Ngày mai (13.11), một công trình kinh doanh mang tính mỹ thuật được xây dựng ngay trong Khu di tích danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng, nhà hàng Hoàng Hậu, sẽ được khai trương hoạt động. Như vậy, từ ngày Khu di tích Ghềnh Ráng được chuyển giao cho Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quy Nhơn (tháng 3.2005), lần đầu tiên một hạng mục công trình được xây dựng hoàn thành trong một loạt các hạng mục có trong dự án đầu tư...
Trải bao cuộc “kết duyên”, “nàng tiên Ghềnh Ráng” vẫn chưa thực sự bừng thức...
|
Khuôn viên mộ Hàn Mặc Tử sẽ được tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
Tôi có đông bạn bè ở khắp trong Nam ngoài Bắc và mỗi lần có ai đó ghé về Bình Định, tôi lại “xung phong” đưa đi ngao du thắng cảnh quê hương. Nếu bạn tôi không đủ thời gian chờ đợi một chuyến du trăng trên Đầm Thị Nại, tôi thường “lữ hành” cùng bạn về hướng Ghềnh Ráng – Quy Hòa. Bởi nó chỉ cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng 2 km và thực sự là đệ nhất thắng cảnh của Bình Định.
* Bước ra từ huyền thoại
Nằm dưới chân núi Xuân Vân, Ghềnh Ráng là sự hợp thành của những bãi đá nối tiếp nhau, uốn lượn theo đường cong của eo núi. Sự xâm thực của thiên nhiên, sự mài mòn của sóng biển đã phô bày những khối đá khổng lồ nằm chồng chất lên nhau, tạo ra những hang hốc, hình thù cổ quái, sinh động. Hòn Chồng ở Ghềnh Ráng là một tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên đặc sắc bởi chỉ gá vào nhau một cách “chỏng chơ”, tưởng chỉ một cơn gió thoảng đã ngã đổ vậy mà nó đã sừng sững cùng phong ba, tuế nguyệt. Rồi bãi Đá Trứng với những viên đá tròn nhẵn như một sự xếp đặt lạ kỳ của thiên nhiên...
Ghềnh Ráng quả là một bức tranh thủy mặc sống động. Ở đây, bạn có thể đứng trên núi để chân mình chạm vào sóng biển, có thể nghe tiếng sóng hòa trong tiếng chim ca. Thế mới biết chẳng phải ngẫu nhiên mà vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến là Bảo Đại đã chọn nơi đây xây lầu làm nơi vui chơi, nghỉ mát mỗi lần kinh lý... Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà thân quyến nhà thơ Hàn Mặc Tử lại chọn nơi đây làm nơi yên nghỉ nghìn thu cho người...
Chưa đủ. Danh thắng Ghềnh Ráng còn bàng bạc trong sương núi một truyền thuyết tình yêu đẫm đầy nước mắt.
|
Bãi đá trứng - sự xếp đặt kỳ thú của thiên nhiên. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
Chuyện rằng: Ngày xưa ở Bồng Sơn có một cô gái “sắc nước hương trời” yêu một chàng trai làng nhưng quan huyện ép phải lấy quan. Nàng quyết cùng người mình yêu lánh nạn vào Gò Găng. Nhưng nhan sắc của nàng một lần nữa lại đày ải cuộc đời nàng. Quan tổng đốc muốn chiếm đoạt nàng đã bắt người yêu nàng đi lính ra biên ải, còn nàng hoặc lấy quan hoặc mỗi tháng phải nộp mười cân yến sào. Chung thủy với người mình yêu, nàng quyết vượt biển ra hoang đảo để tìm tổ yến và đã gặp chàng trên đường trốn về. Nghe bày tỏ ngọn ngành, chàng bèn đi tìm tổ yến thay nàng. Chia tay, nàng trao chàng chiếc nón Gò Găng.
Năm 2006 Khu du lịch Ghềnh Ráng thu hút 191.859 lượt người tham quan, doanh thu từ vé là 1.113 triệu đồng; 10 tháng của năm 2007 thu hút 144.955 lượt người tham quan, doanh thu từ vé là 836 triệu đồng. |
Nhưng rồi đến hạn nộp yến mà chàng vẫn biệt tăm, nàng buộc phải bỏ trốn, đến núi Vũng Chua thì quân lính đuổi kịp. Bỗng dưng sấm chớp bão bùng, núi nứt một khe lớn và nàng vụt biến. Khi trời quang mây tạnh, đã thấy một dòng suối mát vắt vẻo mà người đời vẫn gọi suối Tiên. Còn chàng trai, sau khi tìm được yến sào, trên đường trở về gặp sóng to gió cả, thuyền lật, yến trôi vào biển xanh, chàng ôm chiếc nón Gò Găng bơi được vào bờ. Nhìn lên Ghềnh Ráng thấy ẩn hiện bóng người yêu, chàng vội đuổi theo nhưng rồi vô vọng. Mỹ danh Ghềnh Ráng Tiên Sa có từ độ ấy!
