Muôn sắc mùa xuân
16:57', 14/2/ 2007 (GMT+7)

Những ngày này, chợ hoa xuân Quy Nhơn trên đường Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu nhộn nhịp người đi mua hoa, người đi chơi chợ. Vào buổi trưa hoặc chiều mát, chợ càng đông người. Xuống phố trong một chiều chuẩn bị tiễn năm cũ Bính Tuất, đón xuân Đinh Hợi, PV Bình Định điện tử đã ghi nhận những sắc thái khác - hay có thể gọi là những “góc khuất” - của chợ hoa xuân.

 

Ông đồ trẻ.

 

Trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành phía trước Trung tâm Hội chợ Triển lãm tỉnh có một gian hàng lạ lẫm và có vẻ lọt thỏm giữa chợ hoa xuân đang khoe sắc tỏa hương: một gian hàng bán chữ. Chút ít, hình ảnh ấy cũng gợi cho người ta hoài niệm về ông đồ già “Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua” mỗi khi xuân về trong thơ Vũ Đình Liên, dẫu ông đồ ấy đã vắng bóng từ cái thời Thơ mới thắng thế. Chỉ có điều, giữa TP Quy Nhơn năm 2007 này, lại xuất hiện một “ông đồ trẻ” chỉ mới 22 tuổi, viết thư pháp bằng tiếng Việt. Ông đồ trẻ tên thật là Đào Duy Minh Tú, lấy bút danh là Đào Minh, quê ở Tam Quan (Hoài Nhơn). Đào Minh đang học năm cuối ngành Du lịch Trường ĐH Duy Tân ở Đà Nẵng và rất đam mê thư pháp. Những năm trước, Minh ăn tết ở Đà Nẵng và cũng viết thư pháp bán trong dịp này. Tết năm nay, Minh về quê ăn tết và tranh thủ vào Quy Nhơn để “hành nghề”. Một bức thư pháp có giá 20.000 đồng, bức lồng khung kính thì 60.000 đồng. Những bức viết của ông đồ hiện đại này thường có nội dung ca ngợi công ơn cha mẹ hoặc đôi câu đối “Ngày xuân tài lộc bình an đến/ Năm mới vinh hoa phú quý về”, hoặc cũng có khi chỉ là chữ Tâm, Nhẫn, Nhân theo ý người mua. Viết xong mỗi bức, Đào Minh đều ký tên bằng cách điểm chỉ lên bức viết. Một người khách thắc mắc sao không đóng triện, Minh giải thích: “Chỉ những người thành danh, nổi tiếng mới dùng triện để đóng lên tác phẩm của mình, còn em mới tập viết thư pháp nên điểm chỉ”.

 

Em ước gì cho mình trong một chiều cuối năm?

 

Phía trước hàng thư pháp là một gian hàng lưu động nổi bật hai sắc đỏ vàng bán hàng trang trí ngày Tết của hai người - có lẽ là hai mẹ con. Đó là những chiếc phong bao lì xì và những vật trang trí như lồng đèn, quạt, xâu tiền, hình Phật bà, chữ Phúc - Lộc - Thọ... Gian hàng cũng có hai phần: một chiếc khung lớn bằng ống nhựa để treo hàng và một chiếc mẹt nhỏ. Em gái nhỏ đang bày hàng ra chiếc mẹt của mình. Chỉ cách em có vài bước chân, trong khi nhiều bạn bè cùng lứa đang được ba mẹ chở đi chơi, ngắm chợ hoa thì em vẫn phải giúp gia đình làm việc. Em bán những món hàng mang lại may mắn, tài lộc cho người, còn em, em có ước gì không cho mình, trong một chiều cuối năm? Cầu mong cho em năm mới sẽ được may mắn và hạnh phúc.

Thế rồi vạn thọ. Chen lẫn giữa những cúc, hồng, quất, bonsai, mai... cao sang, quý phái, loài hoa dân dã, mộc mạc này vẫn có chỗ đứng ở thành phố. Đã từng có thời, người ở phố ít chuộng vạn thọ. Song sau đó, với sự xuất hiện của nhiều giống vạn thọ mới ngoại nhập, hoa to, nhiều màu sắc, vạn thọ đã được nhiều người để ý. Những chậu vạn thọ nhỏ giá chỉ chừng 15.000 - 30.000đ/cặp, mua về đặt ở góc sân, bỗng trở thành những “chiếc gương thời gian”, nhìn vào là thấy ngay hình ảnh quê nhà, những vồng khoai và mẹ già mỏi mắt ngóng tin con. Và để tự an ủi rằng mình vẫn còn giữ cái gốc quê, dẫu tốc độ đô thị hoá có nhanh đến đâu đi nữa.

 

Khách mua hoa vạn thọ.

 

Bên đường Trường Chinh, phía sau hàng cúc, mai là một gian hoa hồng. Một nửa số chậu hồng ở đây chưa nở hoa và người bán nói rằng chúng sẽ nở hàm tiếu vào đúng Tết. Có lẽ vì thấy hoa chưa nở nên ít khách ghé lại xem hoa. Người bán cho biết anh mới đưa hoa từ Phước Hoà (Tuy Phước) xuống Quy Nhơn vào tối 25 tháng chạp và ngày hôm qua mới bán được 1 chậu. Ít khách nên dù mới chiều nhưng cha con anh đã mang giường xếp ra trước gian hàng. Người cha châm một điếu thuốc, vẻ bồn chồn, còn con trai anh thì quấn mình trong chăn. Hai cha con đang đợi khách.

Lẫn trong dòng người xe tấp nập dạo chợ hoa xuân, có hai mẹ con một khách du xuân đang chầm chậm lướt qua những hàng hoa trên một chiếc xe lăn. Người mẹ chỉ vào những chậu cúc vàng: “Hoa nè con, đẹp chưa?”. Bé gái chừng 3 tuổi cũng chỉ tay theo mẹ, nói cười tíu tít. Chị tên là Tiền, ở tổ 8, KV 7, phường Ngô Mây, chồng chị cũng là người khuyết tật và hai vợ chồng đều mưu sinh bằng nghề bán vé số. Chiều nay tranh thủ về sớm, chị đưa con đi dạo chợ hoa. Nhìn mẹ con chị ngắm hoa, mới thấy hạnh phúc có khi là những điều thật đơn giản.

Chợ hoa xuân, giữa đầy sắc màu và hương hoa, có những góc nhỏ như thế. Và dù không rực rỡ, không ồn ào, náo nhiệt nhưng những góc nhỏ ấy cũng góp phần để cuộc đời thêm sắc, thêm hương.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu chuyện về người thợ đóng giày mù!  (11/02/2007)
Trở lại Hà Nhe…  (07/02/2007)
Cây trái mùa xuân  (05/02/2007)
Nhấp nháy ánh đèn  (29/01/2007)
Nghề rong mua cổ vật!   (28/01/2007)
Đi coi đám cưới  (22/01/2007)
Dưỡng nụ, đợi xuân  (17/01/2007)
Studio ảnh thời nay  (15/01/2007)
Hội ngộ của tâm huyết  (15/01/2007)
Xem bói cuối năm  (08/01/2007)
Bây giờ gạch ngói Phú Phong  (08/01/2007)
Làng hoa đợi Tết  (01/01/2007)
Chính thức loại bỏ xe lam  (29/12/2006)
Festival trên miền đất võ  (27/12/2006)
Festival trên miền đất võ  (26/12/2006)