Sống cùng mồ mả
9:37', 25/9/ 2006 (GMT+7)

Nghĩa địa thôn Thượng Giang (xã Tây Giang) nằm dưới chân núi Bằng Lăng thuộc khu vực giáp ranh giữa hai xã Tây Giang và Tây Thuận của huyện Tây Sơn. Những năm gần đây, nghĩa địa ngày càng “phình to” và tràn xuống sát khu dân cư khiến gần 30 hộ dân ở đây lâm vào cảnh phải sống cùng người chết. 

 

Người dân khu vực này đã phải treo đến 2 tấm bảng nhắc nhở nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi. Ảnh: H.S

 

* Dân “xóm mả”

Vừa đưa máy ảnh lên chụp tấm biển “Khu vực gần dân cư cấm chôn” được gắn trên một thân cây đầu con đường dẫn vào nghĩa địa thôn Thượng Giang, một số bà con sống trên trục đường Quốc lộ 19 xung quanh đã kéo đến. Biết chúng tôi là nhà báo, nỗi bức xúc bị dồn nén lâu ngày của họ có cơ hội bùng phát. Anh Lê Hữu Thành và chị Võ Thị Tuyết, nhà ở gần sát con đường dẫn vào nghĩa địa than thở: “Người chết đang lấn người sống!”. Chỉ tay lên khu nghĩa địa cách đuôi nhà chỉ vài chục mét, anh Thành nói: “Mồ mả thì ở trên cao trong khi dân cư lại ở dưới thấp. Mùa nắng thì còn đỡ chứ mưa xuống, các giếng trong vùng đều là nước mạch ngang, chúng tôi toàn phải uống nước từ nghĩa địa. Thật là kinh khủng!”

Những người dân dẫn chúng tôi lên khu nghĩa địa. Trời đang tiết giao mùa - sáng nắng, chiều mưa. Bỗng có một mùi gì đó hôi nồng lan tỏa trong không khí khiến chúng tôi có cảm giác ghê ghê. Mọi người ai cũng đưa tay bịt mũi. Chị Phan Thị Trưởng, nhà ở sát hàng rào với con đường lên nghĩa địa được dịp trút nỗi bực bội: “Các chị mới đến một chút đã không chịu được rồi, vậy mà vợ chồng con cái chúng tôi phải sống chung với tình trạng ô nhiễm này bao nhiêu năm nay. Hàng ngày, chúng tôi vẫn phải theo con đường này lên ruộng, lên rẫy. Có hôm, gặp mộ mới chôn bị sập bốc mùi tanh tưởi làm tôi mửa luôn tại chỗ!”.

Từ khu dân cư dọc Quốc lộ 19, khu vực giáp ranh giữa xã Tây Giang và Tây Thuận, nhìn lên hướng núi Bằng Lăng là cả ngàn ngôi mộ xếp lớp, chen chúc nhau và đang tiến đến rất gần vào đất ở của người dân. Vào mùa mưa, nước ở trên cao chảy xối xả xuống khiến bà con thôn Thượng Giang 1 và xóm 4 thôn Trung Sơn (Tây Thuận) ở đây luôn lo lắng nguồn nước bị ô nhiễm. Chị Nguyễn Thị Kim Anh (xóm 4 thôn Trung Sơn) cho biết: “Mùa mưa nước giếng nhà nào cũng đục ngầu, có khi nổi váng, có mùi ngang ngang rất khó chịu. Nhiều người sợ, phải đi mua nước về uống, còn sinh hoạt thì đành vẫn phải dùng nước giếng”. Băn khoăn về tình trạng sức khỏe của mấy đứa con mình, chị Trưởng tâm sự: “Tháng trước, trời đang nắng bỗng nhiên đổ mưa xuống, con bé út bị suông hơi, da đỏ nổi thành dề, ngứa ngáy khắp người phải xuống điều trị ở Trung tâm y tế huyện Tây Sơn gần cả tuần”. Bên cạnh đó, cư dân “xóm mả” còn luôn phải chịu đựng cảnh kèn, trống đám ma ò... í... e bất kể đêm ngày. “Sống lâu thì quen dần, chứ trước kia, đàn ông như tui cũng cảm thấy ớn nói chi đàn bà, con nít!” - anh Thành kể. Chưa hết, sức ép tâm lý về sự kỳ thị của những người xung quanh cũng làm cho người dân ở khu vực này mang nhiều bất an. Chị Tình cho biết: “Nhiều người ghé qua đây, cả mấy ông lãnh đạo địa phương, được bà con mời nước nhưng không ai dám uống. Ngay cả chuyện trăm năm của tụi trẻ, nhiều gia đình cũng ngần ngại vì sợ gả con về xóm mả. Thật thiệt thòi cho con cái chúng tôi quá”.

