|
Đường về làng Hà Nhe hôm nay. Ảnh:TT |
(Bài tham gia cuộc thi viết Bút ký - phóng sự - nhân vật )
Trở lại Hà Nhe lần này, tôi choáng ngợp trước sự đổi thay không ngờ của một ngôi làng Ba na mà cách đây non ba năm nó hãy còn nghèo. Những khó khăn bộn bề đã dần được đẩy lùi và Hà Nhe bây giờ đã khác xưa...
Gần ba năm trước, trong một lần về Hà Nhe tôi được các già làng ở đây cho biết: Làng Hà Nhe được hình thành cách đây hàng trăm năm. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làng có tên là làng Dót Cào. Ở làng hầu như gia đình nào cũng tham gia Cách Mạng. Ngày ấy, nghe lời Đảng, nhân dân Hà Nhe đã vùng lên đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến. Ngày ấy, với những vũ khí thô sơ như man cung, tên ná, súng trường và hầm chông, dân làng kiên cường bám đất giữ làng, bảo vệ cán bộ lãnh đạo của tỉnh, của huyện Bình Khê (Tây Sơn cũ).
Nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất nhưng người dân làng Hà Nhe vẫn còn khổ, còn nghèo! Mấy mươi hộ dân làng Hà Nhe đã di dời lên lòng hồ Thuận Ninh để sinh sống, đến năm 1986 lại quay trở về chóp núi Lỗ Xình, rồi một số hộ đã trở lại huyện Vĩnh Thạnh, chỉ còn lại 13 hộ đồng bào Ba na quyết định gắn bó núi rừng, chống chọi với bao khó khăn... Rồi một cơ hội đến, khi Dự án bổ sung di dời lòng hồ Định Bình triển khai, từ tháng 3-2004 dân làng Hà Nhe di dời từ chóp núi Lỗ Xình xuống chân núi và được chương trình của dự án hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình 4,5 triệu đồng.
Từ sự hỗ trợ của nhà nước cộng với nỗ lực của địa phương và người dân, đến nay Hà Nhe đã thay đổi hoàn toàn không thể ngờ được. Một Hà Nhe với những con đường đất đỏ bụi mù trời đã được thay bằng những con đường bê tông sạch đẹp giữa chốn núi rừng. Những ngôi nhà bê tông, cốt thép được dựng lên khang trang. Và ngạc nhiên thay, khi chúng tôi đặt chân tới nhà của trưởng làng Đinh Minh Lua hãy còn trẻ (38 tuổi), ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là lúa! Lúa ngổn ngang trên nền nhà, lúa được chất đầy bao, ngót đến ba chục bao, mỗi bao chứa 45 kg chứ chẳng ít.
Thật khác xa với ngôi nhà vị trưởng làng Đinh Chok ngày xưa chỉ toàn là muối! Trưởng làng Đinh Minh Lua hồ hỡi khoe rằng : “Mình làm trưởng làng thay cho Đinh Chok từ tháng 8-2006. Hà Nhe bây giờ là làng M9 với 67 hộ đồng bào Ba na (282 nhân khẩu) trực thuộc xã Vĩnh Hòa-huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Hà Nhe giờ đã “thóat” khỏi sự hỗ trợ gạo ăn của Nhà nước rồi …”.
Đúng là Hà Nhe đã khá hơn trước nhiều. Theo dự án di dân hồ Định Bình mỗi hộ đồng bào được cấp 1 ha đất trồng trọt. Trong đó, họ trồng bắp, mía, mì. Bình quân mỗi năm trỉa 4 kg giống bắp trên diện tích khỏang 6 sào thì thu hoạch được 8 tạ. Cả làng có khoảng 40 ha lúa rẫy được trồng khoanh vùng quanh khu vực trồng keo của Lâm trường Sông Kôn. Đất trồng lúa rẫy nằm ở ven sườn đồi, đất tốt nên đồng bào mình trỉa lúa chỗ nào cũng có thu, cứ bình quân mỗi kg lúa giống trỉa xuống cho thu hơn 50 kg, chứ không phải như ngày xưa 10 kg giống trỉa chỉ cho thu hoạch được từ 50 – 100 kg. Ngoài cây lúa, số diện tích điều của làng không thể thống kê được hết bởi có hộ trồng trước, có hộ trồng sau. Điều trồng ven trên đất rẫy xanh mơn mởn trước gió xuân về. Mấy năm trước, làng chỉ có dăm con trâu bò thì nay đã có 70 con bò, 15 con trâu và một đàn dê 30 con. Số trâu bò này không dùng cho việc cày bừa mà chủ yếu nuôi lấy thịt. 70% số hộ trong làng đã có xe máy. Làng chẳng những đã có hệ thống điện lưới quốc gia mà hệ thống nước sạch cũng đã về tận làng từ tháng 9-2006, người làng không còn lo sợ tình trạng đau bụng vì nước uống. Dịch sốt rét hai năm trở lại đây không còn nữa. Người làng đau ốm thì đến trạm y tế xã, có bảo hiểm y tế hẳn hoi chứ không rục rà rục rịch “sợ” bệnh viện mà dùng rễ cây rừng để chữa bệnh nữa. Trừ lớp người già cao tuổi thì bà con trong làng đã được phổ cập tiểu học. Trẻ nhỏ hầu hết đã được đến trường. Thuở xưa người làng chỉ cầu mong cho gia đình mình đủ ăn thì nay làng đã có “triệu phú”. Người giàu nhất làng là ông Lê Văn Cù – thôn phó làng Hà Nhe. Ông giàu cũng có lí do, bởi ông chăm chỉ làm ăn và tích cực đầu tư vốn cho bà con trong làng trồng keo, trồng bạch đàn. Ngoài ra, ông còn có nghề buôn bán bò, tính sơ sơ từ khoản làm ăn này thì một năm ông lãi đến gần 30 triệu đồng.