* Phế và hưng
Trước giải phóng, Ghềnh Ráng là một căn cứ quân sự của chính quyền Sài Gòn. Những năm đầu giải phóng, nơi đây hoang vu không một bóng người bởi kẽm gai và bom mìn dày đặc. Năm 1978 một cán bộ hưu trí tên Võ Xuân Đài đã bằng sức lao động của mình khai phá Ghềnh Ráng với ý tưởng ban đầu là trồng cây ăn trái. Nhưng rồi qua khai phá, vẻ đẹp Ghềnh Ráng lộ dần ra. Những phù điêu mặt người, sư tử đá, tượng vọng phu, đền tiên nữ... dần dà xuất hiện đã thu hút dấu chân người về thưởng ngoạn Ghềnh Ráng. Ông Võ Xuân Đài đã biến ý tưởng khai hoang trồng cây ở Ghềnh Ráng thành ý tưởng kinh doanh du lịch. Ông bắt đầu cho phá đá mở đường, đặt tên cho Ghềnh Ráng là Khu du lịch Đài Xuân và bán vé cho khách đến tham quan. Thời ấy, đường Quy Nhơn – Sông Cầu chưa mở, chỗ vui chơi còn hiếm nên Khu du lịch Đài Xuân tưng bừng hút khách.
|
Hòn Chồng tưởng “chỏng chơ” nhưng đã trơ gan bao năm cùng tuế nguyệt. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
Dẫu từ năm 1991, Bộ VHTT đã ra quyết định số 2009/QĐ xếp hạng Ghềnh Ráng là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia song chính quyền đã không ngăn nổi tình trạng ồ ạt lấn chiếm đất cất nhà trái phép quanh khu di tích Ghềnh Ráng. Đến trước khi giải tỏa dứt điểm, cả khu có đến 42 ngôi nhà lấn chiếm trái phép...
Du lịch tự phát ở Ghềnh Ráng đã xảy ra nhiều chuyện ngậm ngùi. Cái chết của một nữ sinh viên trong một ngày mưa to gió lớn kéo theo hành động anh hùng của một nam sinh viên và một chiến sĩ quân đội mà kết cục là cả ba cùng bị ghềnh đá và sóng dữ dập vùi. Rồi chuyện nhà ông Võ Xuân Đài phải đi hầu tòa vì để gái mại dâm hoạt động trong các khu nhà nghỉ...
Năm 1998, theo yêu cầu của UBND tỉnh và cũng vì quá mệt mỏi do tuổi tác, ông Võ Xuân Đài đã trả Ghềnh Ráng lại cho tỉnh sau khi nhận vài trăm triệu đồng đền bù. Một cuộc “kết duyên” mới giữa Ghềnh Ráng và Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn (CVCX&CSĐT). Ròng rã bảy năm trời, Công ty CVCX&CSĐT đã giúp cho gương mặt của Ghềnh Ráng quang quẻ hơn bằng con đường bê tông chạy dài từ chân dốc Mộng Cầm vào đến bãi Quy Hòa cùng với hệ thống đèn chiếu sáng. Mộ Hàn Mặc Tử cũng được men hóa cùng với việc trồng cây xanh, trồng rừng và cải tạo hệ thống đường nội bộ.
Tháng 3.2005, Ghềnh Ráng lại có một cuộc “kết duyên” mới với Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quy Nhơn với một định hướng tương lai hứa hẹn ngời sáng. Để tiếp quản cả khu đồi Xuân Vân gồm 168 ha này, Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quy Nhơn đã phải chi phí “đền bù” khoảng 10 tỉ đồng. Theo dự án, Khu du lịch Ghềnh Ráng sẽ được đầu tư với tổng số vốn lên đến 55,418 tỉ đồng gồm 8 hạng mục: khu trung tâm, pool-bar, nhà nghỉ liên kế, bungalow, dinh Bảo Đại, nhà kỹ thuật, nhà vệ sinh lái xe, hạ tầng kỹ thuật. Quy mô đầu tư dự kiến trên 168 ha (cả khu đồi Xuân Vân) trong đó giai đoạn 1 sẽ đầu tư trên diện tích 12 ha chia làm 2 khu: khu di tích thắng cảnh, vui chơi, giải trí gồm: Dinh Bảo Đại, mộ Hàn Mặc Tử, nhà tưởng niệm, quầy giải khát, nhà bình thơ, đồi thi nhân, sân vườn và khu nhà nghỉ mát gồm 79 phòng.
|
Du khách đến Ghềnh Ráng ngày càng đông. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
Tuy nhiên, không được như mong đợi, qua 2 năm rưỡi được chăm sóc bởi người chủ mới này, “nàng tiên Ghềnh Ráng” vẫn chưa thật sự bật thức. Cảnh quan của Ghềnh Ráng giờ đây có tươi đẹp hơn qua việc xuất hiện những đồi cỏ, vườn cây được trồng mới, xén tỉa xinh đẹp cùng với việc xây dựng nhà hàng Hoàng Hậu (không có trong dự án) với tổng vốn đầu tư 3,8 tỉ đồng (thực chất là để giữ đất cho mục đích lâu dài)... là quá ít ỏi. Tiến độ xây dựng cho Ghềnh Ráng chậm chạp như vậy không thể không khiến người ta nghĩ đến năng lực của chủ đầu tư.
Và như vậy công cuộc khai thác di tích Ghềnh Ráng với mục tiêu “tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, liên kết thành tour du lịch của tỉnh vào hệ thống du lịch cả nước” như đề án đặt ra xem ra còn quá xa xôi...
|