Dưỡng nụ, đợi xuân
17:1', 17/1/ 2007 (GMT+7)

Hai miền Trung, Nam, nói đến mùa xuân, ta lại nghĩ ngay đến màu vàng rực của sắc hoa mai. Cuối tháng Mười Một (âm lịch), đầu tháng Chạp là thời điểm các chủ vườn mai lặt lá cho cây dốc hết sức lực đơm nụ, trổ hoa. Trong số ấy có những người chuyên trông mai, cây cảnh thuê. Cả một năm vun trồng trông coi, vun xới cho từng gốc mai, để đến những ngày ngoài 20 tháng Chạp, chủ đến chở hoa đi…

 

Khách đến xem cây và hỏi anh Ngọc (áo xanh) chừng nào thì đưa cây về nhà được. Ảnh: T. H

 

Trông mai thuê

Khuôn viên anh Lê Thanh Ngọc thuê làm nơi "tập kết" mai (ở tổ 37, KV4 phường Quang Trung, Quy Nhơn) rộng rộng chừng 400 m2 đoạn ngã ba Hoàng Văn Thụ, nhìn về phía Tây thấy biển "Vườn cây Thanh Ngọc". Ở đây, chuyên nhận chăm sóc thuê cây mai xuân, nên người xem có thể tiếp cận với cả một rừng mai đủ kiểu dáng, đủ giống loài và đủ thứ bậc. Các cây mai có cội to, rễ xù xì giá từ vài triệu đến vài chục triệu cho đến những cây mai mini đáng giá vài trăm ngàn đều được sắp thẳng hàng, ngay lối.

Dẫn chúng tôi duyệt qua mỗi hàng mai, anh lại giới thiệu: bạch mai, cúc mai (mai nhiều cánh), huỳnh tỉ thời gian lặt lá 45 ngày, mai giảo chỉ lặt lá trước tết độ 35 ngày. Lý thuyết thì thế nhưng thời gian lặt lá khi nào lại phụ thuộc vào thời tiết, nắng, lạnh, vào sức chịu đựng của mỗi cây. Tỷ như, tiết trời hơi se lạnh thì phải chủ động nhặt sớm hơn từ 5 ngày đến 7 ngày, nhưng đến cuối tháng Mười Một mà trời không âm u, có nắng ấm thì hãy thư thư thêm chút nữa. Thậm chí nếu thấy nụ hoa "phát" phải tìm cách hãm nở…

Từ ngày 20 tháng Mười Một trở đi, đã có vài chủ mai đến vườn, nghiêng ngó một chút rồi hỏi dò anh Ngọc thử xem khi nào mình có thể mang cây về nhà. Chị Thu, nhân viên của bảo hiểm Prudential bảo chị mua hai cây mai đã ba năm nay, nhưng nói cây nào của mình trong vườn mai này thì chịu. Bởi lẽ, chị đã nhờ anh Ngọc trông nom hoàn toàn. Cỡ ngoài 20 tháng Chạp, khi những nụ hoa đã bong lớp vỏ trấu ngoài, trở nên bóng bẩy… chị mới cho xe chở về nhà. Hết ba ngày tết, chậm lắm đến ngày mồng 6 chị lại chở mai vào vườn anh Ngọc. "Mỗi năm tiền công chưa đến trăm ngàn cho hai cây, tính ra đâu có mắc. Tôi không rành về mai, chăm không đúng kiểu sợ cây chết". Tại vườn của anh Ngọc tôi gặp không ít người chủ như thế. Hỏi cây nào của mình, lắc đầu "chịu''. Họ thích chơi mai, không ngại bỏ tiền mua cây có hoa đẹp, dáng đẹp nhưng lại không biết cách chăm sóc mai cho đúng kiểu. Mà mai càng lâu năm, càng quý thì lại "khó tính, khó chiều" như người già, một chút sơ sẩy trong khâu chăm sóc có thể khiến cây khô gốc, lao cành…

 