Để cải thiện bữa ăn hàng ngày, bà con trong làng Hà Nhe đã biết cách đào ao nuôi cá trắm cỏ, chép, cá trê lai … 60% số hộ đồng bào đã có ti vi để theo dõi thời sự. Nhưng nói gì thì nói, có lẽ điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất chính là cái chảo Parapol mới toanh đang mắc trên mái những ngôi nhà ngói xây. Cả làng có đến 6 cái chảo như thế, trông thật hiện đại. Ông Đinh Minh Nguôi hớn hở vui mừng khi thấy tôi ngạc nhiên vì “sự kiện” chảo Parapol. Ông lôi tôi ra khỏi nhà trưởng làng Lua, kéo sang nhà ông kể chuyện.
Ông Nguôi cho biết, từ tháng 9-2004, ông rời chóp núi Lỗ Xình xuống nơi ở mới, mang theo cái ti vi Sanyo trắng đen cũ kỹ với cái “cần ăng ten” bằng cây tre “trăm đốt”, cứ xoay hết chỗ này đến chỗ kia, cái cổ cứ ngẩng lên trời muốn gãy ra luôn thế mà vẫn chẳng làm sao tiếp được sóng truyền hình rõ ràng, cả đài Bình Định lẫn VTV... Vậy mà vào khoảng cuối năm 2005, nghe nhiều người Kinh kháo nhau về cái chảo Parapol, ông ưng cái bụng lắm nhưng còn trù trừ chưa quyết vì nỗi lo tiền. Mấy đứa con lại bảo: “Ba ráng bắt chảo Parapol đi để tụi con tham khảo cách giải phương trình trên ti vi, rồi học tiếng Anh trên ti vi nữa. Vừa học thầy, vừa học ti vi sẽ mau tiến bộ hơn …”. Ông nghe ra cũng có lí lắm. Đời mình khi xưa ít học, chiến tranh gây khổ nghèo, giờ nghĩ lại không học hành tới nơi tới chốn. Thôi thì ráng! Và thế là cuối năm ấy, ông bỏ đứt 5,2 triệu đồng để sắm chảo Parapol, cả ti vi mới nữa. Ông tâm sự: “Thiệt, bây giờ có chảo, coi ti vi đã lắm! Mình thích nhất là chương trình thời sự, giáo dục từ xa, rồi nông nghiệp nuôi ba ba, cá sấu, trồng la gim… Mình là nông dân mà, xem ti vi họ trồng cây gì con gì mình bắt chước theo để đời sống được cải thiện… Họp Quốc hội cũng như mình được họp. Nhờ ti vi đấy ! Không có ti vi thì làm sao thấy. Nhờ điện, nhờ ti vi, chẳng những con cái mình tiến bộ mà mình cũng tiến bộ theo …!”.
Dẫu tiếp cận với cuộc sống mới hiện đại, với người Kinh nhưng đồng bào Ba na ở đây vẫn cố gắng giữ vững nét xưa của mình. Đó là hình ảnh ngôi nhà sàn. Hầu như hộ đồng bào nào cũng làm một cái nhà sàn ở cạnh nhà xây ngói đỏ tươi. Họ bảo rằng mùa hè ra nhà sàn ở cho mát, đó cũng một phần họ nhớ lại phong tục tập quán xưa. Các cụ ông, cụ bà thì “khoái” nhà sàn hơn nhà xây, nó thuận lợi là muốn ngồi chỗ nào cũng được, chứ nhà xây ấy à, phải có bàn có ghế, bất tiện lắm! Trưởng làng Đinh Minh Lua tâm sự rằng: “Nếu tính ruộng thì nơi ở mới này không bằng ở trên núi. Khi xưa, ruộng rẫy đồng bào nhiều lắm, không lo cái đói, chỉ lo cái thiếu thông tin, mù chữ, đường sá xa xôi. Trâu bò nuôi nhiều vô kể vì đồng cỏ bao la. Nay xuống đây, có hộ phải bán hết cả trâu lẫn bò vì đất ruộng sản xuất còn thiếu, lấy đâu đất trồng cỏ. Trên kia có cái tốt, dưới này cũng có cái tốt. Hoàn cảnh như thế, Nhà nước muốn khác, mình muốn khác. Nhưng giờ mình phải theo Nhà nước thôi, nếu không sẽ bị lạc hậu mất …! Ấy là chưa nói chuyện khi xưa đường xa bệnh viện, cách sông núi, nếu bệnh nhân đưa đi không kịp thì chết. Giờ chỗ ở mới tốt hơn, cái gì cũng tiện, dễ mua dễ bán, không có sông núi ngăn cản. Nói thật, từ khi xuống đây, ban đầu đời sống đồng bào mình hãy còn khốn khó nhiều mặt, giờ nỗ lực của mình và Nhà nước nên cũng ổn định hơn và tin rằng trong tương lai sẽ khá hơn nhiều …!”.
Vâng ! chúng tôi tin rằng với sự quan tâm của Nhà nước dân làng Hà Nhe không còn nỗi lo thiếu đất ruộng sản xuất thì tương lai Hà Nhe sẽ thay đổi nhanh hơn…
|