm thi, tôi đã chấm được gần 40 túi, trung bình mỗi túi có trên dưới 30 bài. Tôi đã thử thống kê. 30% tổng số bài có điểm từ O đến 2. 65% có điểm từ 2,25 đến 4,75. 5% còn lại là từ 5 trở lên. Trong cái thiểu số 5% đầy trăn trở của “lịch sử nước nhà” ấy, tôi chỉ cho được 6 bài có điểm từ 6,5 đến 6,75. Không có điểm 7, điểm 8.

Sáu trên một ngàn hai trăm là chỉ số mà bất kỳ ai nghe qua cũng phải rùng mình: Có nghĩa là chỉ có 0,5% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ khá về môn lịch sử(!) Ngược lại, 95% chưa đạt độ trung bình. Chúng ta cứ nói mãi nói hoài về chất lượng, về những cung cách nâng cao chất lượng ấy. Thế nhưng hình như chúng ta đang loay hoay như những người mù, tìm cách để sờ và để xem “con voi hiểu biết”.

Những trang sử đẫm máu và nước mắt, đầy chất kiêu hãnh và tự hào ấy đã bị bóp méo, phủ mờ bởi những bài giảng, trang sách vừa khô khan, vừa nhàm chán. Đó là sự thật cho dù chúng ta đang cố gắng thay đổi sự thật đó bằng vô khối những mỹ từ.

Tôi mắc ống nghe vào tai rồi cầm cuộn băng thứ nhất: số phách ghi 217. Một giọng nam của tuổi 20 hơi ngập ngừng nhưng đầy tự tin vang lên. Tôi bị cuốn hút ngay lập tức bởi chất giọng xúc động của một người khiếm thị mà tôi chưa hề biết mặt. Đấy là cách “trả bài” của một người yêu vô cùng sự kỳ diệu của cuộc sống này. Còn hơn thế nữa là tình yêu, sự trân trọng và tự hào về lịch sử của một người chắc có lẽ chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời? Thí sinh trả lời ngay từ câu 1. Kinh nghiệm nghề nghiệp cho biết những ai biết bắt đầu từ đầu luôn là những người nắm vững vấn đề. Câu 1 đạt 1,75 trên tổng số 2 điểm. Trong 1200 bài mà tôi đã chấm, đây là người thứ năm đạt đến số điểm ấy trong câu khó nhất: Câu hỏi về tác động của chiến tranh thế giới thứ hai đối với Cách mạng Việt Nam. Câu 2 tôi cho 2/2,5; câu 3 là 1/2,5 và câu 4 là 2 điểm trên tổng điểm là 3. Bài thi đạt 6,75 điểm.

Không phải là bất ngờ mà còn hơn thế: sự ngỡ ngàng đến sững sờ. Dù gì đi nữa thì 25% người thi đạt điểm tối đa (theo cách chấm của tôi) cũng là một con số cực kỳ ấn tượng. Chấm có 4 bài thi nhưng “câu chuyện” thật là dài. Nghe đâu các đồng nghiệp môn văn chấm có điểm 6; 4,5 và 3,5; còn địa lý thì thấp hơn một chút. So với tổng thể 11.000 người thì đó là kết quả không tồi một chút nào. Có thể đây là một trong những điều tự hào của lịch sử - nhưng là lịch sử chấm thi (chỉ đại học chính quy mà thôi) của Đại học Huế: nghiêm túc và cẩn thận; rõ ràng và chi tiết đến từng công đoạn.

3.

Những người khiếm thị đã học và đã thi không hề thua kém, nếu không muốn nói là hơn hẳn vô khối người mắt sáng. Nghịch lý của cuộc đời nằm ở chính chỗ này: Rất nhiều thí sinh thi để “kiếm”, còn những người khiếm thị học để biết. Phải chăng vì không nhìn thấy chuyện đời xung quanh mình nên những người ấy cảm và hiểu được cái phần hồn của chính cuộc sống mà trên thực tế, chưa khi nào họ được sống trọn vẹn, đủ đầy? Lịch sử chỉ là lịch sử đích thực khi chính người học hay người dạy biết rõ cái phần hồn của nó. Không ít người chúng ta chán sử, vô tình với sử bởi chính chúng ta thờ ơ với số phận của muôn người.

Những người khiếm thị đã cạo mắt cho tôi. Tôi ước ao được một lần đứng trước họ trên giảng đường đại học, chỉ để nói rõ điều này.

  • Hà Văn Thịnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Nhân bản" tượng Chăm  (18/08/2006)
Thanh Loan thi hoa hậu  (14/08/2006)
Nông dân Hoài Nhơn đắng lòng với dứa   (16/08/2006)
Có một “trường thành” trong lòng núi Chúa   (11/08/2006)
"Hiệp sĩ bưởi" Tân Triều  (10/08/2006)
Nghề chép tranh ở Quy Nhơn  (10/08/2006)
Náo nức những ngày hội võ  (07/08/2006)
Hàng rong xứ Bắc  (04/08/2006)
Chuyện thường ngày ở… Bệnh viện Tâm thần  (03/08/2006)
Hoài Ân: Rừng phòng hộ bị… xẻ thịt  (02/08/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Giải cứu" cho chợ  (28/07/2006)
"Home stay" ở Quy Nhơn  (28/07/2006)
Những cuộc tìm kiếm mang tên "Trở Về"  (27/07/2006)
Công trình cầu vượt đầm Thị Nại: Sẽ hợp long đúng dịp 2-9  (26/07/2006)