Cách đây 2 năm, nhà giáo Nguyễn Minh Hà, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã giành được học bổng toàn phần đào tạo thạc sĩ- chuyên ngành giảng dạy Tiếng Anh (TA) của Đại học Illinois (Mỹ). Dưới đây là cuộc trao đổi của PV Báo Bình Định với nhà giáo Nguyễn Minh Hà xung quanh chuyện dạy và học Tiếng Anh.
|
Thầy giáo Nguyễn Minh Hà - thời gian học cao học tại Mỹ. Ảnh: H.X
|
* Trong lúc việc ra nước ngoài học tập vẫn còn là điều xa vời đối với giáo viên trong tỉnh, anh quyết định sang Mỹ học cao học. Điều gì thôi thúc anh?
- Được học hỏi, mở mang kiến thức chuyên môn là một nhu cầu tự thân của mỗi nhà giáo đứng trên bục giảng, nhất là đối với giáo viên trường chuyên. Dạy cho đối tượng học sinh giỏi, người thầy càng không thể không “làm mới” mình. Và, năm 2005, tôi đã tham gia một cuộc thi tuyển “đầu vào” chương trình đào tạo sau đại học của Mỹ với 5 vòng thi loại rất khắt khe. Từ 1.000 ứng viên trong cả nước, chương trình đã chọn ra 30 người, trong đó có tôi, được nhận học bổng toàn phần đào tạo thạc sĩ tại Đại học Illinois (ở Tp Urban- Champaign).
* Và anh đã “gặt hái” được những gì ?
Tôi học được cách học, cách dạy mới- thiên về thực hành, vận dụng cái mình đã học hơn là lý thuyết suông. Một tuần, sinh viên chỉ phải lên lớp vài buổi, thời gian còn lại, phải tập nghiên cứu phương pháp dạy và tìm cái mới ở thư viện. Hệ thống thư viện ở đây rất tốt, tư liệu rất đầy đủ. Thư viện của Đại học Illinois có khoảng 16 triệu đầu sách và mỗi tuần có hơn 1 triệu lượt người truy cập vào hệ thống thư viện điện tử của trường.
Trong giờ thực hành, sinh viên được phân ra thành những nhóm làm việc. Chúng tôi tham gia vào rất nhiều hoạt động, ví dụ như vác camera, máy ghi âm ra ngoài cộng đồng để ghi hình và thu âm những mẩu đối thoại tự nhiên của đủ mọi tầng lớp, mọi hạng người trong những công việc, nghề nghiệp khác nhau và mang về phân tích, nghiên cứu… Sau đó, chúng tôi tổng kết những điều thu lượm được báo cáo cho giáo sư hướng dẫn. Giờ học trên lớp chính là những bài học giá trị nhất được đúc kết từ những nghiên cứu của sinh viên và ý kiến kết luận của giáo sư hướng dẫn...
Trước khi đi học, đôi khi tôi vẫn gặp phải những vấn đề hóc búa khi đứng trên bục giảng… Nhưng bây giờ, năng lực TA của tôi đã được nâng lên. Tôi nói TA tự nhiên hơn rất nhiều do được sống và học tập với những người bản ngữ và cũng rất tự tin về phương pháp giảng dạy, cách phát âm chuẩn; kiến thức về ngôn ngữ cũng được mở rộng hơn so với trước đây. Thường thì một số giáo viên rất khó chịu khi học trò đặt cho những câu hỏi khó do kiến thức của các em chưa thật vững vàng. Nhưng đối với tôi, trước những tình huống học trò đặt ra, tôi cảm thấy rất vui vì tạo ra được thách thức...
* Anh có nhận xét gì về việc học TA của học sinh (HS), SV hiện nay?
- HS Việt Nam, khi đã đầu tư TA để chuẩn bị đi du học, nói TA không tệ. Nhưng các em sử dụng một thứ TA khác rất nhiều với TA của dân Anh, dân Mỹ chính thống. Có nghĩa, các em nói TA không đủ tốt để giao tiếp với người nước ngoài. Trong học tập, HS thích lắng nghe thụ động hơn là tích cực làm việc một cách chủ động. Để khắc phục nhược điểm đó, trong chương trình dạy và học môn TA hiện nay, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu giáo viên phải ứng dụng phương pháp dạy học mới theo hướng để học sinh được học tập một cách tích cực, chủ động trên lớp. Bộ cũng đã quy định, phải dành 4 tiết/tháng để học sinh tham gia vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
* Thế nhưng, vẫn có rất nhiều những HS, SV của ta, học ngoại ngữ từ 7 đến 10 năm ởû trường phổ thông, ở đại học mà vẫn không thể nói được một câu TA trôi chảy?
- Điều quan trọng là mục tiêu học tập. Hiện nay, việc dạy TA ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung vẫn để phục vụ thi cử là chính. Học TA để đậu tốt nghiệp, đại học, chứ ít ai nghĩ đến dùng TA để phục vụ công việc của mình sau này. Mục tiêu học tập như vậy nên đã kéo theo cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh cũng như vậy.
