Từ cậu bé làm thuê đến vị giáo sư hóa học nổi tiếng
9:10', 24/11/ 2007 (GMT+7)

Một cậu bé quê Bình Định, 11 tuổi, theo gia đình vào Sài Gòn, rồi sau này sang Mỹ, trở thành một trong những vị GS-TS hóa học nổi tiếng thế giới, mới đây, lại nhận lời tham gia thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán TP. Hồ Chí Minh. Cậu bé ấy là GS-TS Trương Nguyện Thành, năm nay 46 tuổi, hiện là GS Đại học Utah (Mỹ).

* Thời thơ ấu gian khó

* Lớn lên ở Bình Định. Ký ức nào về quê nhà khiến ông nhớ nhất? 

- Tôi vốn sinh ra ở Quy Nhơn, nhưng sau đó, theo ba mẹ vào Gò Vấp (Sài Gòn) vì ba tôi phải vào đó làm việc. Năm 4 tuổi, tôi về sống với nội ở Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Tôi nhớ mãi lần tôi lần đầu đặt chân đến Bồng Sơn. Tôi đi xe đò, xuống xe, theo một xe đạp thồ về nhà nội - một ngôi nhà ngói đỏ, giữa vườn dừa, cách sông Lại Giang chừng nửa cây số. Nửa tiếng sau, lúc tôi đang ngồi chơi ở vỉa hè, thì có một ông già cao lớn, dẫn xe đạp đi vào, tay ông cầm một cái gói gì đó. Ông nhìn tôi cười và hỏi: “Con về lâu chưa?”. Rồi ông ngồi lên vỉa hè, mở cái gói vải trong tay. Ông nói: “Nội đi cúng nhà người ta, đem vài món về cho con. Nội chắc con đói lắm!”.

 

GS-TS Trương Nguyện Thành (trái) và TS Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: VNN

 

Tôi thấy nội mang ra, nào bánh thuẫn, xôi dừa và tôi ăn rất ngon lành. Đó cũng là hai món đặc sản Bình Định mà tôi được thưởng thức đầu tiên. Đến giờ, trao đổi với anh, tôi vẫn còn như thoảng thấy hương vị của nó. Một món ăn Bình Định khác mà tôi cũng không thể quên là bánh dây, hình như món này chỉ Hoài Nhơn mới có…

* Quê nội để lại dấu ấn gì sâu đậm nhất trong ông?

- Dấu ấn lớn nhất là nội tôi. Có thể nói, nội là người có ảnh hưởng lớn nhất đến con đường sự nghiệp, những suy tư cũng như con người tôi hôm nay. Những lời dạy của nội, từ cách suy nghĩ, cách nhìn đời, cách cư xử, cả cách đối diện với thử thách ở đời, tuy đơn giản, nhưng thâm thúy, tôi vẫn nhớ và thực hiện đến giờ. Nhớ về nội là nhớ về quê nội, nơi chứa rất nhiều kỷ niệm đẹp và ảnh hưởng lớn đến con người của tôi.

* Hình như, quãng đời sau đó của ông lại đầy gian khó?

- Đó là năm 11 tuổi, tôi rời Bình Định vào Sài Gòn. Ngày ấy, ba tôi lâm bệnh, bị liệt bán thân. Trong khi ba lại là người nuôi cả gia đình. Gia đình tôi do đó suy sụp nhanh chóng. Tôi phải đi bán thuốc lá ở chợ Gò Vấp, cạnh bến xe lam, từ năm 11 tuổi. Đến năm 16 tuổi, gia đình tôi về quê ngoại ở Lái Thiêu (Bình Dương). Tôi mua một miếng ruộng nhỏ với hai con trâu con, tập cày để đi cày mướn, nuôi sáu người em. Tất cả những gì về nghề nông từ cày, bừa, rồi cắt, gặt, đập lúa hay trồng khoai, bắt cá… tôi đều làm được hết…

 

* “Không bao giờ bỏ cuộc”

* Ai là người đã hướng ông, từ một cậu bé làm thuê, đến một nhà trí thức?

- Là thầy tôi. Thực ra, thầy của tôi thì nhiều lắm, nhưng có vài người ảnh hưởng lớn đến tôi. Đầu tiên là một thầy dạy toán ở Trường Trung học Lái Thiêu, tên là thầy Đỗ (nay thầy là giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh). Ngày đó, do bận cày thuê, nên tôi rất biếng học. Tôi còn nhớ, năm 1979, năm đầu tiên tổ chức thi Học sinh giỏi Toán toàn quốc, thầy Đỗ đưa ra vài bài toán mẹo cho cả lớp làm. Các trò giỏi đều thử, nhưng không ai giải được. Lúc ấy, tôi đưa tay phát biểu: “Mấy bạn giỏi đều không làm được. Vậy không biết thầy có muốn nghe ý kiến của trò dở không?”.

