THẠC SĨ LÊ QUANG HÙNG, TRƯỞNG PHÒNG NGHIỆP VỤ Y SỞ Y TẾ:
Tôi thích cái mới và sự thách thức!
9:1', 6/10/ 2007 (GMT+7)

Đụng đến công việc, thạc sĩ Lê Quang Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế, rất nghiêm túc và say sư a nhưng khi nói về bản thân, anh lại hài hước: “Trước kia, tôi chưa từng nghĩ rằng tóc mình sẽ bạc vào tuổi 40. Nhưng so với những người đi trước, tôi thấy mình chưa là gì cả. Còn so với bạn bè cùng trang lứa, tôi cũng chưa đến mức làm quên cả giờ ăn, giờ nghỉ...”.

 

Thạc sĩ Lê Quang Hùng báo cáo tiến độ dự án VIE/03/P20 tại New Zealand.

 

* 3 bước ngoặt

* Từ một học sinh chuyên văn, mê văn và từng ước mơ trở thành thầy giáo dạy văn, vì sao anh lại rẽ sang y khoa ?

- Cha mẹ tôi có 3 người con, tôi là con út. Anh trai tôi là một bác sĩ. Anh học rất giỏi và lớn tuổi hơn tôi nhiều. Hồi học THPT, tôi rất mê văn và đã có ý tưởng trở thành một giáo viên dạy văn, nhưng anh tôi không chịu và bắt tôi phải thi y. Mới đầu, tôi cũng cảm thấy bất ngờ nhưng vẫn răm rắp làm theo. Học hết THPT và thi vào Trường Đại học Y khoa Huế, tôi lại thấy “say” với nghề.

* Và…

- Năm 1999, sau khi tốt nghiệp cao học về lại Bình Định, bác sĩ Bình (bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - NV) lúc đó là Giám đốc Sở Y tế cho phép tôi chọn một trong hai hướng, hoặc về bệnh viện hoặc về Sở. Tôi quyết định về Sở. Bước ngoặt thứ hai trong sự nghiệp của tôi là đây. Đến năm 2004, bước ngoặt thứ ba trong cuộc đời tôi chính là sang làm quản đốc dự án VIE/03/P20. Đây là lần đầu tiên tôi làm dự án một cách đúng nghĩa vì trước đó cũng có làm với các tình nguyện viên của New Zealand nhưng chỉ mang tính chất hỗ trợ mà thôi. Dự án này do Chính phủ New Zealand tài trợ thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc có quy mô rất lớn, với kinh phí không hoàn lại từ nhà tài trợ gần 3 triệu USD, là dự án có mức đầu tư kinh phí lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực y tế của tỉnh.

* Có “say” nghề thì sẽ làm được !

* Tháng 6.1992, anh tốt nghiệp Trường Đại học Y Huế, rồi về công tác tại Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em - KHHGĐ (nay là Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản). Là bác sĩ nam sao anh lại chọn chuyên khoa oái ăm thế?

Thạc sĩ Lê Quang Hùng sinh năm 1967, tại Hải Phòng. Năm 1989, gia đình chuyển vào sinh sống tại TP Quy Nhơn. Năm 2001 và 2003 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Năm 2003 và 2005 cùng các đồng nghiệp, đạt giải nhì và khuyến khích Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh.

- Nói thật, lúc mới ra trường tôi có xin về BVĐK tỉnh nhưng không được vì thời đó bác sĩ xin việc rất khó khăn. Nhiều bác sĩ về bệnh viện nhưng không có chỉ tiêu nên đều phải làm không công 2-3 năm. Xin việc không được, tôi khăn gói vào Sài Gòn nhưng được một thời gian lại thấy thương ông bà già không có người chăm sóc nên tôi lại về. Dù học bác sĩ đa khoa nhưng tôi lại rất thích chuyên khoa nhi (điểm này cũng là niềm đam mê do anh trai truyền lại). Lúc này, mảng chuyên ngành về nhi ở Trung tâm chưa có nên khi về tôi chịu trách nhiệm phát triển mảng nhi: mở phòng khám, thực hiện các chương trình quản lý sức khỏe của trẻ em ở cộng đồng chứ không phải tôi thích “chuyên khoa bà mẹ” như chị nghĩ đâu!

