Có một điều lạ là hầu hết những người chế tác non bộ ở TP Quy Nhơn đều là những nghệ sĩ nghệ nhân thực thụ, có người là nhà nhiếp ảnh, họa sĩ, viết văn, làm thơ tiếng tăm. Những tảng đá san hô vô hồn đi qua sự tạo tác của họ bỗng trở thành những công trình nghệ thuật bí ẩn, gây nhiều xúc cảm mà nhà thơ Đào Viết Bửu gọi đó là “đá cầm nóng lạnh tặng người…”.
|
Non bộ vào quán cà phê. Ảnh: Q.K
|
Ở Bình Định, thú chơi non bộ chỉ mới thịnh hành từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Những công trình non bộ hoành tráng ban đầu xuất hiện ở các quán cà phê trong khu vực Sân bay Quy Nhơn, khi ấy các quán cà phê còn phải thuê đất của Sân bay.
Và rồi khi cái ăn, cái mặc không còn là điều bận tâm, nhiều người Bình Định lại nghĩ đến cái chơi và chơi non bộ là thú tiêu dao không chỉ dành cho giới thượng lưu mà cho cả những người bình dân; không chỉ dành cho người già hưởng nhàn mà cho cả những người trẻ luôn bận bịu với công việc.
* Những nghệ sĩ làm mà chơi
Trong giới văn nghệ ở Bình Định không ai là không biết đến cây bút truyện ngắn Lê Hoài Lương; những nhà thơ Đào Viết Bửu, Lê Ân; hay như nghệ nhân điêu khắc Vũ Minh Tú từng gây đình đám với những bức tượng đá Quang Trung cầm được trên tay được sản xuất hàng loạt bán cho du khách… Vậy mà giờ đây, ngoài công việc sáng tác họ lại còn gặp gỡ nhau ở cái nghề chế tác non bộ.
Ngoại trừ những nguyên tắc chung khi chế tác một công trình non bộ như: chiều cao không quá chiều dài của hồ, không để lỗ thủng xuyên tâm, đường đi trên non bộ không quá cụt… còn lại mỗi vùng có những phong cách làm non bộ khác nhau. Nếu non bộ miền Bắc phần lớn phóng tác theo những cảnh đẹp của Hạ Long, của những núi đá vôi Ninh Bình; miền Nam chủ yếu phóng tác theo mẫu từ sách vở nước ngoài thì nét độc đáo của non bộ ở Bình Định là sự dữ dội, hùng vĩ, cheo leo giống như thế núi hình sông của dải đất miền Trung chịu nhiều phong hóa của thời tiết khắc nghiệt. Tuy vậy mỗi nghệ nhân làm non bộ ở Bình Định lại cũng tạo cho mình một nét đặc trưng.
Ông Nguyễn Xuân Lộc từng nổi danh trong làng nhiếp ảnh nghệ thuật với bút danh Phước Lộc vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, giờ cũng là một trong những thương hiệu non bộ hàng đầu ở TP Quy Nhơn tâm sự: “Ngày còn ở trong quân đội, sống trong rừng núi, mỗi lần chọn nơi đóng quân, tôi không chỉ quan tâm đến vị trí chiến lược mà còn chú ý tìm kiếm những nơi có phong cảnh đẹp. Chính những năm tháng ở rừng ấy cho tôi biết nhìn cái đẹp về núi non, về sự xếp đặt tuyệt vời của thiên nhiên để giờ đây gửi gắm nó vào các công trình non bộ.” Bắt đầu làm non bộ từ năm 1994, ông Lộc đã từng làm cả trăm hòn non bộ lớn nhỏ song với ông, mỗi non bộ làm ra là một tác phẩm nghệ thuật độc lập, vẫn những đường nét quen thuộc nhưng không hề lẫn lộn.
Non bộ của nghệ nhân Vũ Minh Tú lại là một sự pha trộn phong cách của đủ ba miền. Tú năm nay mới 32 tuổi song đã có hơn chục năm ly hương vào TP Hồ Chí Minh làm ăn. Từ chỗ làm nghề khắc tượng gỗ, tượng đá mỹ nghệ cho một công ty của Đài Loan rồi phiêu dạt lên Tây Nguyên, ra miền Bắc làm non bộ và cuối cùng Tú về lại quê hương Quy Nhơn tiếp tục chế tác non bộ. Hòn non bộ tại quán cà phê A&B trên đường Phạm Hùng của Tú gây ngạc nhiên trong giới chơi non bộ bởi màu sắc và đường nét khác biệt mang vẻ đặc trưng của non bộ Đài Loan và nét tạo thạch nhũ của non bộ miền Bắc…
Với nghệ nhân Lê Ân, sự thích thú lại là những non bộ nhiều nét ngang. Anh cho rằng những non bộ như vậy tạo cảm giác liên tưởng đến những áng mây bồng bềnh, nhẹ nhàng và bình yên…
|
Nhà chế tác Xuân Lộc đặt tượng cho non bộ. Ảnh: Q.K
|
* Ai chơi non bộ?
