Thẻ ATM đang đi vào ví của chúng ta
17:0', 26/9/ 2006 (GMT+7)

Từ tháng 8-2006 đến nay hết Ngân hàng Đông Á (EAB) đến Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV), rồi Ngân hàng Công thương (ICB), Vietcombank (VCB) qua các chi nhánh của mình lần lượt tổ chức những đợt khuyến mãi mở tài khoản thẻ ATM ở Quy Nhơn. Mức khuyến mãi mà các ngân hàng đưa ra từ giảm giá 30% - 50%  thậm chí là miễn phí. Cùng với đó, những điểm chấp nhận thẻ ATM cũng nhiều thêm khiến thẻ ATM dần trở nên bình dân và thường trực trong ví của nhiều người.

 

Một khách hàng đang sử dụng máy ATM của VCB lắp tại Trung tâm Thương mại Quy Nhơn.

 

Nở rộ "khuyến mãi ATM"

Thật ra trước 4 ngân hàng kể trên, Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) Chi nhánh tỉnh Bình Định mới là đơn vị cho phép mở tài khoản ATM miễn phí. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Sacombank lại chỉ quảng cáo ở trụ sở chi nhánh và cũng chỉ treo một băng rôn quảng cáo nên số lượng người biết và đến mở tài khoản rất ít. Mặt khác tại tỉnh Bình Định, Sacombank chỉ có duy nhất 1 điểm chấp nhận thẻ ATM nên khách hàng cũng không mặn mà lắm với chương trình mà ngân hàng này đưa ra.

Trong số các ngân hàng đang khuyến khích mở tài khoản thẻ ATM, thủ tục của EAB là đơn giản, gọn và nhanh chóng nhất. Chỉ cần điền một số thông tin tương đương với thông tin có trên chứng minh nhân dân, chờ 7 ngày, là bạn có thể làm chủ một tài khoản mà không mất khoản phí nào (chương trình mở thẻ miễn phí không thời hạn). Vì sự thuận tiện này mà chỉ trong hai tháng gần đây, EAB đã có thêm xấp xỉ 7.000 khách hàng.

Cũng cho phép mở thẻ miễn phí như EAB nhưng chương trình ngắn hơn, chỉ có giá trị đến 31-10-2006 là VCB. Với ưu thế là nhà cung cấp dịch vụ đi trước, có nhiều điểm đặt máy ATM nhất, chương trình của VCB đã thu hút và hứa hẹn thu hút đông đảo khách hàng.

Dù có thu một phần phí nhưng không phải vì thế mà hai ngân hàng còn lại - BIDV và ICB lại tỏ ra kém cạnh, bởi lẽ dù đợt khuyến mãi của họ mở ra trùng khung thời gian khuyến mãi EAB, VCB nhưng mỗi ngân hàng cũng đã có thêm khoảng 1.000 khách hàng.

Khi chưa quen với ATM, lại bị sốc bởi những vụ mất tiền từ tài khoản ATM, nhiều người vẫn còn e dè. Nhất là khi những sự cố về đường truyền internet, cơ sở hạ tầng dịch vụ yếu kém... sự e dè vừa kể là có cơ sở. Nhưng sau những bước chập chững, các nhà cung cấp dịch vụ đã rút kinh nghiệm, nâng cấp chất lượng dịch vụ và vững vàng hơn. Hệ quả là ATM từ chỗ nói như quảng cáo của một thời - "dấu hiệu của sự thành đạt" nay đã bình dân hơn và xuất hiện phổ biến ngay cả trong ví của nhiều sinh viên.

 

Khách sạn, trung tâm mua sắm, siêu thị, bệnh viện là những vị trí chiến lược được chọn để các nhà cung cấp dịch vụ đặt đặt máy ATM. Trong ảnh: Khách hàng sử dụng máy ATM của BIDV đặt ở Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn.

 

Sinh viên - đối tượng khách hàng đặc biệt

Sinh viên là nhóm đối tượng có tần suất gửi - nhận tiền cao nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay, tất nhiên đáng kể nhất là khoản tiền do gia đình gởi để họ chi dụng cho học tập, sinh hoạt. Sinh viên còn làm nhóm khách hàng có thể gây tác động dây chuyền trong việc mở thẻ khá lớn, đồng thời là những khách hàng tiềm năng sẽ sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng khi họ ra đời. 

