Một tháng rưỡi nữa là tết, giữa lúc đào Nhật Tân tơi tả; mai Nam bộ nghiêng ngả vì úng nước triều cường; mai Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế cũng tan tành vì bão… thì làng mai Háo Đức, làng cúc Vĩnh Liêm của Bình Định lại đang bình thản đợi tết…
|
Chăm sóc mai ở Háo Đức chuẩn bị bán tết. Ảnh: Phúc Vinh
|
Háo Đức háo hức cây mai
Về thôn Háo Đức (xã Nhơn An, huyện An Nhơn), một vựa mai lớn nhất tỉnh Bình Định, vào những ngày này, công việc chăm sóc mai ở đây trở nên tất bật hơn. Vài chiếc xe tải nhỏ từ các tỉnh miền Tây và Huế đã về thu mua mai làm cho không khí ở Háo Đức trở nên nhộn nhịp hẳn.
Theo thống kê của xã Nhơn An, hiện toàn thôn Háo Đức có 425 hộ thì có đến 95% số hộ trồng mai. Người trồng ít cũng được 300-400 chậu, người trồng nhiều lên đến 4.000-5.000 chậu. Ông Bùi Quý Nam, Trưởng thôn Háo Đức cho biết: “Cái Tết năm rồi, cả thôn bán mai cũng kiếm được từ 2,5 đến 3 tỉ đồng. Thu nhập cao như thế nên ai cũng hăm hở lao vào trồng mai. Giờ đây hầu hết những hộ dân ở Háo Đức đã mua sắm đầy đủ những vật dụng cần thiết như tivi, tủ lạnh, xe máy…, con cái ăn học đàng hoàng, tất cả từ cây mai mà ra”.
Năm nay dẫu không ảnh hưởng nhiều do bão lụt song thời tiết diễn biến rất thất thường, làm cho những người trồng mai ở Háo Đức trải qua một thời gian lo lắng. Nắng nóng kéo dài cộng vào đó là thêm một tháng nhuần nên mai nở sớm. Theo những người trồng mai ở đây, đợt nắng gay gắt trước cơn bão số 10 (giữa tháng 12) đã làm cho mai của 30 hộ bị nở hoa sớm, thất thu.
Một người trồng mai lâu năm ở Háo Đức tâm sự: “Đa số những vườn mai bị nở hoa sớm là những người vừa mới vào nghề, thiếu kinh nghiệm. Vào thời điểm đó những người có kinh nghiệm đã cho bón thêm phân vào để cây mai ra lá, nên việc phát triển của hoa sẽ bị chững lại và hoa sẽ nở đúng vào dịp Tết”.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là vườn mai của anh Phan Văn Tư. Anh Tư mới 35 tuổi nhưng đã có thâm niên trên 10 năm trồng mai. Anh vừa bán được 30 chậu mai 4 năm tuổi với giá 800 ngàn đồng/chậu. Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện với anh Tư thì các bạn hàng buôn mai vào trả giá mai có độ tuổi hơn 2 năm với giá 180 ngàn đồng/chậu, số lượng mua 100 chậu nhưng anh Tư nhất quyết không bán, vì giá còn thấp.
|
Các thương lái bắt đầu về Háo Đức mua mai. Ảnh: Phúc Vinh
|
Nghe chúng tôi hỏi, năm nay nhuần một tháng nên mai nở hoa sớm, khả năng số lượng mai Háo Đức sẽ ít đi. Anh Tư quả quyết: “Chỉ một ít hộ thôi, chứ cả thôn này toàn là những người trồng mai có kinh nghiệm lâu năm và số lượng lớn làm sao mai nở sớm được”. Để chứng minh cho chúng tôi thấy, anh Tư dẫn ra tận vườn mai, vạch từng chiếc lá, chỉ từng cái búp và phân tích thật cặn kẽ. Rồi anh kết luận: “Mai như thế này thì đến khi lặt lá mới thực sự nở hoa”.
Chúng tôi bước sang vườn mai của ông Lê Văn Phú, một trong những người trồng mai nhiều nhất ở Háo Đức và đã bị choáng ngợp trước một vườn mai rộng bao la. Quanh nhà toàn mai là mai. Ông Phú cho biết: “Tết năm vừa rồi tôi bán mai thu được trên 200 triệu đồng, giờ trong vườn còn khoảng 5.000 chậu từ 15 tuổi trở xuống. Cuối tháng 12 vừa rồi tôi cũng bán được 30 chậu loại 3 năm và 4 năm, với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng để trả tiền mua chậu và sắm sửa trong gia đình chuẩn bị đón tết”.
Trên đường chúng tôi đến nhà ông trưởng thôn Háo Đức thì bắt gặp chiếc xe tải nhỏ đang chở mai đi Huế. Lại thêm một người bán mai sớm, đó là ông Đặng Hữu Tâm. Bán 46 chậu mai 2 năm tuổi, ông Tâm đã thu được số tiền gần 12 triệu đồng. “Do Tết còn lâu nên các chủ buôn mai hơi ép giá, mà tui thì đang cần tiền nên bán sớm, chứ để gần Tết giá cao hơn. Mà ở đây nhà nào cũng thế, cho bán một ít trước để có tiền chuẩn bị sắm sửa đón tết”- ông Tâm hồ hởi nói.