Thầy bảo, cứ thử đi. Tôi nói: “Nếu mà có một định luật… và thêm vào đó, nếu ta có thể chứng minh rằng… thì bài toán sẽ giải được”. Thầy hỏi: “Vậy đó là định luật gì?”. Tôi trả lời: “Nếu em biết định luật đó là gì thì em đã là học sinh giỏi rồi”.

Sau đó, thầy gặp riêng tôi và hỏi: “Em có vẻ thông minh, nhưng sao không cố gắng học?”. Quen lối ngang tàng, tôi nói: “Thưa thầy, em phải đi làm để kiếm cơm. Thêm vào đó, em không có tiền mua sách vở”. Thầy không nói gì. Hôm sau, thầy kêu tôi lại và bảo: “Đây là những sách toán của thầy lúc thầy còn đi học Sư phạm. Em lấy về đọc cho vui. Tháng sau thi học sinh giỏi toàn tỉnh, thầy muốn em đi thi”.

Cảm động vì tấm lòng của thầy và không muốn phụ lòng thầy, nên tôi cố gắng đọc qua. Kết quả là tôi đậu vào đội học sinh giỏi toán của tỉnh. Từ đó, tôi tự tin hẳn và bắt đầu ham học. Buổi tối, dù mệt mỏi vì phải đi làm thuê, nhưng tôi vẫn cố thắp đèn dầu lên học. Con đường học vấn của tôi chuyển sang một bước mới…

Người thầy thứ hai ảnh hưởng lớn đến tôi là thầy Mark Gordon. Ngày đó, tôi đang học dự bị ở Trường Đại học của Tiểu bang North Dakota, muốn tìm việc làm trong trường để kiếm thêm tiền để sống. Nhưng sinh viên năm II, không đủ trình độ nghiên cứu, nên không phòng thí nghiệm nào nhận. Một lần gặp thầy Mark, tôi hỏi: “Nghiên cứu có khó không, thưa thầy? Có phải chỉ những người có bằng Đại học và đang học Cao học mới nghiên cứu được?”.

Thầy Mark, vì không muốn làm thất vọng một sinh viên trẻ nhiều nhiệt huyết, trả lời: “Nghiên cứu tuy khó nhưng có những vấn đề sinh viên đại học cũng có thể làm được”. Tôi nắm lấy cơ hội và hỏi: “Thế thứ hai tuần sau, em đến làm cho thầy được không?”. Tôi đặt thầy vào vị trí không thể từ chối và bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm II đại học - một điều hiếm, ngay với sinh viên Mỹ. Nhờ vậy, ra trường, tôi có bốn bài báo in trên tạp chí quốc tế và dư tài liệu để xuất bản thêm hai bài nữa sau khi vào Cao học, nghĩa là đủ để viết một đồ án Ph.D (tiến sĩ) ở Mỹ rồi.

Tốt nghiệp ra trường loại giỏi, ngoài bằng hóa học, Trương Nguyện Thành còn lấy luôn bốn bằng phụ về Lý, Toán, Kế toán và Công nghệ thông tin. Năm 1990, ông lấy bằng TS, rồi học tiếp sau TS ngành mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, làm GS Đại học Utah. Năm 2002, ông được cấp bằng GS Cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp GS ở Mỹ) khi mới 41 tuổi.

* Trong những thành quả mà ông đạt được đến nay, đâu là may mắn, đâu là nỗ lực?

- May mắn là ở chỗ tôi được gặp những người thầy hết lòng và tôi được tạo cơ hội. Còn nỗ lực là ở chỗ, tôi không bỏ lỡ những cơ hội đó.

* Vậy nếu có một lời khuyên cho các bạn trẻ hôm nay thì ông sẽ khuyên gì?

- Đó là không bao giờ bỏ cuộc, dù chỉ là một việc nhỏ. Theo tôi, thành công hay không của mỗi người nằm ở ba điều kiện: cơ hội, sự quyết tâm và khả năng. Khả năng không quan trọng bằng quyết tâm. Và cũng phải biết kiên trì chuẩn bị để khi cơ hội đến thì có đủ khả năng bắt lấy, chứ đừng ngồi chờ cơ hội tự tìm đến.

