Giới thiệu với tôi về xã Cát Khánh, một người dân ở thôn Thắng Kiên đã tự hào nói: “Cát Khánh là địa hình thu nhỏ của huyện Phù Cát! Xã vừa có biển, có đầm Đề Gi, lại có dãy núi Bà chắn ngang... nên tuy là một xã vùng sâu nhưng có nhiều lợi thế”. Và nay mai, với những dự án công nghiệp lớn sắp được đầu tư, hy vọng Cát Khánh sẽ là một trung tâm đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ sầm uất...
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương (người đang chỉ tay) và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đang phác thảo kế hoạch mở rộng Cảng cá Đề Gi trong tương lai.
|
* Đổi thay quê biển
Ở Cát Khánh, thanh niên không thiếu việc làm! Anh Lê Văn Đức, một người lái xe ôm ở địa phương đã khẳng định chắc nịch như vậy. Trước đây, anh Đức làm nghề đi biển. Không có vốn đóng thuyền nên anh chỉ đi “bạn”, nhưng mỗi “trăng” cũng kiếm được vài triệu đồng. Làm nghề biển, tuy có ăn, nhưng bấp bênh, chuyến được, chuyến mất, rồi sóng to, gió cả… Từ khi Cảng cá Đề Gi hoàn thành, anh Đức quyết định đổi sang nghề… xe ôm. “Ở cái bến cá này, chị thấy đó, hầu như lúc nào tàu ghe cũng tấp nập, 24/24 giờ, người buôn, kẻ bán. Nếu chăm chỉ, thì lo gì không kiếm được cái ăn…” - anh Đức sôi nổi trò chuyện.
Đến thôn An Quang Đông, An Quang Tây - hai thôn có 100% dân số sống bằng ngư nghiệp của Cát Khánh, tôi đã bất ngờ trước sự năng động của làng biển, thật khác với những gì đã hình dung về những ngôi làng vùng biển nhỏ bé, êm đềm đầy nắng và gió cát. Hai bên đường dẫn vào Cảng cá Đề Gi, nhiều ngôi nhà cao tầng sơn màu tím, màu xanh sặc sỡ, trang trí cầu kỳ nổi trội lên trong không gian vốn cũng đã có nhiều nhà ngói, nhà xây. Những quán cà phê, quán ăn… theo sự phát triển của đời sống dân cư đã ngày một nhiều hơn, bài bản hơn. Sáng nay, làm việc tại UBND xã, tôi đã được nghe một con số khá ấn tượng: Trong số trên 1.000 tàu thuyền của huyện Phù Cát thì riêng xã Cát Khánh đã chiếm trên 400 chiếc.
Phải nói, tuy là xã vùng sâu, nhưng Cát Khánh được thiên nhiên khá ưu đãi. Trải dọc theo biển, nhưng Cát Khánh không phải là bãi ngang vì có cửa biển Đề Gi. Từ năm 2001 đến nay, cùng với việc Nhà nước đầu tư xây dựng Cảng cá Đề Gi, nghề biển của ngư dân Cát Khánh càng thêm thịnh vượng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có thêm 7 tàu thuyền được đóng mới, nâng tổng số tàu thuyền hiện có của xã lên 439 chiếc với tổng công suất 19.425 CV, trong đó có 57 chiếc có công suất từ 60 CV trở lên. Cảng cá Đề Gi lúc nào cũng ken đặc tàu thuyền. Lưu lượng tàu thuyền ra vào cảng từ 50-70 chiếc/ ngày.
Khi chúng tôi đến, cảng cá có đến hàng trăm chiếc tàu đang neo đậu trú bão, trong đó chỉ có một số ít là tàu của địa phương, còn lại là tàu thuyền của ngư dân từ nơi khác đến trú bão. Điều kiện làm ăn thuận lợi, nhiều ngư dân Cát Khánh mang khát vọng vươn ra khơi xa nên đã đầu tư đóng nhiều tàu to, công suất lớn. Có nhà sắm từ 2-4 tàu lớn để đánh bắt xa bờ, mỗi năm thu lợi nhuận từ 500-700 triệu đồng…
Năm 2001, cũng với việc xây dựng Cảng cá Đề Gi, dịch vụ hậu cần nghề cá ở Cát Khánh cũng khá phát đạt. Hàng ngàn lao động, đặc biệt là lao động nữ đã được thu hút vào nghề đan vá lưới, thu mua, buôn bán hải sản, chế biến nước mắm, sản xuất đá lạnh, cung cấp nguyên liệu cho tàu thuyền… Đến cảng cá, chúng tôi vẫn còn nghe xôn xao, mấy hôm trước, ngư dân ở đây đã “trúng” hàng trăm tấn cá cơm. Mỗi chuyến đi biển thắng lợi không chỉ là niềm vui của những ngư dân “đứng mũi chịu sào” nơi “đầu sóng ngọn gió” mà còn là cơ hội việc làm, phát triển đời sống của hàng ngàn lao động đang ngày đêm bám trụ với cảng cá để mưu sinh và phát triển cơ nghiệp của mình.
|
Cảng cá Đề Gi lúc nào cũng tấp nập tàu thuyền.
|
* Và những dự án trong tương lai
Đường ven biển 639 như một dải lụa nhung tô điểm cho những vùng cát hoang sơ ven biển Cát Khánh. Từ khi có đường, việc thông thương, mua bán, trao đổi hàng hóa của nông, ngư dân đã thuận lợi hơn; đời sống nhân dân ngày càng phát triển. Hai bên đường vẫn còn những vùng đất hoang hóa đầy cây dại, tôi mường tượng đến tương lai đây sẽ là “khu vực phát triển công nghiệp Cát Khánh” (cách gọi mới thay cho Cụm công nghiệp Cát Khánh từ khi nhà đầu tư quyết định sẽ đầu tư tại đây nhiều nhà máy lớn) với nhiều dự án dự định triển khai.
