Nơi họ gắn bó không phải là mái nhà thân thương mà là bệnh viện vì người thân mắc bệnh nan y. Một ngày mới với họ là bao lo toan chất chứa nhưng khát vọng sống từng giây, từng phút luôn cháy bỏng...
|
Ông Huỳnh Tấn Sĩ và con trai trên giường bệnh.
|
* Kỷ lục buồn
Những ngày gần đây, khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh đột ngột tiếp nhận nhiều ca bệnh ngặt nghèo. Các y, bác sĩ của khoa ai cũng tất bật với việc chăm sóc, điều trị và sự lo lắng của họ như cũng nhiều thêm.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Tính dẫn tôi vào một phòng bệnh có tới 4 em nhỏ mà sự sống đang “chỉ mành treo chuông”. Đến phía cuối phòng, bác sĩ Tính chạnh lòng “trích ngang” cảnh ngộ của mẹ con chị Hồ Thị Thanh Hiền mà anh cho là một “kỷ lục buồn” trong số những người bệnh.
Chị Hiền già hơn so với tuổi 31 của mình. Từ ngày lập gia đình đến nay là quãng thời gian đầy sóng gió của chị. Là con gái làng quê lớn lên với ruộng đồng, 5 năm trước, chị Hiền về nhà chồng ở tổ 4, khối 1, thị trấn Bình Định (An Nhơn). Chồng chị là anh Võ Ngọc Thành, 40 tuổi, vốn không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê mướn gì thì đi làm kiếm gạo lần lữa qua ngày. Đứa con đầu lòng của anh chị là cháu Võ Ngọc Bảo không may bị bệnh xơ gan cổ chướng từ lúc mới sinh. Căn bệnh nan y này khiến sức khỏe của cháu Bảo suy sụp hoàn toàn.
Chị Hiền ôm chặt con vào lòng rưng rưng khi trò chuyện về những ngày xuôi Nam ngược Bắc lo chạy chữa cho con. Chị kể: “Mới sinh chừng một tháng thì bệnh tình cháu Bảo đã bộc phát, nằm viện liên tục từ đó đến nay. Chạy đôn chạy đáo đưa cháu đi điều trị ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn nhưng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, đành quay về Bình Định. Sức cùng lực kiệt, giờ chỉ biết trông dựa vào số phận. Bác sĩ bảo sẽ cố gắng hết sức để cháu qua được ngày nào hay ngày đó”.
Chị Hiền như đứt từng khúc ruột khi nhìn thân hình đứa con ngày một còm cõi. Đã 4 tuổi nhưng cháu Bảo co quắp, tứ chi teo nhỏ như đứa trẻ mới lên 2. Bụng cháu phình to, gân nổi chằng chịt xanh xao; đi đứng không được, tự ngồi một mình cũng không xong. Mọi hoạt động của Bảo đều phải nhờ sự đỡ nâng của mẹ. Nhiều người chặc lưỡi: “Sao đời cháu lại hẩm hiu đến thế!”. Tôi động viên chị Hiền “sinh thêm cháu nữa có lẽ sẽ vơi bớt nỗi buồn”, thì chị nói “tui sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Hai vợ chồng sợ sinh thêm con thì không có thời gian, sức khỏe, tiền bạc để lo cho cháu Bảo”.
|
Chị Hiền và con trai bị bệnh xơ gan cổ chướng.
|
Người phụ nữ bất hạnh này luôn bị ám ảnh bởi khái niệm thời gian. Chị sợ thời gian lạnh lùng trôi qua sẽ cướp đi sinh mạng đứa con máu thịt của chị. Một người hàng xóm của chị Hiền chia sẻ: “Không biết sao vợ chồng chúng nó lại lâm cảnh éo le vầy. Nếu ngay từ lúc đầu có điều kiện tiền nong để chạy chữa thì tính mạng cháu Bảo không đến mức nguy cấp như bây giờ.”...
* Khát vọng sống
Cũng tại khoa Nhi, nằm cạnh giường mẹ con chị Hiền là em Lê Đào Thông. Em Thông học lớp 9, trường THCS Phước Lộc, huyện Tuy Phước; là con út trong một gia đình có tới 10 người con đều làm nghề nông và công nhân. Cha mẹ em đã già, không còn sức lao động. Vốn là một học sinh ngoan hiền nên em Thông luôn được thầy cô, bạn bè quý mến. Em bị mắc căn bệnh ung thư máu quái ác trước nỗi bàng hoàng của mọi người. Nhập viện điều trị trong khi bệnh tình đã khá nặng nên da dẻ em nhợt nhạt. Bị thiếu máu trầm trọng, ngồi dậy là choáng váng, đi đứng không được, hầu như em chỉ nằm suốt ngày đêm.
