Theo bước “cái bang”
9:31', 29/10/ 2007 (GMT+7)

Sáng ấy, như lệ thường, ba người đàn ông khuyết tật ngồi nhâm nhi cà phê, thuốc lá trong một quán cóc ở Ga Quy Nhơn. Tầm chợ bắt đầu đông, họ phân công nhau: “Hôm nay ông chợ Đầm, tui Quân Trấn, còn ông chịu khó vào Khu Sáu nhé. Mai đổi!”. Thế rồi, tay bị tay gậy, họ lên đường…

 

Những cụ bà đang xin ăn tại một điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Văn Tây

 

* Theo dấu “cái bang”

Trời mưa như trút. “Cái bang” Bình nhí ngồi thu lu góc chợ, nhẫn nại giơ chiếc ca nhựa. Túi xách to màu đen bên hông phát ra tiếng mõ đều đều, buồn đến nao lòng. Những đồng 500, 1.000 tiền cắc lẫn tiền giấy từ tay người đi chợ rơi vào trong ca. Lâu lâu, Bình nhí lại thò tay, hốt tiền vào túi, không quên chừa lại 1.000 đồng để làm… “mồi”. Hơn 11 giờ, thêm một “cái bang” nữa tên Minh Phụng xuất hiện. Và rồi người trên chợ, kẻ dưới chợ, đi xin… cú chót. Ông Minh Phụng vừa mua vừa xin mớ cá vụn, rau rác, làm một túi rồi ra cổng chợ, đón xe buýt về nhà trọ ở phường Nhơn Bình.

Những người hay đi tuyến xe buýt An Nhơn - Quy Nhơn, có lẽ chẳng lạ gì hình ảnh một bà cụ chống gậy lập cập, lúc xuống chợ Lớn (khi chợ chưa cháy), khi vào chợ Đầm, chợ Khu Sáu từ sớm. Tên bà là Trần Thị Y. ở Kim Châu (thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn). Mỗi sáng rời nhà, bà chỉ bọc trong người 3.000 đồng, vừa đúng tiền trả xe buýt. Bà chống gậy đi, chiếc lưng hơi còng đổ xuống đất, đến đâu cũng chìa cái nón mê. Chỉ trong buổi sáng, bà Y. đã kiếm không dưới 40.000 đồng. Bà kể, bà sống với con trai và ba đứa cháu nội đang đi học. Con trai bị đau dạ dày, không làm việc được, nên bà đi xin, phụ con dâu nuôi cháu. Bà chìa cho tôi cái chứng minh nhân dân đã cũ, nhưng vẫn rõ năm sinh là 1917, giải thích: “Bà có đem theo giấy đây. Lỡ có thu gom thì con lên nhận về”.

Ở Quy Nhơn, điểm hẹn của “cái bang” thường là ở các chợ, quán ăn hoặc “trung tâm” cà phê ở hai đường Phạm Hùng và Đô Đốc Bảo. Đa dạng về thành phần, từ người già, trẻ em, đến người tàn tật, người dân tộc thiểu số, và không ít người… khỏe mạnh. Nếu ở gần như Phú Tài, Tuy Phước, An Nhơn… thì ngày hai buổi, họ đi - về bằng xe buýt. Người ở tỉnh khác đến như Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Nam, Phú Yên… thì thuê nhà trọ ở Ga Quy Nhơn với giá 3.000-5.000 đồng/đêm, hoặc vất vưởng vỉa hè, nghĩa địa.

Cư dân uống cà phê ở đầu đường Phạm Hùng, Đô Đốc Bảo vẫn khá quen mặt hai nam hành khất, một già một trẻ, chuyên xin thuốc lá. Sáng sáng, họ dạo quanh các quán cà phê, thấy bàn ai có thuốc thì lại xin, rồi bỏ vào hộp thuốc lá lận theo. Số thuốc đó sẽ được đem ra bán rẻ cho những người bán thuốc lá lẻ. Lại có kiểu hành khất “cải thiện”, ngày ở nhà, chiều tối ra quán xin tiền, để sáng hôm sau làm cho… đủ bộ tô - ly - điếu.

 

Những đứa trẻ đang lang thang xin ăn ngoài chợ. Ảnh: Xuân Vinh

 

* Nhận diện “cao thủ”

Trong giới “cái bang”, không ít người do hoàn cảnh khó khăn, không còn ai nương tựa hoặc bị con cái hất hủi, phải ngửa nón xin hai bữa cơm độ nhật. Tuy nhiên, lại có kẻ xem đó là một “nghề” thực sự, sống dựa vào lòng hảo tâm của người khác. Ngày thường, chí ít họ cũng kiếm được bốn, năm chục ngàn đồng; rằm hoặc ngày lễ, Tết, có ngày được cả trăm ngàn.

