Hợp long cầu vượt đầm Thị Nại:
Nhịp cầu nối những bờ vui
8:4', 1/9/ 2006 (GMT+7)

Vào lúc 9 giờ 15 phút ngày 29-8, phiến dầm đầu tiên của nhịp thứ 23 thuộc gói thầu 15 đã được lao lắp hoàn thành, chính thức hợp long công trình cầu vượt đầm Thị Nại. Đây là thành tích thiết thực của ngành GTVT và các đơn vị thi công nhằm chào mừng kỷ niệm Quốc khánh 2-9, và cũng là sự kiện quan trọng làm nức lòng cán bộ và nhân dân tỉnh Bình Định. Theo lãnh đạo Sở GTVT, ngày 6-9 sắp đến, lễ thông xe kỹ thuật cầu vượt đầm Thị Nại sẽ được tổ chức trọng thể.

 

Công ty 473 lao phiến dầm đầu tiên hợp long cầu vượt đầm Thị Nại. Ảnh: C.H

 

Chúng tôi có mặt trên công trình cầu vượt đầm Thị Nại vào buổi sáng 29-8-2006. Hôm nay là một ngày đặc biệt, Công ty Xây dựng công trình giao thông (XDCTGT) 473 tổ chức hợp long cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam này. Dưới sự chỉ huy của kỹ sư Ngô Đức Toàn, đội cầu số 5 của Công ty được vinh dự nhận nhiệm vụ này. 8 giờ 30 phút, chiếc xe Kazmaz của Công ty 473 kéo phiến dầm được đặt trên xe goòng chạy trên 2 thanh tà vẹt đặt trên mặt cầu dẫn, từ phía bắc cầu từ từ tiến về phía Nam, vào vị trí cần trục lao dầm đã được nối thông giữa trụ cầu số 31 của cầu dẫn phía bờ Bắc với nhịp cầu chính (5 nhịp cầu liên tục giữa đầm). Khi phiến dầm đã được định vị và được câu móc vào cần trục lao dầm, thời gian như dừng lại. Tất cả đã sẵn sàng chờ mệnh lệnh của người chỉ huy. Kỹ sư Ngô Đức Toàn phát lệnh, át cả tiếng sóng và gió biển: “Tất cả chú ý! Lao!”. Người phụ trách điều khiển cần trục lập tức ấn nút, chiếc dầm khổng lồ dài gần 40 mét, nặng trên 65 tấn, bắt đầu dịch chuyển dần về phía bờ Nam. 3 phút, 5 phút rồi 7 phút, thời gian lặng lẽ trôi qua, phiến dầm nhích dần về phía trụ cầu từng chút, từng chút rồi dừng lại theo mệnh lệnh của người chỉ huy. Người điều khiển cần trục cho hạ dần độ cao, phiến dầm được định vị vào đúng vị trí, chính xác đến từng milimét. Khi kỹ sư Toàn nghe thông báo phiến dầm đã được đặt vào đúng vị trí, liền tuyên bố: “xong!”. Lập tức từ hai bên trụ cầu, những người chứng kiến là chủ đầu tư, tư vấn giám sát và những người thợ cầu ôm chầm lấy nhau, họ cùng nhau nhảy lên sung sướng. Thế rồi những bước chân đầu tiên được đặt lên phiến dầm, chính thức khai thông tuyến cầu đường. Từ giờ phút này (9 giờ 15 phút ngày 29-8), Bán đảo Phương Mai và Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ gắn liền với thành phố Quy Nhơn, việc cách trở đò giang đã trở thành… quá khứ.

 

Thi công phần cốt thép tại vị trí hợp long, chuẩn bị đổ bê tông mặt cầu. Ảnh: C.H

 

Nhìn tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội dài hơn 7 km được thảm bê tông nhựa phẳng phiu chạy từ ngã ba Đống Đa đến hang Dơi (Nhơn Hội), người Bình Định ai cũng thấy tự hào. Nhờ tuyến đường này, việc giao thương hàng hóa, đi lại của trên chục vạn người dân ở khu vực bán đảo Phương Mai, kéo dài từ TP Quy Nhơn đến Tuy Phước, Phù Cát được dễ dàng hơn. Giờ đây, chợ phố có gì, chợ xã có cái đó.

Kỹ sư Ngô Đức Toàn (Công ty XDCTGT 473), chỉ huy thi công gói thầu 15, cầu vượt đầm Thị Nại

Lúc 9 giờ 15 phút ngày 29-8-2006 là một thời khắc khó quên trong cuộc đời thợ cầu chúng tôi, khi phiến dầm đầu tiên hợp long cầu vượt đầm Thị Nại đã được chúng tôi lao lắp thành công. Khi ấy, anh em thợ cầu chúng tôi ở hai bờ Nam - Bắc đã ôm chầm lấy nhau, sung sướng, nghẹn ngào. Từ thời khắc này, lần đầu tiên chúng ta có thể vượt đầm Thị Nại mà không cần tàu thuyền. Chúng tôi hiểu được niềm vui này thật to lớn và ý nghĩa với nhân dân Bình Định. Chúng tôi cũng rất trân trọng những cố gắng mà lãnh đạo và nhân dân Bình Định đã hỗ trợ và chia xẻ cùng chúng tôi ở công trình này.

