Số lùi số tới
10:56', 12/9/ 2006 (GMT+7)

Ngày Võ Đình Minh đưa chiếc xe máy có cài số lùi của mình ra sân bay Quy Nhơn để “nghiệm thu”, mấy bác tài xế xe tải đường dài đang “qua đêm” tại đây nhìn thấy đều lác mắt hết. Họ ngạc nhiên là bởi, tác giả của chiếc “xe máy chạy lùi” kia có một hoàn cảnh rất đặc biệt: đôi chân của anh ta bị liệt từ năm lên ba tuổi.

Võ Đình Minh tuổi con gà-Đinh Dậu-1957. Ít thấy có ai lại đi bỡn cợt vào chính cái chỗ yếu nhất của mình như anh Minh: “Tôi tuổi con gà, xi cà queo đôi chân nên cứ tưởng tắt tiếng gáy luôn rồi. Giờ thì đã biết gáy, lại còn “gù” được một em, kém hơn bốn tuổi, nàng đẻ một lèo những ba đứa con”.

 

Lắp bộ phận “số lùi” vào xe gắn máy.

 

Minh mở đầu câu chuyện về “số lùi số tới” bằng một dòng trích ngang về gia cảnh của mình như thế. Rồi anh cười thật hiền, ấm áp và trong trẻo đến bất ngờ. Nụ cười ấy không mang một âm sắc gì về sự tự mãn của người có chút ít thành đạt mà chỉ toát lên vẻ tự tin của một người đầy bản lĩnh.

Mối tình tàu lửa

Đã mấy chục năm rồi mà anh Minh vẫn nhớ như in lời chị Cúc trách yêu: “Đi đâu mà lặn mất tăm hổm rày?”. “Đi tàu lửa chớ còn đi đâu nữa!”. Họ cứ nói trống trống vậy mà ẩn trong đó là bao sự lo lắng cho nhau. Chị Cúc bán cơm ở ga Quy Nhơn còn anh Minh thì đi “buôn đủ thứ” trên tàu chợ, tuyến Quy Nhơn-Đà Nẵng.

“Ai mà dám để ý người ta, anh! Tôi cứ nghĩ Cúc như đứa em thôi. Mình chân cẳng thế này, lấy mình khác nào như rước cục nợ?”. Minh lại thanh minh. Cứ mỗi khi tàu chuẩn bị lăn bánh, chị Cúc lại thấy một anh chàng mặt mày thật khôi ngô, lộc cộc đôi nạng, tiến vào sân ga. Cũng “chỉ chỉ chỏ chỏ” người ta khuân vác hàng cho mình, cũng la hét búa xua nhưng khi cười thì hiền không chịu được. Và hút hồn luôn. Thấy thì gật đầu, cười chào nhau một tiếng, riết rồi đâm nhớ, rồi gật luôn với nhau lúc nào không hay.

“Tui vắng bóng nơi sân ga đâu chừng bốn ngày. Không cố ý đâu mà do trục trặc hàng. Sau này Cúc nói với tôi rằng, cô ấy đã quen với cái âm thanh không lấy gì làm êm tai được phát ra từ đôi nạng gỗ mỗi khi tôi tiến vào sân ga. Vì thế, thấy trống vắng vài ngày là nhớ.

“Đi đâu hổm rày?”. Nghe Cúc trách như thế, tôi tự hiểu rằng “đối phương” đang phát tín hiệu. Và tôi đã bắt sóng. Ba mẹ cô ấy thì buồn buồn khi biết chuyện của bọn tôi. Riêng ông bác ruột thì phản đối quyết liệt. Giờ thì ông ấy là người thương tôi nhất. Đám cưới cũng rước dâu, cũng pháo nổ đùng đoàng. Thấy người ta thương mình, mình cũng thương lại. Không ngờ sau cái thương ấy là một núi cực anh à. Có “số lùi số tới” cũng là kết quả của cái cực ấy mà ra”.

Số lùi

Võ Đình Minh sinh ra ở Tam Quan. Lúc lên ba, một trận sốt “nghiêng thân dừa”, đã trói chặt Minh vào đôi nạng gỗ. Hai vườn dừa xứ Tam Quan với cả ngàn cây là tài sản duy nhất của gia đình lúc ấy mà mẹ anh đã phải bán để thế chấp vào đôi chân đứa con nhưng vẫn không qua khỏi. Cả nhà bồng bế vào Quy Nhơn tìm kế sinh nhai. Đôi chân dặt dẹo, ba mẹ lại phải bươn chải nuôi bảy đứa em nhưng Minh cũng gắng đến lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ). Một “cây toán” của lớp nhưng đôi chân tật nguyền đã khép lại mọi ước mơ của anh.