Sau những đợt khuyến mãi liên tục, hiện nay, hầu hết sinh viên của Trường Đại học Quy Nhơn, Cao đẳng sư phạm... đều sở hữu ít nhất là một chiếc thẻ ATM. Trước khi thẻ ATM trở nên phổ biến, hầu hết sinh viên ở ĐH Quy Nhơn đều được gia đình "rót tiền" qua cổng bưu điện. Cách gửi - nhận có truyền thống đã hàng trăm năm này vừa mất thời gian, vừa phải chịu một mức cước phí cao. Chưa kể đến việc giấy nhận tiền khi gởi về trường thường bị thất lạc, gởi về nhà trọ nhiều khi không đến nơi vì chỗ thuê trọ ở trong các đường hẻm sâu. Mà đã hết đâu, khi ra bưu điện nhận tiền còn phải trả lời các "câu đố" của nhân viên bưu điện, kiểu như: Ai gởi tiền biết hông? Sao hình ảnh trên chứng minh mờ dữ dầy... Với tài khoản ATM, những cách rách ấy biến mất. Người nhà chỉ việc đến ngân hàng gởi  tiền vào tài khoản, vài phút sau ngân hàng đã báo có và chủ tài khoản có thể rút được tiền. Nếu thẻ được mở ở cùng khu vực, hoặc người gởi tiền nộp tiền tại nơi đã mở tài khoản thì sẽ còn được miễn cước chuyển tiền.

Anh Ngô Hoàng Bảo, sinh viên năm thứ 3, khoa sư phạm Toán, ở thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị khoe: "Sinh viên ở đây giờ oách lắm anh nhé. Ở ký túc xá thì có truyền hình cáp để xem, điện thoại bàn thì được bắt trực tiếp đến từng phòng. Ra trước cổng thì đã có máy rút tiền tự động ATM. Sinh viên tụi em đứa nào cũng có thẻ ATM cả, để cho gia đình và người thân tiện việc gửi tiền. Như em chẳng hạn, em mở tài khoản ở Quảng Trị, mang thẻ vào đây, bố mẹ ở nhà chỉ việc đến ngân hàng gởi tiền vào. Làm như vậy, việc chuyển tiền cho em sẽ không tốn cước phí. Lại đỡ mất công giữ tiền, tiêu bao nhiêu đến máy rút bấy nhiêu".

Trần Thị Thu Thủy, tân sinh viên khóa 29, ngành sư phạm Sinh, ở Đăk Nông, cho hay: "Vừa làm thủ tục nhập học xong, thì ICB khuyến mãi mở thẻ với mức phí giảm 50%. Thế là em làm cho mình một thẻ. Giao dịch với ICB có cái tiện là tại cổng trường có đặt máy ATM của ngân hàng này. Mặt khác, ở nhà, khi đến ngân hàng gởi tiền vào tài khoản cho em, bố mẹ em đi lại cũng dễ dàng, thuận tiện hơn. Mỗi tháng bố mẹ gửi cho em 1 triệu đồng, nếu gửi nhanh theo đường bưu điện, cước phí là 22.000 đồng. Nhưng nếu chuyển từ thẻ của mẹ sang thẻ của em, hoặc nộp tiền tại phòng giao dịch thì không tốn đồng nào, thời gian gởi - nhận lại rất ngắn".

Theo ông Đặng Kiều Hưng, Phó phòng kế toán, kiêm phụ trách phát hành thẻ ATM của ICB Bình Định, trong đợt làm thẻ trực tiếp cho sinh viên tại ĐH Quy Nhơn đã có 1.000 thẻ được phát hành. Hiện nay, ICB Bình Định đã phát hành khoảng 10.000 thẻ ATM (chưa kể số khách hàng mở thẻ ở nơi khác nhưng sử dụng thường xuyên ở Bình Định), trong đó riêng số chủ thẻ là sinh viên chiếm đến 4.000 thẻ.

Cũng hướng tới nhóm đối tượng sinh viên, anh Nguyễn Phúc Trần - cán bộ Phụ trách mảng dịch vụ thẻ ATM tại BIDV Bình Định, chia sẻ: "Chúng tôi xác định, sinh viên là nhóm khách hàng tiềm năng trong việc sử dụng thẻ ATM để giao dịch. Thật ra ngay bây giờ lợi ích từ nhóm khách hàng này chưa cao. Nhưng trong vài năm tới, họ sẽ ra trường, có việc làm, sẽ tích lũy, vay mượn... khi đó họ sẽ sử dụng nhà cung cấp dịch vụ mà họ đã quen thuộc. Đấy, đấy chính là lúc sinh viên từ dạng tiềm năng chuyẻn khách hàng thực thụ".

