Câu chuyện về người thợ đóng giày mù!
10:34', 11/2/ 2007 (GMT+7)

(Bài tham gia cuộc thi viết Bút ký - phóng sự - nhân vật)

Trong cuộc gặp gỡ với anh Nguyễn Ngọc Hồng ở thị trấn Đập Đá (An Nhơn), một người mù đã vượt qua số phận bằng chính nghị lực của mình để trở thành một nghệ nhân chơi mai kiểng nổi tiếng, cuối cuộc trò chuyện, anh Hồng mách bảo: “Thật ra tôi chẳng giỏi giang gì so với anh bạn của tôi quê ở xã Nhơn Phong (An Nhơn). Anh ấy cũng bị mù nhưng là một thợ đóng giày tài hoa. Nhờ vậy nên hiệu giày của anh luôn nườm nượp khách. Trong làng nghề đóng giày ở An Nhơn, Quy Nhơn cho đến Gia Lai, ĐăkLăc, nhắc đến “Cường Thịnh Vượng” không ai là không biết…

 

Anh Cường đang “tác nghiệp”. Ảnh: VĐT

 

*Cuộc hành trình giữa bóng đêm…

Người mà anh Hồng nói đến là anh Nguyễn Hùng Cường (60 tuổi) ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong (An Nhơn), chủ một hiệu đóng giày mà cái tên của nó đã trở thành “thương hiệu” trong làng giày da từ trong đến ngoài tỉnh: Thịnh Vượng. Tìm gặp anh chẳng khó khăn gì, từ thị trấn Đập Đá cho đến xã Nhơn Phong hỏi nhà anh mù mà đóng giày thật đẹp thì ai cũng biết. Lúc tôi đến, anh đang lau bụi cái tủ gương trưng bày giày, dép các loại để chuẩn bị đón khách sắm tết.

Nghe tiếng máy xe honda dừng trong sân, anh ngóng mắt ra “nhìn” và cười thật hiền hậu. Tuy tôi không phải là khách hàng nhưng anh vẫn vui vẻ mời nước dù công việc trong những ngày tháng chạp rất bộn bề. Biết tôi đang tò mò muốn biết có sự diệu kỳ nào khiến anh có thể “hành” một cái nghề đòi hỏi kỹ thuật và độ tinh xảo cao trong khi đôi mắt không còn chút ánh sáng, anh cởi mở: “Làm thợ đóng giày mà đôi mắt bị mất ánh sáng thì không có gì bi quan hơn. Lúc ấy tôi không biết rồi cuộc đời sẽ như thế nào trong khi tôi là chỗ dựa duy nhất của người vợ trẻ và đứa con gái còn nhỏ. Thế nhưng chuyện cơm áo của cả gia đình đã không cho phép tôi “bó tay”, và cuối cùng tôi cũng đã tìm được cho mình một thứ “ánh sáng” khác  thay cho đôi mắt để làm nghề cho tới bây giờ!”.

