Nhắc đến bác sĩ (BS) pháp y, không ít người lắc đầu, xen lẫn chút ái ngại: “Cũng là BS phẫu thuật, nhưng họ chẳng cần đến thuốc tê, cả đời chẳng bao giờ được nghe một tiếng cám ơn, lắm khi còn bị người nhà nạn nhân phản ứng”, dẫu công việc của họ đã đóng góp không nhỏ vào những cuộc điều tra phá án…
|
Khám nghiệm tử thi chết vì tai nạn giao thông tại Nhà tang lễ của bệnh viện.
|
* “Nói” thay người chết
Vụ án xảy ra tại huyện Tây Sơn từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Nạn nhân là một cô gái tuổi dưới 20. Trưa hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, cô gái vào núi đưa cơm cho người em đang chăn bò. Một thanh niên làm rẫy gần đó lợi dụng lúc vắng người đã hiếp cô. Xong việc, hắn để cho cô đi, nhưng sau đó, sợ cô gái tố giác, nên hắn đuổi theo sát hại. Hắn dùng quần áo bịt mặt và bóp cổ cô gái cho đến chết trong lúc cách đó khoảng 1 km, có hàng nghìn thanh niên xung phong đang đắp đập thủy lợi. Buổi tối, kẻ thủ ác đã mang xác cô gái bỏ xuống vũng nước; mang chiếc nón và gô cơm để bên mép nước tạo hiện trường như thể cô bị chết đuối. Sáng hôm sau, vụ việc được phát hiện.
Ngay sau khi nhận tin, các cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường. “Khám nghiệm tử thi cho thấy: cơm trong dạ dày của nạn nhân vẫn còn nguyên chứng tỏ nạn nhân chết sau bữa cơm trưa không lâu. Trong phổi, không có dấu hiệu của sự ngạt nước, chứng tỏ nạn nhân đã bị chết trước khi rơi xuống nước. Những kết luận pháp y đưa ra đã giúp các cơ quan điều tra củng cố thêm chứng cứ và mở hướng điều tra… Cũng là công việc ngày thường nhưng lần đó tôi đã rất mừng khi thấy kẻ thủ ác đã nhận tội. Chính ông nội của nạn nhân đã đồng ý cho chúng tôi khám nghiệm tử thi dù một số thành viên khác trong gia đình không muốn…” - ông Nguyễn Tửu, nguyên Trưởng khoa Giải phẫu bệnh - Y pháp, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, nhớ lại.
Ông Tửu đã công tác tại BVĐK tỉnh từ năm 1976, sau đó được cử đi học chuyên khoa giải phẫu bệnh và pháp y và được bổ nhiệm làm giám định viên (GĐV) cấp tỉnh từ năm 1982. Đầu tháng 10. 2007 ông chính thức nghỉ hưu. 31 năm gắn bó với nghề pháp y, hỏi cảm giác của ông từ sau khi “rửa tay gác… dao mổ”, ông cười nhẹ tênh: “Gần hai tháng nay tôi không còn cảm giác hồi hộp, phấp phỏng mỗi khi nghe chuông điện thoại réo nửa đêm như hồi còn đi làm nữa. Ăn ngon, ngủ một lèo từ tối đến sáng …”.
31 năm trong nghề thì 25 năm là GĐV cấp tỉnh, ông Tửu đã cùng với các cơ quan điều tra thực hiện hàng nghìn vụ khám nghiệm, đi tìm sự thật từ những người đã chết. Đúc kết một đời làm bác sĩ pháp y, ông chỉ nói: “Kẻ làm điều ác bao giờ cũng mang tâm lý tội phạm. Kín kẽ đến mấy thì cũng để lại những kẽ hở. Giám định viên phải xác định được: Nạn nhân chết khi nào? Chết vì nguyên nhân gì? Do loại hung khí nào? Có bao nhiêu thủ phạm?… để đưa ra nhận định chung nhất giúp cơ quan chức năng định hướng điều tra”.