 

Nhân viên của Chi nhánh Công ty Kiều hối Đông Á đang hướng dẫn khách hàng làm tờ khai để mở tài khoản thẻ đa năng ATM của EAB.

 

ATM và cuộc cạnh tranh khốc liệt

Cho đến nay, tại Bình Định nói riêng và cả nước nói chung trong vấn đề ATM, ưu thế vẫn thuộc về VCB. Tuy nhiên những diễn biến gần đây đã báo trước một cuộc cạnh tranh khốc liệt đang đến.

Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Kiều hối Đông Á tại Bình Định (thuộc Ngân hàng Đông Á - EAB), cho biết: "Cũng như các nhà cung cấp dịch vụ ATM khác EAB cũng đánh giá rất cao nhóm khách hàng sinh viên. Vừa qua, EAB đã tổ chức phát hành thẻ miễn phí tại 2 trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn và Đại học Quy Nhơn.Kết quả chúng tôi đã có thêm khoảng 2.000 khách hàng. Để đáp ứng nhu cầu rút tiền cho học viên, sinh viên, trong tháng 11 tới đây, EAB sẽ cho lắp đặt một máy ATM đối diện với Trường công nhân kỹ thuật Quy Nhơn".

Khuyến mãi giảm hoặc phí mở thẻ, miễn phí thường niên... chỉ là cách để "câu" khách hàng về phía mình. Các dịch vụ cung cấp, mức độ thuận tiện khi giao dịch mới là yếu tố khiến khách hàng duy trì và sử dụng tài khoản thường xuyên.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện VCB đã đứng ra liên kết với 16 ngân hàng khác hình thành một liên minh để kết nối dịch vụ. Liên minh VCB hiện chiếm đến 60% thị trường thanh toán bằng thẻ với hơn 200 máy rút tiền tự động ATM. Với liên minh này, các ngân hàng trong hệ thống đã cam kết cùng phát triển mạng lưới ATM, giúp khách hàng thuận tiện hơn trong giao dịch.

Bên cạnh hệ thống liên kết do VCB làm chủ đạo, một hệ thống liên kết tương tự là BankNet do Agribank khởi xướng cũng vừa ra đời dưới hình thức là CTCP - Chuyển mạch tài chính quốc gia (tên thương hiệu là VNSWITCH). Thành viên của VNSWITCH có gồm: Agribank, BIDV, ICB, Ngân hàng TMCP Á châu -ACB, EAB; Sacombank và Ngân hàng Sài Gòn Công thương và Công ty VDC, với tổng số vốn lên tới 94,5 tỷ đồng.

Tại Bình Định, các điểm chấp nhận thẻ ATM đều cung cấp các dịch vụ cơ bản: rút tiền, chuyển khoản, kiểm ra số dư, thanh toán tiền điện, nước, cước taxi... Vì thế để thu hút khách hàng các nhà cung cấp dịch vụ cạnh tranh thông qua số lượng điểm chấp nhận thẻ,  các tiện ích cộng thêm. Nếu VCB thuyết phục khách hàng bằng 7 máy ATM rải đều khắp thành phố thì EAB lại trình diễn hàng loạt tiện ích hấp dẫn như: gởi tiền tại máy ATM (chỉ máy ATM của EAB mới có chức năng này), nhận tin nhắn SMS thông báo sự thay đổi của số dư, kiểm tra tài khoản bằng tin nhắn, chuyển khoản từ điện thoại di động... Thậm chí, với máy tính đang kết nối internet bạn cũng dễ dàng thực hiện các thao tác như đang đứng trước một máy ATM.

Ngoài ra, sắp tới đây, Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) sẽ "lấn sân" nhờ mạng lưới các chi nhánh dày đặc của mình mà không ngân hàng nào có thể sánh  được. Một cán bộ của Agribank Bình Định phân tích: "Chi nhánh, phòng giao dịch của hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ ATM đều đóng ở thành phố, thị xã, riêng chúng tôi thì mở rộng xuống đến các thị trấn, trung tâm các huyện, một số nơi còn về đến thị tứ. Ở Bình Định không ngân hàng nào có mạng lưới phòng giao dịch rộng như Agribank. Điều này tạo cho khách hàng rất nhiều thuận lợi khi nhận, chuyển tiền, thanh toán tiền hàng...".

