* Bút ký của Hoàng Cao Nguyên
|
Đoàn cán bộ (nguyên lãnh đạo) tỉnh Bình Định thăm Nhà lưu niệm Cay xỏn phom vi hãn (Viêng Chăng). |
Cuối tháng 11 vừa qua, Công ty Bidipha Bình Định mời đoàn cán bộ nguyên là lãnh đạo tỉnh Bình Định qua các thời kỳ sang thăm Nam Lào để được tận mắt chứng kiến kết quả triển khai chương trình hợp tác kinh tế giữa Bình Định với các tỉnh bạn trong mấy năm qua. Đoàn gồm 18 cán bộ nguyên là Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo ngành y tế đã nghỉ hưu, hầu hết có quan hệ thân thiết với các tỉnh bạn qua các chuyến thăm hữu nghị, đàm phán ký kết các văn bản hợp tác và từng làm chuyên gia giúp bạn.
1- Rời thành phố Quy Nhơn vào một sớm trời mưa, xe đưa chúng tôi theo QL 19 lên cao nguyên vào buổi trưa nắng đẹp. Vừa đến đỉnh đèo Mang Giang, cảnh sắc Tây Nguyên đã hiện ra với những đồi hoa trắng dại, những rừng thông xanh tươi, nhà cửa, phố xá đông vui. Tây Nguyên bao la, trùng điệp như vừa lạ, vừa quen đối với những ai đã từng qua lại.
Chúng tôi đến thị trấn Ngọc Hồi (Kon Tum) vào giữa trưa, nhanh chóng làm các thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y và sang đất bạn. Con đường 18B do ta giúp bạn xây dựng mới khánh thành đầu năm 2006 là con đường chiến lược nối các tỉnh Nam Lào với Thái Lan và Việt Nam ra Cảng biển Quy Nhơn. Đoạn đường mới mở hoàn toàn dài 63 km tính từ cửa khẩu Bờ Y băng qua các dãy núi cao Tây Trường Sơn, phẳng phiêu, uốn lượn quanh sườn núi. Xe chạy êm. Khí hậu cao nguyên mát lạnh. Từ độ cao hơn 800m so với mực nước biển, phóng tầm mắt về phía bắc đến tận chân trời là trùng trùng điệp điệp núi xanh được bao phủ bởi cây rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Cảm giác được đi giữa rừng nguyên sinh xanh mát, hùng vĩ, bao la của nước bạn gợi cho ta sự tiếc nuối sâu xa về màu xanh đại ngàn của núi rừng Đông Trường Sơn xa xưa.
Giống như Tây Nguyên Việt Nam, Nam Lào vừa bước vào mùa khô. Các đám ruộng ven rừng đã qua mùa thu hoạch để lại những chân rạ vàng. Rơm được vun thành đống còn thơm mùi lúa, nếp. Gạo và nếp Lào nấu thành cơm và xôi có tiếng là dẻo, thơm và ngon. Hai bên đường là rừng cây, xe chạy hàng tiếng đồng hồ mới gặp vài bản, làng với vài ba chục nếp nhà sàn đơn sơ, người thưa thớt. Tùy sức lao động và nhu cầu lương thực, mỗi hộ dân khai phá rừng thưa làm ruộng một vụ nhờ nước trời, nuôi bò, dê, lợn bằng hình thức thả rông. Cuộc sống thanh bình, yên ả, giản đơn hòa với thiên nhiên tĩnh lặng.
