Những năm gần đây, ngoài các loại cây trái miền Nam, miền Bắc… người dân trong tỉnh còn biết đến trái chuối Canh Vinh, mãng cầu Bãi Xép… Những cây trái “quê mùa” mang hương vị đậm đà của đồng đất quê hương đã góp thêm chút sắc hương vào sự phong phú, đa dạng của thị trường cây trái trong những ngày xuân, tháng tết.
* Mãng cầu Bãi Xép
Chúng tôi đến một xóm nhỏ thuộc Bãi Xép (KV1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), nơi được nhiều người biết đến như là vườn mãng cầu của thành phố, vào một ngày giữa tháng Chạp. Xóm có 15 hộ trồng mãng cầu, nhà nào ít thì vài sào, nhiều nhất cũng được 1- 2 ha, và họ đã gắn bó với nghề này từ 10 năm nay. Thời điểm này, cả xóm đang mùa thu hoạch rộ và theo ước tính, nhiều hộ đã thu hoạch được gần 50% sản lượng mãng cầu của nhà mình.
|
Mãng cầu Bãi Xép.
|
Chỉ vào đống mãng cầu giữa nhà vừa mới thu hoạch, trái nào trái nấy to bằng chén ăn cơm, nở gai đều trông thật no mắt, anh Lâm Văn Em, 35 tuổi, một người trồng nhiều mãng cầu, tâm sự: “Đã ba mùa thất thu rồi, nay nhà tôi và cả cái xóm nhỏ này mới được mùa. Nhưng trái rộ không trúng dịp Tết, nên bán không được nhiều tiền. Mọi năm, mãng cầu bán sỉ vào dịp Tết luôn đạt giá 16 ngàn đồng - 18 ngàn đồng/kg, còn hiện giờ thì chỉ 10 ngàn đồng/kg”. Năm nay, âm lịch nhuần thêm 1 tháng nên thay vì để đến đầu tháng 8 mới suốt lá mãng cầu thì anh Em đã phải suốt lá từ cuối tháng 7, cho trái già đúng Tết. Vậy mà cũng không được…
Mãng cầu là một loại cây rất khó trồng, “nắng không ưa, mưa không chịu” nên cuộc sống của người dân xóm núi ở Bãi Xép cũng lên xuống theo những trái mãng cầu, dù đất ở đây là đất mỡ gà, rất phù hợp với loại cây này. Vậy nên, dù chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết nhưng niềm vui của những người trồng mãng cầu Bãi Xép không trọn vẹn vì đến lúc đó chẳng còn nhiều để bán, trái cũng không ngon như đầu mùa.
Cũng thuộc ngoại thành Quy Nhơn, những trang trại trồng cây ăn quả của phường Bùi Thị Xuân lại được biết đến với 2 loại trái cây rất ngon là xoài cát Hòa Lộc và chôm chôm. Tuy xuất xứ từ miền Nam nhưng từ vài năm nay, 2 loại cây này đã phát triển tốt tại đây. Những người làm vườn ở đây thường “canh” để chôm chôm chín đúng vào dịp Tết và nhiều năm qua họ đã thành công. Tuy nhiên, cũng do thời tiết nên năm nay chôm chôm đã chín từ tháng 11 âm lịch và vụ thu hoạch chôm chôm cuối cùng gần đây nhất cách nay cũng đã hơn nửa tháng, với giá vào thời điểm đó là 11 ngàn đồng - 12 ngàn đồng/kg mua tại vườn, khiến nhiều chủ trang trại tiếc hùi hụi vì Tết không còn chôm chôm để bán.
* Chuối Canh Vinh
Có thể nói, chuối và đu đủ - những loại trái cây quan trọng trong mâm ngũ quả - là ưu thế của Vân Canh. Những ngày tháng Chạp, chợ chuối Canh Vinh, ngã ba Cầu Khẩu và một vài điểm tập trung người buôn chuối trên tỉnh lộ 638 thuộc xã Canh Vinh tấp nập người mua kẻ bán với cơ man chuối là chuối. Những buồng chuối mốc còn xanh dựng khắp nơi, trái nào trái nấy căng tròn, mời gọi. Khác với chợ chuối Canh Vinh chỉ họp buổi sáng và 5 ngày mới có 1 phiên, những điểm tập kết chuối trên đường 638 chiều nào cũng tấp nập người mua kẻ bán.
Chuối Canh Vinh tròn trái, lúc còn xanh chuối có mốc phấn, khi chín trái mọng, màu vàng tươi, ăn rất ngọt. Tiếng lành đồn xa, từ Canh Vinh, chuối xuống Quy Nhơn và len lỏi về các chợ vùng quê trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Ai đi chợ cũng mong mua được nhánh chuối Canh Vinh về thắp nhang trên bàn thờ những ngày rằm, tháng tết. Có cung thì có cầu, cây chuối Canh Vinh cũng theo nhu cầu thị trường mà được trồng nhiều hơn.
|
Chuối từ trên rẫy được tập kết về ngã 3 Cầu Khẩu.