Sau ngày hôm nay, chúng tôi sẽ để lại đây một lực lượng để hoàn thiện mặt cầu, phần lớn cán bộ, công nhân của Công ty 473 sẽ phải tạm biệt TP biển Quy Nhơn xinh đẹp để đến với một công trình mới là cầu Bến Lức (Long An)… Tuy phải chia tay TP Quy Nhơn, nhưng chúng tôi luôn mang theo tình cảm nồng ấm và tốt đẹp của đất và người ở đây…

Hơn thế nữa, cả khu vực này là nơi có tiềm năng kinh tế lớn, với diện tích 12.000 ha và bờ biển dài hàng chục km, sẽ có điều kiện bứt phá vươn lên. Không bao lâu nữa, trên vùng cát trắng mênh mông này sẽ hình thành lên một khu công nghiệp, khu đô thị mới, gồm: cảng nước sâu, khu công nghiệp công nghệ cao, khu du lịch sinh thái, khu đô thị hiện đại, nhà máy phong điện… Với sự ra đời của KKT Nhơn Hội, Bình Định đã chính thức bước vào một “sân chơi” lớn với các đối tác đầu tư lớn, và đây cũng là động lực quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội Bình Định cùng khu vực phía nam vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hiện nay, Công ty XDCTGT 473 đang khẩn trương hoàn thiện các phần việc còn lại, để đảm bảo kế hoạch thông xe kỹ thuật vào ngày 6-9 tới.

Ông Vũ Văn Thanh - Trưởng Ban Quản lý dự án công trình giao thông (Sở GTVT) - tâm sự: “Đến thời điểm này chúng tôi đã thấy nhẹ người, bởi các công đoạn khó khăn, phức tạp nhất đã vượt qua và hoàn thành tốt đẹp. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị thi công sớm triển khai hoàn thiện các công đoạn tiếp theo. Theo kế hoạch, ngày 22-12 năm nay công trình này sẽ được chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Với năng lực của các nhà thầu cộng với tinh thần làm việc của anh em hiện nay, chúng tôi tin tưởng rằng công trình sẽ về đích đúng hẹn”.

  • Cát Hùng - Ngọc Thái

Ông Phan Cao Thắng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Định

Lãnh đạo Sở GTVT và lãnh đạo đơn vị thi công vui mừng bắt tay nhau ngay trên phiến dầm đầu tiên hợp long cầu vượt đầm Thị Nại. Ảnh: C.H

Đến nay, công trình cầu vượt đầm Thị Nại đã hoàn thành được 95% công việc. Từ nhiều ngày qua, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, công trường đã huy động tối đa năng lực thiết bị và nhân lực, thực hiện thi công 3 ca liên tục. Các đơn vị tư vấn giám sát và đại diện chủ đầu tư thường xuyên có mặt tại hiện trường để phối hợp với các đơn vị thi công triển khai thi công với cường độ cao nhất, bảo đảm chất lượng tốt nhất. Có thể nói rằng, tháng 8-2006 là thời gian các đơn vị thi công tại công trình này thực hiện được khối lượng công việc lớn nhất từ trước tới nay. Hiện nay, công việc tuy chỉ còn 5%, nhưng là giai đoạn hoàn thiện nên phải tập trung giải quyết cùng lúc nhiều hạng mục. Trước hết là việc gia công cốt thép, đổ bê tông phần mới hợp long, ở 2 vị trí nối với 5 nhịp liên tục giữa đầm. Tiếp đến là trải thảm bê tông toàn bộ mặt cầu. Công việc này sẽ được triển khai ngay trong tháng 9-2006.

Do thị trường thế giới gần đây gặp một số biến động lớn, nên việc cung cấp inox cho nhà thầu thi công lan can cầu gặp trở ngại (vật tư thi công lan can cầu là loại inox đặc chủng, phải mua của nước ngoài). Chủ đầu tư đã tổ chức đấu thầu lại và việc thi công lan can cầu có thể được bắt đầu trong tháng 10-2006. Với 5.000 mét lan can cầu cần lượng inox dùng cho việc này là 190 tấn. Phần lan can cầu và việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên cầu sẽ hoàn thành trước ngày khánh thành cầu.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bún chả cá Quy Nhơn, tôi ăn... tôi thấy... tôi lo  (29/08/2006)
Những người trẻ xứ Nẫu: từ online đến offline  (28/08/2006)
Khao khát Định Bình  (28/08/2006)
Quy Hòa, thung lũng tình thương  (25/08/2006)
Làng rau má  (25/08/2006)
Mốt xăm mình trong giới trẻ: Hệ quả và hậu quả  (24/08/2006)
Lao động nữ ở Phù Mỹ: Ở lại quê với nghề may  (23/08/2006)
Ngư dân bỏ biển lên bờ  (21/08/2006)
Kể chuyện chấm thi cho thí sinh khiếm thị  (20/08/2006)
"Nhân bản" tượng Chăm  (18/08/2006)
Thanh Loan thi hoa hậu  (14/08/2006)
Nông dân Hoài Nhơn đắng lòng với dứa   (16/08/2006)
Có một “trường thành” trong lòng núi Chúa   (11/08/2006)
"Hiệp sĩ bưởi" Tân Triều  (10/08/2006)
Nghề chép tranh ở Quy Nhơn  (10/08/2006)