Có vụ, kẻ thủ ác đổ nước làm cho nạn nhân chết ngạt, sau đó, dựng hiện trường giả chết đuối, nhưng cuối cùng cũng bắt được tên sát nhân. Hay vụ một sinh viên bị đổ oan làm cho cô gái tâm thần có thai, cháu bé sinh ra được ba tháng thì mất. Lần đó, ông và các cơ quan chức năng bắt buộc phải khai quật tử thi, làm xét nghiệm ADN mới minh chứng cháu bé kia không phải là con của cậu sinh viên nọ.
|
BS Nguyễn Đồng (bên trái) và BS Lê Văn Phúc (bên phải) đang trao đổi biên bản pháp y với điều tra viên.
|
* Bác sĩ phẫu thuật... không cần thuốc tê
Đầu giờ làm việc buổi chiều, nhưng Khoa Giải phẫu bệnh - Y pháp vẫn yên ắng, thật khác với không khí đông đúc, lắm kẻ qua người lại như ở các khoa khác trong cùng bệnh viện. Cả khoa hiện vỏn vẹn 5 người: 2 nữ kỹ thuật viên (KTV) xét nghiệm vi thể, 2 KTV xét nghiệm đại thể và BS kiêm GĐV duy nhất trong khoa hiện nay là BS Lê Văn Phúc. Lúc tôi đến, BS Phúc đang ngập trong loạt giấy tờ xét nghiệm của bệnh nhân cần phải ký để đưa đến các khoa khác. Nhưng tất cả công việc phải tạm ngưng, khi xuất hiện màu áo xanh của cán bộ công an đến yêu cầu xem lại biên bản giám định pháp y theo đề nghị của viện kiểm sát.
Vài phút sau, lại có người đến thông báo vừa có một trường hợp nạn nhân ở Tuy Phước bị tàu lửa cán chết, cần khám nghiệm. BS Phúc cùng hai KTV Đỗ Thinh và Nguyễn Văn Lan nhanh chóng thay trang phục, đeo khẩu trang vào Nhà tang lễ. Xem xét các vết thương trên người nạn nhân đến đâu, họ đọc to đến đó, cho công an ghi vào biên bản…
“Đây chỉ là một ca tai nạn thông thường. Đầu năm đến nay, khoa đã thực hiện khám nghiệm 319 vụ, trung bình gần mỗi ngày một ca”- BS Phúc nói. Tuần trước, BS Phúc đã đến làng Đồng Bà Lãnh (xã An Nghĩa, huyện An Lão) cùng cơ quan công an khám nghiệm tử thi đã mất trước đó, 4 ngày. Đường đi bị sạt lở, cả đoàn phải đi đò, rồi lội bộ 5 tiếng mới đến làng. Nạn nhân nam bị chết khi đang đi rẫy, nằm phơi mưa ngoài trời cả đêm, hôm sau mới được dân làng phát hiện. Lúc đoàn đến, nạn nhân đã được bỏ vào quan tài, cơ thể đã trương lên, bắt đầu hoại tử. Lúc này, chỉ có thể quan sát bên ngoài để loại trừ nguyên nhân chết do bị đánh…
BS Phúc là GĐV trẻ nhất khoa (SN 1969), về công tác tại BVĐK tỉnh năm 2002, mới được bổ nhiệm GĐV chính thức cấp tỉnh cuối năm ngoái. Ông tâm sự: “Tôi học đa khoa, sau chuyên về giải phẫu bệnh học chuyên nghiên cứu tế bào, chẩn đoán đại thể và vi thể. Đã là BS, tiếp xúc với người chết là chuyện thường. Nhưng ở đây, hầu như ngày nào cũng phải tiếp xúc với người chết, thậm chí ngày hai, ba ca. Có trường hợp, tử thi đã hoại tử vì chết lâu ngày, chết nước bốc mùi nồng nặc… Cả năm nay, cứ mỗi tối, thấy một số điện thoại quen gọi đến, là tôi biết mình phải đi. Cũng may, có các anh em KTV giúp sức, động viên nhau cùng làm việc, người này mệt thì người kia thay…”.
Một ca khám nghiệm tử thi thường có 3 người: GĐV, KTV và y công. “Nghề nghiệp đã chọn chúng tôi”- câu nói đơn giản của anh Nguyễn Văn Lan, KTV trợ lý cho GĐV đã 12 năm, phần nào khắc họa nỗi niềm. Tuy chỉ là những KTV, nhưng họ hầu như đảm nhiệm phần việc nặng nhọc nhất: công việc mổ xác. Những ám ảnh tâm lý mới là gánh nặng. Nhiều lần phải khám nghiệm cho những tử thi bị chết cháy hoặc trôi sông đã thối rữa, tử khí thấm vào người, tắm 2-3 lần rồi vẫn thấy ám mùi. “Sau lần khai quật tử thi đã chết hai tháng, tôi không bao giờ dám ăn mắm cái nữa”- anh Lan kể lại.
