Bình Định Sa Long Cương trong tầm vóc mới
17:11', 29/9/ 2006 (GMT+7)

Uyển chuyển trong từng đường kiếm với bài thảo kiếm Lê hoa độc kiếm, vừa đi kiếm anh vừa đọc từng câu thiệu. Đây là bài thảo căn bản của hệ phái võ Bình Định Sa Long Cương - một môn phái võ cổ truyền Việt Nam nổi tiếng. Những chiêu thức đan vào nhau như những đóa hoa thép bung ra kín kẽ. Khi anh kết thúc, phải mất một lúc tôi mới hết choáng.

Quá say mê những đường kiếm đẹp như đóa hoa thép, tôi "mon men" làm quen và được biết người vừa múa kiếm là sinh viên khoa võ thuật, chuyên ngành Sa Long Cương của trường Đại học Hồng Bàng. Vốn là kẻ thích tìm hiểu đến cùng, thế là tôi bắt tay tìm hiểu về môn võ Bình Định Sa Long Cương…

Bình Định Sa Long Cương

Lên net, gõ vào google dòng chữ "Sa Long Cương", 110.000 dữ liệu, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau xuất hiện. Nếu trong từ khóa 2 chữ "Bình Định" sẽ có 90.700 dữ liệu. Điều này chứng tỏ môn phái Bình Định Sa Long Cương phổ biến khá rộng không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới.

 

Một màn biểu diễn của các môn sinh Bình Định Sa Long Cương.

 

Hàng trăm bài viết, bài nghiên cứu về môn phái võ này với đủ các thứ tiếng từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Điều thú vị mà tôi phát hiện đó là có rất nhiều website của trung tâm bảo trì và chấn hưng môn phái Sa Long Cương tại Pháp, Australia, Tây Ban Nha và Mỹ thậm chí còn hoành tráng, phong phú hơn cả những website có nguồn gốc từ Việt Nam. Các website này đều khẳng định, nguồn gốc của môn phái võ này xuất phát từ vùng đất võ Bình Định, Việt Nam. Vậy đó, mặc nhiên Bình Định đã trở thành thánh địa của võ cổ truyền.

Những biến cố lịch sử khiến môn sinh của phái võ này đã lưu lạc khắp nơi. Họ định cư ở đâu là mở võ đường, phòng tập đến đấy. Cứ thế các chi, phái của Sa Long Cương Bình Định lan tỏa khắp nơi trên khắp thế giới. Môn phái này được nhiều người yêu thích và chọn học vì nó vừa dũng mãnh, vừa uyển chuyển, linh hoạt. Môn sinh lại được học 18 loại binh khí khác nhau (thập bát ban binh khí).

Sư trưởng của hệ phái Bình Định Sa Long Cương Võ sư Trương Thanh Đăng.

Võ phái Sa Long Cương có một bộ võ phục truyền thống của riêng mình là chiếc áo thun ngắn tay màu trắng cùng với chiếc quần dài trắng và chiếc đai màu đen to bản có viền các màu sắc để phân biệt cấp đai.

Cấp đai truyền thống của võ phái Bình Định Sa Long Cương theo thứ tự từ thấp lên cao dựa theo nguyên lý tương sinh của Ngũ Hành là: đai đen, đai xanh, đai đỏ, đai vàng.

Ngoài ra, ở cấp đai vàng nhất đẳng, võ phục điểm thêm 2 viền đỏ quanh ống quần phía dưới, tượng trưng các bước thành tựu ban đầu đã kết tụ vững vàng. Đối với người kế thừa truyền thống chính thức, màu đỏ quanh ống quần phía dưới được thay bằng màu vàng, tượng trưng tính chất cao quý.

Do lưu lạc lâu năm nên các bài thiệu của môn phái Bình Định Sa Long Cương trên thế giới đã có độ lệch nhất định, chưa kể nó đã được cải biến, nâng cấp để phù hợp với thể trạng của võ sinh quốc tế. Tuy nhiên nét chung, điều mà bất cứ võ sư, huấn luyện viên nào cũng khẳng định là dù có nâng cấp đến đâu thì cái hồn, cái cốt của những bài thảo vẫn mang đậm chất Việt. Một điển hình cho hiện tượng này là bài thảo Thần Đồng. Bài thảo này gồm 12 câu thiệu với  những chiêu thức liên hoàn công thủ vững chắc. Đây là bài quyền thảo khai minh cho những võ sinh mới nhập môn. Những chiêu thức của bài thảo này mới nhìn qua giống như cuốc đất, chọc lò, xúc rơm, đốn củi, thoạt trông rất tầm thường hớ hênh  nhưng khi lâm trận lại thấy nó dũng mãnh, kính đáo vô cùng.

