Vi phạm an toàn điện: Chồng chất nỗi lo
9:48', 21/9/ 2006 (GMT+7)

Theo thống kê của Điện lực Bình Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định có 1.321 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) cao áp; trong đó huyện An Nhơn có 762 trường hợp, TP. Quy Nhơn có 159 trường hợp… Gần đây trên địa bàn tỉnh đã có hàng loạt vụ tai nạn về điện gây chết người hoặc để lại di chứng thương tích nặng nề. "Thần chết" vẫn treo lơ lửng đâu đó trên trụ điện, khi mà nhiều người xem nhẹ nguy cơ tai nạn điện.

 

Tù mù dây điện bên cạnh nhà 285 Bạch Đằng, Quy Nhơn. Ảnh: N.D

 

* Tai nạn điện: SOS!

Ngày 20-3-2006, một nhóm lao động gồm 6 người do ông Ngũ Dung Minh (thuộc Công ty vật liệu xây dựng Bưu điện chi nhánh miền Trung) phụ trách, đã tự ý cho dựng cột bưu điện dưới đường dây điện cao thế 22 KV, tại thôn An Hành Tây, thị trấn Ngô Mây (Phù Cát). Trong lúc thi công, cột đã chạm vào lưới điện gây chập làm 5 người gồm: Huỳnh Long Ẩn bị bỏng độ 3 và Trần Lài, Trần Đình Phú, Dương Sỹ Cường, Trần Văn Cường đều bị bỏng độ 2.

Trớ trêu hơn, những người thợ điện lại bị tai nạn điện đã xảy ra tháng 5-2006 tại xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ) làm 1 người chết và 4 người bị thương. Lúc 5 cán bộ nhân viên của HTX dịch vụ điện Hòa Mỹ đang cho dựng trụ điện hạ áp dưới đường dây điện cao áp thì bất ngờ trụ điện ngã vào lưới điện cao áp, gây phóng điện. Vụ tai nạn làm ông Võ Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Hòa Mỹ chết trên đường đưa đi cấp cứu, các ông Lê Văn Long, Phạm Đình Long, Nguyễn Duy Tam, Nguyễn Minh Châu đều bị thương.

Lúc 16 giờ ngày 18-9, trong lúc nâng ben đổ đất san lấp mặt bằng Nhà máy dịch truyền (Công ty Dược trang thiết bị Y tế Bình Định), xe ben mang biển số 77K 4982 do ông Nguyễn Kim điều khiển đã chạm vào đường dây 22 KV, gây sự cố chập điện. Chiếc xe ben bị hư hỏng và tài xế bị bỏng. Sự cố đã gây mất điện của 41 trạm cấp điện tại khu vực trên hơn 1 giờ đồng hồ. Theo quy định, đường điện cao thế đi qua vùng ruộng (trước đây) có chiều cao 6 m. Khi đơn vị này xin nâng mặt bằng 2,5 m cho ngang mặt đường, lường trước được việc này, vào ngày 28-4-2006, Chi nhánh Điện Quy Nhơn đã lập biên bản yêu cầu thực hiện những biện pháp an toàn điện, nhưng chỉ gặp đơn vị thi công (CT TNHH Nguyên Hưng) mà chưa làm việc được với đơn vị đầu tư, rất tiếc đơn vị này mới nâng mặt bằng được 1 mét đã gặp sự cố.

* Vi phạm an toàn điện tràn lan

Trên địa bàn TP. Quy Nhơn, các trường hợp vi phạm HLATLĐ chủ yếu tập trung ở các tuyến đường nội thành. Chỉ riêng tuyến đường Trần Hưng Đạo đã không thể... đếm xuể số hộ xây dựng nhà ở, các công trình vi phạm HLATLĐ. Hoặc các tuyến đường xung quanh chợ Khu 6 phần lớn các công trình cơi nới để mua bán hàng của các hộ dân đều "ôm trụ điện". Nói về nguy cơ tai nạn do chập điện, nhiều người dân biết rõ, thế nhưng vì cái lợi trước mắt (chiếm được không gian, vỉa hè) nên nhiều người đã bất chấp. Những hộ vi phạm này khi bị ngành điện phát hiện và lập biên bản, thường họ không đồng ý ký vào biên bản vì lý do "nhà tôi, tôi cứ xây, có gì tôi chịu". Điều đáng sợ hơn là có nhiều nhà hiện nay cố tình xây lấn ban- công thêm ra phía vỉa hè, cách đường dây điện chưa đầy 0,5m. Bên cạnh đó, trên các phố có những bảng quảng cáo còn vươn ra chạm cả vào lưới điện.