Phải đến 5-7 ngày nữa lá mai sẽ được lặt hết. Ảnh: T. H

 

Đưa chúng tôi ra vườn mai, anh Ngọc khoe, một kiến trúc sư tin tưởng gởi anh 6 cây mai với tổng trị giá trên 50 triệu đồng, có một gốc mua với giá 35 triệu đồng. Trong tổng số 200 cây mai của 150 chủ, có gần chục cây, mỗi cây nằm giá từ mươi đến 15 triệu đồng. Một năm bón phân, rồi nhổ cỏ, cắt cành… anh Ngọc lấy công chăm sóc thấp nhất từ vài chục ngàn  đến cao nhất là 300.000 đồng/gốc mai tùy theo giá trị của cây. Ngày cận tết, chủ cây đến chở mai, ưng ý vì hoa nhiều nụ, mướt mát có thể "lì xì" thêm cho anh vài trăm, hoặc biếu anh chai rượu tây lấy lộc đầu xuân. Cuối năm cũng dắt túi được món tiền kha khá, cỡ trên chục triệu đồng từ việc trông mai thuê. Bởi lẽ tiền công chăm sóc không cao nên anh Ngọc không chịu trách nhiệm khi cây chết, lao cành. Anh Ngọc người gốc Hải Phòng, là bộ đội xuất ngũ trước nổi tiếng trong giới "lâm tặc" chuyên đào gốc cây trên núi. Cách đây 5 năm anh "rửa tay gác kiếm" chuyên chú với cây mai, vừa trồng mai vừa trông mai thuê. Ngoài khu vườn này anh Ngọc còn có cơ sở hai với vài trăm gốc, vừa trông, vừa trồng và bán mai. 

Chuyện của người trong nghề

Ở các vườn mai trong Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, thường thì người trông mai thuê lấy tiền công bằng 10% giá tiền của cây. Mai càng có giá thì tiền công chăm mai càng nhiều. Nhưng đổi lại, nếu mai năm đó hoa nở không đạt thì người trông mai có trách nhiệm phải kiếm cây mai khác, có giá trị và đẹp tương đương cho chủ chơi tết năm đó. Nếu cây lao cành hoặc khô gốc phải bồi hoàn cho chủ cũ bằng cây mai khác có giá trị tương đương hoặc bằng tiền do chủ quyết định.

Tuy nhiên ở Bình Định chuyện ấy hầu như không xảy ra vì hầu hết người nhận trông coi  và chủ cây đều là chỗ thân tình. "Tiền công tuy có nhưng tôi không đặt nặng vấn đề. Anh em thân quen, thân tình giúp nhau là chính. Bởi thế tôi không nhận trông nhiều vì không có thời gian"- ông Huỳnh Thế, nghệ nhân trồng cây kiểng, chăm sóc mai tại Nhà khách Tỉnh ủy (04 đường Trần Phú) bộc bạch. Ông Thế hiện đang dạy tại trường Tiểu học Ngô Mây- Quy Nhơn. 30 năm đi dạy cũng là  ngần ấy thời gian ông chơi mai, trồng mai. Số cây ông nhận trông coi cho khách đều là chỗ thân tình, chỉ độ 20 cây nhưng hầu hết là cây đẹp.

Vốn là giáo viên dạy văn, yêu mai nên ông Thế ví cây mai như một con người, tùy theo sức khỏe của mỗi người mà có cách chăm sóc khác nhau. Mỗi giống hoa, mỗi gốc mai là mỗi cách chăm, mỗi chế độ phân lạt khác nhau. Cuối năm thân cây dường như sắt lại, lá rụng dần, để rồi đến khi được lặt lá, cây giờ tập trung nuôi "mầm mới" là những búp hoa, chồi non.

