|
Ông Võ Thanh Trà. Ảnh: N.S |
Dù đã hơn 30 năm sống xa quê, nhưng cái cách nói chuyện của ông, như tôi từng thấy ở nhiều người con xứ dừa Tam Quan (Hoài Nhơn) khác, vẫn không lẫn vào đâu được: bộc trực, chân tình mà hóm hỉnh, có cái hào sảng của biển cả lẫn chất thâm trầm của núi rừng. Người đàn ông nhỏ bé tôi may mắn gặp được tại ĐH Hội Cựu tù chính trị cách mạng tỉnh Bình Định lần thứ III vừa qua ấy là Võ Thanh Trà, 66 tuổi, tử tù duy nhất của Bình Định thời chống Mỹ với cái án tử hình treo lơ lửng 8 năm, trong đó hết 7 năm ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Là tử tù duy nhất của Bình Định thời chống Mỹ, lại sống xa quê nên ông Võ Thanh Trà được Ban tổ chức mời đích danh về dự Đại hội. Xen giữa cuộc trò chuyện của tôi với ông là những cái bắt tay, những tiếng “ồ”, “à” đầy ngạc nhiên: “Trời! Trà hả?”, những hồi ức về xà lim Côn Đảo giữa ông với bạn bè, đồng đội cũ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng “nòi” ở Tam Quan (Hoài Nhơn), nên từ nhỏ, cậu bé Võ Thanh Trà cũng đi theo cách mạng, làm nhiệm vụ liên lạc. Năm 1960 ông “nhảy núi”, vào bộ đội huyện và được đi học đặc công. Năm 1967, đơn vị đặc công của ông nhận nhiệm vụ đánh kho xăng tại Cảng Quy Nhơn. Phá được kho xăng này nghĩa là ta chặt đứt được đầu mối nguồn nhiên liệu quan trọng của địch phục vụ cho chiến trường biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
Võ Thanh Trà đề xuất phương án chỉ 4 người tham gia trận đánh, bởi đây là nhiệm vụ nguy hiểm, đánh lớn thì sẽ tổn thất lớn. Tối ngày 9.5.1967, 4 chiến sĩ đặc công với tinh thần xung phong do Võ Thanh Trà - đại đội trưởng đặc công đơn vị Đ10 - làm chỉ huy tiến đánh kho xăng. Họ cải trang thành học sinh, với quần xanh áo trắng. Hạ lính gác cổng và đám lính canh bằng AK, họ lao vào kho xăng, đặt bộc phá rồi cho nổ. Lửa bùng lên. Đồng đội chạy ra trước, Võ Thanh Trà ra sau, lửa cháy cả người. Ra tới cổng, ông cởi bỏ quần áo dài, chỉ còn quần đùi và khẩu K54 giắt lưng quần rồi chạy. Sau lưng, 1 đại đội lính Mỹ và ngụy đuổi theo. Trên đường chạy, ông bắn chết tên ấp trưởng ấp Huỳnh Trân. Đến đầm Thị Nại, ông nhảy xuống nước định vượt qua bờ bên kia. Nhưng chẳng may lúc này nước cạn, bơi không được, lặn cũng không xong. Bọn địch ập tới, Võ Thanh Trà bị bắt. Lúc này, ông đã kịp vứt khẩu súng xuống đầm.
* Sống như anh Trỗi
Sau khi bị giam tại nhà lao Quy Nhơn hơn 1 tháng, Võ Thanh Trà bị bọn địch đưa ra xét xử tại rạp Kim Khánh (tức rạp 31.3 bây giờ). Trước đó, một đồng đội của ông là Hắc Long đã đầu hàng giặc và khai ra ông. Nghĩ rằng Hắc Long không biết hết được mọi chuyện nên ông nhất quyết im lặng, cắn răng chịu đựng những đòn roi tra tấn dã man của bọn địch.
* Ông còn nhớ hôm mình bị tòa kết án tử hình không?
