Nhơn Lý - lao xao mùa cá, ruốc
9:6', 5/3/ 2007 (GMT+7)

Mùa biển đầu năm nay, ngư dân xã bán đảo Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn) được mùa cá cơm, ruốc, tôm hùm giống… việc thu mua, chế biến cũng theo đó mà sôi động. Nhưng đằng sau nụ cười được mùa của ngư dân vẫn còn đó nhiều trăn trở…

 

Từ khi có nghề chế biến cá cơm xuất khẩu giá trị của con cá bé nhỏ này đã tăng lên 4-5 lần so với trước. Ảnh: Danh Toại

 

* Làm cá cơm xuất khẩu

Biển được mùa! Khắp các ngõ ngách của mấy thôn Lý Chánh, Lý Lương, Lý Hưng, Lý Hòa đều rầm rập, lao xao. Nhà nhà đổ xô ra bãi biển. Bước chân của mấy chị như gấp gáp, mau lẹ hơn. Biển được mùa, ai ai cũng có công ăn việc làm, kể cả mấy cô, cậu loai choai đi mót tôm, cá trên bãi biển. Níu đòn gánh của một phụ nữ đang xăm xăm tiến về phía biển, hỏi thăm chuyện mua cá cơm, chị cất giọng - cái giọng rổn rảng rất đặc trưng của người vùng biển: “Muốn mua cá các cô phải qua từ sáng sớm, chớ bây giờ làm gì còn. Tôm, cá ở đây vô chừng lắm, lúc cá về thì cả làng tranh nhau mua, lúc thì chờ dài cổ mà chẳng có con nào… Ờ mà các cô cứ chờ ở đây, biết đâu khoảng 10-11 giờ lại có cá về nữa”.

Nghe lời chị, chúng tôi cố nán lại trên bãi biển nhưng đã không gặp may. Đi sâu vào thôn Lý Lương, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Ngọc Chấn, 45 tuổi, làm nghề chế biến cá cơm xuất khẩu. Lò của anh lúc này đang nghỉ. Anh Chấn kể: “Khoảng nửa tháng trước Tết, cá cơm nhiều vô kể, làm mệt nghỉ. Bây giờ vẫn còn nhưng chỉ có cá cơm loại lớn, không đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu…”.

Nguyên liệu chế biến cá cơm xuất khẩu phải là loại cá cơm mồm, cá cơm ruồi, cá cơm săn có độ dài tối đa là 3 phân. Các công đoạn chế biến cá cơm xuất khẩu nhìn thì đơn giản nhưng thực ra còn cực hơn “nuôi tằm ăn đứng” bởi công nghệ và phương tiện chế biến của người làm nghề còn hết sức thô sơ nên chỉ mới dừng lại ở công đoạn sơ chế. Cá cơm mua về được trải ra các vỉ lưới khung gỗ, trụng qua nước sôi rồi đem phơi nắng. Tùy theo loại cá mà tỉ lệ từ cá tươi chế biến ra cá khô thành phẩm khác nhau. Như cá cơm ruồi thì cứ 3 kg cá tươi cho 1 kg cá khô, còn cá mồm thì 1,8kg cá tươi cho ra 1 kg cá khô. Sau đó, cá thành phẩm được đóng thùng và bán cho các công ty thu mua cá xuất khẩu ở Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên) để xuất đi Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Anh Chấn cho biết: “Trong 12 ngày trước Tết, cơ sở của tôi đã chế biến 15 tấn cá cơm tươi, được 5 tấn cá thành phẩm. Nghề làm cá cơm xuất khẩu cho thu nhập tương đối khá nhưng phụ thuộc vào ngư trường và bấp bênh theo giá cả do đầu ra còn bị ép giá”. Nên cái câu “làm một ngày, ăn một tháng” mà các chủ lò cá cơm xuất khẩu nói về mình không chỉ miêu tả sự phát đạt mà còn để chỉ sự bấp bênh của nghề.

