Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái
14:32', 12/9/ 2006 (GMT+7)

Tình cờ gặp võ sư Diệp Lệ Bích - Chưởng môn nhân đời thứ ba phái võ Bình Thái Đạo (tức phái võ An Thái - Bình Định), tại Bình Định ngay trước thềm Liên hoan (LH) Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất. Vị chưởng môn này vừa khép lại gần hai chục ngày rong ruổi khắp nơi làm từ thiện, và đang tính xin Ban Tổ chức thâu nhận làm... tình nguyện viên để hướng dẫn các đoàn khách quốc tế tại LH, thay vì tham gia thi triển võ công nhằm dương danh môn phái như thói thường. Cái lạ ấy khiến chúng tôi không thể không tò mò và quyết định làm một cuộc phỏng vấn.

 

                                    Võ sư Diệp Lệ Bích

 

Chưởng môn nhân tình nguyện làm... tình nguyện viên 

* Làm tình nguyện viên cho LH, hẳn đấy chưa phải là tất cả những gì mà võ sư muốn làm khi về Việt Nam lần này, cũng như khi tham gia LH võ ngay tại quê nhà?

- Thực ra mục đích chính của tôi khi từ Anh quốc về Việt Nam lần này, ngoài việc đi làm từ thiện, còn là củng cố lại võ đường ở Bình Định mà mục tiêu trước mắt là trong năm nay, quyết tâm tạo ra cho được một sàn tập tại Quy Nhơn. Ngoài ra, tôi còn muốn tái bản lại cuốn sách Võ Bình Định chân truyền của cha tôi (võ sư Diệp Bảo Sanh) vốn đã xuất bản năm 1971 tại Sài Gòn, để gửi tặng cho tất cả các đại biểu từ các nước về tham dự LH. Tuy nhiên, ý định này có lẽ sẽ không thành vì thời gian còn lại quá ngắn.

+ Võ sư vừa nói đến việc củng cố lại võ đường ở Bình Định. Theo tôi được biết, trước đây, ở Quy Nhơn, cũng đã có một võ đường Bình Thái Đạo hoạt động. Vậy tại sao lần này võ sư đặt vấn đề củng cố...?

+ Đúng là vào năm 1984, anh nuôi tôi là võ sư Nguyễn Ngọc Danh, có mở võ đường, đã đào tạo ra được nhiều học trò, tham gia biểu diễn tại các lễ hội của tỉnh. Nhưng rồi do tài chính eo hẹp, tuổi già, lại vướng bận chuyện làm ăn của cả thầy lẫn trò, nên từ năm 2002, võ đường này không hoạt động mạnh như trước được nữa. Lần này, để củng cố, tôi dự tính sẽ có sự liên kết với Liên đoàn Võ thuật Bình Định và trực tiếp xắn tay vào làm. Và xin nói thẳng, tôi đã không làm thì thôi, chứ đã làm thì quyết tâm làm đến nơi; nhưng tất nhiên, cũng rất cần có sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành liên quan của tỉnh.  

 

Sân nhà của võ sư Diệp Trường Phát (người sáng lập Bình Thái Đạo) tại làng võ An Thái, nơi tập và đào tạo môn sinh của võ sư lúc sinh thời.

 

Và ước mơ hồi sinh một làng võ

Theo Võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Võ thuật Bình Định, tuy võ phái An Thái ra đời cùng thời điểm với VOVINAM, Sa Long Cương (những năm 30 thế kỷ XX), nhưng thời đó, ảnh hưởng của Bình Thái Đạo thậm chí còn mạnh hơn VOVINAM. Tuy nhiên, từ sau năm 1975 đến nay, hoạt động của Bình Thái Đạo trở nên trầm lắng. Ngay tại làng võ An Thái, cái nôi ra đời của Bình Thái Đạo, cũng còn rất ít người tập võ. Còn các võ đường Bình Thái Đạo trong toàn quốc chủ yếu do các học trò của cụ Tàu Sáu mở.

* Võ sư có bao giờ nghĩ đến việc hồi sinh không khí làng võ An Thái một thời không? 

- Đây cũng là điều tôi thường xuyên tâm niệm. Tôi vẫn nghĩ, làng võ An Thái nói chung và Bình Thái Đạo nói riêng đã được xem như một nét đặc sắc trong truyền thống miền đất Võ, tại sao nay chúng ta không thể hồi sinh lại được. Và tôi tin là nếu được sự giúp đỡ của các ban ngành của tỉnh thì việc đưa làng võ An Thái trở lại sôi động như trước đây không phải là không thể làm được.

* Võ sư nhận xét như thế nào về các lò võ Bình Thái Đạo hiện tại ở Bình Định?

- Tuy tôi mới về Bình Định mấy hôm nay, nhưng mới đây, trong mục đích củng cố lại võ đường, tôi đã gặp mặt các võ sư ưu tú của môn phái. Điều đáng mừng là họ đều tuân thủ đúng môn quy và việc tập luyện theo đúng tinh thần môn phái. Không ít võ sư Bình Thái Đạo nay đã thành danh và đang đóng góp cho phong trào thể thao của tỉnh.

Cuốn “Võ thuật Bình Định chân truyền” của võ sư Diệp Bảo Sanh xuất bản năm 1971.