Bà Nguyễn Thị Mùa, ở Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết: "Tôi chỉ mới dùng ATM gần đây thôi, đó là nhờ một người quen đã từng chăm sóc người nhà bị bệnh ở BVĐK tỉnh Bình Định hướng dẫn. Đi nuôi người bệnh rất mệt, say ngủ dễ mất tiền nong, tư trang. Ở bệnh viện này có đặt máy ATM của BIDV, cần bao nhiêu thì ra rút bấy nhiêu, không phải lo giữ tiền. Nếu cần thêm chỉ cần điện thoại về nhà là con nó gởi vào tài khoản. Tiện lợi vô cùng".

Với sự phổ biến của ATM, có lẽ thời của phương thức chuyển tiền qua bưu điện đã chuẩn bị tạm biệt chúng ta, như cách những bức điện tín năm xưa đã giã biệt chẳng hạn. Rồi ta cũng sẽ quen dần với động tác quẹt thẻ để thanh toán, sẽ giảm hẳn cảnh thiếu tiền lẻ... Nhiều tiện nghi tốt hơn sẽ đến và nhiều thứ phiền hà cũng sẽ không còn nữa từ chiếc thẻ xinh xinh này.

  • Bá Phùng - Nguyễn Phúc

Các điểm đặt máy ATM tại Quy Nhơn - Bình Định:

+ Ngân hàng Ngoại thương (7 điểm):

1. Tại Ngân hàng Ngoại thương Quy Nhơn

152 Lê Lợi - TP Quy Nhơn.

2. Tại CN Ngân hàng Ngoại thương Phú Tài

QL 1A KCN Phú Tài - TP Quy Nhơn.

3. Tại Bưu điện trung tâm Quy Nhơn

197 Phan Bội Châu - TP Quy Nhơn.

4. Tại Trung tâm Thương mại Quy Nhơn

Đường Trần Thị Kỷ - TP Quy Nhơn.

5. Tại Khách sạn Hải Âu

498 An Dương Vương - TP Quy Nhơn.

6. Tại Khách sạn Quy Nhơn.

8 Nguyễn Huệ - TP Quy Nhơn.

7. Tại Khách sạn Quy Nhơn 2

4 Phan Chu Trinh - TP Quy Nhơn.

 

+ Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (6 điểm)

1. Tại trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư phát triển Bình Định

399 Trần Hưng Đạo - TP Quy Nhơn.

2. Tại Trung tâm Thương mại Quy Nhơn

Đường Nguyễn Tất Thành - TP Quy Nhơn.

3. Tại trường Đại học Quy Nhơn

170 An Dương Vương - TP Quy Nhơn.

4. Tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư phát triển Phú Tài

Km 1230 QL 1A phường Trần Quang Diệu - TP Quy Nhơn.

5. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

106 Nguyễn Huệ - TP Quy Nhơn.

6. Tại Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn

24 Nguyễn Huệ - TP Quy Nhơn.

 

+ Ngân hàng Đông Á

1. Tại Chi nhánh Công ty Kiều hối Đông Á

265 Trần Hưng Đạo - TP Quy Nhơn.

2. Tại Trung tâm Thương mại Quy Nhơn

Đường Trần Thị Kỷ - TP Quy Nhơn.

3. Tại cổng Công ty TNHH Đại Thành

90 Tây Sơn - TP.Quy Nhơn

 

+ Ngân hàng Công thương

1. Tại trụ sở Ngân hàng Công thương - Chi nhánh tỉnh Bình Định

261 Lê Hồng Phong - TP Quy Nhơn.

2. Tại trường Đại học Quy Nhơn

Đường An Dương Vương - TP Quy Nhơn.

 

+ Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín

1. Tại trụ sở Sacombank Quy Nhơn

98 Mai Xuân Thưởng - Quy Nhơn.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sống cùng mồ mả  (25/09/2006)
Công nghệ tiệc cưới  (22/09/2006)
Vi phạm an toàn điện: Chồng chất nỗi lo  (21/09/2006)
Kiếm sống ở cảng  (20/09/2006)
Đá cầm nóng lạnh…  (18/09/2006)
Hải Minh - cách một tầm nhìn  (17/09/2006)
Đời người đợi rau   (15/09/2006)
Bao giờ cho đến... ngày xưa  (13/09/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (12/09/2006)
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (12/09/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (12/09/2006)
Số lùi số tới  (12/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (12/09/2006)
Xuôi dòng Mêkông, uống bia Lào và ngắm hoàng hôn  (11/09/2006)
Nhịp cầu nối những bờ vui  (01/09/2006)