Hành lang bảo vệ của đường dây dẫn điện trên không được giới hạn: Đối với điện áp từ 6 KV đến 35 KV thì các công trình xây dựng phải có khoảng cách 3 m đối với dây trần và 2 m dây bọc, đối với điện áp từ 66 KV đến 500 KV thì khoảng cách từ 4-7 m (Theo Nghị định 106/2005/NĐ-CP).

Chủ quan hoặc không quan tâm đến những quy định về an toàn lao động, trong lúc thi công, xây dựng… cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn về điện đáng tiếc. Như vụ mới đây nhất, khoảng
14 giờ ngày 19-9, thợ xây dựng Nguyễn Hòa Phú (25 tuổi, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đang đứng trên giàn giáo quét sơn ở tầng 3, ngôi nhà số 154 Diên Hồng, TP Quy Nhơn thì bị đường điện cao thế (trước mặt nhà) phóng điện làm cháy nửa thân phía trên. Tiếp đó, Nguyễn Hòa Phú đã rơi tự do từ tầng 3 xuống, gây bỏng độ 3 và có nguy cơ chấn thương sọ não. Ông Nguyễn Thanh Tâm, cán bộ Phòng Kỹ thuật an toàn bảo hộ lao động (Điện lực Bình Định), cho biết: "Sau khi vụ tai nạn xảy ra, ngành điện có mặt kịp thời tại hiện trường để kiểm tra tình hình thì phát hiện ngôi nhà xây dựng không vi phạm HLATLĐ, nhưng giàn giáo thì vi phạm HLATLĐ, vì nằm gần với đường dây 22 KV, nên trong lúc thi công anh Nguyễn Hòa Phú đã vô tình đến gần đã xảy ra tai nạn điện qua mỏ phóng điện (đấu trực tiếp vào thỏi kim loại trên hệ thống dây). Đối với dòng điện cao áp cỡ 22 KV thì con người không cần phải chạm vào mà chỉ đến một khoảng cách không an toàn là dòng điện có thể phóng qua không khí gây tai nạn".

Đành rằng không phải ai cũng biết rõ những quy định của pháp luật về bảo vệ HLATLĐ, nhưng có những cơ quan biết rất rõ mà vẫn cứ bất chấp. Điển hình như UBND huyện Tuy Phước, năm 2005 huyện cấp đất cho hộ dân ở thị trấn Diêu Trì, xây dựng nhà ngay dưới đường dây điện cao thế. Cho đến khi ngành điện phát hiện, kiến nghị thì UBND huyện mới chịu kinh phí di dời đường dây điện để đảm bảo tính mạng của người dân.

 

Nhà 154 không vi phạm xây dựng nhưng không đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Ảnh: N.D

 

* Những bất cập cần tháo gỡ

Hiện nay ở Bình Định, có nhiều nhà đã và đang xây nằm gần với lưới điện. Nếu đường dây bị hỏng, hoặc sự cố xảy ra có thể phóng điện rất mạnh vào những ngôi nhà này và hậu quả thật khó lường hết được, nhất là vào mùa mưa thì nguy cơ này càng cao.