|
Hơn 3 giờ chiều, vợ chồng anh Hào từ rẫy chở nhau ra thẳng một điểm tập kết chuối trên tỉnh lộ 638, phía sau xe là hai bao chuối và đu đủ. Chuối thì không đẹp lắm nhưng đủ đủ xanh thì trái nào trái nấy to đều, trông thật đẹp mắt. Nghe người mua hàng tỏ ý chê và trả rẻ, anh phân trần: “Năm nay nhuần tới hai tháng bảy (âm lịch) nên chuối chín sớm, càng gần Tết thì chẳng còn bao nhiêu, mà chuối cũng không đẹp bằng. Còn đu đủ thì mấy cây này bị nhím cắn tôi mới hái trái xanh bán cho người ta làm dưa chua ngọt, làm mứt, chứ không thì để chín bán được tiền lắm”. Còn tại ngã ba Cầu Khẩu, chúng tôi gặp cha con anh Lê Hồng Sơn, 40 tuổi ở xóm 3, thôn Canh Vinh 2 vừa thồ một bao chuối kềnh càng từ trên rẫy xuống. Anh Sơn trồng được 1.000 gốc chuối xen 1.000 gốc đu đủ… Anh cười vui: “Cứ một thiên chuối được giá khoảng 20 triệu đồng là đã xứng công người trồng. Chuối năm nay được mùa, giá cả cứ như bây giờ thì vợ chồng tui dư dả sắm Tết”.
Càng về chiều, ngã ba Cầu Khẩu càng sôi động. Con đường đất chạy thẳng từ rẫy xuống ngã ba tung bụi mịt mù vì những chuyến xe nặng chuối. Tiếng trả treo, tiếng xe máy vang động cả một vùng quê. Những buồng chuối thuộc hạng “đỉnh”, nhánh lớn, trái to gần bằng bắp tay người lớn được mua sỉ với giá từ 15 ngàn - 20 ngàn đồng/nhánh. Ấy vậy mà nhiều người lắc đầu: “Nhằm nhò gì mấy bữa nay. Từ 23 tháng Chạp đến 27, 28 Tết mới đông. Chừng đó chuối đẹp giá sỉ lên tới 25 ngàn đồng/nhánh lận”.
* Trái cây chợ Tết
Sau khi chợ Lớn bị cháy, các đại lý thu mua trái cây lớn ở TP. Quy Nhơn thuê mặt bằng tại những con đường xung quanh chợ Lớn cũ như đường Tăng Bạt Hổ, đường 31-3 để tiếp tục kinh doanh. Sau rằm tháng Chạp là thời điểm trái cây về chợ tăng gấp 4- 5 lần so với ngày thường nhằm phục vụ nhu cầu cúng, giỗ vào những ngày cuối năm. Vì thế, những ngày này, từ khoảng 3 giờ sáng hàng ngày, khu vực các vựa trái cây bắt đầu tấp nập xe tải chở hàng từ các tỉnh ngoài Bắc, trong Nam về xuống hàng liên tục. Không khí mua bán nhộn nhịp, tấp nập cho đến chừng 7 giờ sáng thì lắng xuống. Các loại trái cây được bày la liệt khắp vỉa hè, lấn cả ra đường đi. Trái cây được đựng trong từng thùng giấy, mỗi thùng khoảng 10 kg, người mua chỉ việc chọn hàng, đọc tên cho chủ đại lý ghi sổ, tính tiền. Thường, mỗi một đại lý sẽ nhập từ 1 - 2 loại trái cây, rau, củ quả khác nhau theo các mối hàng phân định sẵn. Hiện nay, trái cây được nhập về chợ đầu mối nhiều nhất chủ yếu là các loại trái cây trong nước như cam, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu, chôm chôm, thanh long, bưởi…
|
Chọn mua trái cây vào những ngày trước Tết.
|
Chị Ba Dũng - chủ một đại lý trái cây trên đường Tăng Bạt Hổ - cho biết: “Sở dĩ thời điểm này trái cây về nhiều là vì trái cây các tỉnh phía Nam đồng loạt chín trước Tết, do thời tiết khắc nghiệt và năm nay nhuần tháng 7 âm lịch”. Dù vậy, các chủ vựa đều khẳng định thị trường trái cây phục vụ Tết Nguyên đán sẽ không có tình trạng thiếu hụt hàng vì họ đã liên hệ trước với các đầu mối ở các tỉnh biên giới phía Bắc để nhập trái cây miền Bắc và Trung Quốc như cam, quýt, táo, lê… đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các chủ vựa còn cho biết vào những ngày cận Tết, nhiều loại trái cây nhập ngoại như dưa lưới, đu đủ Thái Lan, dưa hấu Thái Lan… sẽ được đưa về khá nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu thích trưng bày trái cây mới, lạ của người tiêu dùng có thu nhập cao. Tuy nhiên, giá các mặt hàng trái cây phục vụ cho Tết có tăng đột biến hay không còn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường.
***
Trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, mâm ngũ quả là vật không thể thiếu được trong ngày Tết. Hoa quả là lộc của thiên nhiên, đất trời, lộc xuân lại càng quý. Dâng lộc trời, cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu xuân hay “cầu - dừa - đủ - xài” (xoài) vừa thể hiện sinh động sự tôn kính, lòng thành, vừa gieo ước vọng của mình trong những ngày đầu năm. Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của mỗi người dân ngày càng được nâng cao, bên cành mai vàng, bánh chưng xanh, câu đối đỏ… sự phong phú, đa dạng của cây trái đã làm nên khung cảnh ấm áp của mỗi gia đình khi Tết đến xuân về.
|