Vĩnh Liêm tìm đường cho cúc
Ở thời điểm này, người trồng cúc ở Vĩnh Liêm (thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn) đã bắt đầu cắt bỏ đợt búp thứ nhất, chỉ còn chờ khoảng 15 ngày sau đợt búp thứ 2 trổ đọt, vin cành sẽ tính chuyện thu hoạch. Năm ngoái, vào thời điểm quan trọng này, bất ngờ một đợt mưa kéo dài đã làm cho cây cúc chết hoặc không thể đơm nụ. Năm nay Bình Định gặp thời tiết thuận lợi, không phải hứng chịu những cơn mưa triền miên người trồng cúc đã ngỡ sẽ vui vậy mà cuối cùng niềm vui cũng chẳng trọn. Theo một số hộ trồng cúc ở Vĩnh Liêm thì năm nay trời nắng nóng, ít mưa nên cây cúc đại đóa gặp nhiều sâu bệnh như rỉ sắt, tháng thư, hư lá bọ trĩ, dẫn đến tình trạng chưa đến ngày cúc ra búp mà các chủ hộ đã phải cắt bỏ cây, đổ đất lấy chậu. Anh Huỳnh Minh Chánh, người có thâm niên 15 năm trồng cúc cho biết: “Năm ngoái dù mất mùa nhưng Vĩnh Liêm vẫn còn được khoảng 5.000 chậu cúc cho thị trường hoa Tết. Năm nay thì càng tệ hơn, có khoảng chục hộ trồng khoảng 10.000 cây nhưng thời tiết quá bất thường nên đều bị hư hại hết cả. Hiện giờ chỉ còn lại 2 hộ với chưa tới 1.000 cây cúc đại đóa có khả năng cho hoa đúng vào dịp Tết”.
|
Ông Nguyễn Hữu Phước nhìn bông cúc vàng Hà Nội không khỏi chạnh lòng nhớ cúc đại đóa. Ảnh: Phúc Vinh
|
Trong cái khó mới ló cái khôn. Dù cây cúc đại đóa phát triển không thuận lợi, các hộ trồng hoa Vĩnh Liêm vẫn không bó tay trước thời tiết khắc nghiệt để phải đón một cái tết ảm đạm. Nhiều hộ đã chuyển sang trông cúc Hà Nội, cúc Nhật, thược dược, mai vàng… và nhanh chóng định hình một lối mở cho làng hoa Vĩnh Liêm.
Tại khu vực gò Lớn, một người trồng cúc chỉ cho chúng tôi bãi cúc hư dễ đến vài ngàn chậu được dẹp sang một bên. Sát cạnh đó là những luống cúc Hà Nội bông đã hé nụ vàng hoe. Sau khi cây cúc đại đóa gặp nhiều điều kiện không thuận lợi và phải bỏ sớm, nhiều gia đình đã chuyển sang trồng cây cúc Hà Nội. Loại cúc này tuy không cho nhiều hoa như cúc đại đóa nhưng rất dễ trồng trong điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng không thuận lợi như hiện nay. Đặc biệt, cúc Hà Nội kháng bệnh rất tốt và chỉ cần trồng 3 tháng là đã cho hoa (trong khi cúc đại đóa phải chăm sóc đến 6 tháng) cho nên bắt đầu từ giữa năm 2006 đã có rất nhiều hộ trồng hoa ở Vĩnh Liêm chuyển sang trồng cúc Hà Nội, tạo một nguồn thu nhập rất đáng kể.
Đến vườn hoa nhà ông Lê Văn Trường, một người trồng cúc thuộc hàng “cựu” với 20 năm trong nghề chúng tôi thực sự ngỡ ngàng vì nhà ông từ trước ra sau không có một bông cúc mà chỉ toàn thược dược và mai vàng. Ông cho biết: “Tui có đầu tư 400 chậu cúc nhưng hư hết. Bỏ cúc thì chuyển sang trồng thược dược. Cây thược dược chỉ trồng trong vòng 2 tháng, dễ chăm sóc, đầu tư ít hơn mà thu nhập lại tương đương”. Nói xong ông dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh các luống hoa thược dược. Cây nào cũng cho lá xanh um, tươi tốt. Hiện vườn ông có 300 cây thược dược, nếu hoa ra đúng thời điểm Tết Nguyên đán ông có thể thu về 6-8 triệu đồng.
Vĩnh Liêm những ngày này lẫn trong sắc vàng của cúc Hà Nội, sắc xanh ngọc của lá thược dược còn có những vườn mai 2-3 năm tuổi. Tuy chưa sánh bằng các làng mai khác nhưng cây mai vàng cũng đã bước đầu đem lại lợi nhuận cho người trồng hoa Vĩnh Liêm. Ông Lê Văn Trường hiện có trong tay khoảng 2.000 chậu mai. Vừa rồi có thương lái ở Đăk Lăk ưng bụng mua 150 chậu với giá 180 ngàn đồng/chậu.
Rời Vĩnh Liêm, tôi không thể nào quên được lời tâm sự của người trồng hoa lâu năm: “Bỏ cây cúc thì nhớ lắm nhưng thời buổi bây giờ cây nào đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn thì trồng. Phải tìm hướng đi mới chứ cứ thụ động ôm cây cúc đại đóa cầu cho ông trời mưa thuận gió hòa quanh năm chắc chết”.
|
Thược dược ít tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phúc Vinh
|
Hứa hẹn một tết vui
Thời gian gần đây, qua báo, đài, những người mua bán hoa, cây kiểng ở Bình Định và các tỉnh miền Trung đã nắm bắt được nguồn tin: ở miền Bắc số lượng cây đào giảm mạnh và hoa cũng đã nở sớm. Ở miền Nam, nhất là làng mai Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) do vỡ đê bao gây nên ngập úng nhiều ngày, tất cả các vườn mai ở đây bị hư hại với số lượng lớn. Còn ở miền Tây thì đa số “mai ăn tết sớm”, nhiều vườn mai lớn có nguy cơ mất trắng. Trước những diễn biến trên, những người trồng mai xuân ở Bình Định nói chung và Háo Đức nói riêng đang chờ đợi mùa mai bội thu.
|