Nguyễn Văn Trung, 30 tuổi, quê ở xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát), sau một tai nạn lao động, tổn thương cột sống, thành người tàn phế. Chán cảnh ở nhà ăn bám, Trung xuống Quy Nhơn ở trọ, bán vé số. Một lần ế ẩm, Trung ra chợ Đầm làm ăn xin. “Không ngờ vật vờ một buổi mà được những 80.000 đồng, bằng hai ngày bán vé số. Chị ăn xin kia nhiễu bọt mép, nằm sóng soài giữa chợ… được người ta cho nhiều gấp mấy lần tui. Sau mới biết, chị ta giả bộ thế…”- Trung kể.

Cụ bà Đỗ Thị M, trước chuyên xin ăn ở chợ Sân Bay nay đã được đưa lên Trung tâm BTXH tỉnh. Ảnh: Thu Hà

* Đề án “Thu gom người lang thang, cơ nhỡ xin ăn trên địa bàn tỉnh” được thực hiện từ năm 2003. Tùy theo từng trường hợp sẽ được đưa vào Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn, Trung tâm BTXH tỉnh hay cho gia đình bảo lãnh về địa phương. Tuy nhiên, sau mỗi chiến dịch thu gom, chờ thời gian tình hình im lắng thì “cái bang” lại “tái xuất giang hồ”. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng trong tỉnh đã tiến hành ba đợt, thu gom 79 người lang thang, cơ nhỡ trong và ngoài tỉnh. Qua điều tra và phân loại, ngành chức năng đã đưa 17 người vào Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn, 5 người vào Trung tâm BTXH, số còn lại được thân nhân bảo lãnh về địa phương.

Không ít lần cán bộ thu gom người lang thang, cơ nhỡ phát hiện một số người ăn xin giấu trong túi ba, bốn triệu đồng, thậm chí, mang theo cả vàng.

Cái bang thuộc hạng “lão làng” ở Quy Nhơn, có thể điểm qua một số tên như Minh Phụng, Bình nhí, Bình cụt tay, Hảo “chay mặn”… Hảo “chay mặn”, tức Trần Đình Hảo, nay “an cư” ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, cho biết: Tuy có nhà ở Tuy Phước, còn mẹ già, anh chị em, nhưng Hảo thích xuống Quy Nhơn “bôn tẩu giang hồ”. Dù đi xin, nhưng Hảo chuyên “chặt, chém” người đời bằng những lời phang ngang bổ ngửa. Một lần “bôn tẩu”, Hảo bị xe tông, đi hết cả hàm “tiền đạo” lẫn “hậu vệ”. Nhìn Hảo, tôi thấy giống nhân vật mà không ít người quen đã miêu tả: “Người đen thui, bụng thật to nhưng hai chân thiệt nhỏ. Sáng nào cũng làm tô phở, thuốc lá, uống vài chai bia rồi mới đi xin ăn”.

Minh Phụng (tên thật Nguyễn Đình Minh), quê gốc Quảng Trị, cụt một chân, lưu lạc vào Quy Nhơn đã lâu, “nổi tiếng” trong giới vì bị vợ là “bác thằng bần” hành hung. Ngày nào, thị cũng “khoán” cho chồng đi xin, không đủ, thể nào cũng bị mạt sát, đánh đuổi, không cho vào nhà. Không thể chịu đựng người vợ mê bài bạc đến mức lấy cả tiền giỗ cha để đánh bài, Minh Phụng bỏ vợ, sống với một người đàn bà khác, hiện đang thuê nhà sống chung ở phường Nhơn Bình. “Bây giờ tui đã có tuổi, phải lo giữ thân chứ, sống với mụ vợ ấy thì chẳng biết rồi sẽ đến đâu…”- ông nói. 

Ông Minh tự nhận, so với hai “đồng nghiệp” Bình nhí và Bình cụt tay, thì ông chẳng là “cái đinh rỉ” gì, vì lẽ họ nhà cửa đàng hoàng, có xe máy. Bình nhí có nhà ở dưới chân cầu Hà Thanh, đủ tiện nghi. Còn Bình cụt tay (tên thật là Nguyễn Văn Bình, ở Vĩnh Thạnh), thì nuôi con vào đại học, cao đẳng, nay đã tốt nghiệp ra làm giáo viên, bằng chính nghề hành khất của mình. Mới đây, ông Bình còn khoe là đã cho con chiếc xe máy “cáu cạnh” gần ba chục triệu.

