Tham vọng của một bác sĩ giỏi
11:12', 12/9/ 2006 (GMT+7)

Bác sĩ Phạm Tỵ, 41 tuổi, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Định, mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng câu triết lý: “Để có Mặt trời phải trả giá một hoàng hôn”. Câu nói đầy bí mật như chính con người ông. Nhìn tướng tá vị bác sĩ này ít ai nghĩ ông đã mổ thành công gần 2.500 ca u não, cột sống. Và để đạt được thành quả ấy ông đã “chôn” hẳn 10 năm của cuộc đời mình cho việc học và nghiên cứu chuyên môn.

 

                               Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Tỵ

 

Tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế năm 1989, Phạm Tỵ về công tác một năm tại Bệnh viện Đa khoa TP Qui Nhơn, sau đó ra Hà Nội học chương trình sau đại học dưới sự dẫn dắt của nhiều bác sĩ giỏi. Đây là giai đoạn khó khổ nhất của cuộc đời ông khi hai ba ngày mới có một bó rau muống để ăn. Năm 1998, Phạm Tỵ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ loại giỏi với đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của tia laser công suất cao trên não”.

Từ thời khắc này, Phạm Tỵ trở thành vị tiến sĩ y khoa đầu tiên của Bình Định. Sau đó, nhờ học bổng ông đã ba lần sang Pháp tu nghiệp, học chuyên sâu về lĩnh vực não - cột sống. Tại đây, ông đã tham gia phẫu thuật hơn 400 ca u não, và được mời sang Mỹ làm việc với mức lương 10.000 USD/tháng nhưng ông đã chối từ.

Rất nhiều bệnh nhân u não tưởng chừng chỉ có... chết, như trường hợp chị P.T.N. ở Qui Nhơn nhập viện trong lúc gia đình đã xin đất làm mộ, nhưng đã được Phạm Tỵ cứu sống; một cháu bé mới ba tháng tuổi bị cha mẹ âm thầm ôm trốn khỏi bệnh viện sau khi biết con mình bị u não khó lòng cứu khỏi. Hay tin, bác sĩ Tỵ đã “truy lùng” đưa cháu bé trở lại bệnh viện rồi cứu sống cháu. Đó là ca phẫu thuật u não cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất tại VN vào năm 2002. Những “người về từ cõi chết” như thế đã làm nên tên tuổi của bác sĩ Phạm Tỵ khiến bệnh nhân từ nhiều nơi tìm đến Bệnh viện Bình Định.

Tính đến giữa tháng 6-2006, ông đã phẫu thuật cho hơn 2.000 bệnh nhân, với tỉ lệ thành công hơn 90%. Trong đó, ngày 3-5-2002 đánh dấu sự thành công của kỹ thuật mổ u não bằng tia laser tại Bệnh viện Bình Định. Bác sĩ Tỵ khẳng định Bệnh viện Bình Định hiện đủ sức chẩn đoán, phẫu thuật, điều trị cho hơn 95 mặt bệnh về lĩnh vực não - thần kinh - cột sống, ngang bằng với các bệnh viện lớn trong nước cũng như Đông Nam Á.

Phương pháp điều trị và phẫu thuật u não, điều trị cột sống bằng phẫu thuật, nghiên cứu ứng dụng laser công suất cao của bác sĩ Phạm Tỵ được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá rất cao. Năm 2003, ông được biểu dương tại Hội nghị lao động sáng tạo toàn quốc.

Điều tâm đắc nhất của bác sĩ Tỵ là việc phẫu thuật thành công, chữa lành bệnh cho các nạn nhân bị gù lưng và động kinh - hai loại bệnh thuộc dạng rất khó chữa hiện nay. Ông đã cho tôi xem những bức ảnh về một bệnh nhân bị gù lưng 90 độ, sau khi phẫu thuật đã đứng và đi thẳng người như những người bình thường khác và bảo: “Đây là một kỳ tích chứ chẳng chơi”.