Lời văn của những bài thiệu của Bình Định Sa Long Cương nói riêng, của võ cổ truyền Việt Nam nói chung thường nôm na dễ hiểu, dễ nhớ. Các bài thiệu thường được viết theo thể thất ngôn. Nếu như thiệu võ Tàu mang tính độc lập trong từng câu thì thiệu võ Việt Nam lại liên kết để minh định cho các chiêu thức liên hoàn công thủ.

Giới trẻ Sài Gòn mê học võ Bình Định

Theo lịch sử các hệ phái võ thuật cổ truyền Bình Định - Việt Nam thì sư trưởng của hệ phái Bình Định Sa Long Cương là võ sư Trương Thanh Đăng. Võ sư Trương Thanh Đăng (1895-1985) xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ thuật ở Phan Thiết , được ông ngoại tận tâm truyền dạy môn võ thuật cổ truyền Việt Nam ngay từ thuở bé . Năm 14 tuổi , ông từng được gia đình cho ra tận Bình Định để thụ giáo môn võ Bình Định và võ Thiếu Lâm với nhiều thầy dạy võ nổi tiếng trong suốt 15 năm . Khi trở về quê hương, ông đã sáng tạo nên bài Bát Bộ Chân Quyền và bắt đầu thu nhận đồ đệ.

 

Ấn phẩm Bình Định Sa Long Cương của Võ sư Lê Văn Vân.

 

Năm 1930, ông vào miền Nam lập nghiệp và bắt đầu mở võ đường chiêu sinh. Lúc này, ở miền Nam đa phần người dân theo học võ thuật Tàu. Năm 1964,  võ sư được mời gia nhập Tổng Cuộc Quyền Thuật Việt Nam và cũng chính trong năm này ông chính danh công bố hệ phái Bình Định Sa Long Cương.

Năm 1985 võ sư Trương Thanh Đăng qua đời, võ đường Bình Định Sa Long Cương (phường Nguyễn Cư Trinh , quận 1, TP Hồ Chí Minh) do con trai của ông là võ sư Trương Bá Dương đảm nhiệm. Ngoài ra các võ sư khác còn khuếch trương môn phái tại nhiều điểm, phòng tập khác như: Nhà Văn hóa Thanh Niên , quận 2 , quận 6 , quận 11 , quận Phú Nhuận ... Ngoài ra, môn phái Bình Định Sa Long Cương còn phát triển đến nhiều tỉnh ở Nam Bộ và nhiều nước trên thế giới: Pháp, Mỹ, Canada, Italia ...

Anh Nguyễn Xuân Bảo - một huấn luyện viên còn rất trẻ - 24 tuổi nhưng đã theo học võ Sa Long Cương hơn 15 năm kể: "Tôi theo học môn võ này ở Nhà Thiếu nhi Q1 từ nhỏ. Giờ trở thành huấn luyện viên cho các võ sinh mới nhập môn ở Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM... Chỉ vào chiếc đai vàng thắt ở lưng hông, anh mỉm cười tự hào: "Chứng nhận mười mấy năm khổ luyện của tôi đó. Ban đầu đi học với ý định để rèn luyện thể trạng, riết một hồi mình kết hồi nào không hay. Ngó lại thì đã có gần 15 năm hít thở hàng ngày với nó".

Bố mẹ của cô bé Nguyễn Khoa Bảo Trúc (10 tuổi) - võ sinh thuộc loại nhí nhất ở sàn tập Nhà Văn Hóa Thanh Niên) kể: "Cháu nó xem tivi rồi đòi phải được học võ mà là võ Bình Định kia. Chúng tôi cho cháu nhập môn Bình Định Sa Long Cương vì cũng biết kha khá thông tin về môn phái này".

Bình Định Sa Long Cương trên giảng đường đại học

Từ sự phát triển mạnh mẽ của Bình Định Sa Long Cương trong và ngoài nước, đặc biệt do có sức lôi cuốn giới trẻ mạnh mẽ, trường Đại học Hồng Bàng đã đưa môn võ này vào giảng dạy, trở thành một môn học chính quy được đào tạo bài bản, có khoa đào tạo riêng.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu Trưởng trường Đại học Hồng Bàng cho biết: "Mới đây, trong bài phát biểu tại Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tổ chức tại Bình Định - nơi được xem là Đất Tổ của võ cổ truyền Việt Nam, tôi đã kêu gọi - Cần đưa võ học cổ truyền Việt Nam vào học đường - như một bộ môn học bắt buộc. Võ cổ truyền của dân tộc mình đã từng bị bỏ quên rất lâu. Nếu không được giữ gìn sẽ bị thất tung".

