NHÀ VĂN, HỌA SĨ NGUYỄN THỊ CHÂU GIANG:
“Văn chương, hội họa là bản năng của tôi”
14:52', 3/11/ 2007 (GMT+7)

Nữ nhà văn, họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang đã nổi danh trên văn đàn, hội họa từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, ít người biết, nữ họa sĩ trẻ này lại là người gốc Bình Định. Một cuộc trò chuyện với họa sĩ Châu Giang.

 

Một góc triển lãm “Giấc mơ trong ngày của tôi” của họa sĩ Châu Giang diễn ra tại Mỹ.

 

* “Duyên nợ” nào đã đưa chị đến với con đường hoạt động nghệ thuật?

- Tôi thích vẽ từ năm 4 tuổi và bắt đầu ước mơ trở thành họa sĩ từ ngày đó. Đến năm 1993, tôi đậu thủ khoa Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Cứ thế, ước mơ ấy trong tôi ngày một lớn dần. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được đi du học tại L’ ecole des beaux arts ở Pháp…

Cũng trong năm học lớp 4, tôi tập tễnh viết vài truyện ngắn nhỏ. Ba tôi đọc thấy được, nên gửi báo. Sau khi được đăng, được mọi người đọc, chia sẻ và được nhận nhuận bút đầu tiên, tôi cảm thấy rất vui. Cứ thế, tôi tiếp tục viết. Dần dần, những tác phẩm của tôi được bạn đọc biết đến. Lớn lên, tôi theo luôn con đường văn chương, nhưng vẫn không bao giờ quên hội họa.

* Có lẽ thành công của chị hôm nay, là nhờ có sự động viên rất lớn từ người cha?

- Ba tôi vốn là một người rất thích hội họa, nhưng ông lại không có duyên với nó, nên đành đi theo con đường khoa học. Biết tôi thích vẽ từ hồi lên 6, ông rất mừng. Ông luôn khuyến khích tôi vẽ. Ông cũng chính là người phát hiện ra những truyện ngắn của tôi. Mà không chỉ có ba, mẹ tôi cũng luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi thực hiện những ước mơ của mình. Mẹ chính là nguồn cảm hứng trong các sáng tác của tôi. Bố mẹ đã cố dành dụm tiền để mua cho tôi những cây bút màu, cho tôi đi học ở Nhà Thiếu nhi Thành phố, xem những tác phẩm của tôi và đưa ra ý kiến đóng góp. Bố mẹ luôn mong ước tôi thành công. Mẹ cũng lo lắng cho tôi nhiều, vì mẹ sợ con gái mà đi theo con đường nghệ thuật thì sau này sẽ rất khổ.

* Viết và vẽ đã như một bản năng

Năm 1990, mới 15 tuổi, Nguyễn Thị Châu Giang đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi Sáng tác và bình luận văn học. Hai lần, Châu Giang được giải Nhất trong cuộc thi Hương đầu mùa (1993 và 1994). Cũng trong năm 1994, Châu Giang được nhận giải Tác phẩm Tuổi xanh… Rồi giải thưởng Cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi do NXB Trẻ tổ chức. Tiếp theo, trong Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng tổ chức, Nguyễn Thị Châu Giang lại được nhận giải nhờ truyện Tóc ngắn - một câu chuyện sinh động và đằm thắm về tuổi học trò.

Nhà văn, họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang. Ảnh: N.P

Nhà văn, họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang sinh năm 1975, tại Hà Nội, quê nội ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Tốt nghiệp Khoa Sơn dầu, Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 1993. Năm 1997: triển lãm cá nhân đầu tiên. Là một trong mười họa sĩ trẻ tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh năm 1997, 1999. Tham gia chương trình viết văn quốc tế từ tháng 8.1999 đến tháng 12.1999 tại Mỹ. Năm 2001, đoạt giải Nhất cuộc thi tranh “Ánh mắt trẻ” do Hội Mỹ thuật Việt Nam và Pháp tổ chức. Làm việc và học tại L’ ecole des beaux arts (Trường Mỹ thuật) ở Pháp từ năm 2001 đến năm 2002. Tham gia nhiều triển lãm tranh và đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân như: Những ngôi làng cổ (1997), Những gương mặt đến từ tương lai (2001), Vẻ đẹp của tôi trong tình yêu (2003), Giấc mơ trong ngày của tôi (2004). Xuất bản 13 tập truyện và tiểu thuyết. 4 kịch bản đã được dựng thành phim.