Khi chúng tôi đến, anh Lê Đào Phước đang chăm nuôi em ruột kể: “Vừa mới truyền một bịch máu nên sắc mặt có tươi tỉnh đôi chút. Gia đình định chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế nhưng sức khỏe em Thông đang yếu, với lại tiền eo hẹp quá”. Khi được hỏi thích gì nhất, em Thông thều thào: “Em mong được khỏe để về nhà, sống với cha mẹ, đi học để đỡ nhớ thầy cô, bạn bè...”. Nói chưa dứt lời, mắt cậu bé rưng rưng nhòe ướt khuôn mặt thơ dại.
Rời khoa Nhi, tôi tìm đến khoa Hồi sức cấp cứu nội để tìm gặp em Huỳnh Tấn Cao Bằng, 16 tuổi, học lớp 11 trường THPT Phù Cát 1. Em nằm bất động trên giường bệnh, thở ngáp ôxy. Thân hình gầy sọm, hai mé xương sườn khoằn nhô lên cao. Ăn uống phải dùng ống bơm. Ông Huỳnh Tấn Sĩ (cha của Bằng) ngồi thất thần bên cạnh chăm con. Đôi mắt ông hốc hác sau nhiều đêm thức trắng.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán em bị hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh. Đây là một bệnh hiếm gặp, nếu ai không may mắc phải thì sẽ luôn đối mặt với bao khổ cực. Bệnh ở mức độ nặng sẽ dẫn đến liệt cơ hô hấp và cả tứ chi. Để có thể hồi phục phải mất thời gian điều trị từ 6 tháng đến 1 năm.
|
Gia đình chị Hồ Thị Thu Giang và con gái Nguyễn Hồ Như Yến (ngoài cùng bên phải) bị bệnh tim bẩm sinh.
|
Quãng thời gian nằm viện quá dài như đẩy gia đình ông Sỹ vào cảnh túng bấn. Vợ chồng ông Sỹ có 2 con, mưu sinh cũng nhờ ruộng đồng. Lúc nhàn rỗi, hai người tranh thủ làm bánh tráng để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Ông Sỹ tâm tình: “Cháu còn trẻ quá, lỡ có chuyện gì thì vợ chồng tui làm sao sống nổi. Gia sản trong nhà đã bán hết để lo cho cháu, nhưng không biết cầm cự được bao lâu”.
Mới đây tôi nhận được một lá thư thấm đẫm nước mắt của một bà mẹ nghèo ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát. Bà mẹ tên là Hồ Thị Thu Giang, có 3 đứa con. Đứa con gái đầu là em Nguyễn Hồ Như Yến, 9 tuổi, học lớp 3 đang sống thoi thóp vì bệnh tim bẩm sinh, có thể chết bất kỳ lúc nào. Viện Tim TP Hồ Chí Minh chỉ định phẫu thuật với chi phí lên đến 2.300 USD. Số tiền “khổng lồ” này vượt quá khả năng tài chính của gia đình chị Giang vốn lam lũ, khó nghèo.
Những nét chữ nguệch ngoạc của chị Giang chuyển tải thông điệp khẩn cầu từ thẳm sâu lòng mình: “Tôi có xem ti vi và Báo Bình Định, Báo Thanh Niên được biết có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ các em bé mắc bệnh nan y. Tôi mừng quá nên vội viết thư này để xin cứu giúp tính mạng đứa con tật nguyền. Lâu nay gia đình tôi sống qua ngày nhờ gánh ve chai. Không còn cách nào khác để lo cho cháu, vợ chồng tôi nhận đất trồng rừng để có cơ hội vay tiền nhằm đưa con đi chữa bệnh, nhưng người ta bảo chỉ được vay 3 triệu đồng trong vòng 7 năm. Chừng ấy tiền thì làm sao đủ chữa trị cho cháu. Tôi cầu mong các báo và xin các nhà hảo tâm thương tình cứu giúp...”.
Những gia đình bệnh nhân nghèo rất chật vật trong việc chống chọi với bệnh tật, mong giành lại sự sống. Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tâm giúp sức của cộng đồng để san sẻ nỗi cơ cùng của những gia cảnh khó nghèo là hết sức cần thiết. Đáng tiếc là cho đến nay, Bình Định vẫn chưa thành lập Hội tương trợ bệnh nhân nghèo. Có lẽ đã đến lúc chúng ta không thể chần chừ được nữa?
|