Bây giờ gạch ngói Phú Phong
8:54', 8/1/ 2007 (GMT+7)

Đã bao đời nay, các lò sản xuất gạch ngói ở Tây Sơn đã cho ra đời hàng triệu triệu viên gạch, ngói, góp phần làm nên ngàn vạn ngôi nhà khang trang chắc chắn, đẩy những mái tranh vách nứa của nhiều miền quê khốn khó lùi xa. Không những thế, sản phẩm gạch ngói Phú Phong còn vươn sang tận nước bạn Lào, Campuchia… Dù vậy, làng nghề gạch ngói Phú Phong nói riêng, Tây Sơn nói chung vẫn đang cần một định hướng mới để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Xe các tỉnh xa về mua gạch ngói ở HTX gạch ngói Phú Phong.

 

* “Liều thuốc đắng” của Bình Nghi

Về xã Bình Nghi những ngày cuối năm không khỏi chạnh lòng cho người theo nghề sản xuất gạch ngói ở đây. Bình Nghi là xã có số người gắn bó với viên gạch, viên ngói nhiều nhất với khoảng hơn 4.000 lao động thường xuyên tại 318 lò gạch ngói khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay các lò gạch ngói Bình Nghi đang gặp khó khăn và có nguy cơ phá sản vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Đây là một liều thuốc rất đắng nhưng cũng thật bổ ích và đúng lúc cho những ai còn quen nghĩ và làm theo lối cũ: chậm đổi mới, nhỏ lẻ, không nắm bắt thông tin và nhu cầu của thị trường…

Theo ông Lê Ngọc Ba - cán bộ phụ trách xây dựng cơ bản xã Bình Nghi thì năm nay thị trường các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên không còn ưa chuộng loại gạch 6 lỗ cũng như ngói lợp của Bình Nghi nên sức mua giảm sút. Sự lấn lướt về chủng loại lẫn chất lượng của các sản phẩm tole lợp, gạch tuynen của các thương hiệu nổi tiếng càng khiến cho gạch ngói Bình Nghi rớt giá thê thảm. Nếu như trước kia viên gạch trọng lượng 0,9 - 1,2 kg có giá dao động từ 270 - 310 đồng/viên thì đến nay, dù các chủ lò giảm xuống còn 150 đồng - 180 đồng vẫn không có người mua. Tương tự viên ngói 1,4 kg trước kia có giá 410 đồng/viên nay giảm xuống chỉ còn 230 đồng/viên.

 

Sản xuất qui mô nhỏ lẻ đang rơi vào bế tắc nhưng các chủ lò Bình Nghi vẫn hoạt động cầm chừng.

 

Bế tắc trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, các chủ lò sản xuất gạch ngói ở Bình Nghi chỉ còn biết tạm ngưng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng chờ đợi. Ông Nguyễn Văn Hùng, một chủ lò có thâm niên hơn 30 năm cho biết: “Chưa năm nào tui gặp khó khăn như năm nay. Lò của tui mỗi tháng ra 6.000 viên gạch nhưng từ tháng 6-2006 đến nay chỉ tiêu thụ được có 8.000 viên. Hiện giờ  vẫn còn hơn 30 vạn viên”. Nói xong ông chỉ cho chúng tôi xem bãi gạch tồn của lò mình và không quên chỉ tay sang các lò khác, lò nào cũng còn tồn đọng đến 40 - 50 vạn viên gạch ngói. 

* Tầm nhìn mới để đi xa

Trong khi Bình Nghi đang lao đao, không tìm được đầu ra cho sản phẩm thì cách đó không xa đang có một HTX gạch ngói ăn nên làm ra và dù hoạt động tối đa công suất vẫn thiếu gạch ngói để bán. Đó là HTX gạch ngói Phú Phong. Tuy chỉ có 12 hộ và 170 lao động trực tiếp tham gia sản xuất nhưng năm 2006 HTX gạch ngói Phú Phong đã ra lò 2,4 triệu viên gạch ngói các loại. Điều đáng nói, năm 2006 HTX này đã nộp ngân sách nhà nước 120 triệu đồng (trong khi 318 hộ sản xuất gạch ngói Bình Nghi chỉ nộp được 880 triệu đồng).