Trước khi vào tỉnh lỵ Attapư, chúng tôi ghé thăm Xí nghiệp chế biến gỗ Đức Duy. Đây là Xí nghiệp chế biến gỗ đầu tiên của Bình Định tại Lào. Xí nghiệp đóng trên khuôn viên rộng, bằng phẳng, ba mặt là rừng bao bọc. Trong ngôi nhà quản lý có mái hiên treo đầy phong lan rực rỡ, chủ, khách hàn huyên thăm hỏi chuyện làm ăn. Giám đốc Quang cho biết, mùa này công nhân tạm nghỉ chờ giải quyết thủ tục cô - ta cấp gỗ nguyên liệu. Việc đầu tư trên đất bạn có nhiều thuận lợi như mặt bằng sản xuất rộng, giá điện rẻ, nguyên liệu gần, vận chuyển thuận tiện…Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, như: Bạn cấp cô - ta khai thác nguyên liệu rất hạn chế, xí nghiệp phải mua lại nguyên liệu của các doanh nghiệp khác để sản xuất nên giá nguyên liệu cao. Bạn chủ trương thành lập xí nghiệp liên doanh, sản xuất sản phẩm tinh chế, trong khi thị trường nội địa chưa phát triển, thị trường xuất khẩu lại xa. Để có thể làm ăn lâu dài trên đất bạn, Công ty đang xin thuê đất để trồng rừng nguyên liệu tại địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, điều khoản Attapư cam kết cho Bình Định thuê 30.000 hecta đất để trồng rừng và trồng mì nguyên liệu vẫn chưa được thực hiện. Bạn đang chờ tỉnh ta lập một công ty có tư cách pháp nhân đại diện cho phía Bình Định phối hợp với bạn cùng khảo sát, lập thủ tục thuê đất và trình Chính phủ phê duyệt.
Rời Xí nghiệp Đức Duy, xe chạy qua tỉnh lỵ Attapư. So với vài năm trước, tỉnh lỵ không có mấy thay đổi. Vẫn những ngôi nhà vườn một tầng nằm hai bên đường thưa người, xe đi lại. Thị xã chỉ có 2 khu nhà tầng là khách sạn và trụ sở làm việc của tỉnh. Sân bay trực thăng bên đường có 4 chiếc sơn màu rực rỡ vừa mới hạ cánh. Trên sân nhà liền kề có nhiều bàn ăn theo kiểu nhà hàng báo hiệu chiều nay có chiêu đãi lớn và một đêm lâm vông huyền diệu.
|
Tham quan rừng cao su 2 năm tuổi tại Sêkông.
|
2- Chúng tôi đến Sêkông lúc 17h chiều. Đường vào tỉnh lỵ vui hơn, có nhiều xe máy hơn mấy năm trước. So với 4 tỉnh Nam Lào, Sêkkông là tỉnh nghèo, ít dân nhất (Chămansắc gần 700.000 dân; Xaravan 350.000 dân; Attapư 100.000 dân, Sêkông 85.000 dân). Ngân sách mỗi năm của Sêkông khoảng 11 - 12 tỷ kíp (tương đương khoảng 18 tỷ VNĐ). Nhưng bù lại Sêkông hội đủ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tỉnh có diện tích rộng, đất tốt, khí hậu mát mẻ, mưa gió thuận hòa. Nhớ lại năm 2005, sau khi đón đoàn cấp cao tỉnh Bình Định sang bàn kế hoạch làm ăn, đồng chí Khanh phăng - UVTƯ Đảng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh từng bảo vệ luận án tiến sỹ tại Việt Nam tâm sự: "Được Trung ương điều về làm Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh anh hùng mà còn rất nghèo, tôi không mong gì hơn là cùng các đồng chí Bình Định sang hợp tác làm ăn để kinh tế của tỉnh đi lên. Được như thế nhân dân hai tỉnh thêm no ấm, tôi cũng được vinh dự với Trung ương".
Được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh bạn, từ cuối năm 2005 đầu 2006, các Công ty Bidipha, Bidina (Công ty liên doanh giữa Pisico và các lâm trường Bình Định) đã đặt văn phòng tại tỉnh lỵ Sêkông. Ngay đầu năm 2006, bạn đã cho ta thuê hàng ngàn hecta đất để trồng cây công nghiệp. Chỗ ở của các đoàn khách đến Sêkông lần này tốt hơn hẳn trước đây. Ngoài nhà khách của tỉnh, bây giờ còn có thêm khách sạn 24 phòng của đồng chí Bun Lơi - nguyên tỉnh trưởng nhiệm kỳ trước và một khách sạn mới xây khang trang bên bờ sông Sêkông. Chỗ ăn là nhà hàng của gia đình một Việt kiều gốc ở Tam Quan - thành viên sáng lập của Hội Việt kiều tại Sêkông với hơn 40 gia đình thành viên ở tỉnh lỵ (Việt kiều ta ở Lào và Thái Lan đâu đâu cũng vào hội và hướng về Tổ quốc. Gần đây, nhờ hệ thống ăng ten, các kênh VTV1, VTV3, VTV4 đã đến với từng nhà).