Năm 1995, bác sĩ Lê Quang Hùng thi cao học tại Hà Nội. Ra Hà Nội đúng 6 tháng, anh đã tiêu hết toàn bộ số tiền lương ứng trong một năm. May nhờ vốn tiếng Anh khá tốt, anh đi dạy cho các y tá ở Viện Nhi Hà Nội. Ròng rã 2 năm liên tục, anh mới có đủ tiền trang trải chuyện học tập. Rồi anh còn đi trực bệnh viện, cả thứ 7, chủ nhật, ai nhờ trực giúp anh đều nhận. Những năm tháng đó, anh ở bệnh viện gần như tuyệt đối. Anh bảo: “Nhờ những tháng ngày lăn lộn đó mà tôi vừa có thêm kinh nghiệm trong chuyên môn, có tiền học lại còn gửi về nhà để vợ mua sữa cho con”.

* Năm 1999 tốt nghiệp cao học, anh về Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế, được giao theo dõi công tác điều trị của ngành. Một lĩnh vực lúc đó gần như là “mảnh đất bỏ hoang”, trong khi anh còn quá trẻ, cả tuổi đời lẫn tuổi nghề…

- Trẻ thì thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, mà để làm tốt công việc buộc phải có kinh nghiệm lâm sàng và kiến thức chuyên môn để nhìn thấy được vấn đề mà tham mưu cho lãnh đạo Sở đưa ra những giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, tôi lại có nhiều thuận lợi. Đó là sự hỗ trợ của lãnh đạo Sở. Cố bác sĩ Võ Hưng (bấy giờ là Phó giám đốc Sở phụ trách công tác điều trị) và hiện nay là bác sĩ Hồ Việt Mỹ đều rất giỏi về lâm sàng và kinh nghiệm quản lý bệnh viện nên tôi cũng được hỗ trợ và học hỏi nhiều.

Tôi còn có một cái may nữa là hồi học đại học, cao học luôn luôn được phân công làm các hồ sơ bình bệnh án (tức là được giao làm một bệnh án điển hình để trình bày cho sinh viên, bác sĩ - NV). Vả lại, khi đã say việc thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua.

* Khi ôm Dự án VIE/03/P20 có mức đầu tư kinh phí lớn nhất trong đầu tư y tế, lại là thử nghiệm của nhà tài trợ New Zealand, anh có thấy hoảng?

- Không, tôi không những không hoảng mà còn thấy rất “khoái” nữa là đằng khác. Bởi vì, cái khó sẽ tạo ra thách thức và mang lại cảm hứng làm việc. Tôi chỉ thích tạo ra những cái mới trong công việc còn nếu công việc nhàn nhàn, buồn tẻ thì không chịu nổi.

Thời gian đầu mới làm dự án, chúng tôi rất vất vả vì hoạt động quá nhiều mà có những đầu việc chưa hề có kinh nghiệm. Vừa làm, chúng tôi vừa mò mẫm, học hỏi cách làm, mô hình thành công lẫn thất bại từ các tỉnh, thành khác cũng đang triển khai dự án. Cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA và các cơ quan trung ương (tất nhiên sự hỗ trợ này chỉ mang tính định hướng thôi chứ không phải cầm tay chỉ việc) nên công việc trôi chảy. Hồi mới làm dự án, đêm nào tôi cũng phải dậy từ 4 giờ sáng; ngày thứ 7, chủ nhật hầu như ở lì cơ quan. Đến bây giờ, tôi có thể thở phào vì mọi việc tưởng chừng như không làm nổi thì nay đã đi vào guồng.