Tôi đơn cử như ở Singapore hoặc Malaysia, khi học xong bậc trung học và qua nước ngoài học đại học, HS không phải lo lắng gì về TA nữa. Vì TA đã được trường phổ thông dạy cho để “dùng” rồi. Còn HS của ta, khi có hướng đi du học thì phải học thêm và đầu tư cho ngoại ngữ rất nhiều. Tại sao vậy? Bởi vì, thời lượng dạy TA cho HS dùng để giao tiếp trong trường phổ thông của ta hiện nay hầu như không có (dù trong phân phối chương trình vẫn có những tiết dạy nói, dạy nghe). Hầu hết thời gian ở trường, các em được tập trung rèn luyện kỹ năng ngữ pháp, tích lũy ngôn ngữ để… phục vụ kỳ thi. Giáo viên cũng phải theo định hướng thi cử mà dạy nếu không muốn học sinh của mình thi trượt tốt nghiệp, đại học, nên cũng không thể dạy khác được. Tôi cho rằng, nếu giáo viên thoát ly được những “ràng buộc” này thì họ có thể dạy TA khá tốt trên phương diện rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh.
Là học sinh, tôi cũng đã từng ước ao được học những cô giáo, thầy giáo giỏi. Thế nhưng, trong số mười mấy ngàn giáo viên của tỉnh, giáo viên giỏi chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn, bởi nghề dạy học có những đòi hỏi thật khắt khe. Ngoài năng lực nội tại của mỗi giáo viên, sự rèn luyện mỗi ngày là không thể thiếu…
|
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong ngày khai giảng. Ảnh: Q.H
|
* Anh nghĩ gì về mối quan hệ giữa người dạy và người học?
- Nếu không yêu thích môn ngoại ngữ và coi việc đi dạy không thể tách rời với cái tâm ham học, ham hiểu biết và bằng mọi cách đưa cái hiểu biết đến học trò của mình, tôi không thể dạy được. Còn khi lên lớp, tôi luôn đứng ở vị trí của HS chứ không phải vị trí của người thầy để nhìn ra vấn đề từ HS. Có lần, một HS hỏi tôi về một vấn đề trong cấu trúc câu TA. Nếu chỉ đứng ở vị trí người thầy, tôi sẽ rất bực: HS trường chuyên mà lại đặt câu hỏi “ngớ ngẩn” đó. Nhưng khi đứng ở vị trí của một HS, tôi sẽ nghĩ khác: tại sao HS lại đặt ra vấn đề đó? Tại sao lại bị mắc lỗi đó? À thì ra, lâu nay HS vẫn nghĩ kiến thức đó là đúng trong khi nó vốn không đúng... Hiểu được ngọn nguồn vấn đề, tôi sẽ giúp các em giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả hơn.
* Để trở thành một nhà giáo giỏi, ở anh, có bao nhiêu phần trăm là năng khiếu, bao nhiêu phần trăm là sự rèn luyện?
Nhà giáo, Th.S Nguyễn Minh Hà, sinh năm 1967.
Tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng năm 1990, về giảng dạy tại Trường THPT số 1 Tuy Phước; năm 1997, đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Năm 2000, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được thành lập, thầy Hà là 1/8 giáo viên đầu tiên được Sở GD-ĐT điều động về dạy tại trường chuyên và đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Năm 2005, nhận học bổng toàn phần đào tạo thạc sĩ tại Đại học Illinois- Mỹ với kết quả tốt nghiệp đạt loại ưu (điểm TB: 3.86/4.00). |
- Tôi không biết mình có bao nhiêu phần trăm là năng khiếu nhưng lòng say mê học TA đã có từ rất lâu, khi tôi còn học trung học. Đi đâu, thấy TA tôi cũng thích tò mò, đọc và dịch sang tiếng Việt. Để có một giờ dạy chất lượng là cả một quá trình đầu tư, tích lũy dày đặc của giáo viên. Trước đây, tôi có may mắn được Sở GD-ĐT cử tham gia cùng các nhóm tình nguyện viên Tân Tây Lan bồi dưỡng cho giáo viên TA trong tỉnh. Trong quá trình cùng làm việc, tôi luôn để ý từng ly, từng tí đến cách dạy của họ và đã học hỏi được rất nhiều…
* Anh có nhận xét gì về các đồng nghiệp dạy TA ở tỉnh ta?
- Trong quá trình tham gia cùng các chuyên gia Tân Tây Lan như đã nói ở trên cũng như khi được làm việc trong Dự án đào tạo giáo viên TA của Hội đồng Anh, tôi thường xuyên được về các trường phổ thông trong tỉnh nên đã quen biết rất nhiều giáo viên, hiểu cả năng lực, sở trường chuyên môn của họ. Tôi cho rằng, đội ngũ giáo viên TA của tỉnh ta hiện nay khá vững vàng. Thế nhưng, rất ít người có được suy nghĩ phải vươn ra nước ngoài học tập, phải lấy được bằng cấp ở nước ngoài. Tại sao vậy? Giáo viên Bình Định hoàn toàn có thể lấy được bằng cấp ở nước ngoài, nhưng do chưa có tiền lệ... Quyết tâm ra nước ngoài học tập lần này, tôi cũng mong muốn và hy vọng sẽ là người mở đường cho mọi người cùng tiến đến mục tiêu đó.
* Cảm ơn anh!
|