(Bài tham gia cuộc thi Bút ký-phóng sự-nhân vật)
Chỉ ở bệnh viện khái niệm về "không khí tết" dường như mờ nhạt dẫu Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007 đang đến gần…
|
Tết năm này, có thể rất nhiều bệnh nhân phải ở lại bệnh viện đón Tết.
|
Nơi mùa xuân mờ nhạt
Tại quầy làm thủ tục khám BHYT, quầy phát thuốc và các phòng khám tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh vẫn quá tải như ngày thường, chờ đến lượt khám đông nghịt.
Một chiếc xe ô tô trờ tới, chở hai bệnh nhân (BN) nam, nữ mới bị tông xe vào lúc 5 giờ sáng. Người phụ nữ bị nặng hơn được các bác sĩ chuyển qua phòng cấp cứu hồi sức. Anh Phan Thanh Dũng, ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) còn chưa hoàn hồn khi nhớ lại tai nạn: "Xe chúng tôi từ Kon Tum chạy xuống Tây Sơn chở hàng rau, chuối thì bị một chiếc xe tải loại 2 tấn tông vào. Lúc ấy chỉ có vợ chồng người em và tôi- lái xe. Chú em bất tỉnh tại chỗ được đưa đi trước, chúng tôi nhẹ hơn được đưa đi sau. Nói là nhẹ hơn nhưng tôi bị gãy xương bánh chè, còn cô em bị gãy xương đùi, dập xương sườn. Sắp hết năm rồi mà vẫn không được tai qua nạn khỏi".
Mặc cảnh nhốn nháo, kẻ đứng người ngồi chờ đến giờ được mở cửa thăm nuôi bệnh nhân ở Ngoại thần kinh BVĐK tỉnh, một người đàn ông mũ chụp lên mặt, tranh thủ chợp mắt lấy vài phút ngay tại hành lang bệnh viện. Nghe lao xao, ông giật mình dụi mắt "Đến giờ mở cửa rồi hả?". Ông tên Quốc, ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ vào BVĐK tỉnh đã non tuần. Con trai ông đi xe tông một cháu bé 13 tuổi, cả hai bên đều bị thương. Nạn nhân được đưa vào BVĐK tỉnh, còn con ông nằm tại Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ. Vợ ông ở quê chăm con trai, ông vào Quy Nhơn, cùng cha của cháu bé chăm sóc người bị nạn. "Từ bữa đó đến nay tôi đã kịp về nhà lần nào đâu, chỉ biết hôm nay nó ra viện. Con dại cái mang, tôi đã đưa 1, 5 triệu đồng cho nhà bên đó rồi. Năm nay coi như khỏi tết"- ông than.
Thống kê ngày 13-2 (tức 25 tháng Chạp), Khoa Hồi sức cấp cứu ngoại còn 30 BN, trong đó có 20 trường hợp nặng, phải điều trị lâu dài. Khoa Ngoại thần kinh cột sống còn 77 BN. Bác sĩ (BS) Trưởng khoa Nhi Trần Thị Ngọc Diệp nói: "Đến giờ này vẫn còn 130 BN còn lại, trong đó có 30 bệnh nhi sơ sinh và một số ca bệnh hiểm nghèo. Chẳng hiểu vì sao cuối năm nay BN lại đông hơn mọi năm trước." BS Nguyễn Khánh Hòa, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa thì cho biết, số BN tại bệnh viện là 122 người, gồm: 22 BN phản ứng phong, 10 BN điều trị nội cấp cứu và 85 BN tàn tật nặng không về được.
Ranh giới mong manh
Phòng bệnh nặng ở khoa Nhi của BVĐK tỉnh, một bà mẹ ngủ vùi ngay trên giường bệnh của con. "Mệt quá nên thiếp đi. Cả 3 tháng nay, có đêm nào cô ấy chợp mắt được đâu, chỉ toàn chợp mắt như vậy thôi"- người chồng ngồi bên nói khẽ. Cháu Nguyễn Thị Thủy Tiên (thị xã An Khê, Gia Lai), con đầu của anh chị bị phát hiện ung thư máu cách đây 3 tháng. Bỏ lại 3 đứa con nhỏ cho ông bà nội trông coi, vợ chồng họ ôm con gái chạy xuống Bình Định rồi vào Sài Gòn, rồi lại trở ra Bình Định. Chi phí tốn kém trên 50 triệu đồng. "Vợ chồng tôi nghèo, được lúc nào hay lúc nấy. Thấy con đang chết dần mà cứu không được cô ơi"- mẹ cháu nghẹn ngào. Tiên học giỏi, đang ở trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp thị xã. Trên gương mặt xanh xao, quắt lại của cô bé, chỉ còn lại đôi mắt thật to, thật buồn. "Cháu có đau không?"- "Cháu ngứa lắm, mệt lắm. Cháu thèm đi học, nhớ bạn bè"- cháu phều phào trong hơi thở yếu ớt. Đã hai hôm cháu phải thở ôxy. Mệt vậy nhưng chẳng bao giờ Tiên chịu rời tay khỏi chiếc điện thoại vì bạn bè, cô giáo trong lớp thường xuyên điện đến thăm hỏi, động viên.