Cũng trong tháng 10 này, UBND tỉnh đã đồng ý để Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (liên kết với các tập đoàn nước ngoài) đầu tư xây dựng ở Cát Khánh một Trung tâm nhiệt điện có công suất ban đầu 2.400 KW/ngày. Trung tâm nhiệt điện sẽ có diện tích khoảng 200 ha, dự kiến xây dựng ở phía Đông Cụm công nghiệp Cát Khánh (phía Nam giáp bãi khai thác titan của Công ty liên doanh Khoáng sản Bimal, phía Bắc giáp thôn An Quang; phía Tây giáp Cụm công nghiệp Cát Khánh đã quy hoạch).
Trung tâm nhiệt điện sẽ sử dụng nguyên liệu là than đá nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài bằng tàu vận tải từ 50 - 100 ngàn tấn. Nhà đầu tư sẽ xây dựng tại Cát Khánh một cảng biển riêng phục vụ cho việc vận chuyển nguyên liệu cho nhà máy và cũng đã dự kiến xây dựng mới hồ Chánh Thắng - 5 triệu m3 và xây mới hồ Nhà Thờ - 3 triệu m3, đảm bảo nước cho nhà máy hoạt động…
Bên cạnh đó là Nhà máy sản xuất bột giấy do Công ty cổ phần giấy Sài Gòn - Bình Định chuẩn bị đầu tư có diện tích 100 ha (trong tổng số 125 ha của Cụm công nghiệp Cát Khánh quy hoạch giai đoạn 1 tại thôn Thắng Kiên)…
|
Nguồn nhân lực tương lai của xã Cát Khánh.
|
* Nước nổi thì thuyền nổi
Về Cát Khánh, chuyện nông dân mở hướng làm ăn từ những thuận lợi của ao đìa, đầm phá rất rộn ràng. Nhiều hộ đang thử nghiệm các mô hình nuôi thủy sản tổng hợp nên đã tránh được rủi ro và cho thu nhập ổn định. Đặc biệt, là từ nguồn lợi cá chua bột (do cá chua từ biển trôi dạt vào đầm đẻ trứng, khoảng 1,2 triệu con/vụ), một số nông dân đã tổ chức khai thác và ươm nuôi cá chua giống. Mỗi con cá chua con nuôi khoảng 1 tháng cho ra cá chua giống có giá từ 600 - 1.000 đồng. Mỗi vụ bà con nông dân ở thôn Ngãi An đã thu được hàng trăm triệu đồng. Trong số 80 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản ở xã, diện tích nuôi cá chua thương phẩm chiếm khoảng 30 ha, mỗi ha cho thu nhập từ 30-35 triệu đồng mỗi vụ. Ngoài ra, các mô hình nuôi cua xanh, nghêu, cá mú xuất khẩu, trồng rong sụn… cũng đang hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao.
Tương lai rộng mở, nhưng trước mắt, xã vẫn còn nhiều ngổn ngang. Ngay cả việc quy hoạch 2 thôn An Quang Đông, An Quang Tây (với khoảng 1.200 hộ, 7.400 nhân khẩu) thành đô thị loại 5 đã hoàn thành, nhưng chưa thể triển khai thực hiện ngay bây giờ vì còn phải chờ sự định hình của “khu vực phát triển công nghiệp Cát Khánh”. Để xây dựng các nhà máy công nghiệp, Cát Khánh sẽ phải di dời, giải tỏa khoảng 400 hộ dân ở thôn Ngãi An, Thắng Kiên và dự định sẽ xây dựng một khu tái định cư tại phía Bắc đầm Đề Gi…
Mới đây, làm việc với lãnh đạo xã Cát Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương cho rằng: nên quy hoạch các nhà máy thành một khu liên hoàn về phía Tây đường 639 và đường 633 để thuận tiện trong việc bố trí khu dân cư, xây dựng hạ tầng và môi trường…
Buổi chiều ở Cát Khánh. Những cơn mưa xối xả, tầm tã trước đó đã ngưng. Ánh nắng vàng hươm trong tiết trời thu trải đều trên những nẻo đường thôn yên ả. Tôi bắt xe ôm dạo một vòng quanh mép biển. Những cơn sóng dào dạt vẫn vỗ bất tận lên bờ cát trắng… Cát Khánh đã rất nổi tiếng với hạt muối Ngãi An trắng tinh, mặn dịu; với nước mắm Đề Gi thơm ngon, vàng óng; với những đặc sản tôm, cá từ đầm Đề Gi…
Tôi quay qua hỏi anh xe ôm: “Nếu một mai phải rời bỏ mảnh đất đã gắn bó từ bao đời nay để nhường chỗ cho các dự án công nghiệp, anh có sẵn sàng?”. Anh xe ôm không trả lời ngay mà vẫn tiếp tục câu chuyện của mình: “Tôi đã từng bỏ biển lên bờ hành nghề xe ôm từ khi có cảng cá. Đến nay, nhiều người cũng đã bỏ nghề xe ôm khi xã đã có tuyến xe buýt chạy qua… Thế nhưng, “nước nổi thì thuyền nổi”, người dân chúng tôi cứ theo đà phát triển của quê hương mà đời sống cũng lên theo… Còn chuyện di dời để xây dựng khu công nghiệp ư? Tôi sẽ chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, vì ai không muốn quê hương mình ngày càng phát triển hả chị ?”.
|