(Bài tham gia cuộc thi viết bút ký - phóng sự - nhân vật )
Không một lời rao mua, không một vật dụng đồ nghề, họ lặng lẽ ruổi rong khắp đường quê, nẻo phố để lùng mua tất tần tật mọi thứ đồ vật cổ xưa. Những món đồ có niên đại càng cao thì giá càng cao. Có những món họ mua đến hàng trăm triệu đồng. Và, có những món tưởng như đã bỏ đi như một ấm trà sứt vòi, một cái đĩa vỡ toát nhưng dưới đôi mắt “nghề” họ sẵn sàng tìm mọi cách để mua cho được nó. Đó là công việc thường ngày của những người chuyên rong mua cổ vật.
|
Cái tráp và đồng bạc 500 đồng tiền vàng |
*Vào nghề bằng…sự mạo hiểm!
Thoạt nghe, chắc ai cũng nghĩ rằng: những người hành nghề này ắt phải đã từng được cổ nhân trao truyền nhiều kiến thức về cách nhận biết các món cổ vật thì mới dám “nhúng tay” đến chuyện mua bán những món đồ “vô giá” này. Vì bởi, để không mua nhầm đồ “dõm”, định chuẩn giá, người mua phải có mắt nhìn thật tinh tế để nhận biết món đồ ấy có thật “xịn” không, thuộc niên đại nào thì mới tránh được chuyện bị thua lỗ. Thế nhưng không hẳn như vậy, trong số những người đang làm nghề này mà tôi đã từng biết, ngoài những người có sẵn am hiểu về cổ vật theo kiểu “gia truyền”, chúng tôi cũng đã từng gặp nhiều người đang rất “nổi đình, nổi đám” trong nghề mua bán cổ vật ở An Nhơn mà họ vốn chỉ là những nông dân thứ thiệt. Có người đến với nghề khởi đầu bằng sự đam mê đơn thuần của một thú chơi, sau qua nhiều lần đổi trao với những bạn chơi khác, bất chợt nhận được nhiều món lợi nhuận và thế là chuyển thú chơi thành một nghề mưu sinh cho cả gia đình. Có người vì biết được đây là một nghề nhẹ nhàng lại “siêu lợi nhuận”, nếu có cơ hội trúng được “quả” đậm thì chuyện trở nên giàu quả là không khó, vậy là họ chủ động theo nghề với ước vọng đổi đời.
Thế nhưng với “tay ngang” vào nghề họ đã phải đối mặt với không ít gian nan. Anh Nguyễn Văn Lai (42 tuổi), ở Kim Châu, thị trấn Bình Định (An Nhơn) tâm sự: “Năm 18 tuổi, sau khi nghỉ học phổ thông, buồn, tôi thường đến chơi ở nhà bác Năm trong xóm. Bác Năm có thú chơi đồ cổ, nên ngoài những món đồ xưa ông bà để lại, bác còn luôn tìm mua thêm những món đồ cổ lạ, quý hiếm. Mỗi khi mua được một món đồ “độc”, không dằn được lòng cảm khái, bác thường kêu tôi qua để chia xẻ, rồi bác phân tích giá trị tinh thần của từng món để chứng minh vì sao bác phải bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy để có được nó. Nhiều lần như thế, niềm vui ấy của bác lây truyền sang và hình thành trong tôi niềm đam mê từ khi nào không hay. Qua bác Năm, tôi biết được hiện trong giới chơi đang ráo riết săn lùng cổ vật, đồ càng “độc” càng được “hút” mạnh. Và như một bước ngoặc của cuộc đời, tôi quyết định biến niềm đam mê của mình thành kế sinh nhai, và thế là tôi vào nghề mua bán đồ cổ. Biết là chút hiểu biết của bác Năm truyền đạt chẳng “bỏ bèn” gì so với cái “vô cùng” giữa “muôn trùng cổ vật” nên tôi tự học thêm từ nhiều cuốn sách như: Cảnh Đức trấn, men lam Huế…nhất là cuốn sách “Đồ sứ cổ ngoạn” của tác giả Vương Hồng Sển. Ngoài ra, tôi còn lân la học thêm kinh nghiệm từ các “bậc tiền bối” trong nghề như bác Thái Bá Chừ ở thị trấn Bình Định (An Nhơn). Chuẩn bị khá kỹ càng là thế nhưng để theo được nghề tôi đã phải tiêu tốn không ít vốn liếng vì mua nhầm đồ dỏm…”.
