Nghề câu cá ngừ đại dương ở Tam Quan Bắc:
Bao giờ cho đến... ngày xưa
9:0', 13/9/ 2006 (GMT+7)

Xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) là nơi tập trung một lực lượng tàu thuyền câu cá ngừ đại dương (CNĐD) hùng hậu, với trên 300 chiếc, chiếm khoảng 80% tàu câu CNĐD của tỉnh. Hơn 10 năm qua, nghề câu CNĐD đã đem lại cho người dân Tam Quan Bắc một cuộc sống ổn định, sung túc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề này ngày càng “thất bát”.

 

Hàng trăm tàu câu CNĐD đang nằm bờ tại Cảng cá Tam Quan. Ảnh: N.T

 

* Khoảng lặng một vùng biển

Đến Cảng cá Tam Quan (Tam Quan Bắc) vào thời điểm này, chúng tôi không còn thấy cảnh nhộn nhịp, tấp nập tàu xe ra vào, như từ đầu năm 2006 trở về trước. Thay vào đó là khung cảnh vắng lặng. Dọc theo cảng cá chỉ lèo tèo vài chiếc tàu khai thác gần bờ đang cập bến, đưa lên các loại cá cơm, cá sọc dưa.... Cảng cá Tam Quan bây giờ được ngư dân ví von là khu “nằm chờ”, bởi hơn 3 tháng nay gần 300 tàu câu CNĐD ở Tam Quan Bắc neo đậu một cách im lìm. Thi thoảng, một vài chiếc vì sốt ruột nên “mở biển” (ra khơi đánh bắt) thử, để rồi quay về với nỗi lo nợ nần thêm chồng chất. Hàng ngày, các chủ tàu chỉ đến để trông nom, tưới nước boong tàu nhằm chống vênh và hư hỏng. Với ánh mắt bất lực, họ nhìn những chiếc tàu chỉ cách đây mấy tháng xông pha chinh phục khơi xa, bây giờ nằm im trên bến cá buồn hiu.

Ông Bùi Hữu Hoàng - ở Tân Thành II, chủ tàu câu CNĐD đang nằm bờ - cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tôi đã đi 4 chuyến biển và lỗ hơn 30 triệu đồng. Cách đây 2 tháng, sốt ruột quá, cố xoay xở “tổn” để “mở biển” thêm một lần nữa, nhưng lại thua lỗ thêm 15 triệu, đành cho tàu nằm bờ từ đó cho đến nay”. Nhiều chủ tàu câu CNĐD ở Tam Quan Bắc quan niệm: Thà cứ đi, cứ ra khơi còn có hy vọng, chứ để tàu nằm bờ thì bao nhiêu chi phí biết trông chờ vào đâu. Bởi thế, họ cố hết sức chạy tiền đổ dầu, mua lương thực... để hành nghề. Đến lúc nào không chạy đâu ra tiền nữa thì mới chịu để tàu nằm bờ. Hiện nay, ở Tam Quan Bắc có khoảng 90% tàu câu CNĐD đang nằm bờ và nhiều chủ tàu đang rao bán tàu.

Tại trụ sở UBND xã Tam Quan Bắc, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tuấn (ở thôn Tân Thành 2) đến xin giấy tạm vắng cho con trai đi làm ăn xa. Ông buồn buồn cho biết: “Mấy năm nay, hai cha con tôi cùng nhau lăn lộn với biển, nhưng càng đi càng lỗ. Chiếc tàu trước đây mua với giá gần 1 tỉ đồng, bây giờ kêu bán 300 triệu nhưng chưa thấy ai ngỏ ý mua”. Không riêng gì ông Tuấn, chừng 3 tháng trở lại đây, ở Tam Quan Bắc có hơn 15 tàu câu CNĐD làm ăn không hiệu quả, các chủ tàu đành bấm bụng bán tàu để trả nợ.

Những câu chuyện về cuộc sống và công việc của ngư dân câu CNĐD ở Tam Quan Bắc đã gợi lên trong tôi sự nuối tiếc về thời hoàng kim của nghề này. Khoảng năm 2005 trở về trước, cứ 100 tàu thuyền ra khơi thì có đến 80-90 tàu có lãi, số ít còn lại là hòa vốn hoặc thua lỗ phần lớn là do tàu thuyền gặp rủi ro. Còn bây giờ, mọi chuyện đang theo chiều ngược lại: toàn xã có chưa đến 10% tàu câu CNĐD làm ăn có lãi, 20% hòa vốn, còn lại là thâm tổn. Từ đầu năm đến nay, sản lượng CNĐD khai thác được ở Tam Quan Bắc chỉ hơn 1.000 tấn, giảm hơn 1/2 so với cùng kỳ năm 2005.

