Đối với các lưu học sinh Lào, những năm tháng được sống và học tập tại Trường Đại học Quy Nhơn là quãng thời gian không thể nào quên. Ở đây, các bạn không chỉ được học tiếng Việt, nâng cao kiến thức chuyên môn về phục vụ đất nước mình mà còn được sống trong lòng một vùng đất tươi đẹp, mến khách.
|
Sinh viên Lào đi dã ngoại tại Khu du lịch Ghềnh Ráng. Ảnh: H.X
|
* Chuyện ăn, chuyện ở
Trường ĐHQN vừa khai giảng năm học mới 2007-2008. Năm học này, cùng với gần 12.000 sinh viên Việt Nam, trường còn có 366 sinh viên, cán bộ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đang học tiếng Việt, học các ngành đại học và cả cao học. Khu KTX C2 (dành riêng cho sinh viên Lào) buổi chiều cuối tuần khá nhộn nhịp, đông vui. Bua Băng Bay, ở tỉnh Atapư, sinh viên năm thứ 4, khoa Sinh (khóa 27) và các bạn vừa đi thực hành tại phòng thí nghiệm của trường về, chưa kịp thay chiếc áo blu trắng, vui vẻ tiếp chuyện với tôi. Bua Băng Bay cho biết: “Sống ở Quy Nhơn, tôi cảm thấy thật vui vẻ, đầy đủ và thoải mái”. Cách đây 4 năm, tốt nghiệp phổ thông ở Lào, Bua Băng Bay đã được chọn sang Việt Nam học đại học. “Tôi rất tự hào được học ở Việt Nam!” - Bua Băng Bay nói tiếng Việt khá chuẩn.
Mỗi phòng ở trong KTX C2 có khoảng 10 sinh viên. Các phòng ở của sinh viên nữ, được trang trí khá đẹp với những tấm rèm nhiều màu sắc và những vật dụng xinh xắn. Phòng ở của nam sinh viên Lào cũng có vẻ “lỉnh kỉnh” hơn nhiều so với sinh viên Việt Nam. Với các bạn sinh viên Lào mới sang, những tuần đầu tiên xa gia đình, cuộc sống mới ở đất Việt còn nhiều lạ lẫm thì có vẻ hơi buồn. Nhưng rồi các bạn cũng hòa đồng rất nhanh. Một sinh viên ở tỉnh Atapư tâm sự: “Quê em còn nghèo, đa số người dân làm nông nghiệp và còn thiếu rất nhiều nhân lực có trình độ cao. Sang Việt Nam học tập, em muốn tiếp thu được thật nhiều kiến thức để về phục vụ quê hương”.
Vilaphôn KeoPasaly, 31 tuổi, ở tỉnh Chămpasắc nguyên là cán bộ ngành du lịch sang Việt Nam học ngành giáo dục chính trị và cũng là sinh viên Lào khóa đầu tiên tốt nghiệp đại học, đang chờ nhận bằng, kể: “Các bạn tỉnh Chămpasắc khóa mình đều đậu tốt nghiệp 100%, vui lắm. Nhưng sắp về nước rồi, mình sẽ rất nhớ trường, nhớ thầy cô và các bạn Việt Nam”. Vilaphôn cho biết, về nước, anh sẽ vừa làm việc tại UBND tỉnh Chămpasắc, vừa đi dạy phổ thông vì ở bên đó, mỗi người phải làm 2 nhiệm vụ. Với những kiến thức được trang bị trong 5 năm học đại học ở Việt Nam, Vilaphôn tin là anh sẽ làm tốt công việc sắp tới của mình. Anh cho biết: “Khi có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục sang Việt Nam học cao học tại Trường ĐHQN”.
Đối với các bạn học sinh, sinh viên Lào du học tại Việt Nam thì Quy Nhơn là một thành phố xinh đẹp. Vilaphôn kể: “5 năm học tập tại Trường ĐHQN, mình đã được đi rất nhiều nơi: Bảo tàng Quang Trung, Hầm Hô, Khu du lịch Ghềnh Ráng- Quy Hòa, thăm cầu Thị Nại... Ở Pắc-sế (tỉnh Chămpasắc) của mình có cầu Mới, bắt qua sông Mê-kông nhưng không dài và không đẹp bằng cầu Thị Nại”. Hầu hết các bạn sinh viên Lào đều rất ấn tượng về môi trường học tập ở Quy Nhơn. Ai cũng tỏ ra thích thú với biển, với giọng nói của thầy cô và các bạn sinh viên Việt Nam... Đặc biệt, các bạn nữ thì rất thích mặc áo dài.
|
Sinh viên Lào và các giảng viên khoa Ngữ văn trong Lễ kỷ niệm 30 năm Quốc khánh Lào. Ảnh: H.X |
* Học tiếng Việt
Từ năm 2002, phối hợp với tỉnh, Trường ĐHQN bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ nguồn cho các tỉnh Chămpasắc, Atapư của Lào. Học sinh, cán bộ Lào sang Việt Nam học, trước hết phải trải qua một năm học tiếng Việt. Nhiệm vụ khó khăn này được giao cho khoa Ngữ văn. Thầy Nguyễn Văn Lập, Phó trưởng khoa Ngữ văn cho biết: tổ Ngôn ngữ- Hán nôm của khoa đã được giao nhiệm vụ xây dựng một chương trình đào tạo hệ dự bị đại học cho lưu học sinh Lào môn tiếng Việt. Đây là một chương trình hoàn toàn mới, do đó, các giảng viên khoa văn đã phải nhanh chóng tìm tòi tài liệu, tham quan học hỏi các trường đại học ở miền Bắc, miền Nam có đào tạo học sinh Lào, để xây dựng chương trình khung, thời lượng 1.500 tiết, thời gian học khoảng 10 tháng với mục tiêu trong thời gian ngắn nhất, các học sinh Lào có thể nghe- nói- đọc- viết tiếng Việt thành thạo.