Ngày hôm sau, theo đường 18B, chúng tôi đi thăm hai nông trường trồng cao su của Bình Định tại huyện Thà Tèng, tỉnh Sêkông. Hai bên đường, hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ đung đưa trong gió như reo vui, vẫy chào. Thị trấn Thà Tèng là trung điểm của 4 tỉnh Nam Lào, có đường giao thông nối với tỉnh Xaravan phía Bắc, Chămpasắc ở phía Tây, Attapư ở phía Đông. Trong văn bản ký kết với Bình Định, bạn đề nghị ta giúp bạn xây dựng chợ Thà Tèng thành trung tâm thương mại của 4 tỉnh Nam Lào với Việt Nam. Dự án đó sẽ được thực hiện trong tương lai gần khi tiềm năng đất đai và kinh tế hàng hóa được thức tỉnh và phát triển. Còn bây giờ, Thà Tèng vẫn đang là thị trấn nghèo, nhà sạp chợ huyện còn tạm bợ, trống trải như các chợ quê của các thị tứ ở Việt Nam.
Xe của Công ty Bidina dẫn chúng tôi rẽ qua con đường đất đỏ đến thăm nông trường cao su đầu tiên của Công ty. Hai bên đường, hiện ra những vùng đất rộng mênh mông vừa khai hoang đang thay áo mới. Cây cao su và cây mì trồng xen canh đầu năm 2007 mới gần một năm tuổi mà đã cao đến thắt lưng, lá xanh non mơn mởn. Chúng tôi dừng lại thăm cánh rừng cao su rộng 1.000 hecta cao su trồng từ đầu năm 2006. Từ thảm lá xanh non của cây mì phủ kín mặt đất, từng hàng cao su cao vút lên đến 4 -5 mét. Các cán bộ Bidina cho biết đến thời điểm này, công ty đã khai hoang xong và chuẩn bị đủ mọi điều kiện để trồng mới 1.000 ha cao su theo kế hoạch năm 2008.
Theo con đường đất đỏ rợp hoa dã quỳ, Đoàn tiến sâu vào vùng đất mới để thăm nông trường cao su của Công ty Bidipha. Qua các bản đã thấy từng tốp thanh niên Lào trong trang phục xanh công nhân trên Honda đến nông trường làm việc. Đây đó các nhà ven đường đã bày bán hàng bách hóa phục vụ công nhân. Nông trường bộ đóng trên khu đất rộng, đã xây nhà kho, sân đậu xe và các thiết bị cơ giới. Nhà quản lý được xây dựng khá đàng hoàng, cạnh hồ nước trong, là tâm điểm của những con đường dẫn đến các cánh rừng cao su gần hai năm tuổi.
