Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường
10:15', 17/12/ 2007 (GMT+7)

Giữa thời buổi mà đất đai là tài sản có giá trị lớn, có thể làm thay đổi cuộc sống của cả một gia đình một khi đem ra mua bán, kinh doanh, thì ở thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn), hàng trăm hộ dân lại sẵn sàng hiến đất để làm đường với suy nghĩ thật nhẹ nhàng: mình hy sinh một chút để có con đường đẹp đẽ hơn…

 

Đường Hai Bà Trưng - một trong những con đường đẹp nhất của thị trấn Bồng Sơn trên đường lên thị xã.

 

* Con đường của lòng dân

Ông Phạm Ngọc Thành, Khối trưởng khối Thiết Đính Nam, thị trấn Bồng Sơn dẫn chúng tôi xuống thăm các hộ dân cư hiến đất. Trưa mùa đông, ánh nắng như đang cố len lỏi qua những bóng dừa để rót những tia ấm áp xuống những khu vườn, đẹp như  tranh. Là thị trấn, nhưng nhà nào cũng có một mảnh vườn sum xuê cây trái, tạo nên một nét rất riêng của vùng đất Hoài Nhơn.

“Chưa được nhận tiền bồi thường cây cối, vật kiến trúc nhưng đội thực hiện dự án vừa cho kiểm kê xong, nhiều hộ dân đã chặt hết tre! Dân không tính toán chi li với Nhà nước, họ chỉ mong sớm có con đường,  trước Tết càng tốt…”- Ông Thành vừa nói vừa chỉ tay về phía mấy hàng tre chỉ còn trơ gốc trắng hếu. Theo nguyên tắc, khi giải tỏa, lấy đất của dân để làm đường, Nhà nước phải đền bù đất và cây cối, vật kiến trúc trên mảnh đất ấy. Nhưng, đối với bà con ở đây, đường đi qua đất nhà ai, dân sẽ hiến không cho Nhà nước phần đất ấy, bất kể nhiều hay ít…

Con đường nối khối Thiết Đính Nam và khối Thiết Đính Bắc hiện tại dài khoảng 2.500m, là đường đất, rộng chừng 3-4m sẽ được thay thế bằng đường bê tông xi măng, rộng 10m. Để có chiều rộng con đường, 84 hộ dân ở 2 khối Thiết Đính Nam, Thiết Đính Bắc sẽ phải mất đi 4.300m2 đất vườn, 900m2 đất màu… Ông Mai Văn Kia, 41 tuổi, một nông dân chính hiệu ở Thiết Đính Nam chỉ tay vào cây cột mốc lộ giới vừa được đội đo đạc của thị trấn cắm và giăng tay theo chiều dọc con đường để mô tả cho chúng tôi diện tích đất mà gia đình ông sẽ hiến cho Nhà nước để mở đường. Ông Kia cho biết: “Nhà tôi có 3,2 sào (1.600m2) đất. Đây là đất đai ông bà, cha mẹ để lại cho con cái từ bao đời nay và đã có sổ đỏ. Vợ chồng tui đã trồng dừa, xoài, vú sữa…trên mảnh đất ấy và lấy nguồn lợi cây trái để lo cho gia đình, nuôi các con ăn học. Khi làm đường, chúng tôi sẽ mất đi khoảng 265m2 đất. Nhưng tôi đã sẵn sàng hiến cho Nhà nước”…

Khó khăn nhất ở khu vực này, có lẽ là gia đình ông Trương Cư. Cách đây vài chục năm, vợ chồng ông gom góp, vay mượn được 2 chỉ vàng, mua trên 200m2 đất ở khối Thiết Đính Nam để “an cư lạc nghiệp”. Mảnh đất này, đối với vợ chồng ông mấy chục năm qua gắn bó, gần gũi như là máu thịt. Mỗi tấc đất là mồ hôi, công sức, là tài sản vô giá của vợ chồng nghèo, cút cui làm lụng nuôi con ăn học. Vậy mà, theo mốc lộ giới, con đường tương lai sẽ vào sát tận tường nhà, “nuốt” mất mảnh sân, công trình phụ và nhiều cây trái phía trước.

Gia đình ông Mai Văn Kia, ở khối Thiết Đính Nam tự nguyện hiến 265m2 đất cho Nhà nước để mở đường.