Dạy võ và làm việc thiện

Võ sư Diệp Lệ Bích là cháu nội của võ sư Diệp Trường Phát (người sáng lập võ phái Bình Thái Đạo), con của  võ sư Diệp Bảo Sanh (chưởng môn nhân đời thứ hai), sinh năm 1962. Năm 1979, võ sư theo gia đình di cư sang sống tại Vương quốc Anh. Võ sư được chính thức giao chưởng môn nhân Bình Thái Đạo đời thứ ba từ năm 1984. Cũng từ đó, võ sư bắt đầu mở các lớp dạy võ cho võ sinh châu Âu tại thành phố Northamptoen (Anh).  

* Có khó khăn nào khi võ Bình Định truyền dạy cho người châu Âu không, thưa võ sư?

- Ở bên đó, tôi dạy cho mấy trăm môn sinh, chủ yếu là người Anh, còn Việt kiều thì cũng chỉ có 10% thôi. Nhiều thế hệ võ sinh đã được mời biểu diễn trên truyền hình hay tại các hội vui xuân của cộng đồng người Việt. Nhìn chung, môn sinh ngoại quốc họ tiếp thu nhanh và có thể lực, nên học rất giỏi. Theo quan điểm của tôi, điều căn bản là dạy cho họ cách thâu lực và phát lực, rồi sau đó, học võ nào cũng vô... ngon lành. Tuy nhiên, người châu Âu chỉ tập võ như một môn thể thao thôi chứ không tiếp thu như một hệ thống, cả về tinh thần, lý luận, võ y... Vả lại, thời gian sau này, tôi có con, bận bịu công việc an sinh xã hội và mê làm từ thiện, nên phòng tập đành đóng cửa.

* Nói về việc làm từ thiện, hình như, năm nào võ sư cũng về Việt Nam để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh?

Bình Thái Đạo là môn phái võ do ông Diệp Trường Phát (tức Tàu Sáu), ông nội của Diệp Lệ Bích sáng lập. Diệp Trường Phát sinh năm 1896 tại làng An Thái (nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn), là người gốc Hoa. Năm 13 tuổi, ông được cha mẹ cho sang quận Chiếu An, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) học võ, rồi sang Hồng Kông thụ huấn thêm. Trở về An Thái, ông tiếp tục học hỏi và rút tỉa thêm tinh hoa võ thuật Bình Định. Lúc đầu, ông chỉ dạy người trong gia đình, sau này, do nhiều người nài nỉ, ông mới truyền võ nghệ cho người trong làng. Năm đó (1924), ông đã 28 tuổi. Từ đây, môn phái An Thái, còn gọi là Bình Thái Đạo (tức Bình Định, An Thái) ra đời.

- Từ năm 1998, tôi bắt đầu về Việt Nam và có ý làm công việc từ thiện. Khi tôi quay lại Anh, quãng năm 2002, tôi bỏ công việc đang làm ở Ngân hàng Barclaycard, bỏ luôn việc làm an sinh xã hội tại Hội Việt Nam của tỉnh Northamptoen, chỉ còn làm thông dịch viên cho tòa án, cảnh sát, bệnh viện bên đó, để dành thời gian làm từ thiện. Số người tôi bảo trợ, nhận đỡ đầu nay chắc cũng đến số trăm rồi. Tôi thường tìm các địa chỉ cần sự giúp đỡ đăng trên báo, rồi đến tận nhà để giúp đỡ. Ngoài ra, vừa rồi, tôi cũng có tham gia ủng hộ nạn nhân bão Chanchu, nạn nhân chất độc da cam. Hai năm gần đây, tôi về Việt Nam nhiều nhất: năm 2005 về 4 tháng, còn năm nay về 7 tuần và cũng dành thời gian chủ yếu là đi các tỉnh làm từ thiện.

* Xin hỏi thẳng, nguồn tài chính nào mà võ sư có thể làm từ thiện “dồi dào” như vậy?

- Thì tôi vẫn đi làm, làm thông dịch viên này, rồi làm dịch vụ nữa... Cũng nói thật, trước đây tôi tính là một năm sẽ về Việt Nam 6 tháng, chỉ ở Anh 6 tháng với gia đình. Nhưng rồi tôi lại nghĩ là cố gắng làm thêm để lấy tiền làm từ thiện, nên năm nay, tôi chỉ về 7 tuần, còn sang năm chỉ khoảng 1 tháng thôi.

*  Một câu hỏi cuối: Bình Thái Đạo không góp mặt trong phần biểu diễn tại LH Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần này, võ sư có thấy tiếc?

- Tất nhiên là tiếc. Tiếc cả chuyện không kịp tái bản sách của cha tôi nữa. Nhưng... hy vọng còn có lần sau.   

* Xin cảm ơn võ sư!

  • Lê Viết Thọ (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (12/09/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (12/09/2006)
Số lùi số tới  (12/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (12/09/2006)
Xuôi dòng Mêkông, uống bia Lào và ngắm hoàng hôn  (11/09/2006)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (01/09/2006)
Bún chả cá Quy Nhơn, tôi ăn... tôi thấy... tôi lo  (29/08/2006)
Những người trẻ xứ Nẫu: từ online đến offline  (28/08/2006)
Khao khát Định Bình  (28/08/2006)
Quy Hòa, thung lũng tình thương  (25/08/2006)
Làng rau má  (25/08/2006)
Mốt xăm mình trong giới trẻ: Hệ quả và hậu quả  (24/08/2006)
Lao động nữ ở Phù Mỹ: Ở lại quê với nghề may  (23/08/2006)
Ngư dân bỏ biển lên bờ  (21/08/2006)
Kể chuyện chấm thi cho thí sinh khiếm thị  (20/08/2006)