Xuôi dòng Mêkông, uống bia Lào và ngắm hoàng hôn
16:2', 11/9/ 2006 (GMT+7)

Muốn quay về quá khứ, tìm hiểu đời sống của Phật giáo nguyên thủy hơn 2.000 năm trước. Muốn chiêm ngưỡng Vat Phou - kiến trúc tiền Angkor đã được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới. Muốn ngồi trên thuyền, theo dòng Mekong trôi ngang qua hàng ngàn hòn đảo như những chuyến phiêu lưu trong tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Hemingway. Nếu bạn muốn như vậy hãy làm một chuyến “ta balô” từ Quy Nhơn đến Champasak trong khoảng 1 tuần, chi phí của chuyến du lịch ngoại này vẫn ngang bằng như du lịch trong nước.

 

Thị xã Pakse nhìn từ trên cao. Ảnh: V.T

 

Đường đến đất nước Triệu Voi

Từ Quy Nhơn đến Pakse - thị xã tỉnh lỵ Champasak tiện nhất là qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nối KonTum với Attapu. Tuyến xe khách Quy Nhơn - Pakse hoạt động 4 chuyến/tuần vào các ngày thứ hai, tư, năm, bảy. Hành trình có cự ly 600 km, giá vé là 16USD, khởi hành từ Quy Nhơn lúc 6 giờ sáng và đến Pakse khoảng 6 giờ chiều tối cùng ngày.

Đến Cửa khẩu Bờ Y, bạn có thể đổi một ít tiền Lào để tiêu vặt (10.000 Kip = 16.000 VND). Để sang Lào, bạn chỉ cần xuất trình passport - hộ chiếu, không cần visa (bạn làm hộ chiếu ở Phòng Ngoại vụ UBND tỉnh, chi phí chỉ là 200.000 đồng, thời hạn sử dụng là 6 năm). Cán bộ cửa khẩu Lào sẽ đóng dấu vào hộ chiếu cho phép thời gian bạn được quá cảnh vào nước bạn, thông thường 1 tháng.

Sau khi làm xong các thủ tục xuất nhập cảnh, xe sẽ chạy vào đường 18B mới khánh thành, hai bên đường là những cánh rừng bạt ngàn, thỉnh thoảng là vài buôn làng nhỏ. Trên đường đến Pakse, xe sẽ đi ngang qua 2 tỉnh Attapu và Sekong. Nhà cửa ở đây chủ yếu là nhà sàn, làm bằng gỗ, hầu như nhà nào cũng có anten chảo, sinh hoạt yên bình và đường xá rất ít xe cộ.

Tĩnh lặng và thân thiện là cảm giác dễ chịu đầu tiên sẽ ùa vào lòng bạn.

 

Những thiếu nữ Lào thường mỉm cười thân thiện như thế này với du khách.

 

Pakse - trung tâm của Nam Lào

Xe vào bến Pakse, bạn có thể tự đi tìm nhà trọ bình dân. Phòng 2 giường, có máy lạnh giá vào khoảng 70.000 Kip. Bạn nhớ mang theo điện thoại di động. Tại Lào, bạn có thể mua một sim mới để liên lạc với gia đình và bạn bè ở Việt Nam mà không cần lo về giá cước viễn thông. Gọi về Việt Nam 2.000 kip/phút. Phí tin nhắn ở đây hầu như không đáng kể, nhưng từ Việt Nam nhắn qua số máy ở Lào lên đến 2.000 đồng/tin nhắn. Chú ý, gọi vào máy bàn ở nhà sẽ nói dễ nghe hơn và sóng điện thoại chỉ phủ một số vùng quanh thị xã.

Ở Pakse bạn có thể bách bộ dọc các con đường, và gặp rất nhiều người… Việt. Bà con người Việt ở Pakse rất đông.

Pakse có nhiều thứ để bạn tìm hiểu. Bạn nên dậy sớm và hãy chọn một quán cà phê. Ở đây các quán cà phê thường bán cả quà sáng. Khách du lịch quốc tế đến Pakse thường gặp nhau ở Café Sinouk, hoặc Café của Khách sạn Lankham của một bà chủ người Việt để thưởng thức món phở với các loại rau hương vị rất Lào. Tại sao nên đến quán cà phê? Tại vì từ đó bạn có thể quan sát nhịp sinh hoạt buổi sáng của người dân địa phương rất tuyệt.

Phật giáo giữ vị trí quan trọng trong tâm thức và đời sống của người Lào. Các lễ hội lớn quanh năm đều gắn liền với một truyền tích tôn giáo nào đó. Mỗi buổi sáng, các tăng sĩ xếp thành một hàng dài đi khất thực dọc các con đường chính.  Hơn 2.000 năm trước, Đức Thích Ca Mâu ni cùng các đệ tử của mình từng rảo bước như thế trên con đường dẫn dắt chúng sinh đến bến giác. Dường như thời gian đã ngưng đọng, quay ngược... và tái hiện tại Lào, cụ thể là tại Pakse - Champasak khi những người mộ đạo quỳ gối bên lề đường chờ đến lượt mình thành kính dâng phẩm vật (cơm nếp, hoa quả...) lên các tăng sĩ.

