Lao động nữ ở Phù Mỹ: Ở lại quê với nghề may
8:42', 23/8/ 2006 (GMT+7)

Đến nay, Nhà máy May Phù Mỹ (thuộc Công ty Vinatex Đà Nẵng) mới đi vào hoạt động được 1 năm nhưng đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 600 lao động tại chỗ...

 

Lao động tại Nhà máy May Phù Mỹ chủ yếu là phụ nữ. Ảnh: H.Y

 

* Ly nông không ly hương

Không khí làm việc tại Nhà máy May Phù Mỹ vào những ngày cuối tháng 8 trở nên nhộn nhịp, sôi động với lô hàng áo Jacket, đồ thể thao xuất khẩu. Ông Nguyễn Tiến Hiệp - phụ trách hành chính của nhà máy dẫn chúng tôi đi xem toàn bộ cơ sở hạ tầng của nhà máy và cho biết: “Đội ngũ công nhân ở nhà máy được đào tạo nghề đồng đều nên năng suất lao động cao”.

Nhà máy May Phù Mỹ hiện có 600 lao động đang làm việc, đa số đều là lao động nữ ở địa phương. Để có được những công nhân kinh nghiệm, ngay từ khi mới thành lập, nhà máy đã bỏ ra toàn bộ kinh phí đào tạo nghề, phụ cấp cho các học viên học nghề từ 5.000 - 12.000 đồng/ngày. Nguồn hỗ trợ này đã khích lệ công nhân nhanh chóng tiếp thu kiến thức, học tập kỹ thuật. Hiện nay, bình quân thu nhập của công nhân luôn giữ ở mức 600.000 - 1,2 triệu đồng/tháng. Nhà máy còn mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm xã hội và hỗ trợ gần 80% tiền ăn cho công nhân. Trước những ưu đãi của nhà máy, nhiều công nhân trước đây vào làm việc cho các công ty may ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... nay đã trở về nhà máy làm việc.

Chị Huỳnh Thị Phụng - thôn Trà Quang Nam, thị trấn Phù Mỹ - cho biết: “Trước đây, tôi xin vào làm công nhân ở Công ty May Nguyễn Hữu Hoàng, quận 12, TP. Hồ Chí Minh, thu nhập được 2 triệu đồng/tháng nhưng phải làm tăng ca, rất mệt mỏi; vả lại, giá cả chi tiêu khá cao nên dành dụm chẳng được bao nhiêu. Sau 1 năm làm việc ở Nhà máy May Phù Mỹ thu nhập của tôi luôn ở mức dao động từ 1 - 1,2 triệu đồng/tháng. Tuy thấp, chỉ hơn một nửa so với trước, song tôi tích cóp được nhiều hơn do gần nhà, giá cả rẻ. Chưa tính đến chuyện được ở gần gia đình, bè bạn”.

Trường hợp những công nhân như chị Phụng ở Nhà máy May Phù Mỹ không hiếm. Thậm chí, nhiều thợ may có cửa tiệm cũng xin vào làm cho nhà máy vì thu nhập ổn định. Chị Châu Thị Mỹ Linh (thôn Trà Bình Đông, xã Mỹ Hiệp) tâm sự: “Mình có mở một tiệm may nhỏ ở nhà nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ sống. Từ ngày vào nhà máy, nhờ kinh nghiệm trong nghề, thu nhập từ 900.000 đồng/tháng trở lên. Tối về tôi còn tranh thủ nhận may quần áo cho khách nên đời sống ổn định, lại còn phụ giúp thêm cho gia đình”. Một số công nhân ở các xã xa nhà máy như Mỹ Chánh, thị trấn Bình Dương... cùng nhau thuê nhà trọ ở gần nhà máy để làm việc. Giá nhà trọ ở thị trấn Phù Mỹ khá rẻ, thuê nguyên căn nhà cấp 4 chỉ từ 100.000 - 150.000 đồng/tháng. Nhiều người tiết kiệm đã có nhiều tiền dư gởi về phụ giúp gia đình. Bạn Kim Tuyền (thị trấn Bình Dương) cho biết, sau khi trừ mọi chi phí, Tuyền còn dành được khoảng 600.000 - 700.000 đồng gởi về quê mỗi tháng, phụ với cha mẹ nuôi 4 đứa em ăn học.

* Thêm việc làm mới

Theo ông Nguyễn Tiến Hiệp, nhờ có đội ngũ công nhân có tay nghề cao nên Nhà máy May Phù Mỹ hoạt động hiệu quả, chất lượng hàng may mặc luôn được các đối tác đánh giá cao. Nhà máy hiện đang dẫn đầu về số lượng sản phẩm, lợi nhuận so với các nhà máy khác của Công ty Vinatex Đà Nẵng. Công ty này đã quyết định tiếp tục đầu tư 11 tỉ đồng để mở thêm một phân xưởng may mới. Dự kiến phân xưởng sẽ thu hút thêm 500 lao động ở địa phương.

Ông Dương Minh Huyên - Trưởng phòng nội vụ - LĐTBXH huyện Phù Mỹ nhận xét: “Nhờ có Nhà máy May Phù Mỹ mà gần 600 lao động tại địa phương, nhất là lao động nữ có công ăn việc làm ổn định, góp phần giảm tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp ở Phù Mỹ xuống mức đáng kể. Đời sống của một số gia đình công nhân được cải thiện”.

Hiện nay, nhà máy đã chuẩn bị các điều kiện để hoàn thiện mình, chuẩn bị cạnh tranh cao khi Việt Nam gia nhập WTO. Công tác củng cố tổ chức, nâng cao tay nghề, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ sức khỏe, về Bộ luật Lao động cho công nhân được chú trọng. Hàng ngày, nhà máy công bố trên hệ thống loa nội bộ về năng suất lao động của từng tổ và mức thưởng dành cho những tổ hoàn thành vượt mức, chất lượng cao. Nhờ đó, công nhân luôn có ý thức làm việc, chấp hành nề nếp, sắp xếp hợp lý dây chuyền sản xuất để đạt năng suất, hiệu quả, chất lượng cao.

  • Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngư dân bỏ biển lên bờ  (21/08/2006)
Kể chuyện chấm thi cho thí sinh khiếm thị  (20/08/2006)
"Nhân bản" tượng Chăm  (18/08/2006)
Thanh Loan thi hoa hậu  (14/08/2006)
Nông dân Hoài Nhơn đắng lòng với dứa   (16/08/2006)
Có một “trường thành” trong lòng núi Chúa   (11/08/2006)
"Hiệp sĩ bưởi" Tân Triều  (10/08/2006)
Nghề chép tranh ở Quy Nhơn  (10/08/2006)
Náo nức những ngày hội võ  (07/08/2006)
Hàng rong xứ Bắc  (04/08/2006)
Chuyện thường ngày ở… Bệnh viện Tâm thần  (03/08/2006)
Hoài Ân: Rừng phòng hộ bị… xẻ thịt  (02/08/2006)
Còn không hở cốm ?  (31/07/2006)
"Giải cứu" cho chợ  (28/07/2006)
"Home stay" ở Quy Nhơn  (28/07/2006)