Ông là người có nhiều tham vọng trong việc xây dựng, phát triển Bệnh viện Bình Định. Từ ngày được phân công phụ trách bệnh viện, ông đã tiến hành một số cải cách được nhiều người đồng tình, trong đó có việc phục vụ bữa ăn cho từng loại bệnh nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Hiện nay, nhiều người dân Bình Định cảm thấy tiếc một “tay mổ não” có tài khi ông đang “ngấp nghé” vào chiếc ghế giám đốc (ông vừa được phân công phụ trách chung bệnh viện thay cho giám đốc vừa về hưu) vì sẽ không còn nhiều thời gian tập trung cho nghiệp vụ. Có phải làm giám đốc bệnh viện là ước nguyện của ông?

- Không, tôi vẫn chọn chuyên môn. Làm giám đốc - nếu có - chẳng qua là sự phân công trong một giai đoạn nào đó, còn chuyên môn mới gắn bó mãi mãi với cuộc đời mình. Tôi đã hi sinh tất cả cho cái nghề này thì không thể bỏ đi chuyên môn một cách đơn giản.

 

Một bệnh nhân gù bẩm sinh đã được phẫu thuật cột sống để có thể thẳng lưng.

 

* Nếu chỉ có một sự lựa chọn giữa bác sĩ giải phẫu u não và chiếc ghế bộ trưởng thì ông sẽ chọn cái nào...?

- Bác sĩ giải phẫu u não. Với tôi, làm giám đốc bệnh viện là chức vụ cuối cùng!

* Tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, học tiến sĩ ở Hà Nội, học chuyên sâu ở Pháp, nhiều lời mời ngọt ngào và giá cao, tại sao ông lại chọn Bình Định để trở về?

- Bình Định là quê tôi. Tất nhiên đó không phải là yếu tố quyết định. Sở dĩ tôi chọn Bình Định vì tôi tiên lượng ở đó tôi sẽ có lượng bệnh nhân rất lớn vì nó nằm ở vị trí trung tâm của cả nước và khu vực.

* Tuy nhiên, tâm lý của hầu hết bệnh nhân khu vực miền Trung cứ hễ bệnh nặng là đi Sài Gòn!

- Đúng. Trong tiềm thức của bệnh nhân cũng như thân nhân họ, bệnh viện cấp tỉnh thì không bằng các bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM. Tuy nhiên, tôi có thể mạnh dạn nói rằng với chuyên khoa não và cột sống, Bệnh viện Đa khoa Bình Định có đủ sức, lực để tiếp nhận, chẩn đoán, phẫu thuật cho hầu hết các mặt bệnh mà các bệnh viện lớn trong nước cũng như khu vực Đông Nam Á đang điều trị.

Chúng tôi đã cứu được rất nhiều ca mà các bệnh viện TP.HCM đã “chê”. Chúng tôi cũng đã phẫu thuật thành công cho nạn nhân bị gù đứng thẳng dậy, người bị bệnh động kinh. Đây là những trường hợp khá hi hữu trong y khoa.

* Dư luận bảo ông là người “đầy cá tính”. Cái lợi của “cá tính” là quyết đoán, dám làm, nhưng lại dễ gây mích lòng?

- Tôi cố gắng cân nhắc để hài hòa và dẹp sang một bên những chuyện vặt để tập trung cho chuyện lớn.

* “Chuyện lớn”, đó là chuyện gì, thưa ông?

- Xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bình Định trở thành bệnh viện loại 1 đúng nghĩa về dịch vụ và chất lượng điều trị. Chúng tôi đang có kế hoạch xây mới 20 phòng mổ đạt tiêu chuẩn, khu khám bệnh 10 tầng có sân đáp cho máy bay cứu thương, khu điều trị 12 tầng với hơn 300 giường bệnh. Bên cạnh đó, ước mơ cháy bỏng của bản thân tôi là xây dựng khu điều trị ung thư não. “Điều trị ung thư”: nói điều này nghe có vẻ như không tưởng nhưng tôi tin chắc là mình sẽ làm được.

* Quan điểm của ông thế nào về chuyện bác sĩ mở phòng mạch tư?

- Tôi tin chắc một ngày nào đó sẽ có hai loại bác sĩ: bác sĩ chuyên làm tư và bác sĩ chuyên làm công chứ không có bác sĩ vừa làm công vừa làm tư như hiện nay.

* Thưa ông, thân nhân bệnh nhân lâu nay quá ngán ngẩm về tệ nạn “lót tay, nhét túi” trong bệnh viện. Trên cương vị quyền giám đốc một bệnh viện, ông nói gì về đề tài này?

