Tôi trở lại suối khoáng Hội Vân lần này và rất buồn khi nhận ra tình cảnh thảm hại của một nơi từng giúp tôi và bao người vượt qua những ngày tháng buồn bã do bệnh tật hiểm nghèo… Từ Viện điều dưỡng nước khoáng Nghĩa Bình trở thành Nhà điều dưỡng Bình Định và bây giờ là Bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng Bình Định (BVĐD-PHCN) song cơ ngơi càng to ra, càng đẹp lên thì càng trở nên hoang vắng, đìu hiu…
|
Một góc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Bình Định.
|
* Chuyện ngày xưa
Xa xưa, khi còn tấm bé, câu chuyện huyền thoại về dòng suối mang tên Suối Tiên ở Cát Hiệp (Phù Cát), cách nhà tôi không xa lắm, đã luôn ám ảnh tôi. Chuyện kể rằng: có một nàng công chúa Chămpa mắc bệnh ghẻ lở, da dẻ sần sùi, xấu xí được vua cha lệnh truyền tìm thái y khắp chốn chữa bệnh cho nàng nhưng thảy đều vô hiệu. Công chúa âu sầu, mặc cảm, suốt ngày ở trong cung cấm. Thương tình, một lần đi săn, vua mang nàng theo. Đến một góc rừng hoang vu, cây cối lúp xúp, khói sương la đà, nhà vua xuống ngựa và nhận ra một dòng suối ấm trong vắt. Vua sai vây màn cho công chúa tắm. Chẳng ngờ khi ngâm mình xuống dòng suối ấm, tấm thân ghẻ lở, xù xì kia bỗng hóa thành vóc ngọc... Nhà vua vui mừng khôn xiết bèn cho đặt tên dòng suối là Suối Tiên...
Chẳng hiểu có phải vì đất nước rộng dài của mình có quá nhiều “Suối Tiên” hay không mà khi tôi lớn lên cái tên “Suối Tiên” để chỉ dòng suối nước nóng ở Phù Cát cứ nhạt nhòa dần, ẩn dần dưới cái vỏ từ mới: Hội Vân. Truy đến nguồn gốc mới hay hơn, hóa ra nó cũng thật đơn giản, “Hội Vân” là từ “mây tụ” Hán hóa mà nên! Xa xưa, nơi đây là rừng rậm chưa bị cát bồi lấp với địa hình của nền cổ granit bị nứt, gãy, sụp kín tạo nên khe suối nóng có độ dốc. Hơi nước nóng bốc lên bị tán rừng giữ lại tụ thành mây trắng quẩn quanh nới gành đá và cây rừng...
Ngày 3.7.2006 BVĐD-PHCN chính thức được UBND tỉnh ký Quyết định công nhận là bệnh viện hạng III. Hiện bệnh viện có 31 CBCNV trong đó có 2 bác sĩ. Ngoài Ban giám đốc, bệnh viện có 3 phòng chức năng, 1 khoa cận lâm sàng và 2 khoa lâm sàng. Các thiết bị phục hồi chức năng được trang bị khá đầy đủ. |
Theo nghiên cứu, nước khoáng Hội Vân hòa tan hơn 20 chất khoáng, có cấu tạo dạng cloruahydro cacbonat sufanatri, được xếp vào loại nước khoáng nóng Silic cùng nhóm với một số viện điều dưỡng nổi tiếng trên thế giới... Có lẽ thế mà suối khoáng Hội Vân thích hợp với việc điều trị các bệnh ngoài da, các bệnh về xương khớp và tiêu hóa.
Tôi có duyên với Hội Vân và từng nhiều lần đến đây lúc thì chữa bệnh, lúc đưa bạn bè vui chơi du lịch, lúc theo đoàn giao lưu thơ ca của Hội Văn nghệ tỉnh...; chơi và hiểu được tính khí của các đời lãnh đạo từ bác sĩ Lê Đình Danh, bác sĩ Phạm Gia Cát đến bác sĩ đương nhiệm Võ Viết Ánh...