Còn chị Năm Đen ở xã Nhơn Khánh thì bộc bạch: “Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình thật mạo hiểm khi bước vào nghề này vì lúc ấy chẳng biết tí gì về đồ cổ, chỉ biết là mua bán thứ ấy lời lắm. Ở quê, không có điều kiện học hỏi sách vở, tôi phải học từ thực tế. Tôi học cách phân biệt nước men “ xịn” với nước men “dỏm” bằng cách so sánh bằng mắt thường, sau đó học thuộc những hoa văn đặc trưng trên từng món đồ để biết nó thuộc niên đại nào mà mua cho phải gía. Tôi vừa mua bán vừa học đấy chú à! Con dâu và con rể tôi hiện cũng đang theo nghề này nhưng nhờ có sẵn kinh nghiệm của tôi nên chúng không bị thất thoát vốn như tôi trước đây”.
*Nghề “một vốn bốn lời”.
Họ đã vào nghề mua bán cổ vật một cách “mạo hiểm” như thế không phải là không có lý do. Anh Nguyễn Văn Lai không ngại ngùng cho biết thêm: “Trong nghề của chúng tôi cũng thường “trúng quả”! Đó là những trường hợp mua được hàng “độc” từ những người đi rà sắt phế liệu. Ngoài một vài trường hợp “ngàn năm có một”, còn bình thường, cứ mua được đồ là có thu nhập, cả những món đồ mà chủ nhân của nó đã bỏ đi. Trong chặng đời nghề, tôi đã từng mua được một cái vò đựng rượu đời Tống với giá chỉ 40 ngàn đồng nhưng bán được đến 17 triệu. Hoặc những món đồ đã bể như cái Hồ Lô đời Càn Long, mua chỉ dăm chục ngàn nhưng bán được 7 triệu đồng và cái ống nhổ bằng sứ (cũng đã bể) đời Càn Long mua với giá gần như cho không nhưng cũng bán được đến 4 triệu đồng”.
|
Hai cái ấn bằng ngà voi đặt trên một cái dĩa cổ.
|
Đầu ra của cổ vật thì không bao giờ sợ bị “tắt”. Anh Lai nói: “Chỉ sợ mua không có đồ thôi chứ chỉ riêng tôi thôi cũng đã có đến vài chục cái “đầu ra” từ trong cho đến ngoài tỉnh. Khi đã trở thành bạn hàng thân thiết, mua được một món đồ và biết nó đang nằm trong “tầm ngắm” của một ai đó là chỉ cần “phôn” rồi “meo” ảnh qua người ấy là tôi nhận được giá mua ngay. Nếu có “hàng độc”, chỉ cần đánh tiếng thôi là sau ấy tiếp khách đến “đứ đừ” và mặc sức “làm eo”.
Có một thực tế là, chỉ người trong nghề mới biết được giá trị đích thực của những món cổ vật chứ những chủ nhân đang sở hữu chúng không mấy người tường tận. Chính điều này đã tạo điều kiện cho những người mua rong cổ vật kiếm được những món “siêu lãi”.
*Những “chiêu thức” trong nghề!
An Nhơn là vùng đất của nhiều Vương triều chọn làm nơi đóng đô nên hiện nay tại các hộ dân trong vùng và các vùng lân cận như: Phù Cát, Tây Sơn còn ẩn chứa nhiều cổ vật là điều dễ hiểu. Và đó chính là những mảnh đất “màu mỡ” của những người chuyên hành nghề mua rong cổ vật. Tuy nhiên, để biết được nhà nào có cổ vật và có ý định bán để tìm đến mua là một điều chẳng dễ. Cho nên dân mua bán họ cũng có nhiều “chiêu thức”. Anh Lê Văn Tuấn ở Ngãi An-Nhơn Hưng (An Nhơn) kể: “Sau khi “định vị” được vùng đất cần khai thác, tôi dò la tìm hiểu xem trong vùng đất ấy có những ai là con cháu của các bậc Vương giả ngày xưa, bởi chính họ là những người được thừa hưởng nhiều món cổ vật của ông bà để lại. Ở những vùng không tìm được một địa chỉ nhà “dòng dõi” nào thì chúng tôi cứ vào đại một nhà có “mặt tiền” khá cổ kính rồi… “hỏi đại” là :“Nhà bác có đồ cổ muốn bán phải không, con mua?!”. Nếu chủ nhà bảo “có” thì ấy là quá may mắn, nếu nếu chủ nhà bảo “không” nhưng “chỉ điểm” cho một nhà khác “có” thì cũng may mắn không kém. Nhưng nếu chỉ gặp toàn những cái lắc đầu thì đành phải thực hiện lại từ đầu cái “chiêu” ấy với một nhà khác, và thường thì cứ kiên nhẫn ắt sẽ gặp may. Tìm được nhà có cổ vật rồi thì không những quan tâm đến những món đồ được đặt trang trọng trong tủ mà còn phải “nhìn ngắm” cả trong góc nhà, sau bếp, vò nước…vì những nơi ấy đôi khi có những món đồ đã bị sứt mẻ hoặc vỡ mà nhà chủ “vứt” đi rồi nhưng với chúng tôi thì chúng là những món “hời”. Vì “ đồ bể” mua rẻ như cho, nhưng sau “gia cố” chúng trở thành nguyên lành”.