Hiện gia đình ông chỉ còn trơ trọi mỗi ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 40m2. Ông Trương Cư có 2 con gái hiện đang học đại học và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Trong tháng này, vợ chồng ông đang tính gả chồng cho một trong hai người con. Bà Dương Thị Sâm- vợ ông Trương Cư băn khoăn: “Chúng tôi rất mong con đường sẽ sớm hoàn thành để việc đi lại của bà con trong khu phố đỡ vất vả hơn. Chỉ ngặt, trong dịp này, gia đình tui cũng định làm đám cưới cho con gái, nhưng mất hết sân, hè rồi, không biết sẽ tổ chức như thế nào đây...”.

Mỗi người dân ở Thiết Đính Nam đều có một nỗi niềm riêng với mảnh đất chôn nhau cắt rốn đã gắn bó bao đời. Thị trấn Bồng Sơn đang rục rịch “lên thị xã”. Giá đất hình như đang thay đổi từng ngày. Những con đường trung tâm phố thị, đất đai được tính bằng con số vài triệu đồng/m2. Đất ở khu vực này, có rẻ cũng được vài trăm ngàn/m2. Chị Bùi Thị Nhung, có nhà, đất ở ngay đầu đường khu Thiết Đính Nam với “mặt tiền” kéo dài trên 120m. Khi mở đường, sẽ lấn đều vào vườn của chị 6,7 m. Như vậy, để làm con đường này, gia đình chị sẽ phải hiến cho Nhà nước khoảng 800 m đất. Nhà chị Nhung có 5 người, nghề nghiệp không ổn định. Nguồn sống chính của gia đình “bám” vào nguồn lợi hoa trái từ mảnh vườn tạp. Chị Nhung chỉ vào cây vú sữa có đến hàng chục năm tuổi trước cửa nhà và nói: “Mỗi mùa, tôi bán trái của nó cũng được 500- 600 ngàn đồng đấy. Giờ phải chặt đi tiếc lắm. Nhưng gia đình chúng tôi ủng hộ chủ trương làm đường của Nhà nước. Chỉ mong con đường sớm được hình thành để việc đi lại của bà con dễ dàng hơn…”.

* Nhà nước và nhân dân cùng làm

Trong xu hướng phát triển lên thị xã, thị trấn Bồng Sơn cần rất nhiều nguồn lực để mở mang, kiến thiết đô thị. Để mở một con đường, nguồn vốn đầu tư xây dựng đã rất lớn, chưa nói đến việc giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa. “Muốn có đường, phải thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm thôi!”- ông Lê Minh Ninh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Bồng Sơn tâm sự.

Trong Nghị quyết của Đảng ủy thị trấn nhiệm kỳ này có đặt ra nhiệm vụ đầu tư, xây dựng và nâng cấp một số tuyến đường phục vụ yêu cầu đô thị hóa và phát triển giao thông phục vụ đời sống nhân dân. Trong năm 2007, thị trấn đã đặt ra mục tiêu mở rộng và bê tông xi măng 4 tuyến đường có chiều rộng từ 3-4m lên 6-10m như: Thiết Đính Nam- Thiết Đính Bắc (dài 2.500m); đường khối 1- một phần của đường Đào Duy Từ đến Trường mầm non của huyện (200m), đường khối Trung Lương- từ đường Bạch Đằng đến khu dân cư Bàu Cá (200m) và đường tại khối Thiết Đính Bắc. Ông Ninh mở bản thiết kế các con đường, tính toán rồi thốt lên: “Tổng diện tích đất người dân hiến để làm đường trong năm nay là 8.000m2 với 139 hộ có đất hiến. Người hiến nhiều nhất vài trăm mét, người ít nhất cũng 20-30m…”.

 

Chỉ riêng cây vú sữa này, mỗi mùa cho chị Nhung 500 - 600 ngàn đồng tiền bán trái, giờ phải chặt đi cùng nhiều cây cối khác trong vườn, chị Nhung rất tiếc nhưng vẫn tự nguyện “hy sinh” vì con đường.