Là con của một nhà thuần nông, để mở hướng mới cho cuộc đời, năm 18 tuổi anh xin ba mẹ cho đi Gia Lai học nghề đóng giày. Sau 3 năm miệt mài, anh ra nghề  nhưng muốn để tay nghề vững vàng hơn anh quyết định vào Sài Gòn vừa làm vừa học hỏi thêm kỹ thuật, mỹ thuật. Đến năm 1970, anh về quê mở hiệu đóng giày tại Gò Găng (Nhơn Thành-An Nhơn). Công việc làm ăn chỉ mới vừa bước qua giai đoạn “khới đầu nan” thì vào năm 1974, đôi mắt anh mờ dần và chẳng bao lâu sau thì mù hẳn. Bao nhiêu của nả vợ chồng anh dành dụm được từ sau ngày cưới lần lượt “ra đi” nhưng đôi mắt anh vẫn không tìm lại được chút ánh sáng nào. “Tiền mất tật mang”, anh nghĩ là đã phải chia tay vĩnh viễn với nghề đóng giày kể từ đấy. Sau ngày giải phóng, cuộc mưu sinh của gia đình anh càng lâm vào cảnh khó khăn. Vốn liếng của gia đình giờ chỉ còn hai bàn tay trắng. Anh quay lại với công việc đồng áng để kiếm hạt gạo chạy bữa. Anh Cường nhớ lại: “Hồi ấy ruộng chưa vào HTXNN nên tôi cố gắng làm để xoay sở cuộc sống cho cả gia đình. Tôi tập làm quen với cách “nhìn” bằng xúc giác, vị giác, thính giác, khứu giác và cả bằng trí nhớ. Tôi thuộc dần con đường ra ruộng, thuộc dần những bờ ruộng của mình và quen dần cách băm ruộng, làm bờ. Hồi ấy khổ nhất là công đoạn làm bờ, tôi phải lấy tay mò để biết nơi nào cỏ mọc nhiều, ít để dùng cuốc vạc cho chính xác. Mấy năm sau, khi ruộng nương được sung vào HTXNN thì tôi cũng “thất nghiệp” theo. Bởi làm ăn công điểm thì không ai chấm công cho một người làm “mò” như tôi. Rồi, trong cái khó ló cái…liều, tôi quyết định quay lại với nghề đóng giày bằng khả năng của những “đôi mắt cảm giác”. Thế nhưng trong thời bao cấp thì chẳng có ai nghĩ đến chuyện “đỏm dáng” nên ý định ấy cũng tắt ngấm ngay sau đó. Mãi đến năm 1980, khi cuộc sống đã thơi thả hơn, “thấy” người ta bỏ dần dép cao su và thay bằng dép da, tôi bèn bày biện lại đồ nghề và đóng ngày vài đôi bán cho khách quen. Cứ thế khách hàng quen dần tìm đến ngày càng đông, khoảng dăm năm sau thì tiệm tôi hoạt động thật sự tở mở, đến tháng giáp tết là khách hàng đứng “sắp lớp”, tiệm lúc nào cũng có 5 thợ và 3 học trò. Lúc đó mấy đứa con tôi còn nhỏ, chỉ mới theo nghề “lỏm bỏm” nên tôi phải quán xuyến hết mọi hoạt động của tiệm, nhất là khâu kỹ thuật để luôn làm vừa lòng khách hàng”.

*…với những “đôi mắt”

“Quán xuyến hết”, đó là chuyện đơn giản của một người bình thường, nhưng với một người mù như anh Cường thì thật không đơn giản chút nào, nhất là đối với một công việc đòi hỏi độ tinh xảo cao như nghề đóng giày. Thế nhưng khi ở trong hoàn cảnh không thể nhìn bằng mắt để kiểm tra hàng hoá, sản phẩm thì anh đã “nhìn” bằng tay, thậm chí anh “nhìn” bằng…răng! Anh Cường cho biết: “Yếu tố tiên quyết cho độ bền của đôi giày là chất lượng của da, cho nên khi đi mua, tôi đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra độ dày và độ dẻo của nó, màu sắc thì đã có chủ hàng cho mình biết. Trước đây, chỉ cần nhìn tấm da là tôi biết loại tốt, xấu. Thế nhưng khi đã bị mù tôi phải dùng tay sờ để biết tấm da dày bao nhiêu phân. Còn kiểm tra độ chắc của da tôi phải dùng răng vừa cắn vừa kéo ra để biết nó dẻo hay bở…”. Chuyện kiểm định nguyên liệu của anh nghe đã lạ, nhưng chuyện anh ra tay thực hiện từ công đoạn đầu đến công doạn cuối để cho ra một sản phẩm hoàn hảo nghe còn “đáng nể” hơn.

Trong thời gian đầu khôi phục hoạt động của tiệm giày, lúc ấy khách hàng chưa có bao nhiêu nên anh Cường không thuê thợ, mọi việc đều do anh cáng đáng. Anh vừa làm vừa dạy nghề mấy đứa con.  Khách hàng vào đóng giày thì anh bảo thằng con đo phân  tấc rồi báo lại cho anh. Từ những “số liệu” ấy, anh sờ sẩm những cái “cốt” (mô hình chiếc giày được đẽo bằng gỗ) chọn ra một cái để thực hiện công đoạn “tạo dáng” cho đôi giày. Thế nhưng theo anh thì không phải cái “cốt” nào cũng vừa khít số đo của khách mà người thợ phải biết “gia giảm” da trong công đoạn cắt “mũ” thì khi ra thành phẩm đôi giày mới thật sự vừa chân khách. Chọn được “cốt” rồi anh tiếp tục công đoạn “ra rập”. Nguyên liệu da hồi ấy rất đắt nên nếu công đoạn “ra rập” mà “lơ tơ mơ” thì sẽ rất hao da. Nhưng với anh thì chuyện ấy không bao giờ xảy ra vì anh biết cách “chèn” rập vào từng ngóc ngách của tấm da để tận dụng từng phân. Làm được điều này, mỗi tấm da anh có thể tiết kiệm được vài ba đôi giày chứ chẳng ít. Nghe anh nói điều này mới thấy đáng nể hơn: “Không phải tôi nói dóc chứ cầm tấm da lên, cân sức nặng của nó bằng tay tôi cũng biết là tấm da này ra được mấy đôi giày rồi”. Riêng công đoạn dán keo và may mũ anh giao cho con làm. Thế nhưng để bảo đảm chất lượng anh cũng phải ra tay kiểm tra, chỉ “nhìn” bằng tay anh cũng có thể biết đường keo dán có đều không và đường chỉ may có thẳng không. Anh bảo: “Nếu không kiểm tra kỹ, để lũ trẻ làm ẩu, khách mang vài ba tháng mà giày hở thì mất uy tín. Khách hàng của tôi không chỉ là những người bình thường mà cả những người bị dị tật thọt chân cũng tìm đến tôi. Với những người này, tôi sẽ có cách đóng cho họ những đôi giày mà khi mang vào, những bước đi của họ sẽ tự tin hơn. Thậm chí khách vào đóng giày, tôi chỉ cần lấy hai bàn tay ướm chân là tôi biết họ mang giày cỡ số nào rồi!”.