Cái khó nhất trong dạy và học tiếng Việt là hầu hết học sinh Lào không biết tiếng Anh, còn giảng viên thì không nói được tiếng Lào. Để dạy được, khi phân lớp, Khoa Ngữ văn đã cố gắng tìm và bố trí cho mỗi lớp một vài em có biết chút ít tiếng Việt (do có bố mẹ người gốc Việt sinh sống tại Lào) hoặc tiếng Anh, sĩ số mỗi lớp cũng tối đa không quá 25 em. Tuy nhiên, khóa đầu tiên vẫn không tránh khỏi những chệch choạc. Thầy Nguyễn Văn Lập cho biết: “Khó nhất là trình độ của các em không đồng đều, có em mới học xong chương trình phổ thông (lớp 11), có em có trình độ cao đẳng, trung cấp. Có khóa, toàn cán bộ qua học, phần lớn là lớn tuổi, làm nhiều công việc khác nhau, lại không biết ngoại ngữ nên khả năng tiếp thu rất chậm. Thế nhưng, nhờ sự cố gắng của các giảng viên, sự quan tâm đầu tư của nhà trường, kết thúc mỗi khóa học, hầu hết học sinh đều có thể giao tiếp tiếng Việt khá tốt”.
* Thúc đẩy tình hữu nghị
Đến năm học này, Trường ĐHQN đã đào tạo được 4 khóa học tiếng Việt cho học sinh Lào, mỗi khóa có khoảng từ 100-150 học sinh. Trong số đó, mỗi năm, có khoảng 50 học sinh sau khi học tiếng Việt sẽ tiếp tục học lên đại học tại các khoa, ban của trường. Mới đây, 52 sinh viên Lào khóa đầu tiên đã tốt nghiệp ra trường. Ông Hoàng Văn Ánh, Trưởng phòng Công tác chính trị- sinh viên, Trường ĐHQN cho biết: “Theo tinh thần ký kết hợp tác giữa lãnh đạo tỉnh Bình Định với các tỉnh Nam Lào trong lĩnh vực đào tạo, năm học 2007- 2008, Trường ĐHQN sẽ tiếp tục nhận dạy tiếng Việt cho 150 học sinh và đào tạo đại học, cao học cho 50 sinh viên của 3 tỉnh Nam Lào”.
|
Các nữ sinh viên Lào tại ký túc xá C2 Trường ĐHQN. Ảnh: Q.H
|
Vừa rồi, 47 sinh viên từ 3 tỉnh Chămpasắc, Atapư và SêKông sang học các ngành đại học và 5 học viên sang học cao học đã nhập trường. Số học sinh học tiếng Việt sẽ tiếp tục sang trong tháng tới. Trong năm học tiếng Việt, học sinh Lào được Trường ĐHQN “bao cấp” hoàn toàn (khoảng 2 tỉ đồng/năm). Còn đối với số sinh viên học đại học, cao học, các tỉnh Nam Lào sẽ trả học phí. Anh Khăm Phảy Khăm Philavông, 35 tuổi, cán bộ văn phòng huyện PhuVông, tỉnh Atapư sang học ngành Quản trị kinh doanh, Trưởng ban đại diện sinh viên Lào tại Trường ĐHQN vui mừng thông báo: trên tinh thần ký kết hợp tác hữu nghị với các tỉnh Nam Lào đến 2010, từ năm học này, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định cấp học bổng cho 35 sinh viên Lào (80-100 USD/sinh viên/tháng/4 năm)...
Khăm Phảy tỏ ra rất vui trước quyết định cấp học bổng cho sinh viên Lào của UBND tỉnh Bình Định và luôn miệng nhắc về tình cảm hữu nghị, gắn bó giữa hai nước Việt- Lào. Kể từ khi sang Việt Nam học tập, còn lạ nước, lạ cái, các bạn học sinh, sinh viên Lào đã được Trường ĐHQN và UBND tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm, ưu ái. Mỗi năm, 2 lần, vào dịp nghỉ Tết (Tết Nguyên đán), nghỉ hè, Trường cho xe chở sinh viên về tận nhà thăm gia đình. Vào các dịp kỷ niệm Quốc khánh, Tết Bunpimay... của Lào, nhà trường đều tổ chức họp mặt rất trang trọng, vui vẻ, có lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo trường tham dự. Nói đến tình hữu nghị, các bạn sinh viên Lào vẫn không quên trường hợp của Thoong Ban, một học viên mới qua Việt Nam chưa nói được tiếng Việt bị đau bụng phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Thoong Ban đã được các bạn sinh viên Việt Nam, ban quản lý nội trú và các cán bộ của trường hết lòng lo lắng, chăm sóc.
Trong lúc gặp gỡ các bạn sinh viên Lào tại ký túc xá C2, tôi còn may mắn được gặp cha của Khun La Thâm sang đón con về sau khi đã tốt nghiệp. Với hành trang tiếng Việt chỉ có hai chữ “Quy Nhơn” nhưng ông đã được rất nhiều người giúp đỡ để tìm đến được tận trường. Trong thời gian lưu lại ở Quy Nhơn, ông còn được bác bảo vệ KTX dẫn đi thăm cầu Thị Nại, đi siêu thị... Gặp tôi, ông muốn nói nhiều nhưng chưa thể diễn đạt được nên chỉ bập bẹ: Cám ơn... Việt Nam!
|