Mặc dù trong Nghị định 106/2005/NĐ-CP đã nêu rõ "Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm HLATLĐ", nhưng hiện công tác này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Trong khi đó, các trường hợp vi phạm HLATLĐ ở Bình Định ngày càng tăng như một sự thách thức. Có một nhược điểm: Khi cấp phép có thể cơ quan chủ quản xây dựng cấp đúng quy định, khoảng cách giữa lưới điện cao thế (dây bọc bán phần) và công trình xây dựng là 1 mét, dây điện không bọc vỏ là 2 mét. Thế nhưng khi xây dựng công trình lên cao, người thợ phải đứng trên giàn giáo giữa khoảng cách này để xây dựng, vì không thể đứng bên trong mà xây bên ngoài được, khoảng cách không đảm bảo, nên khả năng dẫn đến nguy hiểm rất cao. Khi có một công trình, hoặc một căn hộ nào đó xây dựng không thể cúp điện cả khu vực lân cận để phục vụ việc xây dựng được.

Trong xây dựng, tùy theo bề rộng của mặt đường có thể cho phép các hộ xây ban- công ra phía đường từ 1,2 m đến 1,4 m, phải tuân thủ các quy định về các đường dây cao áp, thế nhưng những đường dây cao áp đã có trước và nằm sát chỉ giới xây dựng, nên không thể buộc chủ hộ không được xây dựng trên phần đất hợp pháp của họ. Sự tồn tại dù khách quan hay chủ quan trong việc vi phạm HLATLĐ đều cần được sớm tháo gỡ, để những nguy cơ tai nạn điện không còn tái diễn.

  • Ngọc Diên - Nguyễn Phúc

Ông Trần Văn Nhã - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn bảo hộ lao động (Điện lực Bình Định): Trước tình trạng các trường hợp vi phạm HLATLĐ ngày càng gia tăng như hiện nay, Điện lực Bình Định đã phải nỗ lực rất nhiều trong công tác bảo đảm sự an toàn cho hành lang lưới điện như: Đề ra nhiều biện pháp của ngành nhằm hạn chế đến mức tối thiểu các trường hợp vi phạm phát sinh thêm; phân công từng công nhân trực tiếp quản lý cụ thể các khu vực lưới điện để tăng cường kiểm tra dọc các đường dây điện cao và trung thế nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm; tuyên truyền sâu rộng về bảo vệ HLATLĐ đến mọi người dân. Mặt khác, ngành điện chỉ là một đơn vị kinh doanh nên không có quyền xử lý các trường hợp vi phạm. Ngành điện sẽ kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cùng phối hợp chặt chẽ hơn với ngành điện để xử lý triệt để tình trạng vi phạm HLATLĐ.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn: Hiện nay ở TP Quy Nhơn chỉ có các khu dân cư mới thì việc xây dựng đô thị thường có trước lưới điện, hoặc khoảng cách giữa lưới điện với chỉ giới xây dựng đúng quy cách; còn phần lớn những khu đô thị cũ của Bình Định thậm chí một số khu dân cư quy hoạch cách đây chưa lâu thì khoảng cách này chưa đảm bảo. Như khu Sân bay, nhiều đường ngang vỉa hè chỉ 1 m thì không thể bảo đảm an toàn lưới điện. Bởi vì, theo quy định an toàn giao thông trụ điện được trồng cách mép lòng đường từ 0,5 m trở lên, thì phần còn lại của vỉa hè đã sát với vách tường của các hộ dân và các cơ quan, công sở. Nhiều khu phố cũ không có vỉa hè, ngành điện đành phải nối com- xôm vào tường nhà để đường dây điện đi qua sát mặt nhà!

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kiếm sống ở cảng  (20/09/2006)
Đá cầm nóng lạnh…  (18/09/2006)
Hải Minh - cách một tầm nhìn  (17/09/2006)
Đời người đợi rau   (15/09/2006)
Bao giờ cho đến... ngày xưa  (13/09/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (12/09/2006)
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (12/09/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (12/09/2006)
Số lùi số tới  (12/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (12/09/2006)
Xuôi dòng Mêkông, uống bia Lào và ngắm hoàng hôn  (11/09/2006)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (01/09/2006)
Bún chả cá Quy Nhơn, tôi ăn... tôi thấy... tôi lo  (29/08/2006)
Những người trẻ xứ Nẫu: từ online đến offline  (28/08/2006)
Khao khát Định Bình  (28/08/2006)