 

Anh Minh trên chiếc xe “số lùi”.

Hàng loạt nghề đã đến với anh hoặc Minh đến với nó nhưng rồi không một nghề nào đậu lại. Nào là thợ cắt khóa, sửa máy, thợ “đụng” (đụng gì làm nấy), cuối cùng, đọng lại trong anh một nghề: Độ chế xe máy để có thể tiến cũng được mà lùi cũng … OK.

Minh kể: “Tôi sinh cháu đầu trong cảnh túng bấn lắm. Vốn không thích nhờ vả, tôi muốn tự đưa con đến trường hàng ngày và đón nó về. Để thực hiện được “nhiệm vụ cao cả” ấy, tôi bán hai chỉ vàng - của hồi môn của vợ khi cưới - và mua chiếc xe máy tàng tàng rồi độ thêm một bánh sau. Cứ tưởng có ba bánh như thế, tôi sẽ dễ dàng thực hiện được việc đưa đón con hàng ngày. Cho tới một buổi trưa, cả con phố lặng ngắt, nhà tôi lại ở tít trong hẻm sâu, hai cha con cứ loay hoay với chiếc xe ba bánh ấy nhưng không tài nào quay được đầu xe để đưa cháu đến trường vì con hẻm quá chật. Tôi ngồi đợi một ai đó đi ngang qua để nhờ họ giúp mình quay đầu xe nhưng mòn mắt vẫn không thấy một bóng người.

Rồi cũng có người đến giúp, song khi quay được đầu xe thì đứa con đã trễ học!  Ánh mắt của cháu hôm ấy cứ găm vào tôi một câu hỏi: “Sao không làm số lùi để khỏi phải quay đầu xe?”. Ngay hôm sau, tôi ra phố mua thêm một máy nổ nữa và bắt đầu mày mò…”. Vốn là người hay táy máy, lại kiên trì, Minh “làm thịt” chiếc máy vừa mua ấy ra và bắt đầu săm soi về tính năng của nó. Chợt anh reo lên: “Đảo nhông là sẽ lùi được”. Anh lại “tháo ra lắp vào” nhiều lần, cuối cùng chiếc xe phải khuất phục anh: Tới cũng được (dĩ nhiên), mà lùi cũng tốt.

“Con tôi là đứa vui nhất!”. Minh kết luận một câu làm tôi rớm nước mắt. Vâng, đứa trẻ ấy giờ là sinh viên, chuẩn bị ra trường, sẽ có một chân trời bao la phía trước với đủ các loại xe để nó chọn lựa, song cháu chẳng bao giờ quên cái khoảnh khắc bố cháu reo lên: “Lùi được rồi!”. Với người khỏe mạnh, lùi hay tới, chả thành vấn đề gì nhưng với cha con anh Minh lúc ấy thì đó là cả một khát vọng lớn.

Số tới

Minh kể: “Tôi ra sân bay Quy Nhơn chạy thử, cả lùi lẫn tới đều tốt. Cha con chạy về khoe với mẹ nó. Cúc vui hơn nhặt được vàng. Cũng chỉ nghĩ là giải quyết việc riêng của mình thôi, nào ngờ nhiều người có hoàn cảnh như tôi ùn ùn kéo đến đặt hàng!”. Thế là Minh trở thành “ông chủ” chuyên sản xuất xe máy “số lùi”.

Cơ sở Hoàng Minh hiện nay do anh làm “sếp” là kết quả của những lá đơn đặt hàng liên tục gửi đến nhờ Minh “độ” giúp. Thôi thì đủ các loại xe. Nhà giàu thì xe Spacy, Dream Thái, nhà nghèo thì chiếc xe Tàu… Từ nỗi bức xúc của đứa con bị trễ học do lùi xe không được, anh Minh đã trở thành “nhà sáng chế” bất đắc dĩ. Cơ sở Hoàng Minh ra đời, lập tức thu hút sự chú ý của không chỉ những người cần “số lùi” mà nhiều thanh niên muốn xin học nghề. Minh gật đầu tất. Anh lên phía tây Quy Nhơn, thuê hẳn miếng đất, đặt “đại bản doanh” để thực hiện mơ ước của mình: Trở thành cơ sở sản xuất “số lùi” đại trà đầu tiên của miền Trung.

