Nóng bỏng cuộc chiến chống lâm tặc ở An Lão
8:40', 1/10/ 2007 (GMT+7)

Những bóng người thoắt ẩn thoắt hiện quanh các trạm kiểm lâm ở An Hòa và An Quang (An Lão) để rình rập các hoạt động của những người lính giữ rừng. Những cuộc xô xát giành giật, tẩu tán lâm sản bị bắt giữ của lâm tặc với lực lượng kiểm lâm là cảnh tượng diễn ra hằng ngày tại khu rừng giáp ranh giữa An Lão với huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) và huyện Kbang (Gia Lai), khi lâm tặc chọn nơi này làm con đường vận chuyển gỗ trắc từ Tây Nguyên xuống để tìm đường “hành phương Bắc”.

 

Gỗ trắc bị lực lượng kiểm lâm tịch thu...

 

* Chặn rừng, trống đường

Khi mọi con đường đưa gỗ lậu từ Tây Nguyên xuống tỉnh Bình Định qua tuyến Quốc lộ 19 và tuyến đường tránh hồ Định Bình - vùng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh và huyện Kbang (Gia Lai) - bị lực lượng chức năng ráo riết kiểm soát, bọn lâm tặc đã ngay lập tức mở đường mới và hoạt động “rộn ràng” trong thời gian qua. Những con đường mới này cực kỳ hiểm trở, ẩn trong những cánh rừng giáp ranh giữa huyện An Lão với huyện Vĩnh Thạnh và huyện Kbang. Qua con đường này, bọn lâm tặc đã vận chuyển gỗ trắc khai thác trái phép từ Tây Nguyên tập kết xuống, chờ ngày “hành phương Bắc”.

Ông Nguyễn Thanh Sinh, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, bức xúc cho biết: “Rừng An Lão mặc dù là rừng giàu nhưng rất ít gỗ trắc. Những súc gỗ trắc vận chuyển qua đây hầu hết được khai thác từ rừng Tây Nguyên và rừng Vĩnh Thạnh. Rừng An Lão trong thời gian qua thường có mưa nên những con đường mòn mới này đã hiểm trở lại thêm lầy lội, rất bất lợi cho lực lượng kiểm lâm trong việc tuần tra, truy quét. Nhưng đó lại là điều kiện thuận lợi cho lâm tặc tổ chức vận chuyển gỗ từ Vĩnh Thạnh và Kbang qua tập kết tại rừng An Toàn bằng những con đường vận chuyển gỗ trước đây của Lâm trường An Sơn và đường 629 Suối Bà Nhỏ giáp ranh giữa huyện Kbang và huyện Vĩnh Thạnh. Rồi từ nơi đây chúng dùng xe Hon da chuyển gỗ ra ngoài. Bọn lâm tặc rất ma mãnh, không bao giờ đi tập trung, chỉ đi từng nhóm nhỏ 4-5 người với những chiếc xe Honda “không số” nhưng chạy rất khỏe, mỗi xe chở 2 súc gỗ to mà vẫn bon bon trong những con đường rừng lầy lội. Nhóm vận chuyển nào cũng có một đội quân tiền trạm từ 7 đến 10 thanh niên lực lưỡng. Đội quân này có nhiệm vụ đi trước dò đường, khi lực lượng kiểm lâm tập kích thì đội quân này trở thành lực lượng giải vây, chống trả quyết liệt để tẩu tán lâm sản. Khi nào “bí” lắm chúng mới bỏ của chạy lấy người. Sau khi ra khỏi rừng An Toàn, những súc gỗ trắc được đưa về cất giấu trong những khu vườn rậm rạp hoặc trong những chuồng bò nằm sát mặt đường thuộc địa bàn xã An Hòa (An Lão) và xã Ân Hảo (Hoài Ân) chờ xe ô tô đến vận chuyển đi tiếp. Suốt nhiều tháng nay, địa bàn huyện An Lão đang nóng hổi từng ngày chuyện gỗ trắc”.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã phát hiện và xử lý trên 46 vụ khai thác và vận chuyển gỗ trái phép, tịch thu hàng chục khối gỗ các loại, hơn 20 xe máy, 1 xe ô tô và nhiều phương tiện vận chuyển khác. Những diễn biến phức tạp trong cuộc chiến chống lâm tặc vận chuyển gỗ trắc trái phép đang diễn ra trên địa bàn huyện An Lão khiến những người lính giữ rừng ở đây phải hết sức vất vả. Bởi dù đã có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn nhưng suốt nhiều năm qua, nạn khai thác gỗ tại rừng An Lão chưa có một ngày yên tĩnh thì nay lực lượng kiểm lâm ở đây lại phải đối mặt với lâm tặc ngoại tỉnh “mượn” đường vận chuyển gỗ trắc khai thác trái phép qua địa phương. Lực lượng kiểm lâm mỏng, vừa ngăn chặn nạn phá rừng trên địa bàn vừa canh giữ những nẻo đường vận chuyển gỗ trắc nên nhiều khi không đảm đương xuể. Bài toán lấp chỗ này thì trống chỗ kia thật quá nan giải. Bởi nếu dồn lực lượng vào rừng để ngăn chặn việc khai thác thì bỏ trống những con đường vận chuyển và thế là gỗ trắc mặc sức “thong dong”; còn nếu bố trí lực lượng canh giữ những con đường vận chuyển gỗ trắc thì lâm tặc trong rừng lại hoành hành. Đã thế, những người lính kiểm lâm ở đây còn phải đối mặt với mối nguy hiểm đến tính mạng trước sự manh động của bọn lâm tặc tham gia vận chuyển gỗ trắc.

 

... và chiếc xe tang vật.