Không chỉ phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề về môi trường, nhiều gia đình còn bị thiệt hại về kinh tế. Chị Nguyễn Thị Tình (thôn Thượng Giang 1) vốn trước đây ở thôn Hữu Giang bên kia sông Kôn. Năm 1989, vợ chồng chị chuyển sang đây mua đất làm nhà và mở một xưởng sản xuất nước đá làm kế sinh nhai. Thế nhưng, từ khi xuất hiện biệt danh “xóm mả”, cơ sở nước đá của gia đình chị dần mất hết khách vì người ta ngại nước làm đá bị ô nhiễm. Làm ăn thất bát, chị đành bán xưởng, lên Tây Nguyên làm rẫy. Chị Tình nói trong sự bức bối: “Tụi tui cũng muốn bỏ xứ này mà đi luôn nhưng nghiệt nỗi, nhà ở đây muốn bán cũng không ai mua cả. Nhiều người trước lỡ mua đất ở đây nay cũng đành bỏ hoang đấy, không dám cất nhà!”.

 

Chị Phan Thị Trưởng có hai đám đất mì sát nghĩa địa và đã bị mồ mả “ăn” mất một đám. Đám còn lại chị phải rào cẩn thận như thế này nếu không muốn bị mất nốt. Ảnh: H.S

 

* Lời khẩn cầu của người dân

Bức xúc trước tình trạng người chết vẫn tiếp tục lấn người sống, người dân khu vực này đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền 2 xã Tây Thuận và Tây Giang nhưng không được giải quyết. Sự bức xúc lên đến đỉnh điểm khi cách đây chừng 2 tháng, người dân đã kéo nhau ra đầu con đường dẫn lên nghĩa địa chặn đám tang, không cho đưa quan tài người chết lên dù huyệt đã được đào! Tang gia đã phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp, lúc đó xã Tây Giang mới cho mời dân lên điều đình. Một thỏa thuận tạm thời đã được đưa ra: trừ trường hợp này đã lỡ đào huyệt, từ đây trở về sau, người chết phải được chôn vào phía sâu trong núi, cách xa nơi ở của dân. Xã giao cho thôn Thượng Giang 1 canh giữ không cho chôn người chết quá gần khu dân cư và hướng dẫn gia đình nào có người chết phải chôn vào sâu trong núi.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, bất chấp ý kiến của xã Tây Giang và dù người dân đã treo đến 2 tấm bảng “Khu vực gần dân cư cấm chôn” ngay đầu đường dẫn vào nghĩa địa, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Những ngôi mả mới vẫn mọc lên gần nhà dân. Chị Nguyễn Thị Thiện (thôn Trung Sơn, Tây Thuận) càm ràm: “Tâm lý của bà con là “vợ đâu, chồng đó” nên có nói rồi thì họ cũng tìm cách chôn lén ở khu vực phía dưới này. Mà chúng tôi thì phải lo làm ruộng, làm rẫy kiếm ăn, đâu có thời gian chầu chực cả ngày để canh chừng họ”.

