ĐẠO DIỄN LÊ QUÝ DƯƠNG:
“Sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đất Võ”
10:49', 8/12/ 2007 (GMT+7)

Lê Quý Dương (TP. Hồ Chí Minh) được đánh giá là một đạo diễn đẳng cấp, với những sáng tạo mới lạ và khả năng dàn dựng các chương trình có quy mô lớn, đòi hỏi tính hoành tráng và tổng thể cao. Mới đây, Lê Quý Dương đã được mời làm đạo diễn chính Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 và trực tiếp dàn dựng Cuộc thi Hoa hậu đất Võ trong khuôn khổ Festival. Một cuộc trò chuyện với đạo diễn Lê Quý Dương…

 

Biểu diễn võ tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Hoài Thu

 

* Công việc cụ thể mà anh sẽ đảm nhận trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 là gì, thưa anh?

- Tôi được mời về làm đạo diễn chính cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, để phối hợp và hỗ trợ cho Tổng đạo diễn của Festival là NSND Vũ Hoài triển khai dàn dựng các hoạt động chính trong Festival gồm: Lễ khai mạc, Lễ dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Đêm hội hoa đăng trên đầm Thị Nại, Cuộc thi Hoa hậu đất Võ, Lễ bế mạc. Trong cuộc họp mặt Tổng đạo diễn, đạo diễn chính với các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Festival, tôi đã được phân công dàn dựng phần hiện đại trong chương trình khai mạc (phần dân tộc do tác giả kiêm Tổng đạo diễn NSND Vũ Hoài đảm nhận), xây dựng kịch bản và dàn dựng chương trình Cuộc thi Hoa hậu đất Võ.

* Là một đạo diễn lễ hội thuộc hàng đắt sô nhất hiện nay, anh nhận lời tham gia Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 hẳn là có lý do?

- Tôi nhận lời tham gia vì cảm nhận được sự nhiệt tình, mong muốn hướng đến một Festival được tổ chức một cách chuyên nghiệp, quy mô, của những người tổ chức. Đồng thời, khi nhận lời làm đạo diễn cho một lễ hội hay chương trình nào, tôi đều chú ý đến bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương đó. Theo tôi, Bình Định là một vùng đất có bản sắc văn hóa địa phương rất đậm nét. Chính điều này đã lôi cuốn và tạo cảm hứng cho tôi, nên tôi mong muốn được góp sức mình vào thành công chung của Festival Tây Sơn - Bình Định 2008.

Cũng phải nói thêm rằng, nếu trong các lễ hội khác, tôi thường làm tổng đạo diễn, hoặc được giao xây dựng kịch bản cho nhiều hoạt động, thì ở Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, công việc của tôi chủ yếu lại là hỗ trợ vòng ngoài, giúp triển khai các hoạt động Festival trên cơ sở kịch bản có sẵn. Tuy nhiên, với Cuộc thi Hoa hậu đất Võ mà tôi được giao dàn dựng, tôi cũng đã có nhiều đất cho sự sáng tạo của mình.

* Quan điểm của cá nhân anh khi dàn dựng các Festival là như thế nào? 

Lê Quý Dương năm nay 39 tuổi, tốt nghiệp Cao học đạo diễn nghệ thuật biểu diễn tại Trung tâm Kịch nghệ Úc (1998); Cao học đạo diễn điện ảnh Trường Điện ảnh Los Angeles (2003) và đã nhận các giải thưởng: Giải tác giả xuất sắc nhất của Úc (năm 1997, 1998), Giải đạo diễn xuất sắc của Tổ chức Liên lạc châu Á (1999), Giải W.Chrchill của Hoàng gia Anh (2000), Tác giả viết kịch bản xuất sắc nhất của tiểu bang Quensland - Úc (2001)… Trở về nước làm việc, Lê Quý Dương đã gây tiếng vang lớn tại Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế lần thứ II tại Hà Nội, với vở Huyền thoại cuộc sống (năm 2006). Lê Quý Dương cũng là đạo diễn của nhiều chương trình ấn tượng trong Festival Huế 2006, Festival Biển Nha Trang và Hành trình di sản Đông Dương - Hội An 2007. Năm 2008, ngoài Festival Tây Sơn - Bình Định, Lê Quý Dương còn làm đạo diễn cho Festival Kiên Giang và Festival Huế.