- Không bao giờ quên. Đó là một buổi sáng tháng 7.1967. Áp luật 10/59 và 9/65, Tòa án Quân sự lưu động mặt trận vùng II chiến thuật tuyên: “Tên Võ Thanh Trà mang vũ khí bất hợp pháp bằng chất nổ vào Quy Nhơn, phá hoại tài sản, cố sát cán bộ quốc gia, là phản nghịch nên xử tử hình, tịch thu tài sản”. Tôi cãi liền: “Việt Nam là đất nước tôi, người Việt Nam là đồng bào tôi nên tôi đánh Mỹ để giải phóng đồng bào tôi. Mọi người nhìn lên Tuy Phước mà coi, nhà cháy, người chết là tại ai? Chính quân Mỹ đã xâm lược và giết hại đồng bào tôi nên tôi phải đánh đuổi Mỹ ra khỏi đất nước tôi. Vậy Mỹ mới là kẻ đáng bị tử hình chứ! Dù có chôn xuống đất thì tôi vẫn sống, sống như anh Nguyễn Văn Trỗi”.
* Lúc ấy, ông có sợ chết không?
- Đã bị đánh đau thì không nghĩ gì đến chuyện chết, đã thù hận thì không nghĩ đến cá nhân mình. Còn tài sản của tôi lúc ấy chỉ còn có cái quần đùi (cười), nên tôi chẳng ngại “thí mạng trành” với tụi nó.
* Nhưng sau đó, lúc bình tâm lại thì sao?
- Sau khi tuyên án xong, chúng đưa tôi về lại xà lim và cho ăn bữa cuối cùng, với cơm gạo Thái thơm phức, thịt hộp, 2 lon bia. Tôi ăn rất ngon miệng, thanh thản uống hết bia và không cảm thấy sợ sệt gì cả. Nhưng chúng không xử tôi ngay. Từ đó đến tháng 11.1967, cứ vài ngày chúng lại bịt mắt và đưa tôi lên xe bịt bùng chở đi rao khắp Quy Nhơn là ngày mai sẽ bắn tử tù Võ Thanh Trà. Thời gian này, chế độ ăn của tôi cũng khác, ngon hơn các tù nhân khác, vì tôi là tử tù. Lúc này, nói không nghĩ đến cái chết thì không đúng. Nhưng lúc đó tôi chưa vợ chưa con, nên cứ mặc, tới đâu hay tới đó.
Sau này tôi mới biết mỗi lần chúng chuẩn bị xử bắn tôi thì Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, tuyên bố: Nếu Mỹ bắn một thanh niên yêu nước như Võ Thanh Trà thì miền Bắc sẽ bắn một số tù binh phi công Mỹ, mà trong số này có một người là cháu của Kissinger, nên chúng mới không dám bắn tôi.
* Nghe nói thời gian ở nhà lao Quy Nhơn, ông đã có những cuộc đấu trí với địch?
- Sáng, chúng bắt chào cờ, tôi không chào. Tôi nói: đó là chính thể quốc gia của mấy ông chứ không phải chính thể của tôi nên tôi không chào. Rồi tôi chứng minh cho chúng thấy cộng sản và tư bản khác nhau hoàn toàn. Một lần, chúng khích: “Đối với những thằng tù chính trị ở Quy Nhơn này, mày chỉ là một con số 0”. Tôi nói: “Đúng, tao chỉ là một con số 0. Nhưng trước tao đã có những con số 1, 2, 3, 4…, nên số 0 của tao là vô cùng ý nghĩa”. Tên lính ngụy thẩm vấn tôi buột miệng: “Tao biết là mày nói dóc, nhưng nói dóc có lý!”.
* Côn Đảo - nơi nuôi chí anh hùng
Tháng 11.1967, bọn địch đưa Võ Thanh Trà vào khám Chí Hòa, rồi sau đó đưa ông ra Côn Đảo. Bạn tử tù với ông ở Côn Đảo có Lê Minh Châu, Trương Thanh Danh, Bùi Văn Chiếu… Cứ hai tử tù được nhốt vào một xà lim rộng chừng 2m2, và đều bị còng chân. Ăn uống kham khổ, thiếu thốn, không được tắm, bị đánh đập, tra tấn thường xuyên là tình cảnh của tù nhân ở đây. Nhưng hầu hết anh em tù Côn Đảo đều không chào cờ ba que, không bước lên cờ đỏ sao vàng theo lệnh chúng.
