Xứ sở dệt mùa xuân
15:44', 22/2/ 2007 (GMT+7)

Mai Háo Đức chuyển lên xe đưa đi tiêu thụ ngoài tỉnh. Ảnh: Nguyễn Phúc

Có lần tình cờ tôi về Háo Đức, xã Nhơn An (An Nhơn) vào một ngày tháng Sáu, giữa cái nắng hè như thiêu, như đốt mà những vườn mai vẫn xanh tốt, sum suê. Ấn tượng về Háo Đức, về dòng sông nhỏ uốn khúc nép mình dưới rặng tre xanh cho dòng nước mát lành tưới những vườn mai đã thoáng gợn trong tôi ý nghĩ phải trở về nơi này vào những ngày xuân để được ngắm mai cho thỏa thích.

Chiều hai mươi tháng Chạp, đường vào làng Háo Đức thật khó bởi những chiếc xe lớn nhỏ nối đuôi nhau kéo thành hàng dài nghìn nghịt. Xe ô tô tải trọng tấn rưỡi, năm tấn, mười tấn… biển số 77, 92, 36, 75, 52… khắp mọi nơi đổ về đây mua mai. Cả Háo Đức nô nức như vào hội.

Tôi dạo một vòng quanh làng. Mai bạt ngàn mai. Nhà nào cũng có. Mai lớn, mai nhỏ, mai đang còn nụ, mai vừa trổ bông, những lộc non mơn mởn. Những cành mai khẳng khiu dành hết tinh lực, dồn nhựa cho nụ, cho bông trổ ra mập mạp, như đàn bướm vàng chen chúc đậu kín trên cành. Những cây mai đủ kiểu dáng đẹp như thiếu nữ đang múa, mềm mại mà mạnh mẽ, cằn cỗi mà tràn đầy sức sống. Mai vàng, nắng vàng làm cho Háo Đức vàng lên rực rỡ. Theo lời ông trưởng thôn Bùi Quý Nam, Háo Đức có thâm niên trồng mai từ rất lâu, chắc phải trên hai chục năm nay. Cả thôn có 425 hộ dân thì trừ chưa đến 10 hộ thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội, còn lại đều đầu tư trồng mai. Những gia đình trồng nhiều mai là hộ của các ông Lê Văn Phú, Đặng Xuân Ngữ, Bùi Xuân Dương, Bùi Thanh Long, có hộ trồng lên đến trên ba ngàn cây. Trưởng thôn ngồi tính sơ sơ, năm làm lúa hai hay ba vụ, trừ các chi phí đầu tư, đem cây lúa ra so sánh thì cây mai đem lại thu nhập cao hơn đến gần 5 lần. Dân ở đây sống bằng nghề nông là chủ yếu, tranh thủ lúc nông nhàn họ đi làm thêm thợ hồ, chăn nuôi, giải quyết vấn đề kinh tế trước mắt để đầu tư mai lâu dài. Mai là phụ mà tính ra là chính. Nghề trồng mai của thôn tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động như đúc chậu, chẻ tre, nhổ cỏ, uốn cây tạo dáng…

Mai được trồng chủ yếu trong vườn nhà. Bên cạnh đó, nhiều gia đình xin Ủy ban nhân dân xã chuyển đổi diện tích đất trồng rau màu sang trồng mai để mở rộng quy mô canh tác.

* Nhọc nhằn nghề trồng mai

Thầy giáo Trương Ngọc Ánh, một người trồng mai ở Háo Đức nói, cây mai cũng như cây lúa, cũng cần hội đủ các yếu tố: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Trong khâu chăm sóc, nước là yếu tố hàng đầu. Sông Háo Đức, nhánh nhỏ của con sông Cái chảy dài ven thôn là lợi thế lớn của việc trồng mai nơi đây. Nước sông tưới cho mai vừa tốt lại vừa có sẵn. Mai luôn được tưới ẩm gốc nên cỏ mọc rất nhanh và tốt, phải thường xuyên nhổ cỏ cho mai phát triển. Độ hai tuần phải bón phân một lần. Mỗi mười ngày, nửa tháng đến một tháng phun thuốc trừ sâu cho mai. Mỗi năm phải thay đất. Rồi tỉa lá, uốn cây làm sao cây mai có dáng uốn lượn càng đẹp càng có giá. Đặc biệt là lặt lá cho cây ra hoa đúng dịp xuân. Việc này rất khó, phải những người thật có kinh nghiệm, kinh nghiệm về thời gian và thời tiết, chỉ cần lặt lá sớm hơn, muộn hơn, hay trời nóng lạnh thất thường là mai trổ bông không như ý.