Có thể nói cái vốn cần có của người rong mua đồ cổ đó là tính “kiên nhẫn”. Anh Lê Minh Sơn ở Kim Châu (An Nhơn) bộc bạch: “Tôi đã từng nhiều lần rong theo một người bạn là dân chuyên nghiệp đi mua đồ cổ. Họ không hề quản ngại đường sá xa xôi và kiên nhẫn lắm anh à! Một hôm anh bạn tôi nghe ngóng có một gia đình ở trên đường Tây Sơn (Quy Nhơn) có một cái “ấn quan huyện” bằng ngà voi từ thời xa xưa để lại, vậy là anh em thu vén lên đường. Tìm đến nơi, chủ nhân muốn bán nhưng phải chờ sự quyết định của đứa con gái. Thế là chờ, không gặp, hôm sau lại vượt hơn 20 cây số tìm xuống, cũng không gặp được người con, lại về. Đến lần thứ sáu chúng tôi mới gặp được người quyết định và lần đó bạn tôi đã mua được cái ấn ấy với gía 1 triệu đồng. Chỉ hôm sau, ảnh đã bán nó với giá 7 triệu. Thế là hỉ hả, không bõ công đi lại mấy lượt”.
|
Những đồng tiền cổ
|
Mẹ của bạn tôi ở đường Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn) có ông nội xưa làm quan Tri huyện (ở xã Nhơn Hòa-An Nhơn) và hiện nay trong nhà bác đang có rất nhiều cổ vật quý giá do ông nội để lại. Bác đã từng cho tôi chiêm ngưỡng hai cái ấn bằng ngà voi, một cái thẻ bài cũng bằng ngà voi của vua ban, một cái tráp bằng gỗ ngày xưa ông quan huyện cất giấy tờ quan trọng, mặt trước chạm khắc tinh xảo một cặp chim đang đậu trên một nhánh hoa mai, phía trong nắp tráp có khắc một bài thơ tứ tuyệt bằng Hán tự nằm giữa hai cội cổ thụ. Bốn phía hông và bên trên nắp tráp cũng được chạm khắc rất đẹp. Không chỉ thế, bác còn đang sở hữu một “gia tài” lớn những đồng tiền cổ, trong ấy có tờ tiền “năm trăm đồng tiền vàng” mà từ những ngày mới giải phóng đã có người đến gạ đổi một chiếc xe honda nhưng vì quyết tâm gìn giữ di vật của ông cha nên giờ nó vẫn còn. Riêng cái xâu tiền đồng nặng đến vài kg thì mỗi đồng như thế cũng có giá đến cả triệu đồng. Vì vậy, nhà bác là một địa chỉ mà những người rong mua cổ vật thường tìm đến. Bác kể: “Những người mua đồ cổ thường đến thăm dò hỏi mua những món đồ kia lắm chú à! Một hôm có người đến săm soi mấy cái ấn ngà voi, ngắm nghía xong anh ấy bảo nếu bán thì sẽ mua. Tò mò tôi cũng hỏi dạm xem thử nếu bán thì giá của mỗi cái ấn là bao nhiêu. Anh ấy bảo muốn mua lắm cũng chừng 500 ngàn đồng, mua là để về tiện ra làm một cái nút áo thay vào một cái áo khoác đã bị đứt một hạt nút chứ có quí báu gì đâu mà mua chi nhiều tiền…”!
Chưa hết, anh Lê Minh Sơn còn tiết lộ: “Anh bạn tôi còn có cái tài làm lành lại những vật đã bị vỡ bằng một loại bột đá đặc biệt trộn với keo. Anh ấy mà ra tay thì những vết hàn gắn ấy có thể “qua mắt” những người mới bước vào làng chơi cổ vật và sẽ được bán với cái giá nguyên lành.
Mặc dù việc mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, báu vật quốc gia thuộc di tích lịch sử-văn hóa đã được nghiêm cấm (trong Luật Di sản Văn Hóa tại khoản 4, khoản 5, điều 13) nhưng hiện nay, theo hoạt động của những người chuyên mua bán đồ cổ, nhiều món cổ vật quí giá vẫn không ngừng trôi nổi trên thị trường. Theo các nhà chuyên môn, việc Nhà nước cho phép thành lập Bảo tàng tư nhân, sưu tầm cổ vật, lập các hội chơi cổ vật…đã tạo thêm điều kiện cho công tác sưu tầm, lưu giữ cổ vật. Thế nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể về danh mục cổ vật được hay không được quyền sưu tầm đã tạo điều kiện cho cổ vật…bồng bềnh!
|