 

* Những cuộc thư hùng

Hiện nay, thị trường gỗ trắc đang “nóng” không kém gì thị trường gỗ huỳnh đàn. Những chủ nậu thu mua gỗ trắc cũng chính là những “đại gia” huỳnh đàn. Lực lượng này có mặt khắp mọi nơi, ngoài thu mua những súc gỗ tươi rói vừa được khai thác từ những cánh rừng, họ còn thu mua tất tần tật mọi thứ vật dụng làm bằng gỗ trắc. Giá của gỗ trắc hiện nay cũng cao “ngất ngưởng”. Theo anh Nguyễn Hữu Trí, một thợ chuyên rong mua gỗ trắc ở huyện An Nhơn cho biết: “Hiện nay gỗ trắc được thị trường “ăn mạnh” không thua gì gỗ huỳnh đàn với giá dao động từ 200 đến 250 triệu đồng một khối. Trước đây, một cái chân bàn bằng gỗ trắc tôi chỉ mua có 120.000đ thì nay đã có giá từ 450.000đ đến 500.000đ”!

Do có giá trị cao là vậy nên khi bị truy bắt, bọn lâm tặc tham gia vận chuyển gỗ trắc trên địa bàn huyện An Lão không ngại ngùng dùng hung khí uy hiếp lực lượng kiểm lâm để tẩu tán. Có thể đơn cử ra đây vụ xảy ra mới nhất vào ngày 13.9. Khoảng 20 giờ, nhận được tin báo, Hạt Kiểm lâm huyện An Lão phối hợp với Trạm Kiểm lâm An Hòa bố trí lực lượng tại địa bàn xã An Tân chặn chiếc xe ô tô mang biển số kiểm soát 43H- 5740 đang vận chuyển gỗ trắc chạy về hướng thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Khi bị chặn, trên xe có chừng 2 khối gỗ trắc và chỉ có tài xế Hồ Tấn Thanh Truyền ở Quảng Vinh, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cầm lái. Thế nhưng chỉ một loáng sau, khi lực lượng kiểm lâm (có 6 người) chưa kịp xử lý thì hiện trường lập tức có mặt 9 thanh niên lực lưỡng dùng hung khí đe dọa, bao vây lực lượng kiểm lâm để một số đối tượng khác ùa vào vác gỗ chạy vào khu dân cư lân cận. Trước tình thế trên, tổ công tác buộc phải cầu cứu lực lượng công an huyện đến chi viện. Khi lực lượng ứng cứu đến thì bọn lâm tặc đã kịp tẩu tán hơn một nửa số gỗ trên xe, chỉ còn bắt giữ được gần 1 khối. Ông Trần Văn Công - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã An Hòa, người trực tiếp tham gia vụ bắt gỗ trắc này cho biết: “Không chỉ riêng trong vụ này mà trong những lần truy bắt trước đó bọn lâm tặc đều phản ứng táo tợn như vậy. Khi bị chúng tôi truy bắt, chúng không ngần ngại dùng nhiều loại hung khí như kiếm, dao to bản và lưỡi lê tấn công, đe dọa chúng tôi để tẩu tán lâm sản. Tôi công tác ở đây đã hơn 10 năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy hoạt động của lâm tặc liều lĩnh đến như vậy”.

 

Vũ khí bọn lâm tặc chống trả kiểm lâm trong vụ bắt gỗ trắc vận chuyển trái phép ngày 13.9.

 

Mới đây nhất, trong hai ngày 21 và 22.9, lực lượng kiểm lâm An Lão đã bắt thêm hai vụ vận chuyển gỗ trắc với khối lượng hơn 0,2 khối tại cùng địa điểm trên.

Hiện nay, trên địa bàn huyện An Lão có tổng diện tích rừng tự nhiên là 60.000 ha, trong khi đó lực lượng kiểm lâm toàn huyện chỉ có 17 người. Vừa ngăn chặn nạn phá rừng tại địa phương, vừa chặn đường gỗ trắc mà trên địa bàn chỉ có 2 chốt trạm kiểm soát tại An Hòa và An Quang, mỗi trạm chỉ có 3 kiểm lâm viên làm nhiệm vụ với những phương tiện phục vụ công tác thô sơ. Trong khi đó địa hình An Lão vô cùng trắc trở, chằng chịt muôn nẻo đường mòn nên việc ngăn chặn hoạt động của lâm tặc thực sự là một bài toán khó giải của các ngành chức năng nơi đây.

Kiểm lâm huyện An Lão đang cần sự chi viện về nguồn lực để có thể hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ: ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ từ rừng nhà và ngăn chặn hiệu quả những con đường vận chuyển gỗ trắc lậu đang tập trung về đây, chí ít là trong thời điểm gỗ trắc nóng bỏng này!

  • Xuân Nhi - Kim Châu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thấy người hoạn nạn là thương  (29/09/2007)
Từ đại sư cờ tướng đến nữ doanh nhân   (25/09/2007)
Tiều phu tóc dài   (24/09/2007)
Treo đời bên vách đá  (17/09/2007)
Người con của “làng Cây Dừa”  (15/09/2007)
Một chuyến săn chình  (10/09/2007)
Điều quan trọng là làm được chút gì cho đời  (08/09/2007)
Âm vang làng dừa  (03/09/2007)
Cánh “đại bàng” của núi rừng Vĩnh Thạnh  (01/09/2007)
Giới tính thứ 3  (27/08/2007)
Bố Chi chữ thập Đỏ  (25/08/2007)
Lang băm chữa bệnh   (22/08/2007)
Trò chuyện với cô Ba Ngân  (18/08/2007)
Huỳnh đàn - xôn xao làng quê  (13/08/2007)
Mưu sinh trên đầm   (12/08/2007)