Qua những dãy hành lang của bệnh viện, tôi bắt gặp tiếng cười hể hả của ông bố mới lần đầu làm cha, hớn hở khoe đứa con trai vừa được xuất viện về nhà ăn tết cùng bố mẹ, thì phía bên kia, ở khoa Ngoại Thần kinh- Cột sống, đập vào mắt tôi hình ảnh hai người phụ nữ đứng ngoài cửa sắt khóc òa. Một đằng là con trai, một đằng là chồng của họ mới lìa đời vì tai nạn giao thông. Tiếng người mẹ òa vỡ: "Ngày này năm ngoái nó bị gãy tay. Tất niên năm nay, ba nó mới dặn năm nay con ráng giữ để cho cả nhà được ăn tết an lành, chứ đừng như năm ngoái. Vậy mà nó chẳng chịu nghe lời dặn, nỡ bỏ ba mẹ mà đi. Con ơi…"
Ranh giới giữa sự sống- cái chết là một điều gì đó hết sức mong manh.
|
Liên tục 3 tháng chăm sóc bé Thủy Tiên bị bệnh ung thư máu, người mẹ này đều phải tranh thủ ngủ như thế này.
|
Đón tết ở bệnh viện
"Mỗi lần ra ngoài mua thuốc, thấy người ta chở hoa, mua bánh kẹo tết lòng tôi cứ thấy chộn rộn, nôn nao chẳng biết sắp nhỏ tết vắng mẹ ra sao. Lại càng nghĩ thương đứa em đang nằm bất tỉnh nhân sự ở đây"- chị Đỗ Thị Thảo, chị gái của BN Đỗ Thị Trang (Tuy Hòa, Phú Yên) rớm nước mắt. Chị Trang hôn mê bất tỉnh gần mười ngày nay. Từ khi chị người thân bị nạn, cả gia đình chị huy động mọi người từ Phú Yên chạy ra Bình Định phụ với chồng chị Trang chăm sóc người ốm. Dẫu bận rộn, quấn quíu vì vợ ốm, chồng của chị Trang vẫn không quên nhờ mọi người bày dĩa hoa quả, kẹo bánh cúng tất niên cho ngôi nhà nhỏ của mình. Vợ chồng họ còn chưa kịp cúng tạ đầy năm ngôi nhà mới. Tết năm nay, chắc chắn cả gia đình anh sẽ phải đón tết trong bệnh viện.
Với quan niệm của người Việt, không có ngày nào quan trọng hơn ngày tết cổ truyền của dân tộc, nhiều BN sức khỏe khá hơn đều xin được ra viện sớm để kịp đón xuân cùng với người thân. Tuy nhiên, điều ấy lại hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe của mỗi người.
Một hộ lý lâu năm ở BVĐK tỉnh cho biết, đối với BN phải nằm điều trị tại bệnh viện, thường vào quãng ngày 28, 29 tết bệnh viện có biếu mỗi BN nằm lại một lon sữa hoặc kg đường gọi là chút quà. Một số DN trong tỉnh cũng đến trực tiếp biếu quà bánh hoặc "lì xì" tiền mặt cho BN, âu cũng là cái lộc DN muốn chia sẻ cùng với người không may trong dịp xuân về. Còn tại Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quy Hòa, theo thông lệ cứ sáng mồng một Tết, lãnh đạo bệnh viện đến chào cờ cùng với các nhân viên, BN rồi đi thăm, khám bệnh cho các BN và chúc tết họ. Trong ba ngày tết khẩu phần ăn của các BN sẽ được tăng lên, món ăn cũng sẽ nhiều hơn. Chưa kể đến quà của các tổ chức, cá nhân từ thiện đến tặng (nếu có).
Và chút lặng đầu xuân
Cận tết ở bệnh viện, thật buồn. Tôi chợt nhớ đến lời của BS Phạm Tỵ, Phó Giám đốc Phụ trách BVĐK tỉnh: "Ở bệnh viện không có mùa xuân, có chăng chỉ là trong tâm thức của mỗi người. BS lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng chăm sóc, đón tiếp bệnh nhân. Mà BN ốm đau thì…thiết gì mùa xuân nữa". Mà đâu chỉ có BN, cả người thân của BN cũng chẳng còn tâm trạng nào mà đón tết, bởi lẽ "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ". Với họ, Mùa Xuân chỉ đến khi nào người ốm bình phục, được tai qua nạn khỏi.
Riêng ở Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quy Hòa, không khí mùa xuân còn lặng lẽ hơn bao giờ hết. Các BS ở đây nói, ngày thường ở đây cũng đã vắng vẻ rồi, huống hồ đến tết. Ở bệnh viện khác, một người ốm có nhiều người chăm sóc, còn BN phong ở đây chỉ bác sĩ, hộ lý chăm sóc họ. BS Nguyễn Khánh Hòa tâm sự, phiên trực chiều 30 Tết năm nào anh cũng xuống nghĩa trang thắp hương cho các BN đã nằm lại vĩnh viễn nơi này. Ở buồng điều trị BN phản ứng phong, tôi gặp hai người phụ nữ một già, một trẻ. Họ sẽ cùng ở lại với nhau trong Tết này. Chị Đinh Thị Nang (37 tuổi) ở Đắc Lắc cho hay tháng trước chồng của chị xuống thăm, động viên chị ở lại chữa bệnh cho dứt rồi hãy về. Chị Nang bị bệnh đã lâu, tái phát nhiều lần, nay còn mắc thêm căn bệnh loãng xương.
Chiều cuối năm, lẫn tiếng sóng biển ầm ì vỗ vọng vào từ biển, và thoảng trong gió, tôi nghe được tiếng kinh cầu sang sảng từ dãy phòng BN vọng ra. BS Tâm ở Khoa Hồi sức cấp cứu nội điều trị trực tiếp nói, đó là tiếng của bệnh nhân Đặng Văn Đực, nay đã ngoài 60 tuổi. Ông ấy là BN ở đây lâu lắm rồi, bị lú lẫn nhưng lại thuộc rất nhiều kinh thánh. Ông ấy nói, nhân dịp tết đến xuân về, ông đọc kinh chúc phúc lành cho các hộ lý, bác sĩ, mọi người đang điều trị ở đây và cho cả chính ông ấy nữa vì năm mới đến rồi.
|