Nói đến các photo ảnh có tiếng tăm tại thành phố Quy Nhơn khoảng cuối những năm 70, 80 của thế kỷ trước, không ai là không nhớ đến tên tuổi của các tiệm Hồng Hà, Bác Ái, Quang, Mai Dung, Kiều Trang… Cùng với thời gian "tre già măng mọc", hiện nay Quy Nhơn có hàng chục studio chuyên chụp ảnh cưới, ảnh chân khá lớn như Mai Dung2, Miva, Vĩnh Yên, Phương Anh… Để có thể tồn tại và phát triển, các studio phải luôn tìm cách để làm mới mình.
|
Chị Hạnh Dung trang điểm cho cô dâu trước khi vào phòng chụp ảnh.
|
Tre già măng mọc
Ông Phạm Văn Chai, một nhiếp ảnh gia thuộc hạng lão làng ở đất Quy Nhơn từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước nhận xét: "Lớp người như tôi đến nay hầu như đã rút khỏi lĩnh vực này vì đã lớn tuổi để nhường cho lớp trẻ năng động, xông xáo hơn, có điều kiện để phát triển hơn. Trong số những studio hiện nay, chỉ có hai người thuộc thế hệ trước là anh Dũng (studio Dũng) và anh Yên (studio Vĩnh Yên). Lớp còn lại đều thuộc lớp trẻ".
Trong số hàng chục studio ảnh hiện nay ở Quy Nhơn, có một số tiệm con nối nghiệp cha như NiNa (con của nhà nhiếp ảnh Bùi Lịch), Mai Dung 1, Mai Dung 2, Bích Hợp (đều là con của chủ tiệm photo Mai Dung trước đây).
Nếu như các tiệm photo trước đây chỉ chuyên chụp ảnh chân dung, hiếu hỉ thì nay hầu hết các studio đều có sự kết hợp "2 trong 1" giữa chụp ảnh chân dung, ảnh cưới với trang điểm và cho thuê áo cưới. Chị Trần Thị Hạnh Dung, chủ tiệm studio Mai Dung 2 (đường Mai Xuân Thưởng), tâm sự: "Tôi theo nghề cha từ năm 16 tuổi, tính đến nay đã hơn 20 năm rồi. Ông xã của tôi cũng chính là học trò của ba tôi. Ngày trước tôi chỉ mở tiệm chuyên chụp ảnh cưới mà thôi. Sau tôi thấy việc mở rộng cho thuê đồ cưới khá thuận lợi. Thế là tôi quyết định đi học thêm một khóa trang điểm cô dâu, rồi bỏ thêm vốn đầu tư váy cưới, quần áo chú rể, áo đầm, đồ vét trẻ em… để cho thuê". Mới đây, chị Dung đã tậu thêm một chiếc ô tô để phục vụ cho việc đi lại chụp ảnh, quay phim ngoại cạnh.
Cũng có studio ở Quy Nhơn ban đầu chỉ chuyên về trang điểm cô dâu, cho thuê áo cưới rồi sau đó thấy thuận lợi mới kết hợp chụp ảnh. Chị Nguyễn Thị Thu Minh, hiện là chủ studio MiVa (đường Trần Hưng Đạo) là một điển hình. Chị Minh nguyên là thợ uốn tóc, trang điểm cô dâu, cho thuê áo cưới, rồi sau đó tự học thêm nghề chụp ảnh để kiêm luôn trang điểm cô dâu và chụp ảnh. Ở các studio khác, các chủ tiệm kết hợp với các thợ chụp ảnh có tay nghề vững theo tỷ lệ ăn chia nhất định, hoặc với anh em, người thân trong gia đình làm chung.
Giá cho mỗi cuốn album cưới trung bình từ 600.000 - 1.200.000 đồng cho một cuốn (20 tấm) tùy theo kích cỡ lớn (20 x30 cm) hay nhỏ (20 x 21), một tấm ảnh lớn phóng to (50x70) giá khoảng 500.000 đồng. Nếu chụp ảnh ngoại cảnh thì giá cao hơn, khoảng 3-5 triệu đồng/album tùy theo kiểu lớn nhỏ. Áo cưới cô dâu giá cả từ 100.000- 1.000.000 triệu đồng/áo tùy theo kiểu dáng, mới, cũ hàng nội hay hàng ngoại, làm mặt 200.000 đồng/lần.
|
Chụp ảnh ngày nay không cần phông nền như trước nhưng phải có người "đạo diễn" cho đôi tân lang "diễn" ưng ý.
|
Nghề làm dâu trăm họ
Ánh đèn flash chớp sáng lên liên tục. Tiếng người thợ chụp ảnh vang lên trong phòng chụp: "Cô dâu nép vào ngực chú rể đi, sát vào, đầu cúi xuống một chút nữa. Chú rể đặt tay lên hông cô dâu nào, tình tứ lên. Thế, thế, cười lên… 1,2,3". Bác "phó nháy" vừa chạy tới chạy lui, vừa ngắm thế, vừa luôn miệng đạo diễn. Bên ngoài trời không nóng lắm, trong phòng lại có cả máy lạnh, nhưng trán của người thợ chụp ảnh lại lấm tấm mồ hôi. Tranh thủ lúc cô dâu chú rể thay đổi trang phục, trang điểm lại dung nhan, anh ra ngoài nghỉ ngơi trước khi vào "tăng hai". Với người thợ chuyên chụp ảnh cưới, cái khó nhất là phải đạo diễn cho được cô dâu chú rể thật tự nhiên, không khô cứng, gượng ép. Nếu không, hình lên sẽ không đẹp.
