Sau khi nghỉ hưu, từ 10 năm nay ông Tám Quý, tức Nguyễn Duy Quý - nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bình Định lại… “miệt mài” tham gia những hoạt động xã hội. Hiện ông là “thủ lĩnh” của 2 phong trào thể thao và nghệ thuật - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) tỉnh và Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Bình Định, lĩnh vực nào ông cũng đóng tròn vai. Ông đã dành cho chúng tôi một cuộc chuyện trò cởi mở ngay tại vườn kiểng ở nhà riêng.
|
Chăm sóc vườn kiểng là thú vui thường nhật hiện nay của ông Nguyễn Duy Quý.
|
* Biến “chuyện chơi” thành tiềm năng kinh tế
* Chào chú Tám, trời đang mưa gió sao chú vẫn cặm cụi với cây kiểng, không sợ cảm lạnh sao?
- Nếu không vận động, không mải mê chăm sóc, tiêu khiển với hoa cảnh có khi tôi còn phát đau, phát bệnh đấy chứ! Tranh thủ trời mưa tôi cấy thêm những thảm cỏ cảnh cho các chậu kiểng, trời nắng nó ít sống và chậm phát triển lắm.
* Chú đến với thú chơi cây kiểng từ lúc nghỉ hưu phải không ạ?
- Lâu rồi chứ! Không nhớ thời gian chính xác, nhưng cách chơi và trình độ chơi kiểng từng thời kỳ có khác nhau. Còn nhớ thời bao cấp, tôi ở ngoài quê (Hoài Nhơn) sân nhà rộng nhưng cũng chật cứng những chậu dừa nước, hoa giấy, vạn tuế…. Đến những năm đầu 90 gia đình tôi vào Quy Nhơn, sân vườn chật hẹp, nên ít chơi cây trang trí, tôi đã để ý đến cây kiểng nghệ thuật. Nhưng lúc bấy giờ cây kiểng nghệ thuật ở tỉnh mình chưa nhiều, chỉ tập trung một số nghệ nhân của CLB Trúc Lan Viên (TP. Quy Nhơn). Hồi đó, cứ hết giờ làm việc tôi thường đến chơi, ngắm các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân này một cách mê mẩn. Đến năm 1997, khi đã hưu trí, tôi bắt tay ngay vào việc vận động các nghệ nhân của CLB Trúc Lan Viên, những người yêu thích SVC và các huyện thành lập Hội; từ đó cách chơi SVC ngày một bài bản và nghệ thuật hơn.
* Lúc đầu gầy dựng phong trào SVC, chú và những thành viên sáng lập Hội có nghĩ đến tiềm năng kinh tế của thú chơi này?
- Mong muốn của Hội lúc đầu chỉ là tập hợp những người yêu thích thiên nhiên, hoa cảnh, tạo nên những tác phẩm làm đẹp cho đời. Tuy nhiên, khi SVC đã phát triển rộng rãi, độ tinh xảo, nét độc đáo của các tác phẩm đã lôi cuốn, hấp dẫn được nhiều người đam mê, nên nó đã trở thành của cải, tài sản có giá trị lớn và đã mở ra một nghề có thu nhập rất cao.
Đến nay đã có nhiều làng hoa kiểng tự phát, nhưng với quy mô tương đối lớn như làng mai Háo Đức, Liêm Trực (An Nhơn), hoa kiểng Phước Lộc, Phước Thuận (Tuy Phước), Bình Nghi, Tây Thuận, Bình Tường (Tây Sơn)… Hội có vai trò tích cực phát động phong trào SVC, cổ súy cho thú chơi thanh nhã, góp phần cải thiện môi trường, xóa đói giảm nghèo…, nhưng lớn hơn nữa là Hội đã gầy dựng đội ngũ hội viên đông đảo, từ khoảng mươi người giờ đã có gần ba nghìn hội viên. Điều đáng mừng là đã có trên chục làng kiểng, hàng trăm vườn kiểng trị giá hàng tỉ đồng; việc sản xuất kinh doanh SVC trong tỉnh ngày càng mở rộng và thị trường SVC cũng đang rất sôi động. Tuần rồi tôi vừa mới giới thiệu một khách ở TP.HCM mua của một số nghệ nhân ở TP Quy Nhơn chưa đến chục cây, nhưng với số tiền hơn 1 tỉ đồng.
* Phong trào lớn mạnh, Hội SVC Bình Định được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng III (năm 2005) chắc là có công lớn của chú với tư cách là Chủ tịch Hội?