* Chị đến với hội họa từ nhỏ nhưng rồi lại được biết đến, trước tiên, trên lĩnh vực văn chương?

- Đúng vậy. Trước tiên, tôi được mọi người biết đến với vai trò là một nhà văn, bởi lẽ, hội họa đòi hỏi phải được đào tạo bài bản, phải có trường lớp, chứ một, hai ngày thì không làm được gì cả. Còn văn chương chỉ cần cảm xúc, cộng với chút năng khiếu là có thể viết được. Tôi lại là một người rất ít tâm sự với bạn bè, nên tôi muốn mượn văn chương để giãi bày những nỗi niềm đó. Còn với hội họa, tôi vẽ những gì tôi lo lắng, yêu thương và cả những điều đã có, đã mất. Bức tranh như tấm gương phản chiếu tâm hồn tôi…

* Cảm giác của chị khi viết xong một câu chuyện hay hoàn thành một bức tranh?

- Thật sự lúc ấy, tôi không còn cảm giác gì nữa. Tôi chỉ thấy một sự trống rỗng trong lòng, giống như một bầu rượu khi ta đã dốc cạn, ta phải đi tìm một bầu rượu khác. Và khi ấy, tôi lại phải loay hoay đi đâu đó để tìm đề tài mới cho các tác phẩm của mình.

* Nếu được phép chọn lựa trở lại từ đầu, chị có còn chọn con đường nghệ thuật không?

- Tôi vẫn chọn văn chương, hội họa, bởi tôi đã xem nó như bản năng của mình, như một phần không thể thiếu của cuộc đời tôi.

* Vậy đã bao giờ chị có cảm giác bế tắc trong sáng tác?

- Thật sự, có đôi lúc tôi cảm thấy rất nản lòng. Đó là khi đọc lại những trang viết hoặc xem lại những bức tranh không được như ý của mình. Ngay cả khi đối diện với các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong những bảo tàng lớn trên thế giới, tôi lại hoang mang, vì thấy mình như một hạt cát nhỏ giữa sa mạc bao la rộng lớn, như một ngọn gió không biết bay về đâu cả; và con đường trước mặt mình, sao mờ mịt đến thế. Những cảm giác đó đến trong tôi có thể là phút chốc, có thể lâu dài. Nhưng sau tất cả, tôi đã hít thật sâu vào, lấy lại cân bằng và đứng dậy bước đi tiếp trên con đường mà mình đã lựa chọn.

* Mái ấm của âm nhạc và mỹ thuật

Tổ ấm của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang và nghệ sĩ violon Tăng Thành Nam ở tận tầng 12 chung cư Khánh Hội (Q.4, TP. Hồ Chí Minh). Căn hộ của đôi vợ chồng âm nhạc và hội họa này đơn giản mà ấm áp. Họ đang chuẩn bị đón thành viên thứ tư của gia đình.

Một ngạc nhiên: hóa ra, không chỉ giỏi viết văn và vẽ, Châu Giang còn có tài về… nấu ăn. Chẳng thế mà chồng chị, nghệ sĩ violon Tăng Thành Nam, từng nhận xét: “Tài nghệ bếp núc của Giang là ngoại hạng. Chính vì vậy mà dù bận rộn thế nào mình cũng tranh thủ chạy về nhà ăn cơm với vợ con”…

* Hẳn chị rất yêu tổ ấm của mình. Vậy từ khi lập gia đình đến nay, những trang viết và những bức tranh của chị có gì mới không?