 

* Và làm một cái gì đó cho quê hương

Đang giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Utah, hai năm trước, GS Thành nhận lời mời của TS Nguyễn Thiện Nhân (khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh) tham gia thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán (VKHCNTT) TP. Hồ Chí Minh. Tháng 1.2007, VKHCNTT đã được UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định thành lập.

* Từ GS hóa lượng tử, sang VKHCNTT. Hình như, ông “nhảy” nhầm nghề?

- Thực ra, mô phỏng và mô hình hóa về hóa, sinh lý hay kỹ thuật đều nằm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tính toán, nghĩa là dùng máy tính để làm thí nghiệm và phỏng đoán được những gì có thể xảy ra thông qua thực nghiệm. VKHCNTT sẽ là cầu nối giữa công nghệ thông tin và các ngành khoa học ứng dụng như sinh học, hóa học, vật lý, cơ học; sẽ liên kết các trung tâm nghiên cứu khoa học riêng rẽ, để hợp tác phát triển liên ngành.

* Ý tưởng về VKHCNTT xuất phát từ đâu, thưa ông?

GS-TS Trương Nguyện Thành, sinh năm 1961, tại Quy Nhơn. Tốt nghiệp Trường Đại học North Dakota (Mỹ). Năm 1990, bảo vệ thành công luận án TS. Năm 2002, được phong GS cao cấp. Hiện ông đang giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Utah (Mỹ) và tham gia thành lập VKHCNTT TP. Hồ Chí Minh.

Các giải thưởng chính: Giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ (1990), Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng (1993).

- Không thể nói ý tưởng thành lập Viện là của riêng người nào. Có thể nói, nó xuất phát từ sự trao đổi giữa tôi, anh Nguyễn Thiện Nhân và anh Phan Minh Tân (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh). Khi được mời hợp tác, thú thật là tôi cũng đắn đo, nhưng tôi muốn làm được chút gì cho quê hương, nên nhận lời làm cầu nối giữa các nhà khoa học gia trong và ngoài nước. Nhìn chung, khoa học gia ngoài nước rất có thiện chí tham gia giúp Việt Nam phát triển khoa học và kỹ thuật. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có môi trường để sự tham gia của họ có hiệu quả. Và tôi hy vọng là trong tương lai, VKHCNTT sẽ tạo được môi trường này.

Những năm gần đây, ngoài việc nhiều lần về giảng dạy đại học tại TP. Hồ Chí Minh, GS Thành còn dùng tiền nghiên cứu để cấp học bổng cho một số sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu ở Mỹ. GS Thành nhận xét:  “Sinh viên Việt Nam có triển vọng tốt, nếu có cơ hội. Việt Nam cần tạo môi trường để họ có thể phát huy sau khi tốt nghiệp”. Hỏi GS Thành về dự định trở về thăm quê nội, ông nói: “Hè năm 2008, tôi sẽ về. Tôi đã hứa với nội trước khi nội mất là tôi sẽ về thăm mộ ông cố tôi”. GS Thành nói thêm: “Không riêng Bình Định hay TP. Hồ Chí Minh, mà bất cứ địa phương nào trong nước, nếu đặt vấn đề, tôi sẵn sàng cống hiến những gì mình biết trong khả năng của tôi”.

  • Lê Viết Thọ (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi cơn lũ đi qua   (19/11/2007)
Trò chuyện với một tình nguyện viên quốc tế  (17/11/2007)
Phế hưng Ghềnh Ráng  (12/11/2007)
Điều quan trọng là mục tiêu học tập  (10/11/2007)
Khát vọng sống  (05/11/2007)
“Văn chương, hội họa là bản năng của tôi”  (03/11/2007)
Theo bước “cái bang”  (29/10/2007)
Sống vui, sống khỏe để cuộc đời có ý nghĩa hơn  (27/10/2007)
Năng động Cát Khánh  (22/10/2007)
Tôi đã sống như Anh  (20/10/2007)
Đìu hiu Hội Vân  (15/10/2007)
Gặp gỡ 4 doanh nhân Bình Định tiêu biểu  (13/10/2007)
Du học ở Quy Nhơn  (08/10/2007)
Tôi thích cái mới và sự thách thức!  (06/10/2007)
Nóng bỏng cuộc chiến chống lâm tặc ở An Lão  (01/10/2007)