"Bây giờ đã có máy số (máy kỹ thuật số) nên chụp thoải mái, không ưng kiểu nào thì đì- lít (delete) liền. Cô dâu chú rể ưng kiểu nào chọn kiểu đó ngay. Chứ thời trước, đốt cả cuộn phim mới được vài kiểu ảnh ưng ý, lắm khi phải bắt cô dâu chú rể diễn đi diễn lại nhiều lần cho một kiểu ảnh. Người hiểu thì không nói làm gì, có người lại cau có"- chị Minh nói. Nhưng nhọc nhằn chụp ảnh trong salon chỉ là "muỗi" khi so với chụp ngoại cảnh. Cả một ê kíp chụp hình gồm 6-7 người dang nắng cả ngày ở ngoài trời, di chuyển từ địa điểm nọ sang địa điểm kia. Không chỉ có thợ chính, thợ phụ mệt mà cả cô dâu chú rể cũng bị "vật" bã cả người. Trời nắng đẹp, tuy mệt nhưng được việc. Nếu gặp trời mưa thì chỉ có cách mà xếp đồ chờ trời hửng nắng, hoặc chấp nhận về nhà… chờ trời đẹp. Thường giá một bộ album ảnh ngoại cảnh luôn cao hơn chụp trong salon từ một đến vài triệu đồng.
Ngày nay, với sự xuất hiện của các máy ảnh kỹ thuật số, phần mềm photoshop hỗ trợ đắc lực, các công đoạn chụp ảnh trở nên nhẹ nhàng rất nhiều, tiết kiệm được công sức, thời gian và tiền bạc. Ông Phạm Văn Dũng, chủ studio Dũng (đường Trần Hưng Đạo), thâm niên 40 năm trong nghề cầm máy, nhận xét: "Ngày xưa, từ việc dựng các phông màn đến chỉnh sửa hình ảnh, ghép ảnh rất lâu, mất thời gian vì tất cả đều phải làm thủ công. Từ ngày có công nghệ hiện đại, việc "lảy" đi cái mụn, chuyển mập thành ốm, đẹp thành xấu dễ như trở bàn tay.Cũng chẳng cần phải dựng phông, nền gì hết vì đều có sẵn trong máy cả, từ cảnh trên du thuyền, bãi biển, đến cảnh ở thiên đường, mùa đông tuyết rơi". Ông Dũng bắt đầu nghề thợ ảnh vào những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước ở tiệm photo Quang. Thời đó, phải mất vài năm phụ việc, học đủ các môn: chấm sửa hình, phim, tô màu, rọi hình, ghép hình khá vất vả trước khi trở thành thợ chính.
|
Chỉnh sửa ảnh trên máy vi tính.
|
Để tồn tại: cứng nghề, mạnh vốn
Theo các chủ tiệm studio, dẫu có công nghệ hiện đại hỗ trợ nhưng nếu quá lạm dụng kỹ thuật, kỹ xảo thì ảnh trong hình không còn giống như người thật nữa mà là một ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc nào đó. Cốt yếu nhất vẫn là phải giữ được "cái thần", "nét chính" của người đến chụp ảnh. Các studio hiện nay đều phải tự làm mới mình, nâng cao kỹ thuật chuyên môn lẫn các hình thức thể hiện để thu hút các khách hàng.
Đôi vợ chồng trẻ của một studio khá nổi tiếng đường Trần Phú cho biết, để có được những cảnh chụp ngoại cảnh bắt mắt, họ thường phải đi lùng các cảnh đẹp tự nhiên lẫn trong khách sạn để luôn luôn tạo được sự mới lạ trong phong cách chụp cũng như kiểu dáng. Khi tôi hỏi một số địa điểm họ thường dẫn khách đến chụp thì họ vội nói: "Chị thông cảm, đó là bí quyết riêng của bọn tôi…"
Bên cạnh đó, việc đầu tư vốn cho máy móc, trang phục theo thời trang là chuyện sống còn để tồn tại và phát triển của mỗi studio. "Nếu như trước đây tay nghề "cứng" là yếu tố số một, thì nay vấn đề "đầu tiên" mới là quyết định. Không mạnh vốn đầu tư vào máy móc chụp ảnh, máy vi tính, trang phục áo cưới thời trang để khuếch trương cơ sở… thì khó mà hấp dẫn được các đôi uyên ương- vốn rất hay chuộng lạ, hình thức bắt mắt"- anh Bùi Quốc Thiện, chủ studio NiNa (đường Trần Hưng Đạo) nói. Chính vì lý do này mà không ít thợ chụp ảnh có tay nghề "cứng" vẫn không thể "lên" được vì thiếu vốn, không có mặt bằng kinh doanh thuận lợi.
Giới trong nghề hiện vẫn kháo với nhau rằng, có một studio dù "sinh sau đẻ muộn" hơn so với các studio khác ở Quy Nhơn, nhưng vẫn thu hút được rất nhiều khách đến chụp bởi máy tốt, cách bài trí sang trọng, bắt mắt từ trong studio trong cho đến những áo cưới đắt tiền, dù giá chụp ảnh ở đây có cao hơn giá mặt bằng chung. "Nghe nói, chỉ nguyên một cái máy ảnh trị giá cả trăm triệu đồng, chưa kể đến các vật trang trí đắt tiền khác như đàn piano, nội thất thiết kế cực kỳ sang trọng. Còn như chỗ tôi trang bị hai cái máy ảnh, mỗi cái vài chục triệu đã thấy đứt hơi rồi. Bởi thế, làm ăn đủ sống, dư chút đỉnh là thấy mừng lắm rồi…"- một chủ tiệm studio than thở vậy.
|