* Làm ruốc, chế biến mắm

Ngoài nghề chế biến cá cơm xuất khẩu, Nhơn Lý còn có 25 cơ sở chế biến nước mắm. Từ sau Tết đến nay, được mùa cá cơm nên nhiều chủ cơ sở chế biến nước mắm đã thu mua được kha khá để chế biến.

Bà Sáu Chi - một chủ cơ sở chế biến nước mắm ở Lý Chánh - cho hay mỗi lần bà mua vài chục kết cá cơm, cá nục (mỗi kết khoảng 12 kg cá) để muối. Mỗi năm cơ sở của bà sản xuất được chừng 1.500 lít nước mắm các loại. Kể chuyện nghề, bà Sáu Chi cho biết bà làm nước mắm hơn chục năm nay và nhờ nghề này mà gia đình bà nuôi được 5 người con ăn học.

Góp phần cho sự nhộn nhịp trên bãi biển Nhơn Lý từ đầu tháng Chạp đến nay còn là mùa ruốc, cũng đang trúng đậm. Một ngư dân thôn Lý Chánh cho biết: “Mấy ngày rày ước chừng các ghe về cỡ 7- 8 tấn ruốc/ngày, gấp 3 lần mọi năm. Chỉ trong chừng 3- 4 ngày ruốc về đỏ bãi, những người mua ruốc phơi để bán cho các đại lý cũng kiếm được 400 - 500 ngàn đồng/người”.

Đến Nhơn Lý những ngày này, trên khắp các con đường trong xã, đâu đâu cũng thấy phơi ruốc. Người ta tận dụng tất cả các khoảng trống để phơi ruốc, từ sân nhà, bãi đất trống đến lề đường, bất kỳ chỗ nào có nắng là có ruốc. Trước đây, các chủ đại lý thường thu mua ruốc rồi thuê người phơi. Tuy nhiên, do không quản lý được nhân công của mình, sản phẩm bị thất thoát nên rút kinh nghiệm, họ không mua ruốc tươi nữa mà chỉ thu mua ruốc khô. Sau khi thu mua, các đại lý đóng bao ruốc bán lại cho các công ty chuyên xuất nhập khẩu thủy sản xuất đi Đài Loan, Trung Quốc.

 

Cá cơm lớn không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, được làm mắm hoặc phơi khô bán cho các chợ trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Q.H

 

* Trăn trở với nghề

Nếu như trước đây, tất cả các loại cá cơm đánh bắt chỉ được sử dụng để làm mắm, bán cá tươi hoặc phơi khô, giá trị kinh tế thấp thì từ khi có nghề chế biến cá cơm xuất khẩu giá trị của con cá bé nhỏ này đã tăng lên 4-5 lần so với trước. Tuy nhiên, “mua dạ bán lạy”, khó khăn của người làm nghề cũng không phải là ít. Nhiều chủ lò vì tranh giành mua cá đã phá giá mua, dẫn đến giá cá thành phẩm cao. Đầu vào đã thế, đầu ra họ lại bị các công ty thu mua ép giá nên lời lãi giảm hẳn. Nhận thức được điều đó, vì sự sống còn của mình, đầu năm 2006, 11 lò chế biến cá cơm xuất khẩu ở Nhơn Lý bắt đầu liên kết lại, cùng làm cùng hưởng, mua cùng giá, bán cùng giá nên thu nhập đã tăng hơn 30-40% so với lúc mạnh ai nấy làm.

Phụ thuộc biển giã đã đành, người làm nghề cá cơm xuất khẩu còn bị động vì điều kiện làm nghề. Do phương tiện chế biến thô sơ, mặt bằng chật hẹp nên các cơ sở chế biến cũng mới chỉ thực hiện được công đoạn sơ chế, phơi khô tự nhiên. Với các chủ lò, khổ sở nhất là vào mùa mưa hay khi cá về muộn, không có nắng, hấp xong không phơi kịp nên có những mẻ cá bị thối, ngả màu vàng. Cá phơi rồi lại phải được bán ngay vì không có kho lạnh để bảo quản. Ruốc cũng vậy, phơi ngày trước, ngày sau phải xuất đi ngay nếu không muốn ruốc ngả màu và trở thành hàng chợ thay vì xuất khẩu. Lợi dụng điểm yếu này, nhiều công ty thu mua đã ép giá người sản xuất. Do đó, có những lúc không được giá hoặc thua lỗ, các lò vẫn phải đồng ý bán chứ không thể trữ hàng, chờ giá.