Vì mật độ thời gian phun thuốc trừ sâu cho mai rất dày mà mai lại trồng chủ yếu trong vườn nhà nên người dân gần như sống chung với thuốc sâu. Cô Trà - vợ thầy Ánh bảo, rau mọc lẫn trong vườn mai tốt lắm mà không dám ăn vì sợ thuốc. Ông Bùi Quý Nam cho biết: “Bà con ở thôn mong sớm có chủ trương quy hoạch diện tích trồng mai tập trung lại, dùng thuốc trừ sâu sinh học để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe”.

* Mùa thu hoạch

Sau cả năm trời vất vả, dày công chăm sóc, người dân nơi đây chỉ chờ đến cuối năm, mùa thu hoạch mai. Khoảng tháng mười một âm lịch, thương lái khắp nơi đã bắt đầu về đây đặt hàng mai. Giá mai năm nay bình quân vài trăm ngàn một chậu, đó là mai “thường”. Mai “độc” phải giá triệu, một triệu, vài triệu hay hơn nữa tùy thuộc vào tuổi và dáng dấp của mai. Sang tháng Chạp, người mua mai đông dần. Và bây giờ thì người, xe tấp nập. Cả thôn rộn ràng kẻ mua, người bán, người công kênh chất mai lên xe. Tiếng động cơ xe vang rền, liên tục, từng đám bụi đường tung lên. Xe ô tô chở mai đi nơi khác bán. Họ xếp mai thành hai tầng rất khéo, lớp thứ nhất đặt dưới sàn, lớp thứ hai họ gác ván chắc chắn ngang hông thùng xe và chất lên để tận dụng mặt bằng. Xe ba gác, xe honda cũng tấp nập chở mai, những người này chủ yếu mua về chơi xuân hoặc để bán ở gần nên chọn mai rất kỹ. Năm nay mai Thủ Đức ở miền Nam trổ bông sớm, đào Nhật Tân ở miền Bắc chết úng nhiều, mai Háo Đức được dịp “giương cờ biểu ngữ”. Mai đi Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Gia Lai, Đà Nẵng, Huế…

Ông Nam tính chắc: “Người mua mai năm nay đông gấp mấy lần những năm trước đây. Hộ nhiều nhất bán được chừng vài trăm triệu, ít thì năm, ba chục, nhẩm nhẩm với số hộ của cả thôn thì “doanh thu” Háo Đức năm nay cao đáng kể”.

* Hẹn mùa xuân tới

Mai lớn bán đi, mai nhỏ, mai con lại được thế chỗ vào. Những cây mai trổ bông sớm đành nán lại với người dân Háo Đức thêm vụ nữa chờ mùa xuân sau. Người dân lại tất bật tưới mai, những ống nước phun xối xả như những chiếc vòi rồng. Mai no nước, tung tẩy cành lá hả hê. Mấy chiếc xe rùa tất bật chở đất vào chậu thay đất cũ cho mai. Tạm biệt Háo Đức khi trời vừa nhập nhoạng tranh tối tranh sáng, tránh những đoàn xe dài lê thê đậu đỗ ngổn ngang trên đường làng chờ chở mai, ngược dòng người Háo Đức khéo léo, hay lam hay làm, chịu thương chịu khó, tất bật trở về nhà sau ngày lao động vất vả. Mong Háo Đức một mùa mai mới bội thu, mong Háo Đức được một bầu không khí trong lành như những vùng quê khác. Mong mùa xuân mãi về để Háo Đức khoác cho những tấm áo mới, những tấm áo vàng rực rỡ…

  • Thái Hồ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tết này, còn ai gói bánh chưng?  (16/02/2007)
Cận Tết ở bệnh viện  (16/02/2007)
Muôn sắc mùa xuân  (14/02/2007)
Câu chuyện về người thợ đóng giày mù!  (11/02/2007)
Trở lại Hà Nhe…  (07/02/2007)
Cây trái mùa xuân  (05/02/2007)
Nhấp nháy ánh đèn  (29/01/2007)
Nghề rong mua cổ vật!   (28/01/2007)
Đi coi đám cưới  (22/01/2007)
Dưỡng nụ, đợi xuân  (17/01/2007)
Studio ảnh thời nay  (15/01/2007)
Hội ngộ của tâm huyết  (15/01/2007)
Xem bói cuối năm  (08/01/2007)
Bây giờ gạch ngói Phú Phong  (08/01/2007)
Làng hoa đợi Tết  (01/01/2007)