 

Anh Minh (chống nạng) bên chiếc xe “số tới” leo cầu thang.

 

Trong xưởng của anh có từ 10-12 thợ. Thợ mới học việc, Minh nuôi cơm, cuối tháng cho thêm 150.000đ/thợ, khi nghề đã vững, anh nâng lên 300.000đ rồi 600.000đ. “Nhưng rất ít em gắn bó với tôi anh à. Khi đủ lông đủ cánh, chúng nó “bay” hết. Cũng vui thôi. Tàn tật như tôi mà còn tạo được nghề cho người khác, là sướng rồi”. Tôi hỏi: “Thấy chiếc xe độ chế của anh có vẻ đơn giản, tôi nghĩ sẽ có nhiều người làm được. Anh mất bản quyền?”. Minh cười: “Tôi cũng có bí quyết của tôi chớ! Ví như cái máy để giúp chiếc xe lùi được ấy nó chẳng “ăn nhập” gì với chiếc máy chính của chiếc xe ngoài một bộ phận kết nối mà tháo rời lúc nào cũng được. Khi nào cần cho người có nhu cầu “số lùi” thì lắp cái máy ấy vào, nếu không cần nữa, tháo ra, hoàn trả nguyên hiện trạng chiếc xe hai bánh. Họ thích đặt hàng chỗ tôi là vậy”.

Biến chiếc xe máy có thể lùi được đã đưa Minh đến với nhiều cuộc hội nghị điển hình dành cho người khuyết tật trong khu vực và toàn quốc. Đầu năm 2003, Võ Đình Minh tham dự hội thảo dành cho người khuyết tật tổ chức tại Phú Yên. Những gì diễn ra bên trong hội trường hôm ấy không mang lại cho anh chút sáng kiến nào, song sự việc diễn ra bên ngoài lại giúp Minh có thêm một sáng kiến nữa. Đó là việc độ chế chiếc xe dành cho người khuyết tật “leo lầu” được nếu những nơi đó không có thang máy.

Minh gọi đó là “chiếc xe số tới”. Minh kể: “Hội thảo ở tầng 5 mà không có thang máy. Một anh ở Khánh Hòa đi sau tôi cứ sốt ruột vì tôi “ngáng đường” anh ta bằng những bước chân cà thọt rất nặng nhọc. Bực mình, anh chàng bế thốc tôi lên và vác như vác bao hàng. Lên đến nơi, lưng áo anh ta đẫm mồ hôi. Chợt lóe trong đầu tôi: “Sao lại không chế một chiếc máy mà nó có thể “leo” lên cầu thang được nhỉ?”. Và chiếc máy ra đời sau đó không lâu”. Minh không tiết lộ gì thêm vì chiếc máy này anh chưa đăng ký bản quyền! Minh kết luận: “Hết lùi rồi tới. Đó là quy luật, đúng không anh?”. Nói rồi Minh đưa tay ra hiệu để tôi lên ngồi sau chiếc xe “số lùi” của anh.

Tôi được “tham quan miễn phí” thành phố biển Quy Nhơn bằng chiếc xe có cả mùi mồ hôi lẫn nước mắt của người đàn ông tật nguyền nhưng lắm tài hoa này.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (12/09/2006)
Xuôi dòng Mêkông, uống bia Lào và ngắm hoàng hôn  (11/09/2006)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (01/09/2006)
Bún chả cá Quy Nhơn, tôi ăn... tôi thấy... tôi lo  (29/08/2006)
Những người trẻ xứ Nẫu: từ online đến offline  (28/08/2006)
Khao khát Định Bình  (28/08/2006)
Quy Hòa, thung lũng tình thương  (25/08/2006)
Làng rau má  (25/08/2006)
Mốt xăm mình trong giới trẻ: Hệ quả và hậu quả  (24/08/2006)
Lao động nữ ở Phù Mỹ: Ở lại quê với nghề may  (23/08/2006)
Ngư dân bỏ biển lên bờ  (21/08/2006)
Kể chuyện chấm thi cho thí sinh khiếm thị  (20/08/2006)
"Nhân bản" tượng Chăm  (18/08/2006)
Thanh Loan thi hoa hậu  (14/08/2006)
Nông dân Hoài Nhơn đắng lòng với dứa   (16/08/2006)