Giữa trưa. Ba người phụ nữ mặt bịt kín mít, chân mang giày lọt thỏm giữa những đống gỗ chất cao như núi ở khu vực Cảng Quy Nhơn. Bên cạnh họ, chiếc xe đạp cũ sì, trên ghi đông lủng lẳng chai nước, kẹp giữa khung xe là chiếc xà beng...
|
Một mình bà Mỹ vào bãi gỗ vắng tanh. Ảnh: T.H
|
* Đời mót nhặt
Lúc này họ cùng nhau đứng cạnh một bãi gỗ to, gỡ mạng che mặt và nhấp nháp chút nước còn sót lại trong chai. Cả 3 tuổi chừng 50 - 60, nước da đen giòn, người rắn rỏi. “Nghỉ thôi”- họ rủ nhau về. Vừa xếp đồ nghề thì bỗng đâu một chiếc xe xúc bất chợt chạy vào bốc đống gỗ chuyển sang chỗ khác. Không để lỡ cơ hội, ba người đàn bà chạy lại đống gỗ, hè nhau bưng những miếng vỏ cây còn vương trên mặt đất hoặc vội vàng kéo những mảnh vỏ ra khỏi thân cây gỗ. Vừa làm, mắt họ đảo nhanh xem chừng đống gỗ trước mặt, vừa cảnh giác xe ở phía sau. Thấy tôi lăng xăng, một người vội kêu lên: “Đứng ra ngoài kia mau lên! Xớ rớ ở đây coi chừng gỗ đè đó. Tụi cô quen rồi, biết khi nào gỗ rung rinh mà chạy”. Sau này, tôi mới biết tên 3 người là bà Mỹ nhà ở phường Lê Hồng Phong, bà Hạ ở cầu Chữ Y (phường Đống Đa) và bà Phúc ở phường Hải Cảng.
Bà Hồ Thị Bảy (KV7, phường Hải Cảng) đưa ngón tay nhẩm tính: “Làm nghề mót củi ở cảng toàn là đàn bà không hà, đa phần nửa đường đứt gánh. Tôi, bà Quê, bà Hà, bà Chín, Đoan, Phúc và bà Hạ. Trước, cả thảy có 9 người, nhưng ông Tý (Nguyễn Văn Tý) và bà Nhẹ (Đinh Thị Nhẹ) đã mất do bị gỗ đè nên chỉ còn lại 7...”. Nhà bà Bảy ở trong xóm lao động nghèo thuộc KV 7, phường Hải Cảng. Bà, cũng như những đồng nghiệp khác, đến với cái nghề “cạy, mót” bắt đầu từ nhu cầu chất đốt của gia đình. Sau thấy có người hỏi mua, bà làm nhiều, về chất đống, ai hỏi thì bán. “Mới đầu, chỉ mình tui làm, chồng tui (ông Phùng Văn Thuận- PV) làm thợ mộc. Sau rồi, ổng bỏ nghề mộc, theo tui. Cách đây 7 năm, ổng bị gỗ lăn, đè nát cả hai chân, vài tháng sau thì mất. Năm đó tui 41 tuổi, một mình lặn lội, xoay trở nuôi 4 đứa nhỏ” - bà tâm sự. Vỏ cây được bán với giá khác nhau: 5.000-10.000 đồng/bao, 20.000-40.000 đồng/bó, tùy theo to hay nhỏ.
Ở Cảng Quy Nhơn, không chỉ có đội quân mót, cạy vỏ cây mà còn có cả những người chuyên mót mì lát, bắp… mùa nào thức ấy tùy thuộc vào tàu chở hàng. Chỉ hơn bà Bảy vài tuổi, nhưng trông bà Võ Thị Quê khắc khổ, già hơn tuổi thật đến cả chục tuổi. Không chồng, ba đứa con, bà Quê lăn lộn kiếm sống nghề này sang nghề khác ở cảng nuôi con, mót xi măng, mót mì lát vương vãi từ các sàn tàu, và nay “trụ” lại với củi. Bà chép miệng, tiếc rẻ: “Mót mì, xi măng rơi vãi ở sàn tàu có tiền hơn nhưng phải nhanh chân, nhanh mắt, có sức chạy thoát mấy ông bảo vệ”. Nghe bà nói, tự dưng tôi lại nhớ đến lời “mách nước” của anh xe ôm đã lầm tưởng tôi là dân mới tập mót mì: “Nhớ phải lọt vô được tận trong cảng, gần mấy tàu chở mì. Đem theo bì nylon, lượm được ít nào thì bỏ vô, khi nào đầy mới chuyển sang bao to để ngoài xa. Cứ thế mà làm, nếu không bảo vệ họ sinh nghi đấy”.