Tôi nhớ những năm trước thập niên 90 của thế kỷ trước, khi ấy Viện điều dưỡng nước khoáng Nghĩa Bình còn trong vùng “đèo heo hút gió”, bác sĩ Lê Đình Danh từng “vẽ” nên một dự án hoành tráng mang tầm quốc tế cho Hội Vân theo mô hình của một số viện điều dưỡng nước khoáng ở Liên Xô, Tiệp Khắc… song đến lúc bác sĩ Danh về hưu, bác sĩ Phạm Gia Cát về thay thế, ước mơ vẫn cứ thế tiếp nối…
|
Thiết bị kéo dãn cột sống chẳng mấy khi được dùng đến.
|
* Tôi từng ước vọng
Năm 1994, tôi có dịp đến điều trị và điều dưỡng lâu dài ở đây. Lúc ấy mỗi ngày Nhà Điều dưỡng tiếp nhận chừng 25-35 bệnh nhân song tôi chưa hề cảm thấy hài lòng bởi nghĩ rằng với hiệu quả điều trị, điều dưỡng mà tôi trực tiếp chứng kiến chắc hẳn Nhà điều dưỡng sẽ phát triển nhanh…
Không đặt niềm tin sao được, khi chính bản thân tôi sau một trận đau hiểm nghèo, chỉ với hơn tháng điều dưỡng ở đây đã giúp tôi tăng lên gần 3 kg! Bà Lê Phương Thảo quê ở tận thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp bị thoái hóa cột sống, trật đĩa đệm, thoát vị cột sống và viêm dạ dày chỉ sau 3 tháng điều trị từ chỗ đau nhức không ngồi được, phải giằng quanh hông sáu thanh sắt ghép đã trở thành người hoạt náo, đi đứng mạnh bạo và thường làm trò vui cho cả Nhà điều dưỡng. Tôi còn nhớ ước mơ của bà Thảo khi rời Nhà điều dưỡng: “Giá suối Hội Vân này ở gần nhà, tôi sẽ xây một túp lều bên cạnh để ngày ngày được tắm nước khoáng…”.
Rồi những con số thống kê đẹp như mơ của bệnh viện: “5.000 bệnh nhân đã được điều trị thuộc các nhóm bệnh: tiêu hóa (viêm ruột mãn, viêm đại tràng co thắt có táo bón, viêm dạ dày, loét dạ dày có xuất huyết), thần kinh ngoại biên (viêm thần kinh tọa, thần kinh liên sườn), cơ khớp (viêm đa khớp, thoái hóa khớp), ngoài da (sẩn ngứa, eczêma, viêm da, ghẻ không bội nhiễm)… Kết quả số người chữa đỡ và khỏi ở nhóm bệnh tiêu hóa là 83%, thần kinh ngoại biên là 95%, cơ khớp 86%; ngoài da 90%...”. Tất cả những điều này cộng với một số dự án về du lịch chữa bệnh, du lịch thể thao của các nhà đầu tư, của Sở TDTT… rậm rịch khiến tôi luôn có giấc mơ đẹp về vùng Hội Vân mây tụ này.
Vậy mà…
|
Công viên càng xinh đẹp càng vắng người.
|
* Sương khói đìu hiu
13 năm trôi qua, kể từ ngày tôi “ra viện”, các dự án về du lịch chữa bệnh, về du lịch thể thao dần dà đứt... bóng. Con đường dài hơn 3 cây số dẫn từ Quốc lộ 1 đến suối khoáng Hội Vân vẫn như cũ, nghĩa là cũng bụi mịt trời vào mùa nắng và lầy lội, nhớp nhúa vào mùa mưa... Bên cạnh suối Hội Vân nhiều người chiếm đất, che chòi buôn bán tạm bợ trông còn nhếch nhác hơn cả... ngày xưa! Còn bể nằm xông nóng, bể ngâm chân đều bị xuống cấp sụt chân móng, bể nát.