- Sau khi lập gia đình và có con, cuộc sống của tôi có nhiều thay đổi. Và nó đã kéo theo sự thay đổi trong cảm xúc sáng tác của tôi. Hỉ, nộ, ái, ố đến nhiều hơn; những va chạm, mâu thuẫn với cuộc sống cũng vì thế tăng lên. Không chỉ về nội dung, ngay cả phong cách sáng tác của tôi cũng đã thay đổi. Nhưng thật sự là lúc này, những trang viết, và nhất là tranh của tôi, đã có chiều sâu hơn, dù chúng hơi nặng nề đôi chút.

* Viết văn, lại làm thơ và vẽ, chắc điều đó sẽ ảnh hưởng không ít đến cuộc sống gia đình?

- May mắn với tôi là ông xã cũng hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật, nên hiểu và thông cảm cho tôi. Nhưng từ khi có gia đình, con cái, lại là một người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nên đôi lúc tôi cảm thấy thời gian như bị xé vụn ra. Thú thật, có đôi khi, do dồn tâm sức vào công việc, nên việc chăm sóc nhà cửa, con cái của tôi cũng không được chu toàn cho lắm.

 

Bức tranh lụa “Tuổi thanh xuân” của Châu Giang.

 

* “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”

* Đó là câu của Robert Rojdestvensky được chị trích ngay trong dòng đầu truyện ngắn “Chuyến tàu tuổi thơ” của chị. Ký ức tuổi thơ luôn ẩn hiện trên những trang văn, trong những nét vẽ của chị. Trong mảng ký ức ấy, hẳn có những kỷ niệm về quê nội: Bình Định?

- Tôi sinh ra ở Hà Nội và từ năm 8 tuổi thì theo bố mẹ vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống cho đến tận bây giờ, nên các sáng tác của tôi hầu như đều gắn với đời sống thành thị. Nhưng hồi nhỏ, trong các sáng tác của mình, cảm xúc của tôi lại gắn liền với hình ảnh của vùng quê Bình Định, với hình ảnh người bà thân yêu của tôi.

* Chị có thường về Bình Định hay dõi theo sự phát triển của quê hương không, thưa chị?

- Hồi nhỏ, tôi cũng thường theo bố mẹ về Bình Định để thăm ông bà và bà con, nhưng khoảng từ năm 1991 thì tôi ít về, phần vì bận bịu với công việc, phần vì cũng không còn bà con nào ở ngoài đó nữa. Nhưng dù gì, trong tôi vẫn có dòng máu của người Bình Định. Ba tôi là người Bình Định mà. Do điều kiện, tôi không thể về thăm quê của mình thường xuyên được, nhưng mỗi khi nghe thông tin nào đó về sự phát triển của Bình Định, hay một người Bình Định thành công trên bất cứ lĩnh vực nào, tôi luôn có cảm giác tự hào!

* Xin cảm ơn chị!

  • Nam Phương (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Theo bước “cái bang”  (29/10/2007)
Sống vui, sống khỏe để cuộc đời có ý nghĩa hơn  (27/10/2007)
Năng động Cát Khánh  (22/10/2007)
Tôi đã sống như Anh  (20/10/2007)
Đìu hiu Hội Vân  (15/10/2007)
Gặp gỡ 4 doanh nhân Bình Định tiêu biểu  (13/10/2007)
Du học ở Quy Nhơn  (08/10/2007)
Tôi thích cái mới và sự thách thức!  (06/10/2007)
Nóng bỏng cuộc chiến chống lâm tặc ở An Lão  (01/10/2007)
Thấy người hoạn nạn là thương  (29/09/2007)
Từ đại sư cờ tướng đến nữ doanh nhân   (25/09/2007)
Tiều phu tóc dài   (24/09/2007)
Treo đời bên vách đá  (17/09/2007)
Người con của “làng Cây Dừa”  (15/09/2007)
Một chuyến săn chình  (10/09/2007)