Đi lại chốn kinh thành ánh sáng
9:18', 1/12/ 2007 (GMT+7)

* Bút ký của Dương Thụy Phương Khanh

LTS. Sinh năm 1975 tại TP. Hồ Chí Minh, học Trường Trung học Lê Quí Đôn, rồi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, rồi du học ở Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Anh... Dương Thụy là một trong những cây bút có vốn tri thức đầy đặn. Hiện Dương Thụy là Giám đốc Truyền thông - Đối ngoại, Tập đoàn dược phẩm Sanofi - Aventis tại Việt Nam. Dương Thụy đã in bảy tập truyện ngắn, đoạt ba giải thưởng văn học. Riêng tiểu thuyết đầu tay “Oxford thương yêu” (Nxb. Trẻ, 2007) đã lập kỷ lục 7.500 bản in sau hai lần tái bản và vừa in thêm 4.000 bản. “Đi lại chốn kinh thành ánh sáng” là bài bút ký Dương Thụy gửi cộng tác với Báo Bình Định. 

 

Tác giả trước lối vào Métro Chatelet.

 

Lần đầu tiên xuất ngoại, cũng là lần đầu tôi đến với Paris. Lóng ngóng còn hơn “Tư Ếch đi Sài Gòn”, tôi ra khỏi phi trường Charles De Gaulles bằng xe bus của hãng hàng không Air France. Xe chạy mút mùa lệ thủy thì vô tới Paris, ngừng tại trước khách sạn Lafayette sang trọng. Theo lời dặn của tổ chức cấp học bổng, tôi vào buồng điện thoại gọi số miễn phí báo tin mình đã đến. Mười lăm phút sau, một chiếc taxi trờ tới rước. Sau khi nhận tiền để chi xài trong một tháng, người ta bảo tôi… quay lại phi trường để đi tiếp xuống tỉnh Brest.

Bị “đẩy” ra đường, tôi run lập cập hỏi thăm người dân chỗ nào để đón métro (xe điện ngầm). Mua vé rồi mà còn không biết cách đút vào máy. Thấy tôi tội quá, một người tốt bụng dừng lại chỉ cách. Lọt vào đến bên trong hầm xe, tôi lại tiếp tục hỏi thăm đường đi ra phi trường. Người ta dẫn tôi đến trước cái bản đồ nhìn rắc rối còn hơn tơ nhện làm tôi chóng mặt suýt té xỉu. Vậy mà loay hoay, cứ vừa đi vừa hỏi, cuối cùng, tôi cũng đến trạm chót sau khi đổi không biết bao nhiêu là tuyến. Hành trình chưa chấm dứt, tôi phải lấy tiếp xe lửa để vào đến phi trường. Sau đó leo lên máy bay.

Khi về đến Brest và lăn đùng ra giường sau một ngày trời vận chuyển bằng đủ thứ phương tiện giao thông, tôi… khóc lóc thảm thiết, lòng oán hận bị “đem con bỏ chợ” và thề độc sẽ không bao giờ quay lại Paris nữa. Vậy mà số phận cứ gắn chặt tôi với thành phố này, và giờ đây tôi rành các phương tiện giao thông ở Paris đến mức thường đứng lại chỉ cách cho những người Pháp từ các tỉnh lên kinh thành.

Không phải ngẫu nhiên mà dân Paris có câu “Métro, boulot, dodo” (Xe điện ngầm, công việc, ngủ) để giễu cuộc sống đơn điệu của mình. Ở cái xứ này, có tiền cũng không ngồi xe hơi sang trọng được, phải chui xuống métro nếu không muốn kẹt xe cả giờ đồng hồ. Có lần tôi tháp tùng một bác sĩ trẻ Việt Nam đi dự hội nghị ở Paris, khi nghe tôi thông báo sẽ di chuyển bằng métro, anh chàng có vẻ rất sốc, một mực đòi đi taxi. Dù tôi giải thích đi taxi kẹt xe cũng không làm anh cảm thấy đỡ bị xúc phạm. Đến tối, khi cùng các đoàn khách nước khác đi dự tiệc, mọi người di chuyển bằng xe du lịch năm mươi chỗ, lúc này anh mới thấm cái khổ của nạn kẹt xe và ước chi chui phứt xuống hầm métro cho nhanh, chẳng cần ngắm Paris by night gì nữa.

Ngồi métro thì anh nhà giàu cũng bằng vai phải lứa với cô nàng thất nghiệp. Chẳng ai lên mặt được với ai. Trong hầm xe ngột ngạt cũng có lắm phận người, nhiều giai cấp, mọi màu da. Trên métro đạo chích dày đặc mà những đôi tình nhân hôn hít nhau nóng bỏng cũng không ít. Kẻ hiền người dữ, kẻ xấu người tốt. Bạn muốn chộn rộn lo lắng cũng được, mà bình tĩnh ngoẹo đầu lim dim cũng chẳng sao.