Hôm tôi vào khu nhà trọ ở Ga Quy Nhơn hỏi thăm ông Bình, thì được bà chủ nhà cho biết: trời mưa to, không mần ăn được, nên ông đã về quê. “Con đã có công ăn việc làm, đi xin chi cho cực?”- tôi hỏi. “Nghe ông ấy nói còn có đứa đi học, lại mới vay tiền lo chỗ dạy cho con, nên cứ tiếp tục xin. Lao động ở quê thì làm gì nhiều tiền bằng đi xin”- bà chủ nhà đáp. Lần ông Bình bị thu gom mới đây, chính người con đang dạy học ở Ninh Thuận đã làm đơn xin bảo lãnh cho cha.

* Dấu lặng người già, trẻ con

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã thu gom được một cháu gái 11 tuổi đang ẵm cháu nhỏ vài tháng tuổi đi xin. Chị Đặng Thị Thủy ở xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) bảo lãnh xin về, nói: “Cháu lớn tên Lan Anh (11 tuổi) là cháu gái ruột, cháu nhỏ tên Thùy Linh (5 tháng tuổi) là con ruột của tôi. Vì giận chồng ngoại tình, nên bảy ngày trước, tôi mới bế con từ Biên Hòa (Đồng Nai) về Quy Nhơn. Ban ngày hai cháu đi xin, tối đến ba mẹ con ngủ ké trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh”- Thủy nói năng mạch lạc, như thể đã “quen bài”. Trước đó cả tháng, tôi đã gặp hai cháu bé này ẵm nhau đi xin trong đêm.

Năm 2007, trong số 14 người lang thang xin ăn “chuyên nghiệp”, bị thu gom từ lần thứ hai trở lên, thì hầu hết là người già. Nhiều cụ đi xin đã được đưa vào Trung tâm BTXH tỉnh, như cụ Lê Thị C. (An Nhơn), Lê Thị S. (Phù Cát), Đỗ Thị M. (Nhơn Bình, Quy Nhơn)… Họ đều có con, cháu, nhưng không hiểu vì sao, không ở nhà với con cái mà vẫn lang thang xin ăn?

Một nhân viên quản lý chợ Đầm nhận xét: “Trong số những người ăn xin, tôi biết có cụ bị con hất hủi, không nuôi dưỡng; lại có người, sáng nào con cháu cũng chở tới thả vào chợ xin, rồi đón về; có người nhà thiệt giàu, nhưng vẫn đi xin. Đâu phải người ăn xin nào cũng khổ cả đâu, có người sáng nào cũng tô-ly-điếu đàng hoàng, đi xe buýt, xích lô. Còn mình, lắm hôm chỉ dám ăn gói xôi no bụng rồi đi làm”.

  • Thu Hà

* Ông Nguyễn Trịnh, cán bộ phòng Chính sách Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) phụ trách chính thu gom các đối tượng xin ăn, cơ nhỡ nhận xét: “Khó khăn nhất là khi thu gom những đối tượng trẻ con, đồng bào người Chăm ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên). Họ đi theo từng nhóm, cả người lớn lẫn trẻ con. Xin được bao nhiêu thì cắt cử người đem về, còn thì ở lại. Có người khi bị thu gom, còn bày đặt “hối lộ” để được thả”.

* Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh: Từ năm 2003 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 29 trường hợp xin ăn, lang thang cơ nhỡ; trong đó nhiều người thuộc đối tượng xin ăn. Với những đối tượng này, họ vẫn có tư tưởng thích đi ra ngoài để “cải thiện kinh tế”, khi có cơ hội, họ lại trốn ra ngoài xin ăn, gây xáo trộn không ít đến sinh hoạt của các trại viên khác.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sống vui, sống khỏe để cuộc đời có ý nghĩa hơn  (27/10/2007)
Năng động Cát Khánh  (22/10/2007)
Tôi đã sống như Anh  (20/10/2007)
Đìu hiu Hội Vân  (15/10/2007)
Gặp gỡ 4 doanh nhân Bình Định tiêu biểu  (13/10/2007)
Du học ở Quy Nhơn  (08/10/2007)
Tôi thích cái mới và sự thách thức!  (06/10/2007)
Nóng bỏng cuộc chiến chống lâm tặc ở An Lão  (01/10/2007)
Thấy người hoạn nạn là thương  (29/09/2007)
Từ đại sư cờ tướng đến nữ doanh nhân   (25/09/2007)
Tiều phu tóc dài   (24/09/2007)
Treo đời bên vách đá  (17/09/2007)
Người con của “làng Cây Dừa”  (15/09/2007)
Một chuyến săn chình  (10/09/2007)
Điều quan trọng là làm được chút gì cho đời  (08/09/2007)