 

Theo các nhà sử học, Vat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Đến thế kỷ XIII, nó trở thành đền thờ Phật, và tồn tại cho đến ngày nay. Trong ảnh: Một góc Vat Phou.

 

Các ngôi chùa có kiến trúc mái uốn lượn, một màu thếp vàng rực rỡ. Người Lào hỏa thiêu di thể người chết, sau đó hốt xương và tro đặt vào những cái tháp nhỏ, gọi là vats, và đặt quanh chùa. Hàng trăm cái vats như thế trở thành hàng rào của nhà chùa. Kiểu dáng của các vats đa dạng, trang trí sặc sỡ với nhiều màu sắc và lớn nhỏ khác nhau.

Ghé Bảo tàng Di sản lịch sử Champasak, bạn sẽ hiểu được nhiều văn hóa lịch sử của miền đất Nam Lào này. Một bức ảnh lớn chụp một phần của  “vùng đất 4.000 đảo” này sẽ giải đáp cho bạn câu hỏi, tại sao Lào là một quốc gia không có biển nhưng vùng đất này có nhiều đảo như vậy, và nhiều thứ nữa đang chờ bạn khám phá.

Hãy tưởng tượng chúng ta đang ở Pakse và hoạch định tiếp mình sẽ đi những đâu nữa? Các công ty dịch vụ du lịch Pakse sẽ giới thiệu bạn đến những nơi sau, bạn sẽ có những ngày thú vị ở Champasak.

Từ Pakse đi theo hướng Đông Bắc bạn sẽ đến Paksong, nơi sinh sống của các tộc người thiểu số Alak và Katu. Trên độ cao hơn 1.000 m, bạn đi ngang qua những rừng tếch, đồn điền cao su bỏ hoang, những vườn sầu riêng, đào, lê, chè, những vườn cây café và những trại gia súc nằm ở phía Saravane. Du khách khám phá thiên nhiên còn nguyên vẹn quanh thác nước Tad Fane, và cưỡi voi qua những rừng nguyên sinh hoang dã.

Sau một ngày đi dạo thỏa thích, bạn nên ghé một quán ăn dọc bờ sông Mekong. Món ăn ở đây chủ yếu là đồ nướng. Đừng quên gọi vài chai bia, bia Lào đậm đà, đã từng được báo Asia Mazagine bầu chọn là loại bia ngon nhất châu Á.

Từ Pakse bạn cũng có thể theo xe tuk-tuk khoảng 45 km là đến Cửa khẩu Chong Mek của tỉnh Ubon (Thái Lan). Tuyến du lịch Đông - Tây từ Thái Lan đến Quy Nhơn và ngược lại trong tương lai chắc chắn sẽ mở ra như vậy.

Nhịp sống của người Lào rất chậm so với các nước quanh vùng, kể cả trong công việc nên người ta hay ví von: “Ngồi uống bia Lào, nhìn nước sông Mekong trôi, ngắm hoàng hôn lặn. Bạn sẽ hiểu được người Lào”, hoặc có người liên hệ vui về tên tiếng Anh của Laos P.D.R - People Democracy  Repulic (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), P.D.R nghĩa là Please Don’t Rush - Xin đừng vội, tức tiếp xúc với người Lào, bạn không nên vội vã.

 

Thác Tad Niang ở Pakse.

 

Đền thiêng Vat Phou - di sản văn hóa thế giới

Ngồi trên chiếc xe tuk-tuk xuôi khoảng 46 km từ Pakse về phía Nam, theo dọc bờ sông Mekong là khu đền cũ Vat Phou. Từ thế kỷ thứ IX đến XIII, Vat Phou được xem là một trong những đền thiêng liêng nhất của các vương triều Khơ me, trước khi người Khơme di chuyển về phía Nam để xây dựng khu đền đài Angkor Vat nổi tiếng ở đất nước Campuchia ngày nay.

Như tên gọi của mình - Chùa Núi, Vat Phou nằm dưới chân của một núi thiêng gọi là Phou Kao (Núi Voi). Theo các nhà sử học, Vat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Đến thế kỷ XIII, nó trở thành đền thờ Phật, và tồn tại cho đến ngày nay, trở thành một trong những nơi lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào.

Dưới chân thành xưa kia là một thành phố cổ, dấu tích hiện chỉ còn tường thành và đền đài. Bạn nên dạo quanh Vat Phou để ngửi mùi hương tỏa ra từ những hàng hoa sứ - người Lào gọi là Champa để theo làn hương thoang thoảng trong không gian có thể hình dung ra một thành phố huy hoàng thưở trước. Đừng bỏ qua bảo tàng tại cổng vào của khu đền đài này, nhiều tác phẩm điêu khắc Khơme vẫn còn lưu giữ nơi đây, nhiều kiến trúc không tìm thấy ở các di tích khác.