Sau phút hàn huyên với những người xa quê, chúng tôi chuyển qua các xe hai cầu để đi thăm nông trường. Những con đường đất đỏ rộng 2 làn xe mở theo ô bàn cờ chia cánh rừng cao su rộng 2.000 hecta thành những ô vuông khổng lồ. Cao su đã vươn cao đầy sức sống, mì xen canh đã vào mùa thu hoạch. Việc thu hoạch 2.000 hecta mì phải bằng phương tiện cơ giới. Mỗi hecta mì cho năng suất 40 - 45 tấn củ, sơ bộ tính năm nay nông trường sẽ thu hoạch từ 8 đến 9 vạn tấn mì, chở về nước để chế biến và xuất khẩu. Bước đầu, Công ty được thuê 8.000 hecta đất. Theo kế hoạch, mỗi năm Công ty phấn đấu trồng mới 1.000 hecta, đến đầu năm 2013, có rừng cao su rộng 80 km2. Để chủ động cây giống, Công ty đã xây dựng vườn ươm tại chỗ đủ giống để cung cấp cho các đơn vị của Bình Định trồng hàng năm trên đất bạn. Cây cao su trong điều kiện thổ nhưỡng phù hợp dễ trồng và cho hiệu quả kinh tế lâu dài. Vòng đời cây là 20 năm, vốn đầu tư trồng mỗi hecta từ 60 - 80 triệu đồng, giá thuê nhân công trên đất bạn từ 20.000 – 30.000 kíp/ngày (1 kíp bằng 17 đồng Việt Nam). Từ năm thứ 6 trở đi, cây cao su bắt đầu cho mủ. Mỗi hecta thu được khoảng 2 tấn mủ khô/năm, theo thời giá hiện nay mỗi tấn bán được 22.000 USD. Sau 20 năm, gỗ cao su khai thác bán cũng đủ trang trải cho công khai thác và đầu tư trồng lại rừng cao su mới. Sau 2 năm triển khai dự án với đội ngũ cán bộ, công nhân vài chục người đã thu hút nhân công nước bạn biến vùng đất hoang đầy cây dại và hoa mắc cỡ thành rừng cao su ngay hàng, thẳng lối tốt tươi. Năm, mười năm nữa, từ sản phẩm thu được sẽ hình thành nơi đây khu công nghiệp liên doanh chế biến mủ cao su làm giàu cho ta và cho bạn. Cao su Sêkông sẽ thành thương hiệu nổi tiếng, biểu tượng cho tình hữu nghị Việt - Lào.
|
Đường vào Nông trường cao su rực rỡ hoa dã quỳ.
|
3- Tạm biệt Sêkông, chúng tôi lên đường thăm Chămpasắc. Từ độ cao 400m của nông trường cao su, theo đường 18B, xe đưa chúng tôi đến thị trấn Pắcxòn rồi rẽ qua con đường tỉnh lộ lên Cao nguyên Pôlôven ở độ cao 1.300m. Sự chênh lệch độ cao là thế mà đường không thấy dốc, càng lên cao nhiệt độ càng giảm, khí hậu càng mát mẻ. Ban đêm trên mái nhà Đông Dương này nhiệt độ chỉ còn khoảng 50 C. Càng gần nông trường, hai bên đường càng có nhiều nhà sàn đẹp, từng ô được phân chia bởi hàng rào cây xanh được cắt tỉa ngay ngắn. Nhiều sân vườn trồng hoa loa kèn trắng và hồng rực rỡ. Đời sống kinh tế của nhân dân Pắcxòn khá hơn các nơi khác là nhờ có cây cà phê.
Nông trường cà phê của Công ty Bidipha được xây dựng cách đây hơn 6 năm, rộng trên 400 hecta xanh tươi, với hàng trăm hecta đã cho quả đỏ mọng trĩu cành. Trên sân xi măng rộng trước nhà Ban quản lý, hạt cà phê được phơi kín sân. Ở đây chỉ phơi và sơ chế, còn việc chế biến hạt cà phê thành phẩm được tiến hành ở một xưởng lớn đặt tại cây số 21 gần thị xã Pắcxế.
Chất đất, độ ẩm, nguồn nước và ánh sáng ở đây đều rất lý tưởng cho cây cà phê phát triển. Theo kế hoạch, mỗi năm Công ty sẽ trồng mới 20 hecta. Trên các luống cà phê, cách vài mét người ta trồng xen một cây vông đồng để tạo bóng mát, ngăn bớt gió cho hoa đậu quả và chống sương muối cho cà phê. Công ty đã chọn giống cà phê chè để trồng đại trà khắp nông trường. Ưu điểm của cà phê chè là cây thấp, ra nhiều cành, cho nhiều quả lại có thể trồng với mật độ dày và cho năng suất rất cao. Mỗi hecta cà phê chè ở đây cho 4 - 5 tấn hạt khô một năm. Theo thời giá hiện nay, mỗi tấn có giá 2.400 USD. Như vậy, năm được mùa mỗi hecta sẽ thu được trên 9.600 USD. Cây cà phê có tuổi đời 10 năm, trồng đến 3 năm thì cho quả, từ năm thứ 7 trở đi năng suất có giảm dần. Theo mô hình của nông trường, nhân dân ở đây đã trồng nhiều vườn cà phê, có thu nhập khá, đời sống được cải thiện rõ rệt.