 

Anh Cường bên những sản phẩm của mình. Ảnh: VĐT

 

Qua cuộc trò chuyện với anh Cường, thật lòng mà nói là tôi chưa tin lắm về những khả năng anh có. Thế nhưng khi gặp ông Nguyễn Thân (70 tuổi)-chủ một cửa hàng giày- ở 196 đường Lê Lợi (Tp Quy Nhơn) thì lòng tôi không còn chút nghi ngờ. Ông Thân cho biết: “Tôi đã có 50 năm làm nghề đóng giày, và đã từng gặp nhiều “cao thủ” trong nghề nhưng chưa có ai tôi phục như chú Cường. Bởi làm nghề đóng giày thủ công thì điều người thợ cần nhất là đôi mắt sáng và đôi tay khéo léo, chú Cường không còn ánh sáng đôi mắt mà hành nghề nuôi cả gia đình quả là hiếm thấy. Chỉ có người đầy nghị lực và yêu nghề lắm mới làm được như vậy”.

*Bên lề chuyện giày

Câu chuyện bên lề này cũng do anh Nguyễn Ngọc Hồng kể lại và khi nghe thì mới thấy anh Cường còn có những khả năng khác “phi thường” hơn cả chuyện đóng giày. Anh Hồng kể: “Cơ sở đóng giày đã có chồng quán xuyến hết nên vợ anh ấy chỉ biết nấu cơm và nuôi heo kiếm thêm thu nhập. Có một lần nhà anh xuất chuồng một con heo, anh lái heo định lượng con heo của nhà anh bằng cách “mua bộ” (“cân” heo bằng mắt). Sau khi anh lái xướng lên số ký của con heo và ra giá mua, anh Cường không nói rằng gì, cứ lần dò từng bước leo vào chuồng heo, lấy gang tay do chiều dài của nó xong rồi ôm vòng quanh bụng con heo, sau đó anh nói cân lượng của nó và bảo anh lái phải trả tiền đúng như giá trị nó thực có thì mói chịu bán. Anh lái heo cười khẩy, lôi ra chiếc cân với chủ tâm thẩm định sự đo lường khó tin của một người mù. Thế nhưng khi cân xong, anh lái heo “tái mặt” vì xác suất sai của kiểu “cân” heo bằng tay của anh Cường có tỷ lệ thấp đến phải “tâm phục, khẩu phục”.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trở lại Hà Nhe…  (07/02/2007)
Cây trái mùa xuân  (05/02/2007)
Nhấp nháy ánh đèn  (29/01/2007)
Nghề rong mua cổ vật!   (28/01/2007)
Đi coi đám cưới  (22/01/2007)
Dưỡng nụ, đợi xuân  (17/01/2007)
Studio ảnh thời nay  (15/01/2007)
Hội ngộ của tâm huyết  (15/01/2007)
Xem bói cuối năm  (08/01/2007)
Bây giờ gạch ngói Phú Phong  (08/01/2007)
Làng hoa đợi Tết  (01/01/2007)
Chính thức loại bỏ xe lam  (29/12/2006)
Festival trên miền đất võ  (27/12/2006)
Festival trên miền đất võ  (26/12/2006)
Quá thấp !  (26/12/2006)