Lẫn trong những lá mai còn xanh, lá xanh lá vàng, tôi thấy có một gốc mai lá xanh hãy còn nhiều nhưng hoa vàng đã nở. "Ấy, mai cũng giống như con người mà lại. 9 tháng 10 ngày đủ ngày đủ tháng mới ra đời, nhưng có người "đòi ra" lúc 7 tháng rưỡi, lúc 8 tháng hoặc xê xích ít ngày. Cây mai này cũng thế, hoa vẫn nở dù vẫn chưa lặt lá. Vẫn khoe sắc vàng rực rỡ dẫu ý người chưa muốn. Cũng có một vài cây, ông Thế cho nở sớm vừa kịp đến ngày kia hoa khoe sắc vàng rực rỡ mừng tân gia. Ấy là tôi cho "đẻ chủ động" đấy-ông nói. 30 năm yêu mai, trồng mai ông Thế có thể "phù phép" cho mai nở sớm, muộn tùy theo ý chủ. 

 

Để tránh nhầm lẫn anh Ngọc ghi tên chủ vào chậu mai. Ảnh: T. H

 

Cả năm chăm bón, "tưng tiu" cho từng gốc mai, thế nhưng ông lại không được ngắm nhìn thành quả lao động một năm của mình. Hỏi ông có buồn không. Ông cười mà rằng, chủ cây mai là người thưởng ngoạn vẻ đẹp rực rỡ của hoàng mai trong ngày tết. Song, chính tôi mới là người được thưởng thức vẻ đẹp của mai nhiều nhất, trong từng động tác nhặt cỏ, bón phân, sửa từng cành cây, tạo dáng hàng ngày.

Nhưng chuyện của người trông mai thuê không chỉ là vậy. Cách đây mấy năm, có một chủ vườn mai ở Hóc Bà Bếp (phường Đống Đa- Quy Nhơn) đột ngột qua đời vào dịp cuối năm. Nhiều người trong giới chơi mai năm đó "chới với" vì không biết cây nào của mình trong số hàng trăm cây mai trong vườn. Một chủ DN nửa khóc nửa cười kể: "Bà vợ của ông ấy bảo, chú ra vườn xem cây nào của chú thì đem về chứ tui hổng rành. Tui cũng khóc mà chào thua về tay không chứ mình đâu có biết cây nào là của mình đâu". Lại cũng có trường hợp, của mình gởi ít nhưng tham nhận của mình nhiều. Thật giả lẫn lộn. Cả vườn mai của các chủ lẫn của người chủ xấu số đã "bốc hơi" oan uổng.

Những ngày cuối cùng của tháng Mười Một đang dần qua. Chỉ vài ngày nữa thôi, các chủ vườn lặt lá mai cho cây tập trung nuôi nụ. thầy giáo cũ của ông Thế nói với học trò của mình:  năm nay nhuần hai tháng Bảy, thời tiết lại khắc nghiệt, nhưng dường như mai cũng biết theo quy luật của đất - trời, chiều lòng người nên đến giờ này lá rụng tự nhiên không nhiều.

Thoáng trong cơn mưa nhẹ, một bông hoa vàng nở sớm trên cội lão mai, lòng chợt nao nao: xuân sắp đến rồi.

  • Thu Hà- Ngọc Diên
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Studio ảnh thời nay  (15/01/2007)
Hội ngộ của tâm huyết  (15/01/2007)
Xem bói cuối năm  (08/01/2007)
Bây giờ gạch ngói Phú Phong  (08/01/2007)
Làng hoa đợi Tết  (01/01/2007)
Chính thức loại bỏ xe lam  (29/12/2006)
Festival trên miền đất võ  (27/12/2006)
Festival trên miền đất võ  (26/12/2006)
Quá thấp !  (26/12/2006)
Tìm câu Kiều ở Tiền Đường  (25/12/2006)
Báo động công tác PCCC ở các chợ  (22/12/2006)
Tai nạn thương tích: Đã đến lúc gióng hồi chuông báo động !  (21/12/2006)
Nhiều chủ đò, xe ôm chuyển nghề  (20/12/2006)
Còn đó những cảnh đời  (19/12/2006)
Quanh cây cầu vượt biển lớn nhất nước Việt  (18/12/2006)