Tết này, còn ai gói bánh chưng?
11:24', 16/2/ 2007 (GMT+7)

Đây là câu hỏi của một người trở thành cư dân thành phố đã từ mấy chục năm nay nhưng cứ Tết đến lại xui lòng mình hoài niệm về những điều có khi thành xưa cũ, tỉ như đi rọc lá chuối về gói bánh chưng, bánh tét.

 

Nồi bánh chưng “ngoại cỡ” của ông Tin. Ảnh: N.S

 

Tết năm nào nhà ông Trước (54 Biên Cương, TP Quy Nhơn) cũng gói bánh tét. Lò nấu bánh được ông kê trên vỉa hè xéo bên kia đường, chỗ chùa Bạch Sa. Hỏi sao không mua bánh bán sẵn mà nấu cho mệt, ông giải thích: “Mua sao ngon bằng mình tự nấu. Hơn nữa, nhà tui có tới 5 đứa con nên Tết nào cũng phải gói, chỉ bánh tét thôi, để cho mỗi đứa một hai cây ăn Tết. Hai đứa trong Sài Gòn không về được thì sau tết cũng gởi vô cho chúng, coi như chút quà quê nhà vậy”.

Bắt đầu từ 28 tháng chạp, đi dọc những con phố nhỏ (không phải phố chính, nơi có nhiều cửa hàng, tiệm buôn bán lớn như Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong...), thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện một nồi nấu bánh tét thật lớn, kê ngay trên vỉa hè trước nhà. Lò nấu bánh, có khi là lò than đá nhưng cũng có khi là lò “dã chiến” kê bằng 3 cục đá chẻ. Chỉ là thỉnh thoảng thôi vì một đoạn đường chừng dài 500m thì có chừng 1-2 nhà nấu bánh. Phần nhiều những gia đình tự gói và nấu bánh tét thường là gia đình đông người hoặc cha mẹ nấu và chia cho gia đình các con của mình. Còn lại, hầu như tất cả đều mua bánh bán sẵn ngoài chợ hoặc đặt nấu.

Các dịch vụ nấu bánh chưng bánh tét Tết đã bắt đầu trước tết cả tuần. Năm nay, lò bánh nhà chị Yến (đường Đặng Trần Côn, TP Quy Nhơn) khởi động vào ngày 25 tháng chạp với 100 cây bánh tét, tiếp đó ngày 26 là 100 chiếc bánh chưng, nấu từ sáng đến tối mới vớt. Bánh tét của chị gói rất to và nặng đến 2kg/cây, bán với giá 40.000đ/cây, bánh chưng thì 20.000đ/chiếc. Nhưng có lẽ đáng “nể” nhất phải kể đến lò bánh của ông Nguyễn Tin (đường Võ Mười) với “công suất” 200 chiếc bánh chưng một lần nấu. Vì nhiều bánh như vậy nên nồi nấu bánh cũng thuộc dạng đặt biệt: một chiếc thùng nhôm hình chữ nhật dài cả mét; và lò nấu thì đặt trên vỉa hè nhưng âm dưới đất, khi nào nấu xong thì lấp vỉa hè và phả xi măng lại. Năm nay khách hàng đặt ông Tin gói đến 400 chiếc bánh chưng. Ông thật lòng: “Tôi là người Bắc nên chỉ gói bánh chưng thôi, bánh tét mình làm không bằng người miền Nam đâu”. Bánh ngon, ngoài việc chọn nguyên liệu còn quan trọng ở khâu vớt bánh. Ông Tin mô tả: “Bánh chưng vớt ra, chờ hơi nguội một chút rồi để lên bàn, đặt một tấn ván lên bánh, trên đặt thau nước để ép cho bánh ráo nước và vuông vức. Việc ép bánh cũng phải dần dần bằng cách cứ một lúc lại cho thêm nước vào thau chứ không thể đặt thau nước nặng lên bánh ngay từ đầu vì sẽ làm nát bánh”. 

Ông cháu cùng vớt bánh. Ảnh: N.S

Nhưng sao bây giờ ít người tự gói bánh chưng bánh tét thế? Thật khác với hồi trước, tết đến nhà nào cũng nấu một nồi. Cái nồi bánh chụm củi khói bay nghi ngút cay xè cả mắt, vậy mà trở thành tâm điểm của gia đình những ngày cuối năm. Cả nhà quây quần bên bếp lửa, hong tay, xuýt xoa vì lạnh, nói chuyện, chờ bánh chín. Lúc vớt bánh, thể nào cậu út trong nhà cũng nhao nhao đòi tự vớt cho bằng được chiếc bánh ú bằng nắm tay mẹ gói cho bằng nếp thừa.

Bây giờ, ít gia đình gói bánh vì, nói ít người ăn bánh chưng bánh tét cũng đúng mà nói ít người biết gói bánh - nhất là lớp trẻ - cũng đúng. Đã qua rồi cái thời Tết nhà nào cũng làm những món truyền thống: bánh in, bánh thuẫn, bánh tét, mứt gừng, mứt dừa, rất hiếm món mua ở chợ vì chẳng có nhiều tiền và cũng chẳng ai bán đủ thứ bánh kẹo, rim mứt tết như bây giờ. Và rồi khi cuộc sống trở nên gấp gáp hơn, nhất là ở thành phố, chẳng ai bỏ công cả buổi và bỏ cả ngày trời để gói và nấu bánh, thay vào đó họ mua bánh nấu sẵn, dành thời gian cho mùa làm ăn những ngày năm hết tết đến. Vậy cũng chẳng trách được.

Ở phố thì vậy, chứ còn ở quê thì vẫn còn giữ truyền thống cũ: Tết, nhà nào cũng gói và nấu bánh chưng bánh tét. Nên nếu ai đó, một chiều cuối năm, bỗng để lòng mình quay về với ngày xưa, nhớ cái hồi còn nhỏ theo mẹ ra vườn rọc lá chuối, ngồi chực cạnh cha bên cái nong đầy nếp, lá, lạt gói bánh tét, rồi ngủ gà ngủ gật nhưng quyết thức đến giờ vớt bánh..., thì dãy dong xe về quê. Chẳng cần đâu xa, qua khỏi cầu Diêu Trì, vào bên trong những xóm làng, sẽ được sống lại cái không khí một thời thuở nhỏ. 

Tết này, ở phố, có còn ai gói bánh chưng, bánh tét?

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cận Tết ở bệnh viện  (16/02/2007)
Muôn sắc mùa xuân  (14/02/2007)
Câu chuyện về người thợ đóng giày mù!  (11/02/2007)
Trở lại Hà Nhe…  (07/02/2007)
Cây trái mùa xuân  (05/02/2007)
Nhấp nháy ánh đèn  (29/01/2007)
Nghề rong mua cổ vật!   (28/01/2007)
Đi coi đám cưới  (22/01/2007)
Dưỡng nụ, đợi xuân  (17/01/2007)
Studio ảnh thời nay  (15/01/2007)
Hội ngộ của tâm huyết  (15/01/2007)
Xem bói cuối năm  (08/01/2007)
Bây giờ gạch ngói Phú Phong  (08/01/2007)
Làng hoa đợi Tết  (01/01/2007)
Chính thức loại bỏ xe lam  (29/12/2006)