- Ồ, tôi chỉ là người cổ vũ thôi mà!
|
Ông Nguyễn Duy Quý đang thăm vườn kiểng của nghệ nhân Bá Dũng, TP. Quy Nhơn. |
* Sống vui, sống khỏe để cuộc đời có ý nghĩa hơn
* Cơ duyên nào đưa chú đến với bóng đá và còn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Liên đoàn bóng đá tỉnh?
- Nói thật, tôi chỉ là một cổ động viên tích cực cho đội bóng đá tỉnh nhà. Tôi không hiểu rộng về bóng đá, không phải là chuyên gia phân tích, bình luận về bóng đá; tôi tiếp cận và cổ vũ cho bóng đá hết sức tình cờ, từ sự tín nhiệm của anh em.
* Công việc của Liên đoàn bóng đá có gì khác so với công việc của Hội SVC?
- Cả hai cũng đều là phong trào, thế nhưng tính sống còn của bóng đá quyết liệt hơn, mang đậm bóng dáng xã hội hóa và tính cạnh tranh rất cao. Chơi SVC không hạn chế độ tuổi, các nghệ nhân thấy ngay cái lợi trước mắt, ngoài lợi ích tinh thần còn tồn tại sản phẩm về vật chất cụ thể; còn chơi bóng đá đòi hỏi sức trẻ nhiều hơn và nhất là phải tiêu tốn một kinh phí không hề nhỏ. Hàng năm Liên đoàn vận động khoảng 1 tỉ đồng để góp phần phát triển và tồn tại các thế hệ cầu thủ từ U14 đến U21. Riêng đội tuyển thì hàng năm phải chi phí khoảng 15 tỉ đồng, ngân sách tỉnh bao cấp một nửa, số còn lại Liên đoàn Bóng đá tỉnh và chính quyền địa phương vận động các mạnh thường quân tài trợ.
* Nghe nhiều người nói chú là người rất giỏi vận động tài trợ?
- May mà có nhiều doanh nghiệp, các mạnh thường quân tích cực ủng hộ phong trào bóng đá Bình Định. Đội tuyển nhiều năm giữ ở vị trí top 5; U21 vô địch năm 2005 và 2 năm liền ở vị trí thứ 3; U15 cũng vừa đoạt giải 3 một phần cũng nhờ nguồn tài trợ của những người yêu bóng đá Bình Định.
* Ngoài chuyện cây kiểng, bóng đá, chú có dành thời gian quan tâm đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh nhà như khi còn công tác?
- Có chứ! Nhưng sự quan tâm ấy được thể hiện ở mức độ góp ý xây dựng trong các kỳ họp thường kỳ của tỉnh. Cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng vào các thế hệ cán bộ lãnh đạo kế cận; họ được nhân dân tuyển lựa trên cơ sở tài và đức, họ có đủ chính kiến và bản lĩnh để lãnh đạo địa phương trong giai đoạn mới. Quan điểm của tôi là không nên tồn tại tư tưởng “Thái thượng hoàng” để chỉ bảo, điều khiển thế hệ trẻ. Đến tuổi già hãy sống vui, sống khỏe để cuộc đời có ý nghĩa hơn.
* Xin cảm ơn chú Tám và xin chúc chú luôn khỏe mạnh để tiếp tục “cổ động” cho 2 phong trào bóng đá và cây kiểng.
Ông Nguyễn Duy Quý (bí danh là Mão), sinh ngày 10.10.1937, tại thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn.
- Năm 1954-1960 hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày nhiều năm, ngụy quyền Sài Gòn kết án tử hình, vượt ngục thành công;
- Năm 1961-1974 thoát ly lên căn cứ cách mạng phía Nam huyện Hoài Nhơn, làm Bí thư Đảng ủy xã Hoài Mỹ; Chính trị viên Huyện đội Hoài Nhơn, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 92, Phó chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội Bình Định, Tỉnh ủy viên khóa IX;
- Năm 1974-1990, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; Trưởng ban Dân vận; Trưởng đoàn chuyên gia Chăm-pa-sắc (Lào); Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Chủ tịch HĐND tỉnh;
- Năm 1991-1996, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;
- Năm 1997 nghỉ hưu. Từ đó đến nay làm Phó chủ tịch T.Ư. Hội SVC Việt Nam nhiệm kỳ 3 và 4; Chủ tịch Hội SVC tỉnh 2 nhiệm kỳ liên tiếp; Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá tỉnh nhiệm kỳ 4, từ năm 2003 đến nay. | |