13 năm Nhà điều dưỡng giờ đã trở thành Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng. 13 năm, 3 đợt đầu tư lớn với 2 lần xây dựng 2 đơn nguyên tăng thêm 2 dãy 20 phòng để kê 70 giường bệnh và 1 lần xây dựng Nhà thủy trị liệu với 10 phòng tắm và xoa bóp được trang bị khá tốt. 13 năm, giờ đây, Bệnh viện đã tạo được một cảnh quan mát mẻ với công viên nhiều cây cảnh, non bộ xinh đẹp; các thiết bị cũng được đầu tư hàng trăm triệu đồng bổ sung hàng năm... Tất cả các điều kiện phục vụ bệnh nhân đều có vẻ tốt hơn lên và nhiệm vụ của bệnh viện đặt ra cũng nặng nề hơn song chỉ có điều đáng buồn là người đến đây để điều trị, điều dưỡng là ngày càng thưa thớt!
Cách BVĐD-PHCN 1 cây số, cũng ở ngay xã Cát Hiệp, hiện tại hàng ngày có từ 100 đến 150 bệnh nhân từ khắp nơi đổ về khu vườn của vợ chồng anh Võ Ngọc Anh và chị Hồ Thị Thu để chữa bệnh theo phương pháp dưỡng sinh tâm thể (chúng tôi sẽ có bài viết riêng về vấn đề này). Nhiều người trong số họ ở tận miền Bắc hoặc các tỉnh Tây Nguyên về ở lâu dài. Họ phải trải chiếu nằm dưới đất, sống trong điều kiện khó khăn để mong chữa được bệnh trong khi BVĐD-PHCN với rất nhiều ưu thế lại đìu hiu, hoang vắng… |
Ngày 13.10.2007, tôi đến thăm BVĐD-PHCN và thực sự hụt hẫng bởi không khí đìu hiu của bệnh viện! Ngay thời điểm này, bệnh viện có đúng 5 bệnh nhân! Đó là bà Võ Thị Kim Son, 65 tuổi ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành (Tây Sơn) bị viêm khớp vừa vào viện được 2 ngày; ông Trần Tôn Cát 88 tuổi, ở xã Cát Tài (Phù Cát) bị hàng bệnh mãn tính như: thoái hóa cột sống, hen phế quản, dạ dày, rối loạn tiền đình…; bà Nguyễn Thị Hằng Nga ở Phù Mỹ bị thoái hóa cột sống và một người nữa cha của Phó giám đốc bệnh viện Đặng Văn Lộc. Oái oăm thay, trong khi bệnh nhân thưa thớt như vậy thì bệnh viện lại đang thi công xây dựng một đơn nguyên nữa (được đầu tư hơn 900 triệu đồng) để triển khai thêm giường bệnh!
Giải thích về nguyên nhân bệnh viện thiếu vắng bệnh nhân, bác sĩ giám đốc Võ Viết Ánh cho biết: “Bệnh viện đông hay ít bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của nhà nước. Trước kia, bệnh nhân là CBCNV, là những đối tượng chính sách, họ đến điều trị được bao cấp hoàn toàn. Giờ đây, trong lộ trình BHYT toàn dân, bệnh viện của chúng tôi hầu như không có người đăng ký KCB theo BHYT nên bệnh nhân thường là các đối tượng từ một bệnh viện khác chuyển đến. Song thật khó để các bác sĩ chịu ký chuyển viện khi họ đã điều trị ở bệnh viện của họ qua giai đoạn ngặt nghèo và nhất là, mỗi lần ký chuyển viện phải qua thủ tục hội chẩn…”.
Thực sự BVĐD-PHCN là nạn nhân của các chủ trương thiếu nhất quán từ Bộ Y tế: từ chỗ chủ trương xây dựng bệnh viện điều dưỡng phải là nơi xa dân, vùng biển hoặc vùng núi, có suối nước nóng thì rất tốt giờ đây lại đặt yêu cầu, bệnh viện điều dưỡng phải được xây dựng nơi tập trung dân, gần bệnh viện…
Song dù với lý do nào thì Sở Y tế và các ngành chức năng cũng rất cần quan tâm để BVĐD-PHCN thực sự được hoạt động như một bệnh viện đúng nghĩa…
|