Thạc sĩ Hùng cho biết, thành công tâm đắc nhất là cùng với lãnh đạo Sở Y tế củng cố lại việc chấp hành các quy chế bệnh viện, y đức, đưa khối điều trị đi vào nề nếp; tiếp nữa là công tác nghiên cứu khoa học có sự thay đổi hẳn từ công tác xét duyệt, tuyển chọn đề tài cho đến việc tổ chức các hội nghị khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, anh vẫn còn nhiều trăn trở trong khối điều trị: phải làm thế nào để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý bệnh viện, nâng cao chất lượng công tác điều trị tại tuyến cơ sở, đặc biệt là các huyện miền núi.

* Nói về chuyện làm dự án, có dư luận rằng anh đã được “ưu ái” nên vừa làm quản đốc dự án mà vẫn giữ nguyên chức vụ Trưởng phòng Nghiệp vụ Y?

- Vấn đề ở đây là sự tin tưởng của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, cơ quan hỗ trợ kỹ thuật cũng như nhà tài trợ và quan trọng là hiệu quả công việc và lòng nhiệt tình được thể hiện trong công việc.

Thật ra, ban đầu ngay chính bản thân tôi cũng không nghĩ là sẽ làm quản đốc dự án bởi vì lúc đó tôi vừa được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, trong khi tiêu chuẩn tuyển chọn người làm quản đốc dự án lại quá cao (phải là thạc sĩ y khoa, tiếng Anh lưu loát, kinh nghiệm trong lĩnh vực sức khỏe bà mẹ trẻ em ít nhất là 5 năm, có hiểu biết tốt về dự án…). Nhưng lãnh đạo tỉnh và Sở đồng ý cho tôi kiêm nhiệm nên tôi đi thi và là một trong hai quản đốc của dự án UNFPA thi đạt loại giỏi (người còn lại ở Hà Nội). Vả lại, đây cũng là dự án về ngành Y tế.

* Tôi là người may mắn!

* Với tất cả những gì đã có, anh có thấy mình là người thành công sớm?

- Tôi tự nhận con đường sự nghiệp của mình khá thuận lợi và suôn sẻ. Làm việc hết mình và cũng được mọi người ủng hộ hết mình, còn thành công hay không thì phải dựa vào sự đánh giá của xã hội. Nhưng tôi cũng cho rằng mình chưa phải là người thành công sớm. Bằng chứng là còn rất nhiều người trẻ hơn tôi, thậm chí như các bạn học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã làm được rất nhiều chuyện mang tầm quốc gia và quốc tế đấy thôi. Tôi phải nhìn những người hơn mình để phấn đấu chứ không thể tự hài lòng được.

* Anh chưa từng thất bại?

- Có chứ! một lần. Nhược điểm của tôi là luôn yêu cầu sự hoàn thiện. Cũng vì thế mà nhiều người bảo tôi có tính tự kiêu. Tôi rất thực tâm cho nên khi đi giám sát, kiểm tra ở tuyến cơ sở, các đồng nghiệp hay bảo anh Hùng hay la nhưng lại rất quý mình. Bây giờ, trong công việc sợ nhất là không có người nói, nhắc nhở chứ có thì tốt quá.

  • Thu Hiền (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nóng bỏng cuộc chiến chống lâm tặc ở An Lão  (01/10/2007)
Thấy người hoạn nạn là thương  (29/09/2007)
Từ đại sư cờ tướng đến nữ doanh nhân   (25/09/2007)
Tiều phu tóc dài   (24/09/2007)
Treo đời bên vách đá  (17/09/2007)
Người con của “làng Cây Dừa”  (15/09/2007)
Một chuyến săn chình  (10/09/2007)
Điều quan trọng là làm được chút gì cho đời  (08/09/2007)
Âm vang làng dừa  (03/09/2007)
Cánh “đại bàng” của núi rừng Vĩnh Thạnh  (01/09/2007)
Giới tính thứ 3  (27/08/2007)
Bố Chi chữ thập Đỏ  (25/08/2007)
Lang băm chữa bệnh   (22/08/2007)
Trò chuyện với cô Ba Ngân  (18/08/2007)
Huỳnh đàn - xôn xao làng quê  (13/08/2007)