Đi coi đám cưới
10:9', 22/1/ 2007 (GMT+7)

Cuối năm là mùa cưới. Làng trên xóm dưới, nhà hàng khách sạn, đâu đâu cũng gặp cổng hoa. Nông thôn có cách làm đám cưới của nông thôn, phố thị có cách của phố thị. Dẫu đơn giản hay rình rang, nệ cổ hay hiện đại... đám cưới đều có lễ nghi và cô dâu, chú rể cũng đều xinh đẹp bởi “trăm năm mới có một ngày”...

 

Ngày em sang sông. Ảnh: Ngọc Lối

 

* Đám cưới “300 ngàn đồng”

Có vẻ trái ngược với những đám cưới linh đình tổ chức 2 - 3 ngày, khách khứa nhộn nhịp ở quê là những đám cưới tổ chức theo nếp sống mới, được phát động cách đây vài năm. Ở Bình Định, đám cưới nếp sống mới đầu tiên được tổ chức “điểm” tại Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), với chi phí trọn gói rẻ đến bất ngờ: 400 ngàn đồng. Nghi thức ý nghĩa nhất của lễ cưới này là đại diện chính quyền xã trao giấy đăng ký kết hôn cho đôi vợ chồng trẻ.

Nhưng chi phí thấp đến mức kỷ lục có lẽ thuộc về đám cưới của một chiến sĩ ở Trung đoàn 940 (Sân bay Phù Cát) với vỏn vẹn... 300 ngàn đồng. Từ “đám cưới 300 ngàn” đầu tiên ấy, vài năm nay, phong trào làm đám cưới tiết kiệm đã lan rộng ra cả đơn vị. Tùy thời điểm có thể mức chi phí sẽ vượt hơn nhưng nói chung là vẫn theo mô hình tiết kiệm. Chị Hiền, có chồng công tác ở Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật (Trung đoàn 940) nhận xét: “Đám cưới của chúng tôi (phía nhà trai) chỉ có bánh kẹo, trái cây, trà. Đám cưới ngọt rất đông người đi dự, có khi cả nhà người được mời cùng đi nên vui lắm. Do không phải bận ăn uống như các đám cưới khác nên họ hàng, cha mẹ hai bên, mọi người cũng có nhiều thời gian để dặn dò con cái, nói chuyện, giao lưu văn nghệ hơn”.

Tuy nhiên, đáng tiếc là hình như bây giờ ít ai mặn mà với kiểu đám cưới này. Có lẽ vì trông nó giản tiện quá, làm mất đi tính trang trọng của một nghi lễ mà đời người chỉ có một lần chăng? Và thay vào đó, để theo kịp nhịp sống số, tất cả đều ra nhà hàng cho tiện.

* Đám cưới quê

Chưa thấy cổng hoa, chưa thấy cô dâu chú rể, nhưng cứ nghe tiếng hát từ máy cassette rộn ràng, giục giã khắp xóm: “Ô, ô sáng hôm nay trên quê hương tôi, quê hương xinh xinh quê hương hữu tình... Chà, nhà ai có anh rể quý, chà, nhà ai có cô dâu hiền...” là lũ trẻ quê đã háo hức rủ nhau đi coi đám cưới.

Lễ cưới ở quê thường kéo dài 2 - 3 ngày. Trước ngày làm đám, hàng xóm kéo đến giúp chủ nhà dựng rạp, mổ bò, làm heo, nấu ăn, dọn dẹp... Cách đây 2 tháng, tôi được mời dự một đám cưới ở thị trấn Phú Phong, Tây Sơn. Có khác chăng những đám cưới mà tôi từng biết trước đó hơn chục năm là chiếc cổng hoa lá dừa đã được thay bằng cổng hoa nhựa, rạp sắt vải đỏ vải xanh do dịch vụ làm trọn gói. Còn cách thức tổ chức vẫn như cũ với 3 ngày dài đằng đẵng. Chịu trách nhiệm “hậu cần” cho đám cưới là một lực lượng hùng hậu gồm hàng xóm, bà con xa gần. Mẹ chú rể tâm sự: “Đám cưới ở đây không tính chuyện lỗ lãi như ở phố, vì nếu tính thì đám nào cũng thâm cả. Làm đám cưới ở nhà, mới trả được cái ơn nghĩa với làng xóm”.