“Mỗi lần đánh tù, chúng thường có 4 tên. Thằng trước đánh mình ngã ra sau thì thằng sau đánh tới, ngã bên trái thì bị đánh ngã về bên phải, cứ vậy… Trong những đợt chúng tôi tuyệt thực, để lung lạc anh em, bọn địch nấu cơm gạo dẻo thơm phức để ngay trước cửa xà lim. Cũng có người chịu không nổi đã lạc lòng, nhưng đa số anh em đều giữ vững khí tiết cách mạng” - Võ Thanh Trà nhớ lại.
Đã có lần, bọn địch đưa Võ Thanh Trà cùng một số tử tù khác quay về khám Chí Hòa để xử bắn, nhưng vì khiếp sợ trước phong trào đấu tranh vũ trang và chính trị của ta nên chúng không xử nữa mà đưa họ trở lại Côn Đảo. Trong gần 400 anh chị em người Bình Định ở Côn Đảo, chỉ có mình Võ Thanh Trà là tử tù. Ông được chi bộ nhà tù phân công phụ trách anh chị em tù cánh miền Trung.
Cho đến năm 1975, miền Nam giải phóng, Tổ quốc thống nhất, Võ Thanh Trà bước lên chuyến tàu đầu tiên trở về đất liền. Về Quân khu V, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ truy quét Fulro từ Bình Định vào Khánh Hòa. Tại đây, ông lấy vợ, cũng là người Hoài Nhơn. Năm 1977, Võ Thanh Trà chuyển ngành sang làm ở Ty Hải sản Khánh Hòa, đến năm 1980 thì nghỉ mất sức vì vết thương hành hạ và định cư luôn tại TP Nha Trang.
* Kiên gan chiến đấu với đói nghèo
* Khi ấy, đất nước còn khó khăn, hẳn cuộc sống của gia đình ông cũng chẳng dễ dàng gì?
- Lúc ấy, tôi chỉ được hưởng mỗi suất trợ cấp thương binh hạng 2/4 vì có quy định lương với trợ cấp, cái nào cao hơn thì lĩnh một. Hai đứa con, cuộc sống khó khăn, tôi ra chợ Đầm dọn hàng thuê cho người ta. Nhớ có lần, một anh bạn thương tình cho cặp heo con nuôi, hẹn chừng bán thì trả tiền giống. Tôi ráng nhín chút tiền mua bó rau, bao cám nuôi heo. Nhưng sắp đến ngày xuất chuồng thì chúng lăn quay ra chết vì bệnh. Vậy là trắng tay. Anh bạn thấy tội nên thôi không đòi tiền heo giống.
Tôi quay sang đi bạn cho tàu cá. Đêm, người ta ngủ, tôi tranh thủ câu thêm con tôm, con cá. Thấy tôi chăm chỉ, người ta cho tôi hùn phần nghề. Một thời gian tích cóp, tôi sắm được nửa chiếc ghe, rồi sắm được chiếc 50CV đi câu cá ngừ đại dương. Sau đó, tôi bán ghe, xây nhà và chuyển sang nghề chế biến hải sản.
* Ông đã có nhiều đóng góp cho quê hương Bình Định, nếu về quê sống thì ông cũng sẽ được đãi ngộ xứng đáng mà?
- Khánh Hòa dù không phải là quê nhưng tôi và gia đình đã gắn bó và an cư ở đó. Các anh lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng rất quan tâm, cho tôi một lô đất trên đường Diên Hồng để tôi về Quy Nhơn sống, nhưng tôi từ chối và bảo để dành cho những người cần hơn mình.
* Và kết quả sau những cuộc chiến đấu với đói nghèo của người tử tù năm xưa?
- Hiện gia đình tôi có 1 cửa hàng bán hải sản khô, đông lạnh các loại và 1 shop quần áo cao cấp, một ngôi nhà 4 tầng ở TP Nha Trang. Tôi cũng có kế hoạch sẽ thành lập doanh nghiệp tư nhân.
* Ông có thường liên lạc với bạn tù cũ không?
- Hàng năm, anh em tử tù Côn Đảo chúng tôi đều tổ chức gặp mặt nhau. Nửa sau tháng 9 vừa rồi, anh em chúng tôi gồm hơn 10 người vừa có một chuyến đi từ Đà Nẵng vào TP Hồ Chí Minh, ghé qua Quy Nhơn, Nha Trang. Chuyến đi có anh Tám Em, Trương Thanh Danh, Nguyễn Minh Hừng, Lê Văn Thức (nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng “Ngày hạnh ngộ” của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long)… vui lắm.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
|