- Theo quan điểm của tôi, nghệ thuật dàn dựng các lễ hội là nghệ thuật “kết nối cộng đồng” bằng hệ thống các ý tưởng đủ mạnh, đủ độc đáo, để có thể gắn kết mọi người với nhau. Lễ hội ở các địa phương chính là cơ hội để cho cá nhân trong vùng đất ấy thêm gắn bó với cộng đồng, với mảnh đất mình đang sống. Đồng thời, để cho cộng đồng lớn hơn là cả nước, khu vực, thế giới, thông qua hệ thống truyền thông, có thể hiểu được bản sắc của một vùng đất. Một lễ hội phải có sự kết nối được cái điều ấy. Mà khi đã kết nối thì không thể bỏ qua được bản sắc văn hóa, nguồn gốc lịch sử của địa phương.

Hiện nay, các địa phương trong nước khi tổ chức lễ hội vẫn thường mời chương trình của đoàn này, đoàn kia, ở các vùng đất khác, về tham gia. Điều này cũng hay, nhưng nó sẽ “lái” lễ hội của địa phương đi vào hướng hội tụ theo diện rộng trên bề mặt, chứ không sâu. Nhưng nếu ta biết đào sâu vào lịch sử, đào sâu vào bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương thì sẽ tạo nên một “điểm gút” chung cho sự hội tụ ấy, đem lại sự mới lạ và ấn tượng cho mọi người.

* Được biết, anh là một đạo diễn rất thích thử nghiệm trên sân khấu và tạo nét mới trong các lễ hội. Với Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, hẳn anh sẽ tiếp tục phát huy điều này?

- Hiện tại, tôi mới chỉ vừa được tiếp xúc với kịch bản, nên chưa thể nói được gì nhiều. Hơn nữa, tôi chỉ là đạo diễn chính, còn Tổng đạo diễn là NSND Vũ Hoài, nên chúng tôi còn phải trao đổi, làm việc kỹ để phân công trách nhiệm từng người. Từ đó, có sự phối hợp nhịp nhàng, bổ sung cho nhau, cùng hướng tới một Festival thật hoành tráng và ấn tượng. Nhưng có một điều tôi có thể nói trước, đó là hướng dàn dựng chương trình Cuộc thi Hoa hậu đất Võ. Từ khi được giao dàn dựng đến nay, tôi luôn suy nghĩ về nó; và càng nghĩ càng cảm thấy rất hứng thú và tâm huyết. Bởi đã có nhiều chương trình hoa hậu na ná nhau, nên tôi muốn tạo ra một chương trình thi Hoa hậu đất Võ chỉ riêng Bình Định mới có. Hồi xưa đến giờ, người ta thường quan niệm cái đẹp của người phụ nữ là ở số đo hình thể, ở công dung ngôn hạnh; riêng ở cuộc thi này, tôi muốn đưa thêm một yếu tố mới vào quan niệm đẹp,  đó là vẻ đẹp ý chí, vẻ đẹp hào khí của người phụ nữ đất Võ. Và tôi dự định, sẽ lấy hình ảnh nữ tướng Bùi Thị Xuân làm biểu tượng trung tâm của cuộc thi, để hướng mọi người tới vẻ đẹp ấy. Tôi sẽ cố gắng hết sức, để thể hiện ý tưởng một cách mới lạ và độc đáo nhất.

* Xin cảm ơn anh.

  • Hoài Thu (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thăm lại Nam Lào  (04/12/2007)
Bác sĩ pháp y  (03/12/2007)
“Tòa cao ốc Kim Thạnh là tâm huyết của chúng tôi”  (01/12/2007)
Đi lại chốn kinh thành ánh sáng  (01/12/2007)
Bài 2: Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng bị thiệt hại   (27/11/2007)
Bài 1: Gas sang chiết lậu tràn ngập thị trường   (26/11/2007)
Từ cậu bé làm thuê đến vị giáo sư hóa học nổi tiếng   (24/11/2007)
Nơi cơn lũ đi qua   (19/11/2007)
Trò chuyện với một tình nguyện viên quốc tế  (17/11/2007)
Phế hưng Ghềnh Ráng  (12/11/2007)
Điều quan trọng là mục tiêu học tập  (10/11/2007)
Khát vọng sống  (05/11/2007)
“Văn chương, hội họa là bản năng của tôi”  (03/11/2007)
Theo bước “cái bang”  (29/10/2007)
Sống vui, sống khỏe để cuộc đời có ý nghĩa hơn  (27/10/2007)