Những đám cưới ở quê thường tốn kém hơn đám cưới ở phố vì khó “lấy thu bù chi”. Chẳng phải người dân nông thôn không hiểu được điều này nhưng đã thành tục lệ. Nên mới có chuyện, lần nọ, ông chú họ tôi ở quê tổ chức cưới vợ cho con tại nhà hàng thị trấn, sau đã bị trưởng họ phê bình: “Làm chi vậy! Mấy đứa nhỏ trong nhà còn không được miếng bánh, miếng kẹo, nói gì chòm xóm”.

* Đám cưới thời hi-tech

Tổ chức đám cưới tại nhà hàng, khách sạn đang là sự lựa chọn của nhiều người ở thành phố. Để đáp ứng nhu cầu tiện lợi, trang trọng, đầy đủ lễ nghi nhưng cũng phải hiện đại, vui tươi, mới lạ, nhiều nhà hàng khách sạn ở Quy Nhơn đã áp dụng “công nghệ tiệc cưới” để chiều lòng các thượng đế uyên ương. Công nghệ tiệc cưới là cách thức tổ chức một lễ cưới trọn gói từ A đến Z với một chương trình hoành tráng, bài bản. “Thượng đế” muốn nghi lễ đón khách, múa rước dâu theo phong cách Âu hay Á, bày biện bàn thờ gia tiên, tiệc trà tiếp họ, hoặc chiếu hình ảnh cô dâu chú rể đã chụp, quay video trước đó lên màn ảnh rộng, hay quay video và chiếu trực tiếp hình ảnh lễ cưới... đều được đáp ứng đầy đủ. Nếu đám cưới mời trên 200 khách thì các dịch vụ trên sẽ được khuyến mãi từng phần hay toàn bộ.

Ngoài ra, đám cưới thời hi-tech - “công nghệ cao” còn là cách trang trí bàn tiệc, sân khấu lạ mắt, sang trọng, những phần nghi lễ vừa hiện đại vừa gợi nhớ đến những phong tục truyền thống. Chẳng hạn, dự đám cưới ở khách sạn 4 sao nhưng quan khách vẫn có thể chứng kiến cảnh đám rước dâu xênh xang lọng vàng lọng tía cùng đoàn người đội mâm heo quay, trầu cau sính lễ. Tất cả rực rỡ, nổi bật, nhưng không phải trên đường quê thơm hương lúa, dưới ánh nắng mai ấm áp sau nỗi lạnh lẽo đông tàn, mà là dưới... ánh đèn polo sáng rực, quét theo từ dưới khán phòng lên sân khấu.

Ở Quy Nhơn, cách đây gần 3 năm, Hoàng Yến là khách sạn đầu tiên đưa công nghệ tiệc cưới từ TP Hồ Chí Minh về áp dụng. Tiếp theo đó, khách sạn Hải Âu, Quy Nhơn, Sài Gòn - Quy Nhơn, nhà hàng Tre Xanh, Trầu Cau... cũng bắt đầu tổ chức tiệc cưới theo cách thức mới này. Sự thuận tiện cũng như cảm giác mới lạ của loại hình dịch vụ này đã thu hút nhiều người. Vào mùa cao điểm, các nhà hàng khách sạn lớn như Hải Âu, Hoàng Yến, Sài Gòn - Quy Nhơn có thể tổ chức đám cưới cho 30 - 40 cặp/tháng với hơn 10 ngàn khách.

 

Cô dâu chọn thuê đồ cưới, chuẩn bị cho ngày vui trọng đại của đời mình. Ảnh: V.H

 

* Mới hay muôn sự tại thầy

Thầy ở đây là thầy bói. Đám cưới là ngày trọng đại trong đời người nên ai cũng muốn ngày này của mình thật đáng nhớ. Nhưng, bên cạnh những cặp thật sự mãn nguyện trong ngày vui của mình thì cũng có những người, vì tin thầy bói mà lâm vào cảnh dở khóc dở cười hoặc ôm trong lòng nỗi niềm chẳng biết tỏ cùng ai.