 

Ông Trương Bá Dương - Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Sa Long Cương: "Mục tiêu của hệ phái này không những chỉ để thanh thiếu niên khoẻ mạnh về thể chất, có thêm khả năng tự vệ võ thuật, tu dưỡng đạo đức mà thông qua đó còn rèn luyện ý chí, tinh thần tự tôn của dân tộc mình. Võ không chỉ là một môn thể thao mà còn là di sản của văn hóa".

Giải thích lý do vì sao Đại học Hồng Bàng đưa môn võ Sa Long cương vào giảng dạy, Tiến sĩ Hùng giải thích: "Sa Long Cương là một hệ phái nổi tiếng trong giới khoa học võ thuật, nó gắn liền với võ cổ truyền Việt Nam. Nó còn là một hệ phái có tầm ảnh hưởng quốc tế thuộc loại rộng. Đại học Hồng Bàng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam đưa các môn võ cổ truyền vào giảng dạy (ngành Sa Long Cương). Các cán bộ giảng dạy là các võ sư có tên tuổi trong giới võ thuật của các môn phái này. Với việc tổ chức học tập - nghiên cứu - rèn luyện bài bản chính quy như vậy về lâu dài dần dần mình sẽ lọc dần được cái tiếng võ biền mà dân gian hay dè bỉu".

Được đào tạo tại ngành Sa Long Cương, sinh viên ra trường sẽ có bằng cử nhân võ thuật, và sẽ đáp ứng nhiều nhu cầu của xã hội như làm vệ sĩ, mở các trung tâm huấn luyện chính quy, hoặc làm giảng viên võ thuật tại các trường học. Vào cuối năm nay, khoảng 60 cử nhân võ thuật ngành Sa Long Cương đầu tiên của Đại học Hồng Bàng sẽ ra trường. Có thể xem đây như một tín hiệu tốt lành cho cuộc chấn hưng võ thuật Việt Nam.

"Những lễ tốt nghiệp, trao bằng cử nhân võ thuật cổ truyền Việt Nam rồi mai đây sẽ được tổ chức tại Nhà thờ tổ họ Nguyễn Tây Sơn - Bình Định. Đã có cử nhân võ thuật ngành Sa Long Cương, tất sẽ có những tiến sĩ, giáo sư... Và trong một ngày đẹp trời nào đó, sẽ có thêm những buổi báo công - tri ân lên Hoàng đế Quang Trung - ông tổ của võ cổ truyền Việt Nam... Những hội nghị khoa học thường niên về võ cổ truyền sẽ được tổ chức trên Đất Tổ... Dưới gốc me già bên điện thời ba anh em Tây Sơn, trước sân nắng ở Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn những đòn thế võ cổ truyền sẽ thay nhau bay lên...". Họ Hồng Bàng - dòng họ thủy tổ của người Việt - trường Đại học Hồng Bàng - võ Bình Định Sa Long Cương... Tôi ra về trong đầu nhoang nhoáng những hình ảnh đẹp đẽ về võ cổ truyền của dân tộc mình.

  • Nguyễn Kim Tuyến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hư, thực nét Chăm  (29/09/2006)
Ghi nhận từ một cuộc diễn tập  (28/09/2006)
Thẻ ATM đang đi vào ví của chúng ta  (26/09/2006)
Sống cùng mồ mả  (25/09/2006)
Công nghệ tiệc cưới  (22/09/2006)
Vi phạm an toàn điện: Chồng chất nỗi lo  (21/09/2006)
Kiếm sống ở cảng  (20/09/2006)
Đá cầm nóng lạnh…  (18/09/2006)
Hải Minh - cách một tầm nhìn  (17/09/2006)
Đời người đợi rau   (15/09/2006)
Bao giờ cho đến... ngày xưa  (13/09/2006)
Gặp chưởng môn nhân của phái võ An Thái  (12/09/2006)
Tham vọng của một bác sĩ giỏi  (12/09/2006)
"Tôi viết bằng niềm say mê"  (12/09/2006)
Số lùi số tới  (12/09/2006)