Nói đến rau Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) mà không đề cập đến rau má thì quả là một thiếu sót lớn. Người trồng rau má ở Nhơn Phú rất tự hào bởi họ là chủ của vùng chuyên canh rau má lớn nhất tỉnh. Với thu nhập cao gấp 10 lần trồng lúa, nghề trồng rau má đã giúp nhiều nông dân ở đây có cuộc sống khá ổn định.
|
Nông dân phường Nhơn Phú thu hoạch rau má. Ảnh: N.S
|
* Làng rau trong phố
Bỏ lại sau lưng những ồn ào, bụi bặm của phố phường, theo con đường bê tông dẫn từ đường Hùng Vương vào sâu trong khu dân cư phường Nhơn Phú, chúng tôi lạc vào một “làng” rau má rộng mênh mông. Hết đường bê tông rồi tới đường đất, vẫn là những ruộng rau má tiếp nối nhau xanh mát mắt. Làng rau má - vùng chuyên canh rau má của phường Nhơn Phú rộng hơn 60 ha (chiếm gần một nửa diện tích trồng rau của cả phường) và trải dài trên 3 khu vực: 3, 4, 5 kề nhau. Ở đây có khoảng 250 hộ trồng rau má, tập trung đông nhất ở khu vực 3.
Chúng tôi đến khi gia đình ông Võ Văn Tịnh (KV 3) đang thu hoạch rau má ngoài ruộng. Nếu nói về thâm niên trồng rau má, ông Tịnh đã có hơn 30 năm trong nghề. Ông kể: “Hồi trước là trồng theo kiểu nắm - mớ, tức trồng một chòm rau má trong vườn, đến kỳ thì cắt một rổ mang bán chung với các loại rau khác. Nay thì tôi trồng 2.000m2, mỗi năm thu hoạch cũng được 14 tấn rau”.
Nghề trồng rau má ở Nhơn Phú bắt đầu phát triển mạnh vào những năm 1987 - 1988. Giá rau má có lúc đội lên 4.000đ/kg, thị trường các tỉnh Gai Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Phú Yên, Đà Nẵng… hút hàng đã khiến nhiều người đầu tư vào nghề này. Năm 1997, từ vùng tập trung ở KV 3, rau má bắt đầu “nhảy” sang KV 4, 5 liền kề. Tính ra, trồng rau má cho lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm, gấp 10 lần trồng lúa. Vậy là người trồng lúa, hoa màu, trồng đậu phụng xuất khẩu đều bỏ sang trồng rau má. Người không có đất, thiếu nhân công cũng thuê đất, thuê lao động để làm. Hiện nay, hầu hết các nông hộ ở KV 3 đều đã bỏ lúa để trồng rau má.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Vân ở khu vực 5 trước làm nghề uốn tóc, sau thấy nhiều người làm rau má cho thu nhập khá, chị bèn chuyển nghề. Chị kể: “Tôi làm 3.500m2 rau má, trong đó đất của nhà chỉ có 400m2, còn đâu là thuê hết. Làm được 5 - 6 năm rồi, thu nhập cũng ổn định”. Con còn nhỏ, chồng làm công nhân nên đến mỗi kỳ thu hoạch, chị Vân đều phải thuê cả chục lao động để cắt rau.
* Khấm khá nhờ rau má
Đặc điểm của cây rau má là đầu tư ít và việc chăm sóc nhẹ nhàng. Người ta chỉ trồng rau má một lần và có thể thu hoạch trung bình là 10 năm. Ở chân đất bùn, rau má có thể đạt năng suất 1 - 1,2 tấn/500m2/lứa thu hoạch, còn đất chân cao thì chừng 500kg/500m2/lứa. Ngoài lúc thu hoạch (mỗi năm 7 lứa), thời gian còn lại người nông dân chỉ làm cỏ, chăm sóc, công việc khá đơn giản. Một người dân ở đây thật lòng: “Bây giờ rau chỉ có 1.000đ/kg, chứ nếu hạ xuống còn 800đ/kg thì vẫn khỏe hơn làm lúa”.
Từ trồng rau má, nhiều nông dân ở Nhơn Phú có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển. Ông Võ Văn Tịnh cho biết: “Nhờ trồng rau má, vợ chồng tôi mới có thể nuôi nổi 5 đứa con học cao đẳng, đại học. Chứ nếu làm lúa thì nói thật, chỉ lo cho 2 đứa là đã đuối sức”. Còn hộ ông Huỳnh Văn Lâm, với thu nhập từ 5.500m2 rau má, vợ chồng ông đã xây được căn nhà mới, cuộc sống khấm khá hơn. Ông Nguyễn Đình Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Nhơn Phú - đúc kết: “Nhờ có cây rau má, nhiều nông dân đã có thu nhập cao, từ đó sửa sang nhà cửa, sắm sửa các vật dụng hiện đại trong gia đình, lo cho con cái ăn học đầy đủ, đến nơi đến chốn”.
* Tìm thương hiệu cho rau má Nhơn Phú
Hiện nay, mỗi ngày nông dân Nhơn Phú xuất bán khoảng 10 tấn rau má. Ngoài bán trong tỉnh, rau má Nhơn Phú còn được mang đi tiêu thụ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum. Rau Nhơn Phú nói chung và rau má nói riêng đã có tiếng trên thị trường, nhưng xây dựng cho rau má Nhơn Phú một thương hiệu thì cho đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Khi chúng tôi hỏi: “Nghe nói trồng rau má phun nhiều thuốc sâu lắm?” thì nhiều người cho biết họ phun thuốc nhưng vẫn bảo đảm an toàn. Theo đó, trong một lứa rau má kéo dài 30 - 40 ngày, người ta phun thuốc sâu 2 lần, là lúc vừa thu hoạch xong, ruộng rau chỉ còn trơ gốc và lúc rau má mới lên lá non. Từ lúc này đến khi thu hoạch, nông dân phun thêm 2 lần thuốc kích thích tăng trưởng nữa chứ không hề phun thuốc sâu. Có thời gian các hộ trồng rau cũng đã thí điểm trồng rau má an toàn theo dự án của thành phố, nhưng khi hết dự án thì không ai trồng nữa vì tiêu thụ được quá ít.
Người trồng rau má ở Nhơn Phú rất tự hào về nghề của mình và nhiều người cho biết họ sẵn sàng làm rau má an toàn nếu có nơi bao tiêu sản phẩm. Ông Võ Văn Tịnh tâm tư: “Nếu có đơn vị đứng ra thu mua thì có thể tất cả chúng tôi sẽ làm rau an toàn, biến vùng rau má này thành vùng hàng hóa, để xây dựng cho rau má Nhơn Phú một thương hiệu”.
|