Một lần đã rất khuya, tôi lấy métro chuyến chót trong ngày ra ngoại thành. Lơ ngơ thế nào tôi đi ngược hướng. Đến lúc phát hiện ra thì đã đi quá xa. Tôi nhảy xuống đổi lại hướng trong cái nhìn lo lắng của một người hành khách ăn mặc có vẻ khá nghèo nàn. Ông sợ tôi đứng chờ một mình trong đêm khuya không an toàn và cũng không chắc giờ này còn métro nên cùng tôi xuống theo. Nhìn tôi lên xe rồi ông mới an tâm quay lại đi hướng của mình. Tôi biết ông phải cuốc bộ về nhà vì chẳng còn chuyến xe khuya nào nữa. Dù tôi có nói ngàn lần câu cảm ơn cũng không thấy đủ cho hành động này của ông, một người xa lạ chỉ tình cờ gặp nhau trên métro.

Lần khác tôi làm rơi vé, khi đi ra khỏi hầm tôi không thoát ra được, một anh chàng da đen đứng lại chuyền vào cho tôi thẻ đi métro theo tháng của anh. Tôi chỉ việc dí cái thẻ đó vào cửa tự động thì thoát ra được. Tôi đang hí hửng chợt tái mặt vì một đám cảnh sát đang đứng ngáng đường kiểm tra. Hẳn họ đã thấy cảnh gian lận này nhưng rồi không hiểu sao lại phất tay bảo tôi đi. Ngoái đầu nhìn lại tôi thấy ai mặt cũng hiền, đa số đều da màu, họ cười với tôi thân thiện làm tôi thấy đời dễ thương quá đỗi.

Cũng đôi khi tôi chọn đi bus ở Paris nếu tuyến đường không kẹt xe lắm, tranh thủ ngắm phố phường và xem cảnh vật thay đổi theo thời tiết. Các trạm xe bus không dày đặc bằng trạm métro nên thường xuống bến rồi tôi phải đi bộ thêm một đoạn khá xa mới đến được nơi cần đến. Và thỉnh thoảng, tôi cũng lấy taxi, đặc biệt là khi… được công ty hoàn tiền lại sau mỗi đợt công tác. Thường thì tôi chỉ đi taxi ra phi trường vì hành lý cồng kềnh. Các bác tài thích trò chuyện, hay hỏi han nên đoạn đường được rút ngắn lại.

Đi taxi ở Paris được xem là sang vì chi phí rất đắt. Người có thu nhập thấp có khi cả đời chưa biết mùi taxi là gì. Dù là ra phi trường hay có hành lý cồng kềnh nhiều đến đâu cũng mặc, phải đi bus hoặc métro hết. Bản thân tôi khi còn sinh viên cũng thế, chẳng dại chi tiêu cho một cuốc taxi đắt hơn mấy chục lần so với các phương tiện công cộng khác. Tôi có một anh bạn Parisien chính gốc, khi sang làm việc ở Sài Gòn anh tranh thủ đi taxi cho thỏa và còn bảo tôi chụp hình anh từ taxi bước xuống. Anh gởi tấm hình đó sang Paris để chứng minh sự “sang trọng” của mình làm nhiều người… phải ganh tị.

Riêng tôi, dù có đến nước khác, đi métro sạch sẽ hơn (như Singapore chẳng hạn), tôi vẫn thấy métro ở Paris có một cái hồn riêng, rất thực, nhưng nói không ngoa, cũng rất mộng, như chính cuộc đời này.

  • D.T.P.K
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bài 2: Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng bị thiệt hại   (27/11/2007)
Bài 1: Gas sang chiết lậu tràn ngập thị trường   (26/11/2007)
Từ cậu bé làm thuê đến vị giáo sư hóa học nổi tiếng   (24/11/2007)
Nơi cơn lũ đi qua   (19/11/2007)
Trò chuyện với một tình nguyện viên quốc tế  (17/11/2007)
Phế hưng Ghềnh Ráng  (12/11/2007)
Điều quan trọng là mục tiêu học tập  (10/11/2007)
Khát vọng sống  (05/11/2007)
“Văn chương, hội họa là bản năng của tôi”  (03/11/2007)
Theo bước “cái bang”  (29/10/2007)
Sống vui, sống khỏe để cuộc đời có ý nghĩa hơn  (27/10/2007)
Năng động Cát Khánh  (22/10/2007)
Tôi đã sống như Anh  (20/10/2007)
Đìu hiu Hội Vân  (15/10/2007)
Gặp gỡ 4 doanh nhân Bình Định tiêu biểu  (13/10/2007)