Năm cơn lũ liên tiếp ập xuống miền Trung. Thiệt hại về người và của ở Bình Định là rất lớn. Lũ rút, chúng tôi lên đường theo chân các đoàn cứu trợ...
* Lũ đi qua, còn lại...…
Sau đợt lũ thứ năm, con đường độc đạo từ làng Kà Bưng lên hai làng Hà Văn Trên, Cà Te, xã Canh Thuận rồi lên “cổng trời” Canh Liên (Vân Canh) bị cắt đứt hoàn toàn. Nước đã “gặm” vào ba phần tư mặt đường làm thành hào sâu đến năm mét; đường chỉ còn đủ chỗ cho một chiếc xe máy lăn qua.
|
Các bác sĩ khám và phát thuốc cho bà con dân tộc thiểu số làng Cà Bưng (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh).Ảnh: T.Hà |
Sáng 17.11, nhân lúc trời tạnh, vợ chồng con cái anh Chăm So Vữa ở làng Hà Lũy (xã Canh Thuận) dắt díu nhau đi xem ruộng của mình. Chỉ tay xuống rẫy mì, anh Vữa than: “Hết rồi cô ơi. Vợ chồng có 9 sào ruộng thì đã bị sa bồi từ đợt lũ trước. Cơn lũ này về quật nát nửa đám mì, nửa còn lại bị thối vì úng nước. 4 triệu đồng đầu tư vào đây coi như đổ sông đổ bể”.
Trên những ruộng mì khác, nông dân đang tranh thủ bòn những củ mì còn sót lại trước khi một cơn lũ nữa ập đến. Tháng chạp, tháng giêng mới là mùa thu hoạch mì cao sản… nhưng thời tiết thế này không thể chờ đợi hơn. “Thu hoạch non, chữ bột ít, nhà máy mua giá thấp hơn. Của đổ ra mười, thu lại chừng năm”- anh Lan Ngọc Trúc ở thị trấn Vân Canh nói.
Cho đến nay, nhiều người dân vùng lũ vẫn lặn lội, nhặt nhạnh hòng vớt vát ít nhiều phần tài sản, nông sản của mình đã bị lũ cuốn trôi. Trận lụt vừa qua đã cuốn trôi của vợ chồng cụ Nguyễn Minh Châu, 74 tuổi, thôn Hội An, xã Ân Thạnh (Hoài Ân) gần 3 sào rưỡi chuối và đu đủ. Cụ bảo, lúa dù đã thu hoạch được nhưng có cũng như không vì bị hư hỏng đến nỗi bán làm thức ăn cho vịt ăn cũng chẳng ai mua”.
|
Ông Lê Văn Định - Giám đốc Bảo Việt Bình Định - trao quà cứu trợ lũ lụt cho người dân xã Ân Tường Đông (Hoài Ân). Ảnh: N.S |
* Chia sẻ
Trong các đợt lũ vừa rồi, cả tỉnh có 31 người chết, trong đó Tuy Phước là địa phương có đến 14 người bị thiệt mạng. Có những cái chết đầy thương tâm: một người đàn ông thả lưới bắt cá bị nước cuốn; một cháu bé 2 tuổi sẩy chân rớt xuống nước; một người chở giúp sản phụ trở dạ đi sinh bị nước cuốn… Cả tuần nay, bà con ở thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu (Hoài Ân) vẫn dầm mình trong dòng nước lũ để tìm xác em Nguyễn Văn Thìn, 17 tuổi bị nước cuốn trôi trên đường đi học về.
Người mẹ vẫn không thể chấp nhận được sự thật phũ phàng. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà khăng khăng: “Nó bơi giỏi lắm mà! Năm ngoái, nó còn cứu người trong thôn khỏi chết đuối. Nó hứa khi nào học xong THPT sẽ đi làm kiếm tiền lo cho gia đình chứ để gia đình ở trong diện hộ nghèo hoài coi sao được”…
Ở Hoài Ân, trận lụt thứ 4 lớn nhất trong số 5 trận lụt. Những di tích của cơn lụt còn hằn lên tường nhà, trên cột điện ven đường có chiều cao cả mét tính từ mặt đất. Thiệt hại nhiều nhất phải kể đến các xã: Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín, Ân Thạnh. Đường về xã Ân Tường Đông, điểm đến đầu tiên của đoàn cứu trợ, lầy lội và gập ghềnh bởi nước và đầy rẫy những “ổ khủng long”. Nhiều người dân đã có mặt tại trụ sở UBND xã từ 7 giờ sáng để chờ đoàn cứu trợ, bất chấp mưa lạnh.