Nhưng ngoài áp lực tâm lý, bác sĩ pháp y còn mang gánh nặng của quan tòa công lý. Giám định chỉ có thể làm hài lòng một bên, quyết định dẫu xê xích chỉ 1% thương tật cũng liên can đến sinh mạng, danh dự, không chỉ của một người mà còn cả gia đình họ. “Bởi vậy, khi khám nghiệm phải thật tỉ mỉ, cẩn thận và khách quan”- BS Tửu đúc kết.
|
BS pháp y mở hộp sọ của 1 nạn nhân chết vì đánh nhau để xem xét nguyên nhân gây ra cái chết.
|
* Và những nỗi niềm...
Trách nhiệm cao, áp lực nặng nề, nhưng điều kiện, phương tiện làm việc lạc hậu và chế độ đãi ngộ cho BS pháp y lại thấp. “Bộ đồ nghề” khám nghiệm tử thi đang dùng đã có từ năm… 1976. Kinh phí hoạt động cấp cho Pháp y tỉnh dẫu tăng hơn, trọn gói cũng chỉ 100 triệu đồng/năm, chưa trừ 8,5% tiết kiệm kinh phí. Mỗi lần đi trưng cầu các mẫu xét nghiệm, kiểm nghiệm độc chất ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh do cơ quan điều tra tỉnh yêu cầu, hành trang lên đường của họ chỉ phích đá ướp mẫu giám định, rất mất thời gian lại tốn kém (trung bình 5-10 triệu đồng/chuyến đi). Chỉ tính trong năm 2006, đã có đến 5, 6 vụ phải trưng cầu giám định cấp trung ương.
BS Nguyễn Đồng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, cũng là GĐV trưởng Pháp y của tỉnh, xả bức xúc bấy nay: GĐV cấp huyện có 18 người, đều là BS khoa Ngoại kiêm nhiệm, chưa hề được đào tạo bài bản, nên chỉ xem xét trường hợp tai nạn giao thông. Còn những vụ khó đều đẩy lên cho GĐV tỉnh. GĐV cấp tỉnh thì chỉ có hai, mà một lại đang đi học. Thiếu thì thiếu, nhưng đâu BS nào muốn gắn “mác” GĐV, trong khi các bệnh viện công đang khan hiếm BS. Sang làm việc ở các khoa khám, cận lâm sàng, danh, lợi đều hơn ở đây cả. Giá mà BS pháp y cũng được hưởng phụ cấp ưu đãi đặc biệt như một số người khác”.
Cho đến nay, phụ cấp độc hại của BS pháp y vẫn theo mức tính từ năm 1996: 80.000 đồng/GĐV cho một ca khám nghiệm tử thi chết trong vòng 48 giờ; 150.000/ca khai quật tử thi. Số tiền này lại được chia cho những người cùng đi. Thời điểm này đã là tháng 12.2007, vậy mà chi phí thanh toán cho cán bộ pháp y tỉnh chưa đến nửa đầu của năm 2006.
“Bốn, năm tháng cộng dồn, tiền bồi dưỡng chỉ khoảng 1 triệu đồng”- BS Phúc nhẩm tính. Nhưng rồi như thể tự động viên mình, ông lại nói: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. Phải biết đặt nhiệm vụ công việc lên trên những tình cảm thông thường, thì mới tìm thấy niềm vui trong công việc. Huống hồ đây là công việc lại giúp ích cho các cơ quan điều tra. Xong một vụ, nếu không quá phức tạp, tôi lại muốn quên đi”. Còn anh Lan lại đau đáu nỗi niềm chung của những người đã trót mang nghiệp vào thân: “Hầu như ngày tết, anh em trong khoa chỉ qua lại chúc tết nhau và một số người thân thiết vì ngại. Không nói cô cũng biết, đầu năm ai lại muốn những người hàng ngày tiếp xúc với người chết đến nhà kia chứ”.
|