Thường thì sau khi đã lấy được nhiều củi hoặc mì, những người này tập kết hàng tại một điểm rồi thuê ghe chở (10.000 đồng/chuyến) vào bờ bán cho những người có nhu cầu. Ngày trúng mánh, họ có thể kiếm được cả trăm ngàn, thậm chí hơn (đối với mót mì lát, xi măng) nhưng những ngày như vậy không nhiều. Người cạy củi, trung bình ngày kiếm được vài chục nghìn đồng.
|
Để trốn bảo vệ Cảng Quy Nhơn, những người mót củi phải đi men theo đường gờ bao quanh của 1 công ty, rộng chỉ khoảng 25cm. Ảnh: T.H
|
* Cũng một thứ nghề
Sau hơn hai năm kể từ khi chồng mất vì gỗ đè, bà Nguyễn Thị Nhàn (vợ của ông Nguyễn Văn Tý) vẫn không quên được cảnh tượng hãi hùng ngày ấy: “Đã là ngày 28 Tết, tôi hết củi đổ bánh bèo. Ổng bảo để ổng ra kiếm ít củi về đun. Chừng một tiếng sau thì tôi nghe người ta về báo ổng mất rồi. Năm cây gỗ tròn lăn qua người…”. Ông Tý không đi cạy củi để bán mà chỉ để cho vợ nấu xôi, đổ bánh bèo. Từ ngày chồng mất, bà Nhàn vẫn đi mua vỏ củi của những người khác. “Chỉ 5.000 đồng một bao, rẻ hơn củi gỗ. Vả lại tôi chụm thứ củi này quen rồi”- bà Nhàn chỉ tay về phía bao củi dựng trước nhà, nói. Dẫu vậy hầu hết họ đều thừa nhận: làm nghề này sợ gỗ đè thì ít vì đã có kinh nghiệm mà ngán mấy ông bảo vệ thì nhiều. Bảo vệ bắt được là thu đồ nghề, xe đạp, thậm chí bị dẫn lên đồn công an, bắt làm giấy cam đoan lần sau không tái phạm nữa. Nhưng rồi đâu lại vào đấy cả, bởi cùng lắm thì viện lý do “đói ăn vụng, túng làm liều”, ai nỡ bắt phạt.
“Chúng tôi đều đã lớn tuổi, biết nghề gì phù hợp. Vả lại, không quen bị bó buộc, sai khiến. Chi bằng cứ túc tắc, tự do, ngày đi cạy mót cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. Thứ củi này giống như hàng nằm, không bán được bữa nay thì bữa sau…” - bà Hạ tâm sự. Con cái của những người này phần đông đã trưởng thành nhưng nghèo. Họ đi làm để không phụ thuộc vào con và có thể phụ giúp lại cho con, cháu một phần.
Anh L. - một bảo vệ ở Cảng Quy Nhơn có lần nói: “Mấy người đi mót đó tài lắm. Tàu vào giờ nào là họ có mặt giờ đó, nửa đêm, gà gáy gì cũng vậy. Có người nuôi sống cả nhà nhờ cái nghề này. Tết năm ngoái, bà Nguyễn Thị H. đi mót mì từ mờ sáng, sẩy chân rơi xuống biển, chết đuối. Lúc nạo vét luồng cảng, mới phát hiện ra chiếc áo. Kể từ đó, việc canh tuần, không để người ngoài vào cảng càng xiết chặt hơn. Nhưng chỉ giảm được phần nào thôi…
|