Sở dĩ HTX gạch ngói Phú Phong đạt được những con số ấn tượng trên là nhờ vào sự đa dạng hóa sản phẩm và liên tục tự tiếp thị hình ảnh của mình. Ông Nguyễn Phi Hào, chủ nhiệm HTX nhớ lại: “Vào khoảng năm 1992 tôi đã bắt đầu nhận ra sự thất thế của viên gạch 6 lỗ, nhưng ở thời điểm ấy để tìm ra một hướng đi mới cho riêng mình là không dễ. Trong một lần đi tham quan ở Huế tôi nhận thấy nhu cầu về ngói cung đình cũng như gạch cho công tác trùng tu ở đây rất lớn. Vậy là tôi bỏ dở cả chuyến tham quan ấy về nhà bắt tay vào việc nghiên cứu khuôn đúc, sau đó mạnh dạn đề xuất với họ sử dụng gạch ngói của mình”.

Không ngờ những chuyến hàng đầu tiên ấy lại định hình một lối đi mới cho HTX gạch ngói Phú Phong. Liên tục từ năm 1992 đến nay, HTX đã cung cấp hàng trăm triệu viên gạch ngói các loại cho những công trình trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, nhà chùa của Huế cũng như các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Được biết, hiện nay HTX có 21 loại sản phẩm khác nhau như: ngói âm dương, ngói vảy rồng, ngói vảy cá, ngói vảy mũi hài, gạch đinh, gạch lá dừa, gạch con sâu… Trong đó, ngói âm dương là sản phẩm được rất nhiều các di tích, đền chùa đặt mua với số lượng lớn. Thậm chí, dự án tôn tạo tháp Chàm ở 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng cần đến hơn 80 vạn viên ngói âm dương, gạch con sâu của HTX gạch ngói Phú Phong.

Không dừng lại ở đó, vào đầu năm 2000 nhận thấy nhu cầu gạch lát vỉa hè, công viên rất lớn nên ông Hào đã tập hợp các xã viên trong HTX lại bàn bạc. Kết quả, các loại gạch lục giác, gạch lá dừa ra đời và phủ kín các vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành, Xuân Diệu của TP Quy Nhơn sau đó lan nhanh đến các công trình công cộng ở các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum… Có không ít công trình du lịch nổi tiếng như các khu Resort cao cấp ở Phan Thiết, khu di tích nhà đày Lao Bảo, nhà nghỉ Bảo Đại ở Kon Tum, khu du lịch Bà Nà ở Đà Nẵng… đều đánh dấu sự có mặt ấn tượng của gạch ngói Phú Phong.

 

Ông Nguyễn Phi Hào bên bộ sản phẩm mới.

 

Tuy có nhiều bước đi sáng tạo và đột phá bất ngờ trong việc sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã nhưng không phải ở thời điểm nào HTX sản xuất gạch ngói Phú Phong cũng gặp thuận lợi trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Sự ra đời của các nhà máy gạch tuynen khiến  HTX rơi vào tình cảnh khó khăn vì đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp. Không bó tay chịu khó, một mặt Ban chủ nhiệm HTX tích cực đi chào hàng ở tỉnh bạn, mặt khác ông Hào vận động xã viên HTX góp tiền tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2002.

“Tham gia Hội chợ lần đó cũng run lắm, có cả gạch Đồng Tâm và hàng chục thương hiệu có uy tín khác ở Bình Dương, Đồng Nai nhưng khi trưng bày sản phẩm mới biết gạch ngói Phú Phong là số một với độ trơn láng, độ bền chắc mà đặc biệt là sắc đỏ tự nhiên không thể trộn lẫn vào đâu được”. - ông Hào kể lại. Vậy là viên gạch làng nghề không “chết” như nhiều người nghĩ. Chiếc HCV Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao cộng với những nỗ lực tiếp thị tột bậc của HTX đã thu hút sự chú ý của các nhà thầu tỉnh bạn. Xe ở các tỉnh xa ùn ùn đổ về chở gạch, chở ngói và thương hiệu gạch ngói Phú Phong đường hoàng quay trở lại cạnh tranh tại thị trường trong tỉnh bằng chính nội lực của mình. Không những thế, gạch ngói Phú Phong còn xuất qua Lào, Campuchia với những hợp đồng hàng triệu viên.