Một chủ tiệm cho thuê đồ cưới và trang điểm cô dâu ở đường Phan Bội Châu (Quy Nhơn) kể chuyện một đám cưới lạ lùng mà cô từng chứng kiến khi đi theo trang điểm cho cô dâu. Cô dâu là Việt kiều, còn chú rể người Quy Nhơn. Ngày về nhà chồng, vì nhà trai cho rằng cô dâu không hạp tuổi, nên thay vì được đón từ cổng chính, cô dâu phải khăn đóng áo dài lượt thượt leo tường vào nhà. Chưa hết, leo tường xong lại phải đi cửa sau mà vào nhà chứ không được đi cửa trước!

Một đám cưới lãng mạn đến ly kỳ khác là cô dâu đòi chú rể, ngày cưới phải có đủ 12 chiếc xe để rước dâu. Rủi thay, ngày cưới quá tốt ngày, đám cưới nhiều nên chú rể chạy long tóc gáy mà chỉ kiếm được có 11 xe. Cô dâu hờn dỗi, vùng vằng không chịu đi. Đến khi mọi người thuyết phục được cô dâu, xe về đến nhà trai thì đã trễ giờ. Qua giờ tốt, gia đình nhà trai bèn bắt cô dâu phải đi cửa sau vào nhà.

Hoặc cũng có một đám cưới khác kéo dài tới gần nửa năm mà nguyên do là mỗi thầy bói một phách. Chú rể ở An Nhơn, cô dâu ở Đắk Lắk. Nhà gái đi coi thầy, thầy phán: tháng Chạp cưới mới tốt. Nhưng thầy bên nhà trai thì bảo: tháng Tư cưới mới được. Hai bên không thống nhất được ngày giờ, nhưng cuối cùng lễ cưới vẫn diễn ra theo trình tự: tháng Chạp năm trước nhà gái nhóm họ, gả con gái có chồng. Họ nhà trai vẫn sang xin rước dâu đàng hoàng nhưng, thông cảm, từ từ, chưa đến ngày tốt. Tháng Tư năm sau, nhà trai tổ chức đám cưới, lúc ấy mới đưa xe lên ngàn rước cô dâu hạ sơn. Chuyện hệ trọng đời người nên chẳng ai dám cãi thầy, đành khổ thì chịu. Chỉ tội cho cô dâu chú rể, cưới xin mà truân chuyên quá.

                                                         * * *

Mới đây Báo Thanh Niên có bài viết rằng ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) có chuyện lạ là không có đám cưới. Theo những người lớn tuổi địa phương, có lẽ vì ngày xưa, khi mới nhập cư lên đảo, cuộc sống còn quá khó khăn nên người ta chẳng rườm rà chuyện cưới xin. Trai gái ưng nhau thì cha mẹ đi nói, về ở với nhau là xong. Vậy mà hầu hết đều hạnh phúc. Vì thế, người dân ở đây không thích đi dự đám cưới nếu được mời, vì họ cho thế là bắt chước đất liền, tốn kém. Đám cưới, đời người chỉ có một lần, mà một lần, giây phút thiêng liêng nhất khi đứng trước bàn thờ gia tiên “Nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, phu thê giao bái” cũng chỉ trong khoảnh khắc. Nó có vẻ chẳng là bao so với cuộc sống vợ chồng dài cả đời người đủ buồn vui sướng khổ. Vậy thì làm khổ nhau chi chuyện lễ nghi hay khắc - hạp?

  • Việt Hoàng
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dưỡng nụ, đợi xuân  (17/01/2007)
Studio ảnh thời nay  (15/01/2007)
Hội ngộ của tâm huyết  (15/01/2007)
Xem bói cuối năm  (08/01/2007)
Bây giờ gạch ngói Phú Phong  (08/01/2007)
Làng hoa đợi Tết  (01/01/2007)
Chính thức loại bỏ xe lam  (29/12/2006)
Festival trên miền đất võ  (27/12/2006)
Festival trên miền đất võ  (26/12/2006)
Quá thấp !  (26/12/2006)
Tìm câu Kiều ở Tiền Đường  (25/12/2006)
Báo động công tác PCCC ở các chợ  (22/12/2006)
Tai nạn thương tích: Đã đến lúc gióng hồi chuông báo động !  (21/12/2006)
Nhiều chủ đò, xe ôm chuyển nghề  (20/12/2006)
Còn đó những cảnh đời  (19/12/2006)