Vat Phou được nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới vào năm 2001, và hiện tại đang được trùng tu với sự bảo trợ của UNESCO. Cách Vat Phou khoảng 1 km về phía Nam là các đền cổ khác như Nandin, Nang Sida. Bên kia bờ sông Mekong là đền Oubmong... Có rất nhiều thứ để bạn ngắm, chiêm ngưỡng và đắm đuối ở đây.

Rằm tháng 3 theo lịch Lào, thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 Dương lịch, người Champasak tổ chức lễ hội Vat Phu tại khu đền thiêng này. Lễ hội có nhiều hoạt động truyền thống như đua voi, đá gà và các điệu nhảy Lam vông - mọi người sẽ nhảy quanh một 1 vòng tròn cho đến khi tạo thành 3 vòng tròn khác: vòng thứ nhất chỉ có 1 người, vòng thứ hai là 1 cặp nam nữ và vòng thứ ba là tất cả những người còn lại tham gia buổi tiệc.

 

Dường như thời gian đã ngưng đọng, quay ngược lại 2000 năm ... và tái hiện tại Lào, cụ thể là tại Pakse - Champasak khi những người mộ đạo quỳ gối bên lề đường chờ đến lượt mình thành kính dâng phẩm vật (cơm nếp, hoa quả...) lên các tăng sĩ.

 

Si Phan Don - bốn ngàn đảo trên dòng Mekong

Hãy xuôi dòng Mekong, đi về phía Nam Champasak để đến đảo Don Khong, đảo lớn nhất trong Si Phan Don - 4.000 đảo. Đứng trên ban công của một ngôi nhà cao, nhìn quan cảnh để cảm nhận sự êm đềm của dòng Mekong. Ngắm nhìn các thác nước dọc các vách đá. Thuê một chiếc xe máy và bạn đi dạo các làng nhỏ xung quanh, nhìn nụ cười bẽn lẽn và quyến rũ của các noọng - cô gái Lào.

Ngồi trên thuyền gỗ kayak đi giữa các cù lao chừng khoảng 20 phút là đến đảo Khone. Một thiên đàng hoang dã đang chờ bạn chiêm ngưỡng. Người Pháp xây dựng ở đây một đường xe lửa dài 14 km đi qua nhiều thác ghềnh. Đi bộ qua cây cầu cổ đồ sộ nối 2 đảo Don Khone và Don Det. Cây cầu xinh đẹp này trông như các nhịp bắt qua sông Seine, mà người Pháp muốn đem đến đây. Đứng ở thác Li Phi, ngắm nhìn hàng trăm thác nhỏ được chẻ ra, đổ xuống tung tóe.

Nơi đây còn sở hữu viên ngọc quý của Champasak, đó là thác Khone Phapheng - thác lớn nhất Đông Nam Á, nối hai bờ của sông Mekong với 2 tỉnh Champasak và Strung Treng của Campuchia. Đứng ở đây bạn sẽ nghe tiếng thác ầm ầm từ trên cao đổ xuống rèn vang như sấm. Vào những ngày đẹp trời, những chú cá heo nước ngọt như ẩn hiện nhảy múa trên dòng Mekong, có lẽ trong bạn vang lên lời chào hiền hòa từ miền đất Nam Lào: “Sa bai dee - Chào các bạn!”.

Đã đến lúc bạn vạch cho mình một kế hoạch du lịch sang Lào rồi đấy.

  • Khắc Huấn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhịp cầu nối những bờ vui  (01/09/2006)
Bún chả cá Quy Nhơn, tôi ăn... tôi thấy... tôi lo  (29/08/2006)
Những người trẻ xứ Nẫu: từ online đến offline  (28/08/2006)
Khao khát Định Bình  (28/08/2006)
Quy Hòa, thung lũng tình thương  (25/08/2006)
Làng rau má  (25/08/2006)
Mốt xăm mình trong giới trẻ: Hệ quả và hậu quả  (24/08/2006)
Lao động nữ ở Phù Mỹ: Ở lại quê với nghề may  (23/08/2006)
Ngư dân bỏ biển lên bờ  (21/08/2006)
Kể chuyện chấm thi cho thí sinh khiếm thị  (20/08/2006)
"Nhân bản" tượng Chăm  (18/08/2006)
Thanh Loan thi hoa hậu  (14/08/2006)
Nông dân Hoài Nhơn đắng lòng với dứa   (16/08/2006)
Có một “trường thành” trong lòng núi Chúa   (11/08/2006)
"Hiệp sĩ bưởi" Tân Triều  (10/08/2006)