 

Trong thời gian ở lại Bồng Sơn, anh bạn giáo viên- tuy không phải dân gốc Bồng Sơn nhưng cũng đã đủ sự gắn bó và tình cảm để gọi mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình- đã dẫn tôi đi thăm thú khá nhiều danh thắng của thị trấn xứ dừa này. Theo đề án xây dựng Bồng Sơn phát triển lên đô thị loại IV trước năm 2010 của huyện, diện tích của thị trấn sẽ tiếp tục được mở rộng ra các vùng tiếp giáp với xã Hoài Tân, Hoài Đức, Hoài Xuân. Hàng loạt những con đường liên tổ, liên khối phố sẽ được xây dựng, nâng cấp, mở rộng để tạo ra không gian đô thị rộng lớn hơn.

Trong quá trình phát triển “tăng tốc” này, nếu chỉ dựa vào nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, thật khó mà có thể phát triển nhanh cơ sở hạ tầng, trong đó giao thông là bước đột phá quan trọng. Ông Lê Minh Ninh bày tỏ: “Quá trình vận động cũng không hẳn thật suôn sẻ. Đại bộ phận nhân dân hưởng ứng nhưng cũng có những hộ do bị mất đất rất nhiều nên còn băn khoăn. Đảng ủy, chính quyền, các hội đoàn thể, lực lượng khối, phố đã trực tiếp xuống họp dân, vận động bà con hiến đất. Thị trấn cũng đã tính đến việc hỗ trợ lại phần nào cho những hộ bị thiệt thòi quá nhiều… Thế nhưng, cuối cùng, gia đình nào cũng đã đồng ý hiến đất mà không đòi hỏi một quyền lợi nào khác…”.

Đi dọc con đường đê bao bên bờ sông Lại dẫn ra cầu Bồng Sơn mới, vòng qua đường Hai Bà Trưng, đường Biên Cương… có thể cảm nhận thị trấn Bồng Sơn hôm nay đã mang dáng dấp của một phố thị với những nhà hàng, khách sạn, dịch vụ mua bán… tấp nập. Mỗi con đường được mở ra, được nâng cấp là kéo theo sự thông thương linh hoạt, sự gia tăng mật độ dân cư, việc làm ăn, mua bán của dân thuận lợi hơn. Trước đây, thị trấn cũng đã rất nhiều lần nhận được sự ủng hộ của dân về đất đai để làm đường. Năm 2006, con đường bê tông xi măng dài 2km ở khối Thiết Đính Bắc cũng đã được thi công nhờ sự ủng hộ, đóng góp hàng ngàn m2 đất của dân...

Ông Ninh cho biết: Trong năm 2008, thị trấn dự kiến sẽ mở rộng tuyến đường dài khoảng 1km tại khối 5 và tiếp tục quy hoạch để mở thêm nhiều tuyến khác với chiều rộng mỗi con đường từ 10-20m. Đây là những tuyến đường trong nội đô, mật độ dân cư cao, chiều sâu và diện tích nhà ở, đất ở của dân không nhiều lắm, do đó, việc vận động hiến đất sẽ khó khăn hơn…

Nhưng, với những nghĩa cử cao đẹp vì quê hương của người dân Bồng Sơn tin rằng những con đường của lòng dân sẽ tiếp tục dài hơn, rộng hơn…

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lãng mạn trên cầu Thị Nại  (15/12/2007)
“Sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đất Võ”  (08/12/2007)
Thăm lại Nam Lào  (04/12/2007)
Bác sĩ pháp y  (03/12/2007)
“Tòa cao ốc Kim Thạnh là tâm huyết của chúng tôi”  (01/12/2007)
Đi lại chốn kinh thành ánh sáng  (01/12/2007)
Bài 2: Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng bị thiệt hại   (27/11/2007)
Bài 1: Gas sang chiết lậu tràn ngập thị trường   (26/11/2007)
Từ cậu bé làm thuê đến vị giáo sư hóa học nổi tiếng   (24/11/2007)
Nơi cơn lũ đi qua   (19/11/2007)
Trò chuyện với một tình nguyện viên quốc tế  (17/11/2007)
Phế hưng Ghềnh Ráng  (12/11/2007)
Điều quan trọng là mục tiêu học tập  (10/11/2007)
Khát vọng sống  (05/11/2007)
“Văn chương, hội họa là bản năng của tôi”  (03/11/2007)