Cùng với cà phê, nông trường đang có hướng trồng thêm cây chè ô long. Thời gian ở đây, chúng tôi đã đi thăm 3 hecta chè ô long trồng thí điểm. Mới một năm tuổi mà chè đã lên xanh tốt, cao gần đến thắt lưng và cho nhiều búp. Tại nông trường bộ, Ban quản lý đã mời chúng tôi uống những ly trà ô long sóng sánh vàng, dư vị mát ngọt.
Điều đáng mừng là đi đến đâu từ nông trường cao su ở Sêkông đến nông trường cà phê trên cao nguyên Pôlôven xa xôi, chúng tôi đều thấy ấm lòng bởi tình cảm thắm thiết của đội ngũ cán bộ, công nhân Bình Định trên đất bạn. Ở đây xa quê nhà, các cán bộ, công nhân thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà, yên tâm phục vụ với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng.
|
Vườn ươm cây giống cao su của BIDIFA tại Sêkông.
|
Rời Pôlôven, xe chúng tôi xuôi về Pắcxế theo đà xổ dốc. Thị xã Pắc xế hiện ra thân quen với hầu hết các cán bộ trong đoàn qua những chuyến thăm, làm việc trước đây, nay đang đổi thay. Trụ sở, trường học, khách sạn, chợ được xây mới khá bề thế. Siêu thị Trung tâm thưa quầy hàng hơn do một phần đã chuyển qua chợ mới trên đường dẫn ra cầu lớn bắc qua sông Mêkông. Bờ đông cầu, hàng loạt nhà chung cư, khách sạn đang được một Việt kiều đầu tư xây dựng để bán. Bờ Tây cầu đang xây dựng khu Resort nhiều tầng trên mặt bằng ven sườn núi. Khách du lịch, làm ăn từ Châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam đến khá đông. Sân vận động lớn đang được nâng cấp để chuẩn bị cho Đại hội thể dục thể thao nước bạn vào năm tới. Thị xã Pắcxế chuẩn bị trở thành thành phố để xứng tầm là thủ phủ phía Nam của các tỉnh Nam Lào.
Trong thời gian ở Pắcxế, chúng tôi đến thăm Xí nghiệp Dược CBF là đơn vị liên doanh kiểu mẫu giữa Bình Định và Chămpasắc. Xí nghiệp hình thành từ 1995 với dự án ban đầu là sản xuất thuốc đông dược bằng nguồn nguyên liệu thiên nhiên ở địa phương. Sau đó, do nhu cầu bức xúc của các bệnh viện và nhân dân, từ năm 1998, Xí nghiệp chuyển qua đầu tư sản xuất thuốc tân dược. Thuốc và dịch truyền do Xí nghiệp sản xuất đạt chất lượng quốc tế, được nhân dân và mạng lưới y tế khắp nước Lào tin dùng. Điều đáng mừng là sau 10 năm hoạt động, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân nước bạn đã trưởng thành nhanh chóng, đảm đương được tất cả các khâu từ lãnh đạo các phòng Ban nghiệp vụ, kỹ thuật đến công nhân các dây chuyền sản xuất. Trong 175 cán bộ công nhân viên hiện có, chỉ có 5 cán bộ phía Việt Nam gồm một Phó Giám đốc, phó phòng Tài vụ và 3 cán bộ kỹ thuật điện, cơ khí. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, kỹ thuật đều có trình độ đại học. Anh giám đốc trẻ của bạn đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ dược tại Việt Nam.