Cũng như hoàn cảnh những người dân được chọn để nhận quà cứu trợ, trận lụt thứ 4 vừa qua đã làm gia đình bà Nghiêm Thị Lan, 66 tuổi (thôn Tân Thành, Ân Tường Đông) thiệt hại đáng kể. Nước trong nhà ngập gần lút đầu, bà Lan cùng gia đình phải sơ tán đến những ngôi nhà cất trên gò cao. Kể lại, bà Lan vẫn còn nhớ như in cái cảm giác ăn mì tôm thay cơm: “Chu cha, nó thèm cơm cái cách gì!”. Và, không khỏi âu lo: “Nhà nông mà, gạo mắm, giỗ quảy đều trông vào mấy sào ruộng. Mọi năm, có khi đủ ăn, có khi không, huống chi...”. Nỗi lo của bà Lan cũng chính là nỗi lo chung của người dân trong vùng lũ lụt khi thóc giống không còn, nhà cửa bị hư hại, ruộng bị sa bồi thủy phá...
|
Anh Đinh Tung Hoành - cán bộ Thành đoàn TP. HCM tặng quà cho người dân ở xã Cát Chánh, Phù Cát. Ảnh: Hải Yến |
Cảnh bà con kiên nhẫn đứng chờ nhận hàng cứu trợ tại trụ sở UBND xã Ân Thạnh đã thôi thúc các thành viên trong đoàn nhanh tay chuyển hàng từ xe xuống. Những nếp nhăn dường như đang giãn ra, nụ cười cũng đã nở trên gương mặt những người được nhận quà. Chỉ là chục cân gạo, thùng mì tôm và gói bột ngọt nhưng có lẽ họ đang cảm nhận điều ý nghĩa hơn đến với mình, như lời tóm gọn của ông Nguyễn Đình Vinh, Giám đốc Bảo Việt Nhân thọ Bình Định, đại diện nhà tài trợ, phát biểu: đồng cảm và chia sẻ!
Một ngày sau trận lụt thứ năm, có một phụ nữ tuổi trung niên tìm đến Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Bà nói ngắn gọn rằng nhóm của bà quyên góp được 30 triệu đồng, và muốn thông qua Hội để tặng cho bà con vùng lũ. Bà hỏi người dân ở đâu chịu thiệt hại nặng nhất, cách thức để hỗ trợ sao cho hiệu quả. Bà nhất định không cho biết danh tính. Gặng hỏi mãi, bà cho biết thêm vài điều: nhóm của bà làm từ thiện đã lâu, gồm những người làm nghề buôn bán. Và mỗi khi có chuyện gì không may xảy ra với cộng đồng thì họ không ngại ngần san sẻ yêu thương.
Chính vì đã có những tấm lòng như thế nên từ cuối tháng 10, đặc biệt là đầu tháng 11 đến nay, hầu như ngày nào lịch làm việc của Ủy ban MTTQVN tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Tỉnh đoàn Bình Định… cũng có nội dung liên quan đến lũ lụt, không đi cứu trợ, giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt thì cũng tiếp nhận hàng cứu trợ, đón tiếp các tổ chức, nhà hảo tâm đến quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ, trong đó có những người con Bình Định xa xứ. Tất cả đã sẵn sàng cho những chuyến đi về với đồng bào đang chịu mất mát vì thiên tai. “Tâm điểm” được nhắc đến khá nhiều là Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Nhơn. Ở đó, có những cảnh đời đang khát khao hơi ấm tình người trong cơn hoạn nạn.
|
Nông dân xã Canh Thuận, huyện Vân Canh đang nhặt nhạnh và thu hoạch mì sớm sau đợt lũ thứ 5 vừa qua. Ảnh: Thu Hà |
* Tình người trong lũ
Trong những chuyến đi về với bà con vùng lũ, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện ngoài lề, gợi nhiều suy nghĩ.
Ấy là câu chuyện cứu người dũng cảm đầy cảm động của những “hai lúa” vùng rốn lũ Tuy Phước. Hai ông Nguyễn Văn Lãnh và Võ Thanh Nghiêm (Phước Thuận) vật lộn trong nước lũ chảy xiết để cứu người. Họ không những không nhận tiền “hậu tạ” mà còn dùng sõng đưa nạn nhân về nhà an toàn. Hay một thanh niên Lê Hữu Phát (Phước Nghĩa) cưới vợ chưa tròn hai tháng vì chở giúp sản phụ đang trở dạ ngay trong mùa lụt mà bị nước cuốn đi mất. Hẳn khi đưa người qua sông, anh đã tạm quên đi người vợ trẻ, đến hiểm nguy rình rập mà chỉ nghĩ đến cháu bé sắp ra đời trong hoàn cảnh đáng thương…
Rồi đến chuyện của người dân thôn Tư Cung, xã Phước Thắng (Tuy Phước): nhà của chị Thúy, chị Thắm bị sập hoàn toàn, không chốn nương thân, gia đình các chị đã được những người hàng xóm cưu mang cho ở nhờ, góp gạo, rau, mắm... giúp các chị sống qua ngày. Chị Hứa Thị Thắm bật khóc: “Nhờ tấm lòng của xóm làng mà tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này, dù ai cũng đều bị thiệt hại nặng nề”.
Thường thường hàng cứu trợ được chia thành từng suất, mỗi suất hỗ trợ cho một hộ gia đình nhưng ở Hoài Ân vì quá nhiều người bị thiệt hại trong khi hàng cứu trợ lại có hạn, nên đã có những nơi mà chính quyền địa phương và người dân thống nhất “linh động” san sẻ hàng cứu trợ. Một suất hàng cứu trợ được chia cho 2 hộ. Dĩ nhiên, lúc nhận, các nhà tài trợ không hề biết chuyện này, chỉ có con tim của những người trong cuộc mới cảm nhận rõ nhất cái câu “rách lành đùm bọc”.
Người dân Bình Định đã vượt qua hậu quả của cơn lũ lịch sử 1999 bằng nghị lực, quyết tâm của chính mình và nhờ những tấm lòng chia sẻ như vậy. Và trong đợt lũ 2007 này, cũng vẫn sẽ như vậy!
|