Khi trời vừa hửng sáng cũng là lúc chợ rau Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) lắng xuống. Những chiếc xe tải, xe lam, xích lô, xe máy chất đầy rau vội vã tỏa vào các ngả đường thành phố, đi tỉnh xa. Tôi theo sau những chiếc xe honda dềnh dàng, rau che khuất cả người chở, vào thành phố. Có biết bao cuộc đời ngày ngày vẫn đợi rau như thế.
* Đời rau
6 giờ sáng, chị đã bày rau tươm tất, gọn gàng trên vỉa hè chợ khu 6. Nhưng ngày mới của chị đã bắt đầu từ tối hôm trước. Tầm 8 - 9 giờ tối, chị ra chợ đêm mua bầu, bí, đậu cô ve, cà chua - những loại rau quả từ Gia Lai, Lâm Đồng đưa xuống, Phú Yên đưa ra nên có sớm. Đợi 4 giờ sáng, khi chồng con còn đang giấc nồng, chị trở dậy, đi chợ lần nữa. Lần này là mua các loại rau tươi do nhà vườn mang bán, rồi chị chở tất cả xuống chợ khu 6 bán lẻ.
|
Cho đậu vào từng túi nhỏ để bỏ mối cho bạn hàng ở chợ đêm. Ảnh: N.S
|
Nhớ hôm gặp chị giữa những hàng rau củ ở chợ đêm Nhơn Phú, cả hai đều ngờ ngợ nhau. Chị Hoa hỏi: có phải em thường đi chợ khu 6? Tôi hỏi lại, hình như chị bán rau phải không, sao bây giờ nhìn chị khác dữ? Chị với bộ đồ thun gọn gàng, tóc vừa gội xõa sau lưng. Thật khác với chị buổi sáng ở chợ. Lúc ấy, chị, áo khoác xộc xệch, trán bết mồ hôi, tay, chân, miệng hoạt động “hết công suất”: bỏ rau vào túi cho khách, xếp lại chồng rau kia cho gọn gàng, thối tiền, ra giá, càu nhàu người này trả rẻ, ngọt ngào mời người kia mua hàng… Hàng rau của chị cùng một vài chị bạn bên cạnh cùng ở Nhơn Phú lúc nào cũng đông khách, bởi rau tươi ngon mà giá lại phải chăng hơn các hàng khác.
Còn với anh Bình (KV 3, phường Nhơn Phú), cứ 3 - 4 giờ chiều, anh lại chở vợ lên Diêu Trì mua bầu, bí và một số loại rau khác để tối bán. Gia đình anh đã có hơn 30 năm và 2 thế hệ gắn bó với nghề mua bán rau. Anh Bình kể, từ hồi giải phóng cho đến bây giờ, má anh trung thành với một lộ trình duy nhất: chiều lên Diêu Trì mua rau Tuy Phước, Tây Sơn chở xuống rồi gởi lại đó. 2 giờ sáng bà lại tất tả lên, mua thêm một số rau tươi nữa rồi chất tất cả lên xe lam, chạy một mạch về chợ Lớn bỏ lại cho các quầy rau trong chợ. Khách hàng của bà có cả từ Nhơn Lý, Nhơn Hải sang. “Bạn hàng buôn bán quen rồi nên dù nhà gần chợ rau Nhơn Phú má tôi vẫn cứ phải lên tận Diêu Trì mua rồi chở xuống tuốt chợ Lớn bán lại” - anh Bình giải thích. 2 người con dâu của bà, trong đó có vợ anh Bình, lại cũng theo nghiệp mẹ chồng. Vậy là chiều chiều, anh chở vợ lên Diêu Trì mua rau, 8 giờ tối, anh chị cùng chở hàng ra chợ đêm. Chị bán, anh ngồi đợi. Xong thì chở vợ về. 2 giờ sáng, họ lại cùng nhau ra chợ mua các loại rau rồi bỏ mối lại cho bạn hàng bán lẻ.
* Chợ đêm
Với người Nhơn Phú, chợ rau đêm dường như đã là một phần cuộc sống. Theo ước tính, cả phường có 4.000 hộ thì đã có 500 - 600 hộ trồng rau với khoảng 145 ha vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, điều đặc biệt là không phải nơi nào trồng loại rau nào cũng được mà 8 khu vực của phường Nhơn Phú được chia ra thành những vùng chuyên canh các loại rau khác nhau, tùy theo chất đất từng vùng. Khu vực 2 chuyên trồng các loại dây leo như mướp, bầu, bí, khổ qua, đậu…, khu vực 3 chuyên làm rau má, khu vực 4 chuyên rau muống, khu vực 5 chuyên rau răm, còn các khu vực 6, 7, 8 thì tập trung các loại rau mùi (hành, ngò, quế, húng…). Sau khi thu hoạch, các nhà vườn mang rau đến chợ đêm Nhơn Phú bán cho các đại lý hoặc người mua sỉ đem ra chợ bán lẻ.
Từ độ lập thu đến chừng tháng 2, tháng 3 âm lịch năm sau, rau muống Nhơn Phú được xuất đi chủ yếu các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum. Còn Phú Yên thì lại hút hàng với rau răm. Trong khi đó, rau má, vì số lượng lớn nên các đại lý mua tại vườn, đóng bao và hàng đêm mang tập kết ở khu vực cầu sông Ngang để chở đi Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên.
Ngoài ra, chợ đêm cũng là nơi tập kết rau từ Tây Sơn, Gia Lai, Lâm Đồng xuống, Phú Yên ra... Mỗi buổi chợ, ước tính lượng rau mua bán cũng lên đến cả vài chục tấn.
* Đời chợ - đời người
Chợ rau đêm Nhơn Phú có từ khi nào, hầu như chẳng ai có câu trả lời chính xác. Những người già bảo lâu lắm cũng không nhớ nữa. Chị Loan, bán rau ở chợ khu 6 trả lời: “Tôi theo mẹ đi chợ này từ năm 14 tuổi, tới nay là 37 tuổi rồi”. Một chị khác nhớ lại: “Hồi tôi ở quê xuống đây mua bán rau mới có 12 tuổi. Bây giờ tôi 33 tuổi rồi. Chợ cũng có mấy chục năm rồi chứ chẳng ít”. Tôi hỏi “Chợ có từ khi nào” với gần cả chục người và nhận lại cũng ngần ấy những câu trả lời tương tự như thế - những câu trả lời “lạc đề” nhưng lại khiến người nghe bâng khuâng nhiều tâm trạng. Ngẫu nhiên, vô định hay vì chợ đã là một phần cuộc sống mà cứ nghe hỏi đến là các chị lại “mặc định” với câu trả lời gắn đời mình trong đó?
Chợ đêm. Dưới ánh đèn đường, nhìn vợ anh Bình khệ nệ với mấy bao bầu, bí, đậu, mướp, nhìn chị Hoa, chị Loan lựa từng bao rau, mớ đậu, nâng lên đặt xuống mấy trái bầu, gõ gõ để chọn trái non, trả treo… lại thấy hiện ra hình ảnh của những người vợ, người mẹ tất bật lo cho cuộc sống gia đình. Cũng sợ mua mắc, mua hớ, sợ mua rau dở sẽ bán ế, vì thế, cố đi sơm sớm để chọn được rau ngon, cố chịu cực ngồi bán lẻ, cố mời chào, dịu dàng với khách để bán được hàng, có thêm đồng lời lo cho con cái.
Khuất sau từng xe rau, ẩn sau ánh đèn đường, là những cuộc đời gắn bó với chợ đêm như thế.
|