 

Nhiều trạm thu mua CNĐD ở Tam Quan Bắc đã tạm đóng cửa mấy tháng nay. Ảnh: N.T

 

* Ngư dân thua thiệt

Nhiều chủ tàu câu CNĐD ở Tam Quan Bắc cho biết, sở dĩ nghề câu CNĐD gặp khó khăn là vì chi phí quá cao, sản lượng khai thác giảm. Ông Tăng Quang Vinh - một chủ tàu câu CNĐD ở Tân Thành 2- than thở: “So với năm 2005, chi phí mỗi chuyến biển tăng 40%, trong đó riêng tiền dầu diesel tăng 65%/chuyến (khoảng 12-15 triệu đồng/chuyến). Với giá cá ngừ như hiện nay (từ 60.000 - 65.000 đồng/kg), mỗi tàu câu phải đạt năng suất từ 1,1 tấn/chuyến trở lên mới đảm bảo đủ bù chi. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, số tàu câu CNĐD ở Tam Quan Bắc đạt được sản lượng trên 1 tấn/chuyến chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Ngoài chi phí tăng cao, nghề câu CNĐD ở Tam Quan Bắc cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nổi cộm nhất là việc thiếu thông tin về đối tượng và ngư trường khai thác; ngư cụ và phương pháp khai thác còn lạc hậu; việc tổ chức khai thác còn đơn lẻ; kỹ thuật sơ chế và bảo quản sản phẩm còn kém; mạng lưới thu mua, chế biến chưa được tổ chức phù hợp...

Ông Đào Duy Hội - Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc: Thời gian gần đây, nghề câu CNĐD ở Tam Quan Bắc luôn thất bát, sản lượng khai thác ngày càng giảm. Đã vậy, công tác bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; việc thu mua, chế biến còn nhiều tồn tại... làm cho giá CNĐD ở địa phương luôn thấp hơn so với các nơi khác. Với chức năng và quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã, chúng tôi không làm được gì ngoài việc đề nghị huyện, ngành Thủy sản sớm có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vượt qua những khó khăn, tiếp tục ra khơi bám biển.

Lâu nay, ngư dân câu CNĐD ở Tam Quan Bắc chủ yếu khai thác dựa vào kinh nghiệm là chính, hiện nay thì cách làm này không còn phù hợp nữa. Việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cũng chưa được các ngư dân câu CNĐD ở Tam Quan Bắc quan tâm. Phần lớn tàu câu CNĐD ở đây bảo quản sản phẩm bằng nước đá được xay nhỏ, nên chất lượng kém, giá trị thương phẩm giảm. Việc đầu tư thiết bị hiện đại như máy tầm ngư, thiết bị cấp đông, hầm hạ nhiệt... hầu như chưa có ai làm. Việc gắn kết giữa các đơn vị thu mua, chế biến xuất khẩu với người sản xuất cũng chưa được chú trọng. Tại Cảng cá Tam Quan, hiện có trên 15 cơ sở thu mua CNĐD, nhưng phần lớn là trạm trung chuyển, trang thiết bị thiếu thốn, chưa đảm bảo các yêu cầu về bảo quản sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Phương thức thu mua chủ yếu là mua “xô”, đánh giá chất lượng bằng cảm quan, nên không khuyến khích ngư dân nâng cao chất lượng bảo quản. Tình trạng tranh mua, tranh bán, ép cấp, ép giá vẫn còn xảy ra... Ông Phùng Ngọc Thanh, một ngư dân câu CNĐD ở thôn Tân Thành 2, bức xúc: “Để câu được một con CNĐD, ngư dân chúng tôi phải đổ rất nhiều mồ hôi và công sức. Bởi thế, chúng tôi quý sản phẩm mình làm ra, nó vừa là thành quả lao động, vừa là gạo, là cơm nuôi sống cả gia đình. Thế nhưng nhiều lúc đưa cá vào đến tận bờ chưa kịp vui mừng đã thấy bực dọc. Các chủ cơ sở thu mua câu kết lại với nhau để ép giá ngư dân, làm cho giá cả luôn bấp bênh, ngư dân bị thua thiệt”.

Để nghề câu CNĐD ở Tam Quan Bắc phát triển một cách bền vững, thì những tồn tại trên đây phải sớm được giải quyết. Ai sẽ giúp cho ngư dân Tam Quan Bắc vượt qua khó khăn này, nếu không phải là chính quyền địa phương và ngành Thủy sản?

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (12/09/2006)
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (12/09/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (12/09/2006)
Số lùi số tới  (12/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (12/09/2006)
Xuôi dòng Mêkông, uống bia Lào và ngắm hoàng hôn  (11/09/2006)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (01/09/2006)
Bún chả cá Quy Nhơn, tôi ăn... tôi thấy... tôi lo  (29/08/2006)
Những người trẻ xứ Nẫu: từ online đến offline  (28/08/2006)
Khao khát Định Bình  (28/08/2006)
Quy Hòa, thung lũng tình thương  (25/08/2006)
Làng rau má  (25/08/2006)
Mốt xăm mình trong giới trẻ: Hệ quả và hậu quả  (24/08/2006)
Lao động nữ ở Phù Mỹ: Ở lại quê với nghề may  (23/08/2006)
Ngư dân bỏ biển lên bờ  (21/08/2006)