Không dễ để trả lời câu hỏi này bằng việc khoanh dần đối tượng bởi có quá nhiều lý do để người ta chơi non bộ. Dân thành phố thì hoặc là vì muốn kéo gần thiên nhiên vốn dĩ là máu thịt của một thời chân quê thơ ấu hoặc là vì muốn giảm stress sau những giờ phút căng thẳng với công việc; còn đối với người thôn quê thì hoặc là làm đẹp cho khu vườn hoặc đơn giản chỉ vì kiếm một chỗ ngồi thi vị cho bạn bè tụ tập…
Tôi có người bạn tên Rảnh làm rẫy và nuôi heo ở rìa núi cạnh nghĩa địa thuộc phường Quang Trung - TP Quy Nhơn. Dẫu chưa dư dật gì, nhà lại xây ở lưng chừng núi, sau lưng là núi, hai bên là núi, vậy mà anh cũng cố làm chiếc cầu vồng bắc qua con suối trước nhà rồi đi tìm nhà thơ kiêm nhà chế tác non bộ Đào Viết Bửu nhờ làm giúp cái hồ cá và dãy non bộ… Cảm cái khí khái của người chủ là dân miền Nam tận mạc lưu lạc ra Trung làm ăn chí thú, nhà thơ Đào Viết Bửu nhận làm với tiền công hữu nghị, chiều chiều khề khà rượu nhạt cùng nhau. Công trình non bộ, có câu thơ của nhà thơ tặng chủ dán bằng những viên đá cuội “Đá cầm nóng lạnh tặng người gian lao”… Rảnh nói: “Suốt ngày lam lũ với rẫy sả và đàn heo gần trăm con, mình chỉ thấy ý nghĩa cuộc đời khi chiều xuống, ngồi bên chiếc bàn đá nghe tiếng thác đổ, ếch kêu từ cái hồ non bộ cùng đám cây cảnh”.
Ở TP Quy Nhơn, có lẽ công trình non bộ trong ngôi biệt thự trên đường Hoàng Văn Thụ của anh Thân Trọng Quang là thuộc loại hoành tráng nhất nhì. Cha vợ của anh Quang, ông Nguyễn Hảo đã quá tuổi thất thập, sáng sáng chiều chiều quẩn quanh bên hồ cá non bộ, hết tưới cây, gom lá vàng lại ném thức ăn cho cá… Ông Hảo tâm sự: “Tôi nguyên là bộ đội từng sống nhiều năm trong rừng, khi về hưu thì nhớ rừng, nhớ cây lắm… Có cái non bộ này, chim tự nhiên về đây hót suốt ngày, tôi khỏe ra cứ như thời trai trẻ…”. Còn anh Quang thì bộc bạch: “Công việc kinh doanh cứ xoay lấy mình, chiều về tĩnh tâm cùng cỏ cây, non nước lại nghĩ ra được nhiều ý tưởng hay”…
Non bộ đi vào trường học, công sở ngày càng nhiều cùng với phong trào xây dựng trường học, cơ quan văn hóa… Ở TP Quy Nhơn đã có đến hàng trăm cơ quan, trường học xây dựng vườn cảnh, cơ quan có non bộ cũng lên đến số vài mươi. Từ những cơ quan tưởng chỉ biết đến sản xuất, kinh doanh như Cảng Quy Nhơn, Công ty Dược - TTBYT, Công ty Sữa, Cục Hải quan… đến những nơi điều trị bệnh như Trung tâm Chỉnh hình phục hồi chức năng, Trung tâm Mắt, Bệnh viện đa khoa thành phố Quy Nhơn… đều đã xây dựng các công trình non bộ. Anh hùng lao động Lê Minh Tấn, Giám đốc Công ty Dược - TTBYT Bình Định cho biết: “Sau những giờ lao động mệt mỏi, bước ra khỏi phân xưởng là công nhân lại được ngắm nhìn núi non, chim thú, cây cảnh… chính màu sắc và âm thanh của vườn cảnh non bộ này giúp họ sớm rũ bỏ mệt nhọc”.
* Không chỉ là niềm vui
|
Cheo leo và hùng vĩ non bộ gây cho con người bao cảm xúc. Ảnh: Q.K |
Chơi non bộ dẫu với mục đích nào đi nữa cũng nhằm đến sự thư giãn. Vậy mà có khi chẳng phải thế. Anh Tú kể: Năm 1998 tôi có làm một công trình non bộ cho một ông chủ doanh nghiệp giàu có ở Gia Lai. Đến năm 2002, trong mùa World Cup con trai ông đua xe và chết do tai nạn, ông thầy bói đến xem nhà và phán: “Nó chết là do xây cái non bộ này…”. Vậy là công trình non bộ do anh làm bị đập tan hoang, tình cảm của ông chủ dành cho anh cũng chẳng còn mặn nồng như trước…
Anh Đào Viết Bửu thì kể: Tôi nhận một công trình non bộ trong nhà đã tập kết xong vật liệu bỗng một “thầy” đến phán: làm non bộ trong nhà là không nên… vậy là mọi thứ đình lại.
Có lẽ thế mà người chế tác non bộ bây giờ lại phải kiêm luôn nhà phong thủy để khi cần thì phản biện với các thầy.
Nhưng đó chỉ là nỗi buồn vặt, non bộ vẫn luôn là thú chơi tao nhã ít người không mơ tới. Ở Bình Định, đá san hô tìm kiếm từ Sông Cầu không khó, cây phối cảnh lại nhiều thứ vô cùng nên non bộ giá có khi lại rẻ nhất nước. Vậy thì nếu không còn quá nặng chuyện cơm áo, bạn hãy nghĩ đến nó là vừa.
|