4- Ghi lại những điều tai nghe mắt thấy trên đất bạn, chúng tôi muốn bày tỏ sự vui mừng phấn khởi trước những thành quả hợp tác kinh tế giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào. Con đường phát triển đúng hướng, đầy triển vọng và hiệu quả đã góp phần củng cố trên thực tế tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào được xây đắp bằng máu xương trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trước kia, trong thời kỳ mới. Những năm qua, thực hiện cam kết song phương hàng năm, tỉnh ta đã cấp học bổng học đại học cho mỗi tỉnh 5 - 6 sinh viên, đã mời một số đoàn cán bộ giáo dục, y tế, nông nghiệp các tỉnh bạn sang tham quan và trao đổi kinh nghiệm. Giúp bạn một số thiết bị giáo dục, y tế và một số cây, con giống. Cử một số chuyên gia nông nghiệp sang hướng dẫn bạn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, tiềm năng và triển vọng hợp tác kinh tế còn dồi dào, đòi hỏi phải nâng mối quan hệ hợp tác lên tầm cao và chiều sâu mới. Trong đó, giúp bạn đào tạo nguồn nhân lực ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho bạn trên tất cả các lĩnh vực, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học công nghệ, đến lao động lành nghề là để bạn có đủ điều kiện đối tác, liên kết với chúng ta. Đó là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, hai bên cùng có lợi. Sự liên kết quốc tế chỉ có thể tiến hành thuận lợi, có hiệu quả khi các bên có sự tương đồng về cơ chế quản lý và đạt trình độ phát triển nhất định về lực lượng sản xuất. Trong đó, con người vừa là yếu tố quan trọng nhất của lực lượng sản xuất, vừa là chủ thể vạch ra và thực hiện các chính sách và cơ chế quản lý.
|
Nông trường cà phê ở Bôlôven.
|
Trong khi mở rộng thu hút nguồn đầu tư vốn, kỹ thuật, công nghệ, trình độ quản lý cao từ các nước tiên tiến, chúng ta không lơi mối quan hệ hợp tác với các tỉnh bạn Lào. Bởi vì, đó là mối quan hệ bổ khuyết cho nhau, phát huy thế mạnh của nhau để cùng nhau phát triển. Trong tương lai gần, khi các nguồn nguyên liệu phát triển dồi dào, hai bên sẽ phải xây dựng nhiều xí nghiệp liên doanh, hình thành các khu công nghiệp chế biến cao su, mía đường, rượu cồn, cà phê, chế biến gỗ, chế biến khoáng sản và xây dựng các trạm thủy điện ngay trên đất bạn. Phải chăng đó là con đường ngắn nhất để các tỉnh bạn phát huy tiềm năng, thế mạnh đi lên công nghiệp hóa. Và lúc đó, trên một trục phát triển của các nước tiểu vùng sông Mêkông ra biển sẽ hình thành con đường công nghiệp, thương mại, du lịch, giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các nước trong khu vực với thế giới. Hợp tác cùng có lợi, cùng bạn làm giàu và làm giàu với bạn đó là tình cảm, ý chí của chúng ta.
Trở về Bình Định, chúng tôi chợt nhớ chuyện kể của một hướng dẫn viên du lịch Lào. Rằng xưa có một chàng dũng sỹ đã giúp dân diệt nhiều voi dữ để bảo vệ bản làng. Danh tiếng của chàng lưu truyền rộng rãi làm cho nhà vua lo sợ. Vì vậy, chàng bị nhà vua hại chết. Trước khi chết, chàng đã trăn trối: Nước Lào chỉ hùng mạnh khi hội đủ các điều kiện: xuất hiện một danh sư lớn, có nhiều ngôi nhà bằng sắt lớn, có con rắn sắt và có những chiếc thuyền sắt lớn. Ngày nay, Lào đã có danh sư lớn là nhà vua Thái Lan - cũng đồng thời là vị cao tăng đến thăm, đã có con chim sắt là máy bay và nhà sắt là các nhà máy. Kiểm lại chỉ còn thiếu con rắn sắt và chiếc thuyền sắt khổng lồ là tàu hỏa và tàu thủy. Phải chăng dũng sỹ muốn mách bảo nước Lào muốn phát triển cần có mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với Thái Lan, hướng về phía Đông cần phải có đường sắt và đường thủy? Nghĩa là phải có con đường giao thông ra biển cả, con đường liên kết về phía Đông với nước Việt anh em.
Quy Nhơn, tháng 12 năm 2007
|