* Cần định hướng cho làng nghề

Ông Nguyễn Phi Hào cho chúng tôi biết HTX vừa ký hợp đồng cung cấp 1,7 triệu viên gạch xây dựng với Xí nghiệp Xây dựng Sông Đà. Nếu cộng với các hợp đồng cung cấp gạch ngói cho các công trình đền chùa, tháp Chàm thì coi như cả năm 2007 HTX gạch ngói Phú Phong không cần phải tìm kiếm hợp đồng mới. Tuy vậy, ông Hào vẫn không vui: “Tôi rất buồn vì trong khi HTX mình không đủ lớn để ký kết các hợp đồng hàng chục triệu viên gạch thì các lò khác vẫn giữ tâm lý làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Nếu không sớm liên kết lại để cùng nhau nhìn về một hướng thì làng nghề sẽ còn tiếp tục khó khăn hơn nữa trong thời gian tới”. Cũng theo ông Hào, chất lượng của gạch ngói Tây Sơn thuộc vào loại hàng đầu Việt Nam hiện nay nhưng giá cả lại rất thấp so với các loại gạch ngói khác. Sở dĩ có chuyện này là do các chủ lò chưa tập hợp lại với nhau thành một khối đoàn kết, vì tâm lý chung của các chủ lò là e ngại, thậm chí không muốn vào HTX.

 

Gạch ngói Tây Sơn góp phần điểm tô đô thị.

 

Chuyện ăn nên làm ra của HTX gạch ngói Phú Phong cũng như liều thuốc đắng của đất gạch Bình Nghi rõ ràng là một bài học quý giá cho làng nghề gạch ngói thời hội nhập. Hiện nay toàn huyện Tây Sơn có hơn 500 lò gạch nằm rải rác ở các xã Tây Xuân, Bình Nghi, Tây Bình, Bình Thành… Nghề sản xuất gạch ngói không chỉ tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động trong huyện mà còn đem lại 53,5% tổng giá trị sản phẩm toàn huyện năm 2006. Tuy nhiên, tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự túc, thiếu tầm nhìn chiến lược đang đẩy người làm gạch ngói vào thế khó khăn. Rõ ràng đã đến lúc huyện Tây Sơn cũng như các ngành chức năng tỉnh Bình Định nên có những định hướng mới cho làng nghề phát triển bền vững. Khi đã có sự thống nhất cao về giá cả và sự hỗ trợ thông tin khách hàng giữa các hộ kinh doanh chắc chắn viên gạch, viên ngói Tây Sơn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.

  • Khánh Vinh
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng hoa đợi Tết  (01/01/2007)
Chính thức loại bỏ xe lam  (29/12/2006)
Festival trên miền đất võ  (27/12/2006)
Festival trên miền đất võ  (26/12/2006)
Quá thấp !  (26/12/2006)
Tìm câu Kiều ở Tiền Đường  (25/12/2006)
Báo động công tác PCCC ở các chợ  (22/12/2006)
Tai nạn thương tích: Đã đến lúc gióng hồi chuông báo động !  (21/12/2006)
Nhiều chủ đò, xe ôm chuyển nghề  (20/12/2006)
Còn đó những cảnh đời  (19/12/2006)
Quanh cây cầu vượt biển lớn nhất nước Việt  (18/12/2006)
Chợ Lớn Quy Nhơn 12 giờ trong biển lửa   (18/12/2006)
Thuốc võ  (12/12/2006)
Xã mơ về thị  (11/12/2006)
Thầm lặng nghề phát hành báo  (08/12/2006)