- Hay! Tôi đã chờ đợi câu hỏi này. Đó là một tệ nạn rất xấu, đã làm xấu hình ảnh bệnh viện và những người mặc áo trắng. Tôi đang và sẽ triệt tiêu tệ nạn này.

* Cách nào, thưa ông?

- Tôi sẽ kiện bất cứ ai đưa tiền cho y tá, hộ lý nếu bị tôi phát hiện, vì đưa tiền như vậy là phá bệnh viện, làm hủ hóa nhân viên, bác sĩ.

* Nhưng người dân bị buộc phải làm như vậy hoặc được gợi ý phải làm như vậy, nếu không sẽ không được chăm sóc tốt?

- Tôi phụ trách chung bệnh viện mới hơn hai tháng nhưng đã ba lần tổ chức họp toàn thể thân nhân bệnh nhân để thông báo rằng tại Bệnh viện Bình Định, họ chỉ phải đóng các khoản tiền theo qui định có hóa đơn, ngoài ra không được đưa một khoản tiền nào khác. Chúng tôi niêm yết công khai qui định này tại tất cả các khu vực điều trị, kêu gọi người dân tố giác những biểu hiện thiếu trách nhiệm, gây khó dễ... của nhân viên bệnh viện. Nguyên tắc chung của Bệnh viện Bình Định cũng như riêng tôi là điều trị, chăm sóc công bằng, không phân biệt người ăn mày hay yếu nhân.

* Thưa ông, thường những người bệnh nặng là những người rất nghèo, nhiều người đã phải chấp nhận cái chết vì không có tiền!

- Đó là thực tế đau lòng. Người nghèo vì không có tiền để khám định kỳ, đến khi bệnh phát ra thì rất nặng. Rồi do thiếu ăn nên sức khỏe yếu khiến bệnh lan nhanh, khi giải phẫu thì kiệt sức... Đó là vòng luẩn quẩn của người nghèo. Tôi đã từng mổ u não cho một bệnh nhân bán vé số, anh ta rất nghèo, ăn cơm với muối tiêu. Người cha anh cũng bán vé số, ăn cơm với muối ớt. Vì thức ăn không có đạm nên vết thương không thể lành. Đến khi một bệnh nhân chung phòng xuất viện sớm, dư tiền, cho anh ta tiền mua hột vịt lộn ăn, thế là vết thương khô mặt.

* Xin hỏi thật, thu nhập từ công việc của ông có thể nuôi đủ một gia đình với hai đứa con?

- Mỗi tháng tôi được 4 triệu đồng tiền tài năng do UBND tỉnh cho, 1,7 triệu đồng tiền lương và phụ cấp, 1,7 triệu đồng tiền đứng mổ, 200.000 đồng tiền trực cơ quan. Tôi chưa có con nên chi phí chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng. Tôi hiện vẫn chưa dám có con cũng chính vì chuyện học. “Để có Mặt trời phải trả giá một hoàng hôn” là vậy!

* Được biết ông có người vợ thật tuyệt vời?

- Tôi là kết quả của công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. “Nhân dân” ở đây là vợ tôi. Cô ấy đã nuôi tôi nhiều năm từ khi tôi đậu nghiên cứu sinh. Nếu không có cô ấy chắc chắn tôi không thể được như ngày hôm nay. Cô ấy là phần thân thể của tôi.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (12/09/2006)
Số lùi số tới  (12/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (12/09/2006)
Xuôi dòng Mêkông, uống bia Lào và ngắm hoàng hôn  (11/09/2006)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (01/09/2006)
Bún chả cá Quy Nhơn, tôi ăn... tôi thấy... tôi lo  (29/08/2006)
Những người trẻ xứ Nẫu: từ online đến offline  (28/08/2006)
Khao khát Định Bình  (28/08/2006)
Quy Hòa, thung lũng tình thương  (25/08/2006)
Làng rau má  (25/08/2006)
Mốt xăm mình trong giới trẻ: Hệ quả và hậu quả  (24/08/2006)
Lao động nữ ở Phù Mỹ: Ở lại quê với nghề may  (23/08/2006)
Ngư dân bỏ biển lên bờ  (21/08/2006)
Kể chuyện chấm thi cho thí sinh khiếm thị  (20/08/2006)
"Nhân bản" tượng Chăm  (18/08/2006)