Săn kì đà
8:51', 26/2/ 2007 (GMT+7)

Nghe kháo rằng, vùng đảo Cù Lao Xanh - Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn có rất nhiều kì đà sinh sống. Tôi “phi” lên chuyến đò khách vượt trùng khơi dẫu đang là một ngày biển động.

 

Đường lên những vách đá săn kì đà.

 

* Kì đà là cha cắc ké

Người dân đảo bảo rằng nguyên thủy trên vùng đảo Nhơn Châu này, kì đà có rất nhiều. Hồi ấy, người đi biển thường bắt gặp kì đà trên núi xuống bu quanh ăn xác vích (rùa biển) chết trôi dạt vào bờ. Gớm ghiếc con vật ăn xác chết, vả lại cũng chẳng ai biết công dụng chữa bệnh của nó nên thấy nó là người ta tránh. Cho đến những năm gần đây, khi đã phát hiện bí mật của “cha cắc ké”, người ta đổ xô nhau đi săn lùng. Tôi nhập vào cánh thợ săn kì đà do anh Dũng cầm đầu.

12 giờ trưa, đoàn săn 5 người chúng tôi xuất phát, thẳng tiến về hướng đông nam của đảo, nơi có những vách đá thẳng đứng. Bốn chú chó: Rô-ni, Tê Giác, Vàng và Tiểu Bạch hăng hái “hộ tống” chúng tôi lên đường. Trời nắng chang chang trên đầu và dưới chân cát nóng hầm hập. Dọc đường lũ chó cứ ăng ẳng nghe khoái chí lắm nhưng khi băng qua một đoạn suối nhỏ để leo núi thì Vàng và Tiểu Bạch đã biến mất. Rô-ni và Tê Giác vẫn kiên trì tiên phong. Càng lên cao, gió càng mạnh, đá lởm chởm cùng với gai rừng xước vào mặt, vào tay... Qua một đoạn rừng, chân tôi cũng bết máu. Tê Giác không lên được vách đá dựng đứng đầu tiên gầm gừ tức giận chỉ còn Rô ni dũng mãnh xông lên phía trước.

Dũng đi trước dẫn đường. Anh dùng cái cuốc níu cả đoàn khi leo lên những vách đá nghiêng hay những lùm gai khó vượt. Cuốc cũng được dùng để phát gai rừng. Vượt qua khỏi một vách đá cheo leo nữa mới tới nơi đặt bẫy. Lúc này, quay lưng lại, tôi không tin ở mắt mình. Bên phải chúng tôi là vực biển sâu hun hút, dưới chân là những dãy núi đá lởm chởm. Chỉ một chút sơ sẩy, một chút phân tâm khi leo lên vách đá là chúng tôi sẽ bỏ mạng. Giọng Dũng trở nên nghiêm trang: “Nếu ai mệt thì có thể ngồi ở dưới này đợi tôi. Tôi lên thăm bẫy. Còn nếu quyết tâm đi cùng thì khi leo lên vách đá kia phải cẩn thận, không được buông tay dù bất cứ tình huống nào!”. Tôi hơi chùng bước nhưng sức hấp dẫn của cuộc săn quá lớn nên cũng dõng dạc: “Đi!”.

Dũng dẫn đường. Bỗng dưng có tiếng ầm ầm, đất đá thi nhau đổ xuống phía chúng tôi. Dũng hét: “Áp sát vào vách!”. Trong kinh hoàng, chúng tôi chợt thấy vùng cây cối bên tay phải chúng tôi rung động mạnh rồi từ trong ấy “vọt” ra bóng một gã kì đà khổng lồ, thân to hơn một gang tay người lớn, dài hơn một mét... lao ngang qua chúng tôi và “biến” vào lùm cây phía dưới. Dũng bảo: “Đấy là con kì đà chúa trên đảo này mà cánh thợ săn chúng tôi chưa bẫy được. Nó khôn ngoan và tinh quái lắm!... Ái chà, có mùi thúi rồi, chắc chắn kì đà đã dính bẫy!”. Chúng tôi hân hoan và thở phào nhẹ nhõm khi vượt qua được vách đá “chết”. Một mùi thúi lợm xộc vào mũi. Chàng trai tên Thành nôn thốc tháo. Từ trong hốc đá, anh Dũng tức tối hét lên: “Mất rồi!”. Chúng tôi ngoảnh nhìn. Ơ kìa, cửa bẫy mở trống hoác, trong đó, túm mồi thúi bằng thịt gà và ruột cá ngừ đã bị xé rách, đổ ra, hôi nồng nặc. Con kì đà dính bẫy đã biến mất. Nó đã bị trộm! Thì ra, hễ thấy Dũng đi đặt bẫy, một số người lén đi theo và... trộm.

 

Bẫy kì đà.