Nghề làm cá cơm xuất khẩu ở Nhơn Lý bắt đầu có từ năm 1987 với người làm đầu tiên là ông Nguyễn Hữu Bạn, nay đã 70 tuổi ở thôn Lý Chánh… Nhắc chuyện xưa, ông hào hứng kể: “Năm đó, Sở Thủy sản đưa về đây một số người Đài Loan để hướng dẫn, liên kết cùng ngư dân địa phương làm cá cơm xuất khẩu và hộ của tôi được chọn làm đầu tiên”. Từ đó, nghề chế biến cá cơm xuất khẩu ở Nhơn Lý được hình thành, phát triển rộ vào khoảng năm 2001 và đến nay, Nhơn Lý đã có 11 lò.

Sau khi “kết bè”, các chủ lò chế biến cá cơm xuất khẩu ở Nhơn Lý đã làm tờ trình lên UBND xã xin được giải quyết mặt bằng với 5.500 m2 đất để xây dựng lò chế biến, nhà xưởng, kho lạnh, sân phơi, đồng thời mở rộng ngành nghề chế biến hải sản. Tuy nhiên, nguyện vọng của họ đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Ông Nguyễn Hữu Bạn trăn trở: “Cả tỉnh mình mà không có được một công ty thu mua cá cơm, ruốc xuất khẩu nào hết. Vì thế, hàng ở đây phải bán cho các công ty ở Khánh Hòa, Phú Yên, chi phí xe cộ đã cao, có khi lại còn bị ép giá”.

Sản xuất, chế biến, dịch vụ sau đánh bắt ở các vùng biển là ngành, nghề truyền thống không thể thiếu và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao đời sống của người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Thế nhưng, giá trị hàng hóa của bà con hiện nay còn thấp vì sản xuất còn tự phát và manh mún, môi trường bị ô nhiễm do sản xuất thiếu tập trung, gần dân cư nhưng chưa có công nghệ giảm thiểu tác động đến môi trường. Đây không chỉ là băn khoăn của nhiều người làm nghề chế biến thủy sản mà còn cả các cán bộ lãnh đạo xã Nhơn Lý. Được biết, trước đây, xã đã quy hoạch khu tiểu thủ công nghiệp (TTCN) rộng 20 ha ở khu vực Suối Cả nhưng đang chờ thực hiện thì phải dừng lại vì tỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Nhơn Hội. Ông Văn Ngọc - Chủ tịch UBND xã - cho biết: “Việc quy hoạch một khu TTCN để phát triển công nghiệp chế biến thủy sản là yêu cầu bức xúc của Nhơn Lý nhưng hiện chúng tôi cũng chỉ biết chờ vì nằm ngoài khả năng của xã”…

Và chúng tôi đã mang theo trăn trở của ngư dân Nhơn Lý với lời nhắn gởi: “Các cô viết làm sao để cấp trên quan tâm đến nguyện vọng của chúng tôi hơn!”.

  • Hoa Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Săn kì đà  (26/02/2007)
Xứ sở dệt mùa xuân  (22/02/2007)
Tết này, còn ai gói bánh chưng?  (16/02/2007)
Cận Tết ở bệnh viện  (16/02/2007)
Muôn sắc mùa xuân  (14/02/2007)
Câu chuyện về người thợ đóng giày mù!  (11/02/2007)
Trở lại Hà Nhe…  (07/02/2007)
Cây trái mùa xuân  (05/02/2007)
Nhấp nháy ánh đèn  (29/01/2007)
Nghề rong mua cổ vật!   (28/01/2007)
Đi coi đám cưới  (22/01/2007)
Dưỡng nụ, đợi xuân  (17/01/2007)
Studio ảnh thời nay  (15/01/2007)
Hội ngộ của tâm huyết  (15/01/2007)
Xem bói cuối năm  (08/01/2007)