Vấn đề mà người dân ở khu vực này thắc mắc là tại sao trước đã quy hoạch nghĩa địa, sau đó xã lại quy hoạch khu dân cư sát ngay cạnh để bán đất cho dân? Một người dân thôn Thượng Giang 1 bức xúc: “Tôi mua đất ở đây vào năm 1989, do xã quy hoạch và bán. Lúc đó, nghĩa địa này chỉ có vài cái mả vôi ở tuốt trên núi. Nếu biết sẽ có lúc mồ mả chôn tràn lan xuống gần nhà như vậy, tôi dại gì mua đất ở đây”. Chị Nguyễn Thị Tình trăn trở: “Đời chúng tôi có thể chịu đựng được, nhưng còn lũ nhỏ thì sao... Bao nhiêu lần chúng tôi đã có đơn kiến nghị lên xã, một là quy hoạch nghĩa địa chỗ khác; hai là giải tỏa khu dân cư, cấp đất cho chúng tôi làm nhà ở nơi khác, nhưng chính quyền vẫn cứ thờ ơ!”.

 

Một góc nghĩa địa thôn Thượng Giang. Ảnh: H.S

 

* Không chỉ là chuyện của Tây Giang!

Quả thật, nỗi lo lắng của người dân là có cơ sở. Thế nhưng, khi chúng tôi đến làm việc với UBND xã Tây Giang, ông Ngô Luân, Phó Chủ tịch xã vẫn tỏ ra bàng quan. Ông Luân cho biết: Nghĩa địa này được quy hoạch từ năm 1980, tức là trước khi quy hoạch khu dân cư. Vả lại, việc chôn cất hiện nay vẫn còn nằm trong phạm vi đất nghĩa địa và không có ảnh hưởng gì lớn đến cuộc sống của người dân(?!). Ông Luân còn khẳng định rằng từ khi xảy ra vụ chặn đám tang và xã đã giải quyết thỏa đáng đến nay, tại nghĩa địa thôn Thượng Giang không còn tình trạng chôn cất người chết gần khu dân cư nữa. Thế nhưng thực tế mà chúng tôi ghi nhận được thì hoàn toàn ngược lại, như đã nói ở trên.

Vấn đề đặt ra ở đây là các khu nghĩa địa dân cư đã được quy hoạch như thế nào? Có một thực tế không chỉ ở Tây Giang mà tồn tại ở hầu hết các vùng nông thôn trong tỉnh là các khu nghĩa địa vẫn còn mang tính tự phát. Nghĩa địa thường là những gò đất hoang, nhà này theo “gót” nhà kia đến chôn cất người chết mà thành. Thực trạng đó đã làm phát sinh 2 vấn đề: việc chôn cất bừa bãi, thiếu tập trung dẫn đến lãng phí đất và sẽ xảy ra tình trạng quá tải, nhất là đối với những vùng đất chật người đông. Như vậy, vấn đề của Tây Giang không phải là cá biệt.

Trở lại chuyện nghĩa địa Tây Giang, trước yêu cầu của người dân “phải dời nghĩa địa hoặc giải tỏa khu dân cư”, chính quyền xã đều tỏ ra lúng túng vì quá khả năng nên đành để đấy. Giải pháp tạm thời của xã là vận động chôn người chết trên núi, tuy nhiên theo người dân thì phương án này cũng không khả thi vì việc đi lại khó khăn, hơn nữa trên núi cao toàn là đá.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tây Sơn, cho biết: “Chúng tôi cũng đã kiến nghị xã Tây Giang quy hoạch điểm nghĩa địa khác cho dân. Điểm chôn cất cũ thì tạm dừng lại và để yên đó”. Và như thế, vấn đề của Tây giang vẫn chưa được giải quyết triệt để.

  • Quỳnh Hoa - Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công nghệ tiệc cưới  (22/09/2006)
Vi phạm an toàn điện: Chồng chất nỗi lo  (21/09/2006)
Kiếm sống ở cảng  (20/09/2006)
Đá cầm nóng lạnh…  (18/09/2006)
Hải Minh - cách một tầm nhìn  (17/09/2006)
Đời người đợi rau   (15/09/2006)
Bao giờ cho đến... ngày xưa  (13/09/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (12/09/2006)
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (12/09/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (12/09/2006)
Số lùi số tới  (12/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (12/09/2006)
Xuôi dòng Mêkông, uống bia Lào và ngắm hoàng hôn  (11/09/2006)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (01/09/2006)
Bún chả cá Quy Nhơn, tôi ăn... tôi thấy... tôi lo  (29/08/2006)