 

Tôi khom người chui vào hốc đá, nơi đặt bẫy. Trong ánh sáng xuyên qua những phiến đá phủ trên cao, tôi nhìn rõ chiếc bẫy gỗ đặt trong hốc đá. Sau khi ghìm cơn giận, anh Dũng giảng giải cho tôi nghe về chiếc bẫy kì đà “đặc biệt” do chính anh sáng tạo ra. Nó là một chiếc cũi gỗ, cao 0,5m, rộng 0,5m, dài 1,2m. Một đầu bẫy chừa một cái cửa vuông rộng khoảng 20 cm. Gần đầu bên kia có móc sắt treo mồi. Nắp bẫy làm bằng một miếng ván. Khi con mồi vào bẫy, chạm vào túm mồi lập tức cây sắt bật ra, tấm cửa sụp xuống và kì đà bị nhốt.

Hiện tại, anh Dũng có 4 cái bẫy được đặt ở các vùng núi đá trên Cù Lao Xanh - Nhơn Châu. Kì đà thường đào hang sinh sống ở những khe đá, nhất là những khe gần suối, có nước uống. Thức ăn của kì đà ở vùng đảo Nhơn Châu thường là cua, cua đá, xác chết của dông, bìm bịp... Ở đảo Nhơn Châu, kì đà thường có nhiều ở những vùng núi phía tây bắc và đông nam đảo, vì núi đá nhiều, ít người dân qua lại. Anh Dũng cho biết: “Kì đà có nhiều nhất là mùa nắng do nhiều động vật chết do bị thiếu nước”.

* “Cuộc chiến” kì đà

Anh Dũng bắt được con kì đà đầu tiên vào tháng 2-2005. Đó là một ả kì đà cái nặng chừng hai ký đã dính bẫy nhưng còn hì hục ăn mồi. Qua những bận săn kì đà, anh rút kinh nghiệm rằng, bao giờ con cái cũng dính bẫy trước, do háo mồi. Kì đà dính bẫy và nằm trong bẫy thường có trọng lượng từ 1,2 - 6 kg.

 

Gã kì đà nặng 2kg đã được anh Dũng nướng sơ.

 

Bận đi săn kì đà đáng nhớ nhất của Dũng là trận quần nhau với một con kì đà khổng lồ cách đây 5 tháng. Trưa hôm ấy, Dũng đi bắt dông ở bên dốc Tam Tạng. Đang đi, bỗng nghe tiếng sạt sạt trong bụi, Dũng liền đi theo. Khi phát hiện là kì đà, Dũng rượt theo, lùng sục trong bụi rậm. 4 con chó vây quanh đó sủa vang. Kì đà hoảng hốt chạy quẩn quanh bụi rồi mệt lử thở phì phì như bò. Dũng quơ vội cái cuốc đập hai nhát mà chẳng xi nhê gì. Hắn cứ tỉnh queo, trơ mắt nhìn. Dũng giở cuốc lên lần nữa, hắn vọt chạy qua bụi khác. Bốn chú chó chạy theo vây quanh nhưng chẳng chú nào dám xông vào vì thấy thằng kì đà nhe răng nhọn. Dũng không bỏ cuộc, cứ thế theo lùng. Đến khi nghe tiếng kì đà mệt thở khịt khịt, Dũng xông tới lấy lưỡi cuốc đè... rồi nắm lấy đuôi, gã kì đà lì lợm quay đầu lại táp. Dũng lúng túng, sợ bị cắn buông ra. Kì đà cứ thế táp lưỡi cuốc nghe bồm bộp...! Bí thế, Dũng gọi Quang từ phía dốc chạy ngược lên hỗ trợ mới bắt được. Kể chuyện xong Dũng cười hì hà, ngượng nghịu: “Thật ra, mình chuyên đặt bẫy thôi. Đấy là lần đầu tiên trực tiếp bắt kì đà. Mệt bở hơi tai. May có thằng Quang trợ giúp, chứ không làm sao bắt nổi. Thằng kì đà hôm ấy nặng gần 8kg chứ chẳng ít”.

Kì đà là động vật hoang dã, cánh thợ săn chỉ dám lén lút bắt... Bận đi săn này coi như hụt mồi, nhưng tôi cũng khá vui. Như để bù lại cho sự “thất vọng” của tôi, chập choạng tối ấy, anh Dũng đã lôi cho tôi xem kỹ một gã kì đà nặng 2kg mà anh bắt được cách đấy 4 hôm, đã được nướng sơ qua, chuẩn bị đem ngâm rượu...

  • Tường Thành
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xứ sở dệt mùa xuân  (22/02/2007)
Tết này, còn ai gói bánh chưng?  (16/02/2007)
Cận Tết ở bệnh viện  (16/02/2007)
Muôn sắc mùa xuân  (14/02/2007)
Câu chuyện về người thợ đóng giày mù!  (11/02/2007)
Trở lại Hà Nhe…  (07/02/2007)
Cây trái mùa xuân  (05/02/2007)
Nhấp nháy ánh đèn  (29/01/2007)
Nghề rong mua cổ vật!   (28/01/2007)
Đi coi đám cưới  (22/01/2007)
Dưỡng nụ, đợi xuân  (17/01/2007)
Studio ảnh thời nay  (15/01/2007)
Hội ngộ của tâm huyết  (15/01/2007)
Xem bói cuối năm  (08/01/2007)
Bây giờ gạch ngói Phú Phong  (08/01/2007)